“Táo quân” 2021 có gì mới?

Thứ Ba, 26/01/2021, 14:10
Chương trình “Gặp nhau cuối năm” - “Táo quân” năm 2021 sẽ trở lại vào tối 30 Tết sau một năm tạm nghỉ. Đây gần như là một chương trình truyền hình được chờ đợi nhất trong dịp Tết.

Năm nay là một năm đầy biến động sau ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vì thế khán giả cũng đang tò mò rằng trong buổi chầu cuối năm, các “Táo Xã hội”, “Táo Y tế”, “Táo Giáo dục”, “Táo Giao thông” sẽ trình “Ngọc Hoàng” những chuyện gì. Những ngày này, tại Đài Truyền hình Việt Nam, các nghệ sĩ tham gia chương trình đang miệt mài tập vào các buổi tối với mong muốn đem lại cho khán giả một chương trình hấp dẫn...

“Táo quân” 2021 có gì đặc biệt?

Kịch bản “Táo quân” năm nay vẫn do nhiều tác giả sáng tác nhưng với sự lên ngôi và thành công của 2 format Rap Việt trên truyền hình năm qua, các “Táo” sẽ chầu “Ngọc Hoàng” bằng hình thức đọc Rap cũng là một phương án dễ được lựa chọn.

Đây là lần thứ sáu, vai diễn “Táo y tế” được nghệ sĩ Vân Dung thể hiện.  Nữ nghệ sĩ cho biết năm nay quả là một năm “bùng nổ”  của “Táo y tế”. Bên cạnh thành tích chống dịch COVID-19, “Táo y tế” sẽ phải giải trình lùm xùm trong lĩnh vực của mình là các phát hiện đội giá thiết bị y tế làm xôn xao dư luận, giới truyền thông bất bình. Trong đó, điển hình là các vụ án nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai, CDC Hà Nội...

“Táo quân” đã trở thành chương trình được khán giả chờ đợi đêm giao thừa Gần hai chục năm qua.

NSND Tự Long cho biết năm nay anh tiếp tục đảm đương vai diễn “Táo xã hội”. Anh tiết lộ, phần lên chầu của “Táo xã hội” cũng hứa hẹn đầy màu sắc và hấp dẫn. Cụ thể là giai đoạn cách ly toàn xã hội vào tháng 4, cảnh dân tình đổ xô đi mua sắm dự trữ thực phẩm. Tình trạng vượt biên, trốn cách ly, gian dối trong khai báo y tế của một số người cũng là những sự kiện để “Táo xã hội” trình “Ngọc Hoàng”. Bên cạnh đó là những gian dối trong việc phân bổ gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng cho những người bị ảnh hưởng dịch COVID-19, những sai sót trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới, Đại học Đông Đô bán bằng giả... cũng có thể được mổ xẻ trong buổi chầu của “Táo xã hội” năm nay.

Nghệ sĩ Chí Trung lại chỉ mới úp mở nhân vật sẽ hóa thân. Trên trang cá nhân, anh đăng tải hình ảnh “Táo giáo dục” kèm chú thích: “Không nhẽ năm nay mình vẫn phải nói thay ông này".

 “Táo quân” làm nên một hương vị cho đêm Giao thừa

NSND Tự Long gắn bó với chương trình từ số đầu tiên cho đến nay đã 17 năm, anh “được làm nhiều Táo nhất trong gánh Táo”. Lúc thì “Táo văn hóa”, khi là “Táo giáo dục”, hoặc “Táo xã hội”, có lần thì kết hợp cả văn hóa, giáo dục, thậm chí thể hiện “Táo thể thao”, trải nghiệm “Táo giao thông”.

Theo NSND Tự Long, năm 2020 dịch COVID-19 hoành hành nên các nghệ sĩ không có đất để dụng võ. Cuối năm khi Đài Truyền hình Việt Nam thông báo sẽ khởi động lại chương trình này, các nghệ sĩ đều rất phấn khởi. Cũng nhờ có “Táo quân” mà mọi người thêm yêu tết. Và cũng nhờ có “Táo quân” mà rất nhiều người cảm thấy rằng đây là một chương trình lưu giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống, trong đấy có cả tính thời sự.

Mỗi năm tham gia chương trình “Táo quân”, lại có một cảm giác rất khác. Cảm giác chung là sự mệt nhọc, có những đêm thức trắng và ở đấy là cả áp lực nhưng mọi người vô cùng say nghề.  Khi làm “Táo quân” thì phông kiến thức của các “Táo” không thể đơn giản hóa được, vì mỗi “Táo” lại phải có phông riêng về vai diễn mình được nhận”.

NSND Tự Long chia sẻ: “Chương trình “Táo quân” tại sao lại gắn liền với hơi thở của rất nhiều người Việt. Có bạn trẻ nói với tôi: “Cả một kí ức, cả một tuổi thơ, cả những cái tết buồn, thậm chí xe không có để đi, tiền không có để tiêu, nằm ở nhà ăn bám bố mẹ và xem “Táo quân”. Có thể trong cuộc sống có những thiệt thòi về vật chất nhưng người ta lại hướng đến đời sống tinh thần.

Nhiều người nói: “Chú ơi, “Táo quân” là cả một tuổi thơ của cháu”. Mình được trải nghiệm rất nhiều cảm xúc đối với “Táo”, đấy là một điều may mắn. Mình được nhận rất nhiều trách nhiệm nặng nề trong táo thì có một áp lực rất lớn. Bởi, ngoài việc lột tả bản chất tư lệnh ngành, còn phải làm cho khán giả sảng khoái với tiết mục mình mang lại”.

Không để “cười không tới, mà khóc không xong”

“Táo quân” giống như một tờ báo được tổng kết lại bằng lăng kính của các nghệ sĩ thì kể cả những người không đọc được, những người không nhìn được vẫn hiểu, vẫn cảm nhận được hơi thở của cuộc sống thông qua chương trình. Bởi vì ai cũng đưa những thông tin và sự hài hước của mình vào vai diễn, vậy cho nên rất cô đọng.

Vẫn là những gương mặt các nghệ sĩ thân quen tham gia “Táo quân 2021”.

Làm “Táo” có cái khổ, giống như một kênh truyền thông chính thống phải đảm bảo những yếu tố như  giáo dục, giải trí. Để cân bằng những việc ấy thì những người làm chương trình, đặc biệt các “Táo” phải có sự tiết chế nhất định để mà đảm bảo những yếu tố đó. Diễn hài rất khó, trong khi “Táo quân” đề cập tới các vấn đề thời sự của đất nước nên không đơn giản chút nào. Tuy nhiên, 17 năm qua, mọi người  vẫn dành cho “Táo quân” những tình cảm rất đặc biệt. Ai cũng mong muốn đêm 30 được xem “Táo quân” đón giao thừa một cách trọn vẹn thì đấy là hạnh phúc của những người làm chương trình.

Theo NSND Tự Long, làm một chương trình đã tồn tại 17 năm thì rất khó tránh việc khán giả phàn nàn trùng lặp. Có những năm người ta bảo nhạt, người thì bảo đậm. Có rất nhiều thông tin trái chiều nhau nhưng “làm dâu trăm họ” thì khó có thể làm vừa lòng tất cả. Khán giả xem chương trình đa ngành nghề, từ giới nhân sĩ trí thức đến người nông dân, công nhân, học sinh sinh viên, người già và trẻ nhỏ nên rất khó để làm vừa lòng tất cả, được người này, người khác lại không thích.

Nhưng, đa số mọi người vẫn rất háo hức chờ đợi, chính sự thôi thúc ấy khiến cho “Táo quân” không chỉ đặc biệt đối với khán giả mà còn rất đặc biệt với cả những người làm chương trình. 

“Năm nay dịch COVID-19 nên các nghệ sĩ hầu như không được biểu diễn, vì thế ai  cũng chờ đợi dịp cuối năm để ra những chương trình. Tập “Táo quân” rất khác những chương trình bình thường, các nghệ sĩ đến tập không phải chỉ ghép chương trình mà là chung cảm xúc để cùng sáng tạo. Thậm chí, có những người mệt mỏi thì nghỉ tại chỗ nhưng cũng chẳng ngủ được vì có khi người khác tập thì mình lại theo dõi, thấy những gì cần bổ sung thì bổ sung cho nhau. “Táo quân” là một chương trình mà các nghệ sĩ, từ nghệ sĩ trẻ tuổi đến nghệ sĩ lớn tuổi đều khát khao được tham dự.

Làm “Táo quân” cũng giống như một bữa cơm trong gia đình, ăn uống với nhau cũng phải hợp gu nhau, chứ không thể ông thích ăn cơm nấu, bà thích ăn lẩu, người thì thích phở. Làm “Táo quân” có hơi thở chung, đó là sự nhẫn nhịn lẫn nhau, sự đồng thuận, những ý tưởng cùng đưa ra và cùng sáng tạo”, NSND Tự Long chia sẻ.

Trần Mỹ Hiền
.
.