TP HCM: Loạn xe khách trá hình

Thứ Hai, 20/01/2014, 08:30

Hiện số lượng xe khách hoạt động ngoài bến ở TP HCM đã nhiều gấp gần 2,5 lần lượng xe của thành phố và các tỉnh, thành hoạt động trong bến. Trong khi đó, cả năm 2013 lượng khách du lịch quốc tế đến thành phố mới chỉ đạt 4,1 triệu lượt; khách nội địa và quốc tế đi qua sân bay Tân Sơn Nhất đạt trên 9 triệu lượt; khách đi tour nội địa đạt vài chục triệu lượt. Xe đông, khách du lịch ít, lâu lâu mới có một tour nên các nhà xe ồ ạt quay sang gom khách lẻ, trá hình dưới dạng xe hợp đồng hoặc xe du lịch lữ hành để chạy trên tuyến cố định, đè bẹp các nhà xe có đăng ký kinh doanh tại các bến xe khách liên tỉnh.

Xe ngoài bến đè bẹp xe trong bến

Theo Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) TP HCM, hiện thành phố chỉ còn 48 doanh nghiệp (DN) vận tải khách với 2.131 đầu xe lớn nhỏ tham gia hoạt động trên tuyến cố định tại các bến xe khách liên tỉnh. Cộng cả số lượng xe khách từ các tỉnh, thành về tham gia hoạt động tại các bến xe của thành phố cũng chỉ có khoảng 5.000 đầu xe, tương ứng với 176 ngàn ghế. Trong khi đó, lượng xe khách đăng ký hoạt động theo hình thức hợp đồng và vận chuyển khách du lịch tại thành phố lên tới 11.978 xe các loại với khả năng vận chuyển 303 nghìn chỗ.

Ngoài lượng xe thực sự vận chuyển khách đi tour của các DN du lịch và khách sạn, còn lại chiếm đa số là xe chạy tuyến cố định nhưng trá hình dưới dạng open tour và xe hợp đồng. Bởi cả năm 2013, khách quốc tế đến TP HCM mới đạt 4,1 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt vài chục triệu lượt.

Để chèo kéo khách đi xe, không phủ nhận cách nhiều nhà xe trá hình dạng này đã o bế khách bằng dịch vụ đưa đón tận nhà, phục vụ tốt trên đường đi. Nhưng số DN làm được như vậy chiếm không nhiều, chỉ có một số thương hiệu như hãng xe P.T chuyên chạy các tuyến miền Tây; xe T.B chuyên tuyến Đà Lạt hay xe H.M chuyên tuyến Vũng Tàu…

Hành khách vì cái lợi trước mắt là được đón, trả tận nhà hoặc chỉ chạy một đoạn là tới văn phòng bán vé hay điểm bến "cóc" của DN để lên xe, không phải đi thêm hàng chục kilômét để vào bến mua vé, đã nhắm mắt giao phó tính mạng cho các nhà xe trá hình; chấp nhận bỏ qua việc vào bến mua vé để được bảo vệ quyền lợi cũng như bảo hiểm tai nạn cá nhân khi xe gặp sự cố trên đường.

Thực trạng khách đồng loạt quay ra chọn xe trá hình trên đã đẩy các nhà xe trong bến vào cảnh buộc phải chấp nhận vi phạm để vớt khách lẻ và gom hàng hóa dọc đường do không đủ khách khi xuất bến. Thực trạng này đe dọa nghiêm trọng đến an toàn trong hoạt động vận tải khách chính thống trong các bến xe khách liên tỉnh của TP HCM.

Xe trong bến từ lâu phải hoạt động cầm chừng do bị xe ngoài bến lấn lướt.

Xe ngoài bến áp đảo xe trong bến đã khiến lượng khách đi xe trong bến sụt giảm nghiêm trọng. Tại bến xe miền Đông, ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc bến cho biết: Hiện mỗi ngày, Bến xe miền Đông chỉ còn khoảng 800 - 900 chuyến xe xuất bến, giảm đến 1/3 so với cách đây 3 năm. Từ năm 2010 đến 2013, xe chạy tuyến miền Bắc giảm 4.457 đầu xe và hơn 177 nghìn khách; xe chạy tuyến miền Trung giảm 4.325 đầu xe và 88,5 nghìn hành khách; xe chạy tuyến Bình Thuận, Ninh Thuận giảm 2.169 đầu xe và 24,6 nghìn hành khách… Trong số này có một lượng lớn xe bỏ bến ra ngoài hoạt động trá hình; khách bỏ bến ra ngoài đi xe cho tiện.

Một lãnh đạo khác của bến xe miền Đông cho biết thêm, nếu như dịp Tết năm 2011 ngày cao điểm có tới 57 nghìn khách xuất bến, thì qua tết năm 2012 giảm chỉ còn 48 nghìn hành khách. Ngay như với tuyến TP HCM - Đà Lạt, thời kỳ cao điểm trước đây hằng ngày có 5 - 6 nghìn khách xuất phát từ Bến xe miền Đông. Nhưng nay sau 10 giờ sáng, ở bến xe khách liên tỉnh lớn nhất cả nước này đã không còn chuyến xe lớn nào xuất phát đi Đà Lạt do không có khách.

Dịp cận tết này, vé xe thương hiệu nóng từng ngày,  đại diện hãng xe giường nằm đầu tiên là H.L chạy tuyến TP HCM đi Hải Phòng phải than rằng: Hiện chưa bán hết vé giường nằm chứ chưa nói đến vé ghế ngồi máy lạnh. Trước đây ngày thường nhà xe này chạy được 3 chuyến, nay chỉ còn 2 chuyến mà khách cũng không đầy.

Cùng chạy trên tuyến này, nhà xe Đ.Đ cũng đã phải bật khỏi Bến xe miền Đông sau nhiều năm hoạt động. Nguyên do chủ yếu là bị xe hợp đồng trá hình hiệu Ngọc Chóng đậu ngay cạnh  cao ốc Sài Gòn Pearl trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 24, quận Bình Thạnh đã gom khách ngày tới 2 chuyến. Chỉ còn 1 tháng, nhưng tại bến xe Ngã Tư Ga, tình hình bán trước vé tết của các nhà xe thương hiệu về miền Trung cũng khá yên ắng. Lý do là đã bị các nhà xe hợp đồng trá hình trên đường Hồng Lạc, Đồng Đen, Tân Thành ở khu vực Bàu Cát, quận Tân Bình hốt hết khách.

Gần tết, hành khách lại bị chặt chém với giá vé tăng gấp đôi ngày thường.

Bến vắng khách đi xe, càng khiến nhiều nhà xe có ý định bỏ bến ra ngoài mở văn phòng bán vé, đón khách ngoài bến chạy hợp đồng trá hình hoặc rút bớt xe ra khỏi bến, hoạt động kiểu chân trong chân ngoài để tồn tại. Không kiểm soát được lực lượng xe ngoài bến, nên chưa đến tết một số nhà xe đi các tuyến nóng miền Trung ở khu vực Bàu Cát đã quay ra chặt chém khách với giá vé tăng gấp đôi ngày thường.--PageBreak--

Nhiều cách, nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn… 

Xe khách trá hình không được kiểm soát, nên ngoài những DN vận tải lớn có cung cách phục vụ lịch sự; có điểm dừng nghỉ, đón trả khách cố định dọc đường đàng hoàng, những nhà xe nhỏ lẻ buộc phải cúp cua, lạng lách trên đường vừa để tránh bị xử phạt, vừa để giành giật khách. Hàng ngàn lượt xe khách lớn nhỏ ngày đêm xồng xộc chạy vào các tuyến phố ở khu vực nội thành và dừng đón trả khách bất kể địa điểm nào là mối đe dọa không nhỏ đến tình hình ùn tắc và tai nạn giao thông của TP HCM.

Trong quá trình xe chạy trên đường về các tỉnh, đến nay Tổng cục Đường bộ cũng chưa có bản đồ tốc độ lưu thông trên từng đoạn. Việc kiểm soát tốc độ của xe khách trá hình và xe hợp đồng chỉ mới dừng lại ở mức xe bao nhiêu chỗ được phép chạy tối đa bao nhiêu kilômét trên quốc lộ và trên đường cao tốc. Đã không kiểm soát được tốc độ xe khách khi chạy trên các đoạn đông dân cư và các đoạn hạn chế tốc độ; sau khi vi phạm về tốc độ đã xảy ra mới được hậu kiểm để xử phạt, tình trạng này càng làm gia tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.     

Một nhà xe trong bến bán quá giá vé Tết bị buộc phải trả lại tiền cho hành khách.

Để ngăn chặn xe hợp đồng, xe du lịch trá hình chạy tuyến cố định, theo ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở GT-VT TP HCM, ngay trong năm 2014 này, Sở GT-VT sẽ xem xét, đề xuất quy hoạch hành lang lưu thông riêng cho hoạt động vận tải khách du lịch và khách liên tỉnh. Tuy nhiên, một cán bộ trong ngành GT-VT cho rằng, cách đây vài năm TP HCM đã thực hiện cấp phù hiệu cho xe vận chuyển khách du lịch để dễ quản lý. Nhưng việc xử phạt, thu hồi với xe vi phạm được rất ít.

Lần gần đây nhất vào cuối tháng 11/2013 cũng chỉ thu hồi được 9 xe của các HTX vận tải du lịch với các lỗi không có hợp đồng vận chuyển, bán vé lẻ cho hành khách. Còn hiện tại, Sở GT-VT đã có trong tay mã số truy cập, kiểm tra dữ liệu trong hộp đen của DN vận tải. Do vậy, chỉ cần ngồi một chỗ kiểm soát xe đang ở đâu, dừng đậu mấy lần ở những vị trí nào để đón khách là sẽ có ngay câu trả lời đó là xe trong bến hay ngoài bến. Song đến nay việc kiểm soát chủ yếu vẫn được đẩy trách nhiệm sang cho lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) và Thanh tra GT-VT.

Với quân số ít, còn lo kiểm soát nhiều lĩnh vực khác, các lực lượng này không đủ để trải ra kiểm soát xử phạt xe khách trá hình. Thậm chí, theo ông Lê Hồng Việt, Phó chánh Thanh tra Sở GT-VT, khi kiểm tra trên đường dù có phát hiện xe hợp đồng trá hình, nhưng nhà xe đối phó bằng cách xuất trình hợp đồng, lệnh vận chuyển và cung cấp danh sách khách đi xe đúng tên tuổi là không thể xử phạt. Thanh tra GT-VT tuy có quyền xử phạt với hành vi không niêm yết công khai giá vé tại nơi bán vé, trong khi các DN trá hình lại không bán vé, mà giao cho khách đi xe mảnh giấy có ghi số ghế nên càng bó tay.

Vào dịp cuối năm, để tăng cường xử lý, Thanh tra GT-VT cũng chỉ còn cách phối hợp với lực lượng CSGT, trật tự và hình sự để kiểm soát việc nhà xe đón khách dọc đường và bảo đảm an ninh trật tự trên các tuyến cửa ngõ. Phối hợp với công an phường tại các tuyến nóng và phối hợp với cả lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy để kiểm tra, xử phạt tình trạng nhà xe núp trong các cây xăng để đón khách ở các tuyến cửa ngõ thành phố.

Xe khách trong bến sẽ không được chở khách xuất bến khi vi phạm một trong các điều kiện về an toàn phương tiện.

Có rất nhiều biện pháp chế tài buộc các nhà xe phải thực hiện, nhưng điều quan trọng vẫn là sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Nếu kỷ cương pháp luật được thượng tôn thì không ai có thể xé rào hay trá hình làm loạn giao thông như vậy được

Đức Thắng
.
.