Tác động địa chính trị lên giá dầu

Thứ Tư, 12/12/2018, 14:41
Với nhiều phiên đi xuống vào cuối tháng 11, giá dầu thế giới đã ghi nhận tháng tồi tệ nhất trong hơn 10 năm qua. Chỉ tới đầu tháng 12, giá dầu mỏ thế giới bắt đầu tăng nhờ được hỗ trợ từ việc OPEC và các nước liên quan đồng ý cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng đồng ý với việc cắt giảm sản lượng để đẩy giá.

Giá dầu thô đã giảm gần 1/3 kể từ tháng 10 xuống còn khoảng 60 USD/thùng do Saudi Arabia, Nga và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tăng sản lượng để bù đắp lượng xuất khẩu thấp hơn từ Iran, nhà sản xuất lớn thứ ba của OPEC. Chính diễn tiến không thuận lợi của giá dầu đã khiến OPEC và các nước sản xuất dầu khác phải tiến hành nhóm họp để bàn thảo về vấn đề cắt giảm sản lượng.

Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khalid al Falih, phải cắt "đủ" sản lượng dầu của các nước thành viên của tổ chức này thì mới giúp ổn định giá dầu thô, giữ cho nó không lao dốc. Phát biểu với phóng viên tại thủ đô Vienna của Áo, Bộ trưởng Khalid al Falih nêu rõ OPEC đang tìm cách cắt giảm đủ sản lượng dầu để cân bằng thị trường, được phân bổ đều giữa các nước.

Khi được hỏi liệu Riyadh có nhận được sự cho phép của Tổng thống Mỹ Donald Trump để cắt giảm sản lượng, ông Falih tuyên bố nước này không cần đợi sự cho phép của bất cứ chính phủ hay nhà lãnh đạo nước ngoài nào.

Sau khi giảm nhiều phiên liên tiếp, giá “vàng đen” quay đầu tăng mạnh trong phiên giao dịch từ ngày 7-12, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, đạt được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 1-2019, nhờ đó làm dịu bớt những lo ngại về tình trạng dư cung và giúp giá dầu nhích hơn 3%.

Giá dầu thế giới đi xuống trước thềm cuộc họp G20 và OPEC do sự bất ổn xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và những dấu hiệu về sản lượng dầu thô trên toàn cầu “đầy" lên và đà lao dốc của thị trường cổ phiếu.

Ngay sau khi có thông tin từ OPEC, giá dầu châu Á tăng nhẹ vào đầu phiên giao dịch 10-12. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và nước tiêu thụ dầu lớn thứ tư thế giới, đã điều chỉnh hạ mức tăng trưởng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý III/2018 xuống còn âm 2,5%, từ con số dự kiến âm 1,2% trước đó.

Giá dầu luôn là chủ đề nóng được các phóng viên quốc tế quan tâm sát sao. Ảnh: New Haven Register.

Trong khi đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang vướng vào cuộc chiến thương mại - có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế thế giới và tác động tiêu cực tới niềm tin của các nhà đầu tư.

Nhìn một cách tổng thể, giá dầu thế giới đã được hồi phục nhờ các "liều thuốc" tích cực. Chuyên gia phân tích thị trường thuộc công ty chứng khoán Kiwoon Ahn Yea Ha cho rằng, một nguyên nhân chính khác khiến giá dầu giảm trong thời gian qua là tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khi các bên trả đũa lẫn nhau bằng việc áp thuế với hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ đối tác, thổi bùng lên lo ngại về những tác động trên phạm vi toàn cầu.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 1-12 tuyên bố đạt thỏa thuận, trong đó Mỹ sẽ ngừng tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc từ tháng 1-2019, đổi lại Trung Quốc cam kết nhập thêm hàng hóa từ Mỹ và tham gia đàm phán kéo dài 90 ngày để tháo gỡ căng thẳng thương mại song phương cũng đem lại bầu không khí tích cực hơn.

Trước đó, giới đầu tư đã lo ngại việc Qatar rút khỏi OPEC có ảnh hưởng đến hoạch định chính sách dầu mỏ toàn cầu. Chuyên gia Ann-Louise Hittle thuộc công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng toàn cầu Wood Mackenzie có trụ sở tại Edinburgh, Scotland, cho rằng: những quốc gia nhỏ hơn thuộc OPEC đã đóng vai trò tương đối bị động trong việc đưa ra quyết sách của tổ chức và "có thể Qatar cũng nhận thấy nước này không thu được gì nhiều từ vai trò thành viên".

Việc Qatar rời khỏi OPEC làm gia tăng quan ngại rằng Saudi Arabia, Nga và Mỹ, ba nhà sản xuất dầu mỏ hàng dầu thế giới, sẽ giành thêm quyền kiểm soát trong việc đưa ra quyết sách dầu mỏ toàn cầu, khi địa chính trị đã trở thành một trong những lực đẩy chính phía sau giá dầu.

Có thể thấy rõ sau mỗi quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC, chắc chắn sẽ có kẻ thở phào và cũng không ít người lo ngại, hoài nghi và tiếc nuối. Lấy ví dụ về nguy cơ quyết định này có gây tổn hại cho quan hệ giữa Riyadh và Washington hay không, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih trao đổi với báo giới rằng quốc gia này sẽ nhanh chóng khôi phục sản lượng khai thác nếu nguồn cung khan hiếm.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ không bắt ép người tiêu dùng quá mức”, đồng thời nói rằng cho dù Mỹ gần đây đã trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới song chính các doanh nghiệp năng lượng của họ “cũng phải thở phào”. Quyết định của Riyadh có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn do vụ khủng hoảng liên quan đến việc nhà báo Jamal Khashoggi hồi tháng 10 vừa qua.

Liên quan tới các động thái cắt giảm sản lượng dầu mỏ, các nhà lãnh đạo “cường quốc” dầu mỏ cũng tỏ ra rất thận trọng trong bối ảnh hiện nay. Các nước OPEC cho biết sẽ xem xét nghiêm túc quan điểm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mong có quyền muốn có giá năng lượng hợp lý và OPEC cũng sẽ xem xét nghiêm túc quan điểm của Tổng thống Mỹ  Donald Trump hy vọng OPEC sẽ giữ dòng chảy của dầu mỏ và không đưa ra quyết định đẩy giá dầu quá cao. Các nhà lãnh đạo OPEC cho rằng đây là một lời nhắc nhở đối với OPEC.

Nhìn vào một nước cụ thể để thấy rõ, sau mỗi thỏa thuận của OPEC để đưa thị trường dầu mỏ thế giới trở về thế cân bằng, những đòn, “thủ thuật” chính trị đã phải “đi” trước đó rất nhiều. Cũng có nhiều người lo ngại đặt câu hỏi, liệu tương lai của OPEC có phụ thuộc vào một nhóm nước giữ quyền chi phối xuất khẩu dầu mỏ? Ước tính, các nước OPEC sản xuất khoảng 32 triệu thùng dầu mỗi ngày, con số đủ để liên minh dầu mỏ này giữ vai trò quan trọng đáng kể trên cả khía cạnh sản lượng và “cuộc chơi” về giá dầu.

Hoa Vinh
.
.