Thêm một loại thuốc chống loãng xương có vấn đề

Thứ Năm, 27/10/2011, 08:25

Làm sao một loại thuốc chống loãng xương với tác dụng phụ đáng lo ngại lại có thể có mặt trên thị trường trong suốt 7 năm?

Năm nay không có gian hàng, không có tờ rơi quảng cáo thuốc. Trong đám đông các bác sĩ khoa thấp khớp hội tụ tại San Diego, những người của Hãng Servier cố thu nhỏ mình lại. Hội nghị diễn ra từ ngày 16 đến 20/9 vừa qua bàn về những độc tính của loại thuốc trị loãng xương Protelos. Người ta thấy rõ sự khó chịu của các bác sĩ Pháp khi bàn về một loại thuốc mà nhiều người đã từng kê toa, và một số người khác được ca tụng trong các hội nghị trước đây.

Các đặc phái viên của Hãng Servier tỏ ra bực bội vào ngày thứ hai của hội nghị. 6 loại thuốc của hãng, trong đó có Vastarel được cho là có tác dụng chặn đứng chóng mặt và đau tức ngực, đang bị kiểm soát chặt chẽ và một số có thể bị đưa vào danh sách thuốc cấm.

Người ta bàn tán về thuốc Mediator đã làm hoen ố hình ảnh của hãng. Đã có từ 500 đến 2.000 người chết, một chiến lược che giấu tác dụng phụ bị phát giác, cả một dây chuyền sản xuất thuốc bẩn thỉu, một sự tổn thương tập thể có thể ví với scandal máu bị nhiễm HIV. Và giờ đây mọi dược phẩm của hãng đều bị nghi ngờ, mà trước tiên là Protelos.

Câu chuyện bắt đầu từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước. Trong một thế giới không muốn già, viên thuốc làm chắc xương tỏ ra đầy hứa hẹn. Những nhân viên tiếp thị vô cùng bận rộn, các bác sĩ học thuộc từng lời quảng cáo để lăng-xê "loại thuốc cách mạng".

Một tờ rơi nói về tác dụng của thuốc Protelos.

Chống loãng xương, một "nạn dịch âm thầm": người ta đã bán thuốc Protelos bằng cách thổi phồng tỉ lệ phụ nữ khỏi bệnh, dù phải cường điệu xem chứng mãn kinh như là một căn bệnh. Một số bác sĩ chỉ khuyên nên tập thể dục, uống vitamin C và phơi nắng. Các phòng thí nghiệm thường quen đưa ra những hình ảnh gây lo lắng để chinh phục thị trường vô hạn của sự phòng ngừa (cũng như mới đây đối với loại vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung). 

Các nhà kinh doanh vẫn chưa hiểu cơ chế hoạt động của loại thuốc "sửa chữa và tạo ra xương mới" đó. Nhưng quan trọng gì, chỉ cần nhắc rằng "cách hoạt động" của các sản phẩm Servier là "độc đáo".

Bác sĩ chuyên về thấp khớp Francis Herbière lại muốn tìm hiểu. "Lạ thật, nó hoạt động như thế nào?" - ông hỏi trình dược viên của hãng. Ông biết rằng muối strontium cố định một phần vào xương, nhưng liệu nó có nhiễm vào não không? Nhưng nhân viên đại diện khu vực của hãng trả lời là "chẳng có nguy cơ gì". Và để chứng minh, anh này đưa ra những kết luận nghiên cứu của các nhân vật có tiếng tăm.

Như mọi hãng dược khác, Servier nhắm đến các "ý kiến chủ đạo", tức các nhà nghiên cứu ở bệnh viện vốn có tiếng nói rất mạnh trong các hội nghị. Ngoài lợi ích về trí tuệ, khi cộng tác với các hãng dược, những nhân vật này có được bổng lộc cho họ và cho phòng thí nghiệm của họ. Có cả những bữa tiệc và các chuyến du lịch đến Miami do tiền của hãng.

"Tất cả tiền tài trợ được dùng để trả lương nhân viên, cấp học bổng và mua trang thiết bị… Nếu không có các hãng công nghiệp, việc nghiên cứu công sẽ không hoạt động được. Nếu các nghiên cứu không thuyết phục thì tôi đã nói. Nhưng chúng cho thấy hiệu quả của chất ranélate de strontium đối với các phụ nữ mãn kinh bị loãng xương nghiêm trọng" - nhà nghiên cứu Christian Roux giải thích. Chính vì thế nên giấy phép cho thương mại hóa thuốc Protelos đã được Cơ quan Dược phẩm châu Âu cấp vào năm 2004.

Năm 2006, thuốc Protelos đến Pháp với giải thưởng Galien. Một năm sau, vị giám đốc Ban liệu pháp của Servier than thở: "Cơ quan An toàn các sản phẩm y tế Pháp (Afssaps) vừa ghi nhận 27 trường hợp "Dress syndrome", tức một sự nhạy cảm với thuốc làm tổn hại mặt và cơ thể, đôi khi da cũng tróc từng mảng, và cả sự tổn hại gan hay thận có thể dẫn đến tử vong (đã có 3 người chết). Đó là chưa kể đến nhiều ca nghẽn mạch phổi".

Các hãng dược đối thủ từng quảng cáo những loại thuốc chống loãng xương (biphosphonate) và bị cáo buộc là gây ra hoại tử xương hàm lại châm biếm: "Ít ra chúng tôi chưa giết chết ai cả".

Vai trò chính yếu của việc điều trị loãng xương là tránh gãy xương, và đặc biệt nghiêm trọng nhất là gãy cổ xương đùi (xương háng), có thể khiến bệnh nhân bị tật nguyền và giảm thọ 11 năm. Nhưng theo giới chức y tế Anh, thuốc Protelos hiệu quả đối với các đốt xương sống nhưng lại chẳng ích lợi gì đối với xương háng.

Ngày 29/9 vừa qua, Ủy ban Cấp phép kinh doanh của Pháp đã quyết định vẫn cho thuốc Protelos được bày bán trong các hiệu thuốc. Thuốc này đã được cấp phép lưu hành tại châu Âu từ tháng 9/2004 và được an sinh xã hội trợ giá 65%. Vì thế, Pháp không có quyền quyết định chung cuộc về việc rút thuốc khỏi thị trường. Tuy nhiên, giới chức y tế vẫn còn nhiều phương cách để "giết chết" một loại thuốc, hoặc ngưng trợ giá hoặc kiểm soát chặt chẽ việc kê toa. Với Protelos họ đã pha trộn cả hai.

Vào giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Y tế Pháp quyết định xiết chặt các điều kiện trợ giá. Từ nay nó chỉ được trợ giá cho các đối tượng "không có yếu tố nguy cơ nghẽn mạch do cục máu". Và vì đa số phụ nữ lớn tuổi đều có nguy cơ này nên phần lớn các bệnh nhân sử dụng thuốc Protelos sẽ không được trợ giá. Từ đó bác sĩ sẽ ít kê toa hơn. Ngoài ra, giới chức y tế còn đề nghị hạ tỉ lệ trợ giá xuống, có thể là 35%. Kết quả là tuy thuốc vẫn có mặt trên thị trường nhưng sẽ được bán ra rất ít

Minh Luân (tổng hợp)
.
.