TP Hồ Chí Minh: Vẫn luẩn quẩn chuyện dạy và học thêm

Thứ Ba, 08/11/2016, 14:45
UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với các quận huyện tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định Quản lý các hoạt động dạy và học thêm, nhất là đối với các cơ sở không được cấp phép và học sinh học 2 buổi một ngày... văn bản yêu cầu ngành giáo dục phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 17 của Bộ GD&ĐT, không cho phép giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình. Giáo viên vi phạm có thể bị xử lý ở mức cao nhất là buộc thôi việc.

Trước đó, trong Thông báo về công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn, Thành ủy TP HCM cho phép các trường được dạy thêm nhưng phải dựa trên sự tự nguyện của học sinh. Xem ra chuyện dạy và học thêm vẫn luôn trong vòng luẩn quẩn.

Nơm nớp lo bị bắt

Bạn tôi, chồng là giáo viên môn văn, vợ là giáo viên toán, cả hai là giáo viên “cứng” của một trung tâm giáo dục thường xuyên. Do vậy họ có đông học trò, kể cả trong lớp họ phụ trách, theo học. Bình thường khi tới nhà, bạn tiếp chúng tôi ở... quán cà phê, phòng khách được tận dụng làm nơi dạy thêm.

Mới đây tới nhà bạn chơi, thấy nhà cửa trống trải định thắc mắc, người vợ mau miệng thanh minh luôn: “Dẹp rồi, dẹp cho khỏe chứ để người ta nhìn vào kỳ lắm. Chỉ sợ một ngày nào đó có kẻ rỗi hơi “tố cáo” mình vi phạm lệnh cấm thì khổ...”. Chúng tôi nghe không khỏi chạnh lòng,  nhà bạn mấy đời làm nghề “đưa đò”.

Con gái tôi năm nay học lớp 9 tại một trường THCS thuộc quận 10, TP HCM. Cháu học bán trú, cả ngày ở trường, nên chúng tôi không ép cháu học nhiều. Có hôm cháu tan học rất sớm, 15 giờ 30 phút, quá sớm để phụ huynh có thể thu xếp thời gian đón con. Để các cháu khỏi lang thang ngoài đường, những năm trước nhà trường tổ chức các lớp bồi dưỡng văn hóa, môn học tự chọn, học phí lại thấp. Đa phần phụ huynh ủng hộ cách làm của nhà trường. Tổ chức các lớp bồi dưỡng văn hóa như vậy vừa giúp các cháu bổ sung kiến thức vừa quản lý được các cháu.

Giờ cơm của các cháu học sinh bán trú Trường Tiểu học TLR, quận 10.

Năm nay, sau khi UBND TP HCM có chỉ đạo phải chấm dứt tình trạng dạy và học thêm, nhà trường đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo trên. Thiệt thòi lại thuộc về cha mẹ và chính các em học sinh. Tan học sớm, cha mẹ chưa kịp đón, các em thất thểu ngoài đường, từ đó rất  dễ sa vào các tệ nạn xã hội.

Học thêm là nhu cầu, nguyện vọng không chỉ của học sinh, nhất là với các em cuối cấp mà còn của cha mẹ các em với mong muốn con em thi đậu vào các trường điểm, trường chuyên. Biết lực học của mình chưa đủ khả năng thi vào trường tốp trên, cháu xin được học thêm, nhưng chỉ muốn theo học thêm thầy cô bộ môn của mình.

Theo cháu, giáo viên dạy trực tiếp sẽ nắm rõ phần còn yếu của học sinh, như vậy khi học thêm việc bổ sung kiến thức sẽ hiệu quả hơn. Giáo viên trong trường không ai dám “vượt rào”. Tuy vậy chúng tôi cũng tìm được cho cháu một cô giáo nhận dạy kèm môn văn. Lớp học của cô có 12 - 13 em.

Cháu từng kể, một hôm đang trong giờ học, cửa phòng đột nhiên mở, một người lạ bước vào, nhìn trước ngó sau: “Xin lỗi tôi làm phiền”, người lạ nói rồi bỏ đi. Cô và trò nhìn nhau ngơ ngác, chẳng hiểu chuyện gì. Mãi sau cô nói: “Hết hồn tưởng thanh tra đến bắt”.

Nhiều thầy cô khác nữa cũng cùng tâm trạng. Có cô nhà ở xa, phải thuê địa điểm gần trường để dạy vì “phụ huynh năn nỉ quá”. Quả thực, có nhiều phụ huynh mải lo công việc không có thời gian kèm cặp, dạy dỗ con. Kể cả có thời gian, chưa chắc cha mẹ các em có đủ năng lực để chỉ bài cho các cháu nên đành... “tất cả nhờ cô”.

Thuận, người quen của tôi ở quận Tân Phú. Chồng làm ở quận 4, vợ làm tận Bình Dương, con trai học lớp 4 tại một trường tiểu học ở quận 10. Mấy năm nay, việc học, quản lý con, Thuận đều giao hết cho cô... chủ nhiệm. Tan giờ cô đi đâu, trò đi đấy, hôm nào cô bận, bé ở lại trường với bác bảo vệ đến 6-7 giờ tối. “Không cho học thêm cô chủ nhiệm, thằng bé nhà em biết học ai?”, Thuận hỏi.

Nhận một học trò để dạy thêm thì chẳng bõ, mà nhận nhiều để dạy lại sợ vi phạm “lệnh cấm”, sợ bị bắt, thật là khó cho các thầy cô. Vì trước đó, một cô giáo dạy Anh văn ở Trường Tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình) đã bị khiển trách và không được xét thi đua năm học 2016-2017 vì vi phạm quy định dạy thêm.

Đơn kiến nghị của cha mẹ học sinh.

Mới đây, theo phản ánh của một số phụ huynh, cô N.T.N. (giáo viên Trường Tiểu học T.H.Đ, quận 1, TP HCM ) tổ chức lớp học thêm ngay tại nhà riêng cho hơn 10 học sinh lớp 3 vào Thứ ba và Thứ năm hằng tuần. Trong số này, phần lớn là học sinh của lớp do cô N. phụ trách, hầu hết các cháu là học sinh bán trú, học 2 buổi/ngày. Ban giám hiệu cũng đã yêu cầu cô N làm bản tường trình và chấm dứt ngay lớp dạy thêm.

Dạy và học trong tâm trang “sợ bị thanh tra, bị bắt” như vậy không biết kết quả sẽ ra sao?

Đừng coi chúng tôi như tội phạm!

Vấn đề dạy và học thêm ở TP HCM hiện đang rất “nóng”, không phải vì quy định của đơn vị quản lý giáo dục mà đang “nóng” bởi những đơn thư phản ánh “tố” giáo viên dạy thêm, có cả thư nặc danh. Có phụ huynh cảm thấy khó chịu khi phải cho con đi học thêm hoặc nhìn “bà cô ấy thấy ghét” nên viết đơn tố cáo.

Trao đổi với một cô giáo trẻ về việc cô có sợ bị đồng nghiệp “tố” không? Cô giáo trẻ cười buồn bảo: “Em không sợ vì mình đâu có làm sai, chỉ sợ sự đố kị của con người”.

Quả thực, mấy ngày nay báo chí liên tiếp đưa tin cô giáo này bất chấp tất cả vẫn dạy thêm ở nhà, hay một trường tiểu học ở quận 5 buộc phải chấm dứt dạy thêm theo quy định. Hay trước đó, Sở GD&ĐT TP HCM cũng nhận được phản ánh của phụ huynh về việc một giáo viên của Trường Tiểu học Phú Thọ Hòa, quận Tân Bình, dạy thêm.

Theo đơn thư, sau khi bị phát giác, cô giáo này còn ép học sinh nói dối để tránh bị xử lý. Sở GD&ĐT đã tiếp nhận đơn thư và yêu cầu phía quận Tân Bình giải quyết.

Chúng tôi tìm tới trường tiểu học ở quận 5 mà báo chí đã nêu. Tiếp chúng tôi, thầy hiệu trưởng không thanh minh về sự việc mà báo chí phản ánh. Ông bảo chỉ muốn làm những gì tốt nhất có thể cho học sinh, cho đồng nghiệp và cho ngôi trường mà ông gắn bó nhiều năm qua, một ngôi trường có nhiều học sinh hòa nhập (trẻ mắc bệnh tự kỷ). Còn chuyện trường ông có vi phạm quy định dạy thêm, học thêm hay không thực ra rất khó nói bởi cũng có giáo viên ở lại kèm cặp các em sau giờ tan học. Sau giờ học, các cháu được rèn luyện kỹ năng, tham gia câu lạc bộ, rèn chữ viết. Với các cháu hòa nhập, các cô phải luyện tập và bổ sung kiến thức rất vất vả. Nhưng vấn đề là phụ huynh kiến nghị nhà trường giúp họ quản lý các cháu.

Chị Hạnh, phụ huynh một học sinh trong trường, khẳng định, chị và nhiều phụ huynh khác tình nguyện làm đơn kiến nghị nhờ các cô trrong trường “giữ giùm” con em họ được ở lại sau giờ học. Tuy nhiên, có người nghĩ “giữ giùm” sao lại thu tiền nên đã phản ánh lên cơ quan chức năng. Họ không nghĩ họ làm thêm vì tiền còn các cô giữ con cho họ vì... trách nhiệm.

Có thể nói việc giáo viên dạy thêm đang bị xem như là tội phạm để người này tố cáo, bôi nhọ người kia. Chưa kể, có nhiều đơn thư xuất phát từ sự ganh ghét, đố kị và tận dụng cơ hội để hạ uy tín của nhau.

Theo một lãnh đạo ngành giáo dục TP HCM, các đơn thư tố cáo giáo viên dạy thêm có phần phản cảm, không loại trừ có động cơ cá nhân. Nhưng nếu anh không vi phạm quy định thì người ta có tố thế nào cũng chẳng ai làm được gì.

Đã 25 năm trong nghề, thầy Tuấn, giáo viên dạy toán tại một trường THCS quận 10, tâm sự, được đứng trên bục giảng là niềm vinh dự của tất cả các thầy cô giáo. Như bao thầy cô khác, thầy cũng từng dạy thêm và học trò của thầy cũng rất đông, tuy nhiên chưa bao giờ thầy bắt buộc các em phải theo học lớp của thầy, hoặc có suy nghĩ “tiêu cực” trù úm học sinh, buộc các em phải học thêm.

Sau giờ học, các cháu được rèn kỹ năng, tham gia câu lạc bộ thể thao.

Tư cách nhà giáo không cho phép thầy làm điều đó. Vậy nhưng, sau quyết định cấm dạy thêm, học thêm rồi lại cho phép nếu học sinh tự nguyện của UBND TP, không chỉ riêng thầy mà hầu hết thầy cô giáo, kể cả ban giám hiệu nhà trường đều thấy lúng túng trước sự thiếu thống nhất trong các văn bản chỉ đạo. “Lệnh cấm có được thay đổi đi chăng nữa thì chúng tôi cũng đã bị tổn thương và xin đừng coi chúng tôi như tội phạm”, thầy Tuấn bức xúc.

Cần phải có lộ trình

Hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc quận 10, cho biết, trong các buổi họp hội đồng, nhà trường luôn yêu cầu giáo viên thực hiện nghiêm túc quy định trên. Với thầy hiệu trưởng một trường THCS trên đường  Cách  Mạng  Tháng Tám thì: "Dạy thêm, học thêm chẳng có gì xấu. Việc học thêm vẫn là sự tự nguyện của học sinh, tiêu cực chỉ có thể xảy ra khi một vài “con sâu” o ép học sinh, nhưng đã là chủ trương thì phải thực hiện”.

Đa số các thầy cô giáo đều chung một nhận định, việc dạy thêm và học thêm tràn lan như những năm vừa qua không thể chấp nhận được, cần phải chấn chỉnh, nhưng cũng không nên quá vội vàng khi ra quyết định cấm đoán mà cần phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh và các em học sinh. Nếu không cho dạy thêm thì các em đi học ở trung tâm, mà giáo viên tại các trung tâm cũng là giáo viên thuộc các trường trong thành phố, vô hình trung giáo viên đi làm giàu cho những ông chủ trung tâm. Cha mẹ các em lại một lần nữa mất công đưa đón... Hơn nữa, chương trình học phải khác với chương trình chính khóa, khác nào liền một lúc chúng ta có 2 chương trình dành cho học sinh.

Có người so sánh, một bác sĩ mới ra trường mức lương của họ cao hơn một giáo viên vừa tốt nghiệp (vì họ học mất nhiều thời gian hơn) nhưng khi có kinh nghiệm, bác sĩ thì được phép mở phòng mạch, còn giáo viên thì bị cấm? Với mức lương tối thiểu hiện tại, nhiều thầy cô không đủ sống, cho nên dạy thêm là nhu cầu chính đáng, nhưng tuyệt đối không được dạy thêm bằng mọi giá. Để tồn tại, con người phải mưu sinh. Mọi người muốn thấy giáo viên tan trường, về nhà người đi may vá, kẻ bán hàng... hay một giáo viên dạy thêm chân chính, theo nhu cầu của học sinh và gia đình?

Không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng dạy thêm và học thêm. “Nên cấm dạy thêm một cách tràn lan không đúng mức, như cố tình đưa chương trình học chính vào học thêm”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm. Ông cũng cho rằng, muốn giảm dạy thêm, học thêm phải có lộ trình mà quan trọng nhất là phải thay đổi nội dung chương trình sách giáo khoa...

Đức Hà
.
.