Tác nghiệp từ điểm nóng
Phóng viên Duy Tuyến của Báo CAND cùng đồng nghiệp Kênh truyền hình ANTV phỏng vấn một nữ ký giả Hàn Quốc. |
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - CHDCND Triều Tiên lần 2 diễn ra vào tháng 2-2019 tại Hà Nội gây sự chú ý đặc biệt của đông đảo báo giới và những người quan tâm. Hàng ngàn phóng viên từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về Hà Nội, tìm tòi đủ mọi góc cạnh để phản ánh sao cho sinh động nhất về Hội nghị và các hoạt động bên lề. Trong ảnh là phóng viên Duy Tuyến của Báo CAND cùng đồng nghiệp Kênh truyền hình ANTV phỏng vấn một nữ ký giả Hàn Quốc trong những ngày sôi động đó.
Phóng viên Phong Sơn tại sân bay Vân Đồn. |
Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) vào tháng 2-2020, rất nhiều người đã mong ngóng đón chuyến bay giải cứu hơn 30 công dân Việt Nam trở về từ tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc). Phóng viên Phong Sơn (Báo CAND) đã có mặt ngay thời điểm trước khi máy bay hạ cánh để ghi lại những hình ảnh nóng hổi nhất của tinh thần cộng đồng, tương trợ lẫn nhau trong khí thế của cả nước những ngày đầu chống đại dịch COVID-19.
Phóng viên Minh Hiền đứng trước căn nhà của đối tượng Nguyễn Thanh Tuân thời điểm Tuân và đồng bọn vừa bị lực lượng Công an tiêu diệt tại chỗ. |
Từ ngày 27 đến 30-6-2018, Cục CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp Công an tỉnh Sơn La và các đơn vị liên quan triệt phá thành công 2 chuyên án truy bắt đối tượng Nguyễn Thanh Tuân (có 4 lệnh truy nã), Nguyễn Văn Thuận (có 2 lệnh truy nã), tiêu diệt Tuân, Thuận và bắt giữ 3 đồng bọn của chúng. Thu giữ 49 khẩu súng quân dụng các loại, 17 quả lựu đạn, 7.000 viên đạn, 31 hộp tiếp đạn, 29 ống giảm thanh, ống ngắm súng, 3 ống nhòm, 11 can xăng, dầu loại 20-30 lít, 18 bình gas loại 13 kg, 5 bình gas loại 34,9 kg đã được cắt đáy, ren vỏ, 1 bộ ép thủy lực... dùng để "tử thủ" với lực lượng Công an.
Sào huyệt nhóm tội phạm tại bản Lũng Xá và Tà Dê. |
Phóng viên Minh Hiền (Báo CAND) là một trong số những người có mặt tại hiện trường sớm nhất để ghi lại những câu chuyện, hình ảnh chân thật của cuộc tập kích vào sào huyệt nhóm tội phạm tại bản Lũng Xá và Tà Dê thuộc xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Phóng viên Huyền Châm tìm hiểu cuộc sống của bệnh nhân ung thư ngoại trú, đối diện Bệnh viện K Tân Triều khi đang bị phong tỏa. |
Đại dịch COVID-19 bùng phát lần 4 đã tấn công hàng loạt bệnh viện - thành trì cuối bảo vệ sức khỏe người bệnh, trong đó có 3 cơ sở của Bệnh viện K. Từ ngày 7-5, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều bị phong tỏa, dừng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Đối diện bệnh viện, dân cư thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông cũng phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội. Những con ngõ vắng lặng, hàng quán đóng cửa im ỉm nhưng sâu trong các ngõ ngách, tại các nhà trọ chật hẹp, có khoảng 600 bệnh nhân ung thư điều trị ngoại trú và người thân của họ đang kẹt lại.
Phóng viên Huyền Châm (Báo CAND) đã có mặt đúng thời điểm đó để tìm hiểu cuộc sống của bệnh nhân ung thư ngoại trú tại khu vực giãn cách thuộc ngõ 97, đường Cầu Bươu, đối diện Bệnh viện K Tân Triều đang bị phong tỏa.
Phóng viên Trần Lĩnh trong một lần tham gia tuần tra, kiểm soát, phòng chống buôn lậu. |
Phóng viên Trần Lĩnh (Báo CAND) trong một lần tham gia tuần tra, kiểm soát, phòng chống buôn lậu của 2 lực lượng Công an và Biên phòng trên tuyến biên giới thuộc địa bàn huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Nước lũ ngập cao tại các cánh đồng giáp ranh, tuyến biên giới lúc bấy giờ thành một biển nước, chỗ nào đối tượng buôn lậu cũng có thể chuyển hàng hóa, địa bàn nào cũng có thể trở thành “điểm nóng” buôn lậu...
Các nhóm buôn lậu dùng xuồng máy được nâng cấp, chạy băng đồng với tốc độ cao, né chốt kiểm tra trên bờ, đưa hàng đến điểm tập kết trên bờ nội địa. Khi bị phát hiện, rượt đuổi, các đối tượng sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng để tẩu thoát... Nguy hiểm luôn rình rập nhưng với ý chí kiên quyết đấu tranh, trấn áp tội phạm đến cùng, CBCS thuộc lực lượng phòng, chống buôn lậu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phóng viên Ngọc Thi nhiều lần xông pha đến các địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. |
Mùa mưa lũ năm 2020, nhất là trong thời gian tháng 9 và 10-2020 được đánh giá là đợt mưa lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung. Phóng viên Ngọc Thi (Báo CAND), thường trú tại tỉnh Quảng Nam nhiều lần xông pha đến các địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ ở các huyện Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My..., qua đó, kịp thời phản ánh những thông tin nóng hổi, thời sự về thiệt hại cũng như công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; tuyên truyền đậm nét vai trò của lực lượng Công an trong công tác tổ chức ứng phó, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Bức ảnh ghi lại phóng viên Ngọc Thi (giữa) trong chuyến tác nghiệp tại hộ gia đình có nhà bị mưa lũ cuốn trôi hoàn toàn tại xã Cà Dy, huyện Nam Giang.
Phóng viên Dương Sông Lam thường trú tại Quảng Bình đã kêu gọi, kết nối bà con vùng tâm lũ với các nhà hảo tâm đưa về hỗ trợ bà con gần 5 tỷ đồng, hơn 30 chiếc ca nô, thuyền nhôm và nhiều nhu yếu phẩm khác. |
Trong đợt lũ lịch sử tháng 10-2020, phóng viên Báo CAND Dương Sông Lam thường trú tại Quảng Bình đã kêu gọi, kết nối bà con vùng tâm lũ với các nhà hảo tâm đưa về hỗ trợ bà con gần 5 tỷ đồng, hơn 30 chiếc ca nô, thuyền nhôm và nhiều nhu yếu phẩm khác. Phóng viên đã trực tiếp đi thuyền chở lương thực vào vùng rốn lũ xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy; đi thuyền vượt lũ đưa mì tôm, nước uống vào cho bà con xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh... Phóng viên vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình tặng Giấy khen về thành tích hoạt động thiện nguyện giúp người dân vùng lũ.
Phóng viên Đức Mừng tại chốt phòng, chống dịch số 5, Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. |
Tháng 3-2021, thời điểm đợt dịch COVID-19 đang căng thẳng khắp khu vực và thế giới. Việt Nam lúc đó giáp ranh với nhiều quốc gia đang có dịch hoành hành nên công tác đảm bảo ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, hạn chế nguồn lây nhiễm là cực kỳ quan trọng và cấp thiết. Phóng viên Báo CAND đã tỏa đi khắp các điểm nóng để ghi nhận, nắm bắt tình hình và tinh thần phòng, chống dịch của các địa bàn, cửa khẩu trọng yếu. Trong ảnh là phóng viên Đức Mừng (bìa phải) tại chốt phòng, chống dịch số 5, Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
Ba phóng viên Phú Lữ, Đức Mừng, Việt Đông của Báo CAND sau khi tác nghiệp đưa tin trực tiếp tại phiên tòa lưu động |
Phiên tòa lưu động xét xử vụ thảm án do Nguyễn Hải Dương và đồng bọn thực hiện (sát hại 6 người trong một gia đình ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) kéo dài từ sáng sớm cho đến hơn 21h. Đã có hàng ngàn người đổ về xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành để theo dõi phiên tòa bởi vụ thảm án đã gây chấn động, bàng hoàng dư luận khi ấy.
Ba phóng viên Phú Lữ, Đức Mừng, Việt Đông của Báo CAND sau khi tác nghiệp đưa tin trực tiếp tại phiên tòa lưu động, đã ra nghỉ và ăn trưa (món mì gói và trứng) tại một quán cà phê gần nơi diễn ra phiên tòa. Ngay sau đó lại tiếp tục tác nghiệp, tường thuật chi tiết diễn biến phiên tòa, gồm cả thông tin (bài viết gần 5.000 chữ), hình ảnh và video.