“Táo Quân” nên nghỉ lấy sức… một vài năm?

Thứ Hai, 26/02/2018, 10:58
Thời gian cứ như bị đánh cắp, tối giao thừa năm nào tôi còn bế đứa cháu ê a bú sữa trên tay xem Gặp nhau cuối năm (Táo Quân) lần đầu tiên. Năm nay vẫn vậy, cháu ngồi bên cạnh lưng dài hơn chú nhỉnh cả cái đầu cùng gia đình tiếp tục thói quen quây quần trước tivi. 15 năm đằng đẵng có thể “bế bổng” một đứa trẻ bỗng trưởng thành cứng cáp và mặt khác nó lại ăn lẹm vào sức khỏe, trí tuệ, sự hài hước và sức sáng tạo của người đã có tuổi.

Tôi là một khán giả khá trung thành của chương trình “Táo Quân” nhưng 2 năm nay, tôi có phần khiên cưỡng để cố ngồi xem được hết chương trình này. Một số bạn bè tôi cũng vậy, thói quen chờ đợi “Táo Quân” đêm giao thừa đã và đang thay đổi. Có thể vì công nghệ Internet phát triển để ngày hôm sau, hoặc giả lúc ngày dài tháng rộng nghỉ Tết thư giãn thảnh thơi lên mạng ngồi xem lại bất kể lúc nào, nhàn nhã thuận tiện và tự nhủ lòng là ít nhất cũng đủ thời gian hơn để tĩnh và thấm cái “tinh thần” của những nghệ sĩ gạo cội.

Phải nói “Gặp nhau cuối năm” là một chương trình ăn khách bậc nhất, phục vụ số đông khán giả không quá khó tính như tôi hoặc vài người bạn hay phàn nàn trên Facebook chẳng hạn. 3,4 năm trở lại đây, tôi không còn thấy cái mới, cái đột phá ở Táo Quân. Những mảng miếng, những cách tung hứng, những cách ngắt câu, nhả chữ của từng diễn viên gần như đã quen thuộc nếu không muốn nói là hơi nhàm.

Có lẽ, những lời phàn nàn  trên mạng xã hội đến kín màn hình bởi vẫn còn không ít người khó tính vẫn vì quá yêu thích chương trình này nên kỳ vọng, chờ mong ngày càng cao. Khi nhận thấy những thần tượng của họ mỗi năm thêm già và nhận thấy nhiệt huyết của họ hình như đã nhiều mai một, vật vã lột xác trên một sân chơi đã quá quen thuộc, nếu không vì những ánh mắt chăm chú lên màn hình của người thân, nhiều anh chị than vãn một chút cực đoan là muốn thò tay tắt nghiến tivi.

Năm nay, theo quan điểm của một số người bạn đồng nghiệp viết báo, việc chương trình “Táo Quân” mang một vài cá nhân ra công kích khiến không ít người càng thêm thất vọng. Cao Toàn Cốt mà nhân vật Bắc Đẩu nhắc tới thì hẳn nhiên đại đa số khán giả đều biết ngoài đời thực anh ta là ai; bên cạnh đó, đôi môi bị dị ứng của Hoa hậu Đại dương cũng bị đem ra làm trò cười khá lố.

“Con đuông dừa” ám chỉ cơ thể cô người mẫu trên máy bay hay công trình nghiên cứu cải tiến chữ viết tiếng Việt của Phó giáo sư Bùi Hiền được đưa lên để châm chọc… theo tôi, đó là những bước tụt lùi của “Táo Quân”.

Nhiều người cho rằng nếu không xem “Táo Quân” đêm giao thừa thì chẳng biết xem gì. Tôi nghĩ khác. Không hài lòng với “Táo Quân”, tôi vẫn có thể tìm kiếm thú vui khác như lên facebook “chém gió” với bạn bè, vào youtube tìm kiếm những đoạn clip ngắn hơn, nhanh hơn nhưng nhiều yếu tố giải trí hơn.

Một cảnh trong chương trình “Táo quân”.

Tôi không đại diện cho đa số những người trẻ tuổi để nói về thói quen trong đêm Giao thừa của họ. Nhưng tôi tin, trong thời buổi mọi thứ đã và đang thay đổi rất nhanh thì việc một chương trình truyền hình giải trí luôn giữ bộ khung diễn viên cơ bản cỡ 7,8 người, năm nào họ cũng mặc bộ trang phục gần giống nhau, hát những bài nhạc chế có phong cách na ná như nhau thì hẳn nhiên những khán giả trung thành đến mấy rồi cũng sẽ tìm cách “chia tay” để đến với các chương trình khác. Đó là một quy luật tất yếu.

Nhưng cách nhìn nhận về “Táo Quân” của tôi có vẻ khá lạc lõng. Ngay trong gia đình lớn, bố mẹ, anh chị và thậm chí là các cháu bé lít nhít nói còn chưa sõi vẫn hào hứng nhắc đến Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng và các Táo.

Vì sao 15 năm qua, “Táo Quân” được yêu mến tới mức cuồng si đến vậy? Cũng không khó để cắt nghĩa. “Táo Quân” hình như đã thay người dân để nói lên rất nhiều vấn đề bức xúc của xã hội. Người ta xem Táo không chỉ để cười mà còn để hy vọng vào một năm mới tươi sáng hơn, xem Táo để hy vọng những trì trệ, bế tắc, bất cập của xã hội sẽ dần được thay đổi. Đó quả là thành tựu rất đặc biệt của một chương trình truyền hình thuần tuý về giải trí. Trên thế giới có lẽ cũng hiếm có một chương trình truyền hình nào thành công đến như vậy.

Nhưng có lẽ cũng vì quá nổi tiếng và có sức ảnh hưởng rất lớn, vượt ra khỏi phạm vi của một show truyền hình nên “Táo Quân” càng ngày càng gặp khó. Những cấu tứ kịch bản, những dụng ý của đạo diễn, biên tập, diễn viên đều phải nâng lên, hạ xuống rất nhiều lần trước khi đưa lên sân khấu rồi sau đó là lên sóng.

Song Hà, một nhà văn trẻ lần đầu tham gia viết một phần kịch bản cho Táo Quân năm nay đã phải thốt lên, kịch bản bị cắt quá nhiều, nhiều tới nỗi anh khó có thể nhận ra “đứa con” của mình đã viết. Không chỉ chịu sức ép từ mọi phía, Táo Quân cũng phải dành “đất” để chiều lòng những đơn vị tài trợ. Vai Táo của Tự Long năm nay đã phải ưu tiên thời lượng để quảng cáo cho một thương hiệu lớn.

Người làm truyền hình ai cũng muốn chương trình của mình thật “sạch”, không phải vướng bận chuyện tiền nong, tài trợ để tận hiến cho đam mê. Nhưng cơm áo nào đùa với khách thơ. Nếu tiếp tục phải chiều thêm một vài nhà tài trợ khác, e rằng Táo cũng sẽ không giữ được bản sắc của chính mình.

Chỉ ra những thứ khó khăn, sức ép từ nhiều phía đối với Táo quân để thấy rằng, làm một chương trình như “Gặp nhau cuối năm”, vừa để giải trí, vừa để thỏa mãn những bức xúc của khán giả, người dân trong suốt một năm ròng là điều chẳng dễ dàng. 15 năm qua, ai cũng biết những biên kịch, đạo diễn, diễn viên của chương trình này đã phải cố gắng lớn để “giữ lửa” cho Táo.

Năm nay Tự Long vẫn hát, vẫn hò, vẫn diễn tuồng chèo. Nhưng không khó để nhận thấy, Tự Long cũng đã bắt đầu mất dần sức hút trong vai diễn của anh. Công Lý vẫn giả gái. Nhưng tôi cho rằng một số khán giả đã bắt đầu thấy “ngán” với một số trường đoạn hơi lố của cô Đẩu. Bên cạnh đó là Vân Dung, Minh Vượng, Minh Hằng, Quốc Khánh… họ rất cố gắng nhưng không thoát được cái bóng cũ nhạt nhòa Táo của những năm trước là bao nhiêu.

Một diễn viên kỳ cựu khác là NSƯT Chí Trung mới đây đã tuyên bố sẽ nghỉ hưu tại “Táo Quân”. Một người làm nghệ thuật lõi đời, sành sỏi như Chí Trung sẽ đủ tinh tế để hiểu khi nào thì tiếp tục, khi nào nên dừng lại.

“Táo Quân” đã bước qua những đỉnh cao nhất. Sau đỉnh cao nếu không có sự đột phá, làm mới, phá bỏ những lối mòn cũ thì chắc chắn sẽ là sự thoái trào, xuống dốc. Chí Trung mới đây cũng đã chia sẻ như vậy. Anh cảm thấy mình không còn đủ sức để giữ mãi một vai Táo.

Lại nói về sức trẻ, cái mới, 15 năm qua “Táo Quân” không trình làng được gương mặt mới có đủ sự duyên dáng, hài hước, đủ sức lôi cuốn khán giả. Những Minh Tít, Trung Ruồi, Duy Nam... tỏ ra quá lạc lõng và bé bỏng so với giàn Táo "già rơ". Những diễn viên trẻ này dù có được tạo đất diễn nhưng họ không khoả lấp được những thiếu hụt về "chất", về duyên, về đài từ, kinh nghiệm...

Năm nay người ta đã kỳ tưởng các diễn viên phía Nam như Trấn Thành, Hồng Vân, Trường Giang… sẽ được mời tham gia show truyền hình đặc biệt này. Nhưng không, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã chọn lại những gương mặt cũ như Minh Vượng, Minh Hằng. Đây thực sự là lựa chọn hơi khó hiểu và có phần đáng tiếc cho khán giả, những người yêu Táo.

Cần phải nhắc lại, “Táo Quân” là một chương trình truyền hình thuần Việt và thành công bậc nhất của VTV. Có lẽ trong lịch sử của VTV hiếm có chương trình nào tạo dấu ấn, tạo sự chờ mong, tạo ra nhiều hy vọng và cũng nhiều tranh cãi như Táo.

Đừng trách khán giả nếu họ đòi hỏi và chê trách nhiều với một chương trình giải trí như “Táo Quân”. Đó là tình yêu, sự mong ngóng rất đáng trân trọng, khi tình yêu không được đáp lại như kỳ vọng thì khán giả kêu ca cũng là lẽ thường, những người thực hiện chương trình sẽ buộc phải lắng nghe nhiều phía để xem lại mình.

Dừng lại vài năm để đổi mới, để nghệ sĩ, diễn viên tích trữ năng lượng cũng là một gợi ý. Không ai có thể đứng mãi trên đỉnh cao, “Táo Quân” cũng vậy...

Hoàng Minh Trí
.
.