Thăm bãi đá cổ Sa Pa

Thứ Năm, 02/04/2020, 14:32
Năm 2010, cũng trong tiết mùa xuân, tôi lần đầu biết đến Bãi đá cổ Sa Pa. Mười năm rồi nhưng hễ có dịp lên Sa Pa là thế nào tôi cũng tới thăm lại bãi đá cổ chỉ bởi những ấn tượng cùng những ám ảnh cần lời giải.


Sức hút từ những thông điệp bí ẩn

Thú thực, khi chưa đến mà mới nghe nói tôi cứ thầm nghĩ Bãi đá cổ Sa Pa cũng đại loại như một vài điểm bãi đá được gọi là "bãi đá cổ" mà tôi đã biết, kiểu Ghềnh đá đĩa ở Phú Yên hay Bãi đá cổ ở Mũi Ngọc, Móng Cái hoặc xa hơn là Cánh đồng những chiếc chum đá ở Xiêng Khoảng bên nước bạn Lào. 

"Hòn lớn" trong Bãi đá cổ Sa Pa.

Đó là những địa điểm có những cấu trúc đá độc đáo đến khó tin, có niên đại hàng triệu triệu năm thế thôi. Hóa ra tôi đã nhầm, họa sĩ Tô Ngọc Thành, con trai út của danh họa Tô Ngọc Vân, người đã rủ tôi cùng đi vẽ ở Bãi đá cổ Sa Pa đã nói rất chí lý rằng "Thiên nhiên có thể tạo ra được các bãi đá kỳ vĩ nhưng những hình họa, những ký hiệu và đặc biệt là chữ viết thì chỉ có con người mới tạo ra được".

Bãi đá cổ Sa Pa phần lớn thuộc xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Một bãi đá độc đáo trước tiên bởi có hàng trăm khối đá mồ côi nằm rải rác trong thung lũng Mường Hoa. Những khối đá mồ côi có kích cỡ khác nhau, nhỏ thì như chiếc bàn học sinh và to thì bằng ngôi nhà ba gian. 

Gọi là đá mồ côi bởi những khối đã này tồn tại độc lập, khối thì nằm giữa ruộng lúa, khối thì ven chân đồi, khối thì chình ình bên dòng suối. Những khối đá có mặt trơn lì và dường như không có loại thực vật nào sống hay bám vào được. 

Qua năm tháng và qua nắng mưa nhưng những khối đá này dường như không hề biến dạng. Họa sĩ Tô Ngọc Thành từng hơn hai mươi năm gắn bó với mảnh đất Sa Pa, đã nói "Phải gọi là bãi đá với những hình họa, ký hiệu và chữ viết cổ xưa thì mới đúng". Nghe ông họa sĩ già nói vậy tôi thấy tâm đắc bởi lẽ ông bà ta đã có câu "Trăng bao nhiêu tuổi trăng già. Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non" kia mà. Gọi là "Bãi đá có hình họa, ký hiệu và chữ viết cổ" thì chắc mới chính xác.

Có một nền văn minh trước chúng ta

Còn nhớ, buổi đầu tới Bãi đá cổ Sa Pa, khi xe chúng tôi vừa dừng lại ở "cổng" vào bãi đá cổ đã thấy mấy cô mấy cậu thiếu nhi người Mông ùa tới. Những cô bé cậu bé Mông ríu rít những câu nói khiến chúng tôi không kịp nghe hết, cho tới khi họa sĩ Tô Ngọc Thành "dịch" cho thì chúng tôi mới hiểu. 

Họa tiết trên mặt đá ở Bãi đá cổ Sa Pa.

Hóa ra bọn trẻ này rất thạo địa hình, địa vật và nhớ đến từng chi tiết ở bãi đá. Nếu cần đến "hòn lớn", nếu cần tìm khối đá nào có nhiều hàng chữ viết hay nhiều ký tự lạ, kể cả hôm nay ông họa sĩ định vẽ chỗ nào thì chúng sẽ nhanh chóng dẫn đi. 

Nhìn cái cảnh níu tay tôi có cảm tưởng như bọn trẻ Mông nơi này không chỉ tường tận về Bãi đá cổ mà chúng còn rất gắn bó với nơi đây. Dường như chúng sinh ra từ bãi đá cổ và lớn lên bên những khối đá trơn lỳ kỳ thú này. Được biết Bãi đá cổ Sa Pa (cách gọi hiện nay) trải rộng hơn 8 km² với gần 200 khối đá mồ côi.

Dẫn chúng tôi đi theo lối mòn để vào bãi đá cổ là một cô bé độ tuổi dậy thì, cô gái Mông này vừa đi vừa hỏi chuyện lại không ngơi tay thêu khăn tay. Vẻ hồn nhiên của cô bé khiến tôi quan tâm đến chuyện học hành. Tôi hỏi "Sao hôm nay cháu không đi học?". Nghe hỏi vậy hai đứa nhỏ hơn đang lẽo đẽo theo sau cười phá lên: "Nó sắp lấy chồng rồi". Họa sĩ Thành nói nhỏ: "Ở đây vẫn còn tục bắt vợ. Bắt những cô tuổi tầm như cô bé này".

Đứng bên hàng rào để nhìn vào "hòn lớn", khối đá lớn nhất và có nhiều hoa văn nhất, bằng mắt thường tôi vẫn dễ dàng nhận ra những hàng chữ viết lạ mắt, những ký hiệu cùng những hình họa rất gợi ý. 

Không hiểu một trăm năm trước, nhà khoa học người Pháp gốc Nga tên là Victor Guloubev của Trường Viễn Đông Bác cổ (Hà Nội) khi phát hiện ra Bãi đá cổ Sa Pa (1925) ông đã sửng sốt như thế nào? Giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn lại hiển hiện một thung lũng bình yên với cỏ cây tốt tươi, với hoa chen hoa nở. Có lẽ vì thế mà cho chúng ta biết đến cái tên "Thung lũng Mường Hoa" và tên con "suối Hoa" êm ái? Có lẽ vì thế mà "người xưa" đã chọn những khối đá mồ côi quây tụ ở nơi này để "gửi gắm" cho người sau là chúng ta?

Quan sát kỹ hơn tôi nhận thấy những hoa văn kỳ lạ hằn in trên đá có nhiều hình dạng khác nhau nhưng khá rõ ràng, như: Hình người, con đường, chữ viết. Còn có những rãnh tròn khá giống biểu tượng mặt trời, có hình nam nữ giao phối như là biểu tượng của sự sinh sôi và rất nhiều những vạch kẻ lạ mắt. 

Những đứa trẻ Mông "hướng dẫn viên du lịch" ở Bãi đá cổ.

Tuy nhiên, cũng như nhà khoa học Victor Guloubev đã đưa ra thuyết lập luận về người cổ xưa đã xuất hiện ở nơi đây nhưng việc xác định nó xuất hiện khi nào và trải qua những bổ sung nào, giải mã ý nghĩa biểu tượng, thì chưa có kết quả thống nhất và mới chỉ dừng lại ở giả thiết.

Tìm kiếm thông tin tôi biết thêm các nhà khoa học đã tiến hành một vài khảo cứu trực tiếp ý kiến của dân cư địa phương, ví dụ như cuộc khảo cứu đối với người Mông ở bản Phố, xã Mường Hoa chẳng hạn. Qua đó, thấy nhiều ý kiến cho rằng đây là "quyển sách" lớn nhất của tổ tiên người Mông để lại. Một số nhà khoa học khác thì giả thiết đó là hình bản đồ cổ của người Mông hoặc gần như là cuốn sách cổ giới thiệu về những trận đánh ngày xưa.

Giả thiết vừa đưa ra theo tôi không thuyết phục. Thứ nhất là người Mông từ phương bắc du nhập xuống định cư ở vùng đất này chỉ gần ba trăm năm. Và thứ hai là căn cứ vào các hình họa, ký hiệu và chữ viết trên các khối đá thì thấy có nét hao hao giống như các hình họa, ký hiệu và chữ viết của người Ai Cập cổ đại (bằng chứng là ở các Kim tự tháp). 

Do đó, việc người Mông "nhận là do tổ tiên của họ để lại là thiếu căn cứ thực tiễn. Có thể từ hàng triệu năm trước nơi đây đã từng tồn tại một xã hội loài người có nền văn minh phát triển? Xã hội này cũng có thể tồn tại đồng thời với xã hội của nền văn minh Ai Cập cổ đại?

Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền trong cuốn sách "Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ" đã viết "Ngay từ trước Công nguyên, người Việt đã có chữ tượng thanh, điều này được thể hiện trên các di chỉ khảo cổ đồ gốm, đồ đồng của thời kỳ Đông Sơn. 

Tác giả cùng họa sĩ Tô Ngọc Thành và nhóm phóng viên trước Bãi đá cổ Sa Pa.

Chắc dựa vào đó mà còn có giả thiết cho rằng những hình ảnh có trên bãi đá cổ Sa Pa là một cuốn cẩm nang khổng lồ để truyền lại những kiến thức quan trọng cho những thế hệ sau? Dù những hình vẽ được mô tả còn thô sơ nhưng vẫn thể hiện được phần nào những quan điểm về tín ngưỡng, sinh sản, hoạt động hàng ngày của người Việt cổ xưa?

Nhận định này theo tôi cũng không thuyết phục bởi lẽ vùng đất Sa Pa hiện nay không thuộc phần "lãnh thổ" của người Việt cổ. Nghĩa là nếu cho rằng người Việt cổ đã đến đây và để lại những gì chúng ta thấy là hoàn toàn không thể xảy ra.

Tôi muốn nói điều đó để "khẳng định" một lần nữa về "Nơi đây hàng triệu năm trước đã có một xã hội văn minh phát triển" và những hình họa, ký hiệu và chữ viết trên bề mặt các khối đá ở bãi đá cổ này là những "thông điệp" gửi xã hội sau" của họ.  

Đôi điều suy nghĩ

Một buổi rồi nhiều buổi được lội bộ dọc ngang bãi đá cổ Sa Pa là những lần thêm những trăn trở. Một bãi đã cổ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng. Một bãi đá cổ là địa điểm du lịch của thị xã du lịch Sa Pa đã được "quy hoạch", được xây lắp các hàng rào bảo vệ nhưng vẫn thấy chỗ này chỗ khác những dấu tích xâm hại của con người. 

Thời gian và nắng mưa đã làm phai mờ nhiều hình họa, ký tự và chữ viết được khắc trên những khối đá nhưng vẫn không "tệ hại" bởi những bàn tay thiếu ý thức của ai đó. Có những khối đã bị vẽ sơn phun với những hình thù và dòng chữ không thiện cảm. Có những hàng chữ bị đục phá. Có nhiều du khách đến tham quan bãi đá cổ Sa Pa trèo lên khối đá để chụp ảnh, để chạy nhảy. Tác động thiếu "lịch sự" với di tích thực sự làm chúng ta phiền lòng.

Cần bảo vệ Bãi đá cổ Sa Pa như mong muốn nhắn nhủ của người cổ đại.

Nguyễn Trọng Văn
.
.