Thị trường sách cho thiếu nhi: Khởi sắc, nhưng chưa mới

Thứ Tư, 05/06/2019, 12:48
Xưa nay, nói về vai trò của việc đọc sách, có rất nhiều câu nói đã trở thành bất hủ. Alphonse Daudet, một nhà văn Pháp đã nói: "Sách là người bạn tốt nhất. Gặp khó khăn gì trong cuộc sống ta cũng có thể nhờ cậy sách. Sách không bao giờ phản bội".

Lê Quý Đôn cũng khẳng định: "Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Chẳng bằng kinh sử một vài pho".

Ngạn ngữ Việt Nam thì khẳng định: "Để vàng, để bạc không bằng để sách cho con"... Sách và văn hóa đọc từ xa xưa đã trở thành một vấn đề cốt lõi của nhân loại. Tuy nhiên, văn hóa đọc ngày nay, nhất là dòng sách cho thiếu nhi và sự khơi gợi về niềm yêu thích văn hóa đọc đang có nhiều vấn đề trái ngược. Nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, chúng tôi tìm hiểu một số vấn đề về sách cho thiếu nhi.

Tín hiệu vui từ những hiệu sách đông khách

Dịp lễ 1-6, ngày Quốc tế thiếu nhi diễn ra và thời điểm các em học sinh đã nghỉ hè. Nên dạo qua một số thị trường sách, các nhà sách dành cho thiếu niên, nhi đồng, có thể thấy một thực tế là ngày càng có nhiều bố mẹ lựa chọn những món quà liên quan đến sách để làm quà tặng nhân các dịp lễ lạt, sinh nhật, hay tổng kết năm học...

Điều này đưa ra một tín hiệu khả quan là văn hóa đọc, đặc biệt là dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng đã và đang có dấu hiệu đi lên.

Nhiều phần thưởng bằng sách dành cho thiếu nhi.

Thực tế cho thấy, hiện nay, để kích cầu mua sắm, các nhà xuất bản, các nhà sách liên kết đã sáng tạo ra những mẫu mã đẹp. Có hàng trăm đầu sách với các kiểu dáng mới lạ, đẹp mắt, mới nhìn thấy, cầm lên đã cảm thấy hấp dẫn, nên có thể thấy, hầu như bất kỳ bố mẹ nào dẫn con đi hiệu sách cũng tìm mua được cho con em mình ít nhất là một vài cuốn sách ưng ý.

Khi được hỏi về thói quen mua sách cho con, một phụ huynh đã chia sẻ rằng, đã từ lâu chị tạo được thói quen đi hiệu sách mua sách và đọc sách cho con.

Thậm chí làm được việc tốt, học tốt, phần thưởng cũng là sách. Chị vui mừng vì con của mình đã coi sách là bạn, chứ không phải là điện thoại thông minh hay internet như rất nhiều đứa trẻ hiện nay đang mắc phải. Theo chị, để tạo được thói quen này không chỉ là ngày một ngày hai mà phải có cả một quá trình đồng hành cùng con để đọc sách và tạo thói quen yêu sách.

Có lẽ, đây thực sự là một tín hiệu vui với ngành xuất bản Việt Nam, đặc biệt là với những mảng sách dành cho thiếu niên, nhi đồng. Theo thống kê thì độ tuổi từ 0-15 tuổi ở Việt Nam đang chiếm khoảng 22% tổng dân số, có thể thấy thị trường sách dành cho lứa tuổi này còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Để đọc sách trở thành một hoạt động thường xuyên, một thói quen hằng ngày của các em nhỏ thì cần không chỉ sự nỗ lực của các đơn vị xuất bản (đem đến nhiều đầu sách hay, sách tốt), mà còn sự nỗ lực của gia đình, nhà trường...

Chị Vũ Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng -  một nhà xuất bản được sinh ra chỉ để làm sách cho thiếu niên, nhi đồng - chia sẻ: “Năm 2019 là năm thứ 5 thực hiện Ngày sách Việt Nam 21/4 và vào dịp này, nhà xuất bản đã nhận được rất nhiều lời mời đồng hành trong hoạt động giới thiệu sách tại các trường học trên nhiều tỉnh thành.

Ngoài ra, nhà xuất bản còn tổ chức các chương trình “Đọc xuyên mùa hè” gồm rất nhiều hoạt động giới thiệu, ra mắt sách, giao lưu đọc sách và giảm giá để phụ huynh có thể mua nhiều sách hơn cho các em vào dịp này. Hình thành thói quen và yêu thích đọc sách nên bắt đầu càng sớm càng tốt và lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng là lứa tuổi lí tưởng để xây dựng thói quen này. Càng lớn chúng ta càng có nhiều các mối bận tâm khác mà thời gian dành cho sách sẽ ít đi. Nếu không có thói quen đọc sách từ nhỏ, e là sau này, các em sẽ rất ngại khi cầm một cuốn sách lên”.

Theo chị Liên, một cuốn sách hấp dẫn thì ngoài nội dung, hình thức  rất quan trọng. Từ cách đây hơn 60 năm, sách của Kim Đồng đã được rất nhiều hoạ sĩ của Trường Mỹ thuật Đông Dương, Mỹ thuật Sài Gòn minh hoạ.

Các hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận, Mai Văn Hiến, Nguyễn Sáng, Phan Kế An, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm... đã tham gia vẽ và trình bày những cuốn sách đầu tiên của NXB Kim Đồng từ những ngày đầu.

Một buổi giao lưu của các em nhỏ và tác giả.

Trải qua hơn 60 năm, sự tham gia của nhiều thế hệ hoạ sĩ đã góp phần tạo dựng nên diện mạo sách Kim Đồng. Đặc thù sách dành cho các em thiếu nhi là phải phát huy được cả hai yếu tố đọc và xem (tranh) và rõ ràng, cái gì đẹp, bắt mắt cũng sẽ dễ thu hút hơn.

Chị Phùng Ngọc Linh, Biên tập viên của Nhà sách Alpha Books, một đơn vị đang chú trọng làm sách cho thiếu niên và tuổi mới lớn cũng khẳng định, hiện nay, với sự hội nhập quốc tế, cùng sự phát triển mạnh mẽ của Internet, thì việc nhiều nhà xuất bản như Kim Đồng, Phụ nữ hay các công ty sách tư nhân như Alpha Books, Đông A đã có hẳn phòng R&D chuyên nghiên cứu về sản phẩm thị trường từ đó bắt kịp xu thế của thế giới, cũng như giúp hiểu được nhu cầu của độc giả nhí để tạo nên những sản phẩm tốt hơn.

Đơn cử như trên thị trường có những cuốn sách với khổ sách lớn cỡ tạp chí, hình ảnh thiết kế theo dạng 3D hay pop-up, mở mỗi trang sách ra như thể được bước vào một thế giới mới lạ, khiến bọn trẻ với trí tò mò vô biên muốn khám ngay lập tức.

Hiện nay, các nhà xuất bản cũng như các công ty sách tư nhân đã rất nỗ lực để đẩy mạnh việc tìm kiếm các tác giả có đam mê với văn học thiếu nhi, thông qua các dự án với các tổ chức nước ngoài, như Nhà xuất bản Kim Đồng với Dự án sáng tác văn học dưới sự hỗ trợ của Hội nhà văn Đan Mạch, hay tổ chức "Room To Read" cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác cho trẻ em, thu hút rất nhiều các tác giả chuyên và không chuyên tham gia.

Nhờ đó, dòng sách văn học thiếu nhi Việt đã có nhiều đột phá về cả chất lẫn lượng. Ngoài ra, các nhà xuất bản còn hỗ trợ và giúp đỡ các tác giả chính là các em thiếu nhi, để có thể tạo ra được một thế hệ tác giả tương lai cho nền văn học.

Chưa nhiều tác giả mới

Hiện nay văn hóa đọc, đặc biệt là văn hóa đọc dành cho các em thiếu nhi, đang có nhiều khởi sắc, các hiệu sách, thư viện, các câu lạc bộ đọc sách cùng con... mở ra ngày càng nhiều, song có thể thấy, hiện nay không nhiều tên tuổi tác giả mới được coi là "nổi đình nổi đám" viết sách cho thiếu nhi.

Những ngày hội sách thu hút không ít độc giả trẻ.

Ngoài những cuốn sách quen thuộc được tái bản nhiều lần như "Dế mèn phiêu lưu ký", "Đất rừng phương Nam", "Góc sân và khoảng trời" hay bộ sách đồ sộ Kính Vạn Hoa, bộ sách của Nguyễn Nhật Ánh hay các tập truyện tranh Doremon thì lực lượng các tác giả viết cho thiếu nhi đang ngày một ít hơn. Cũng có một thực tế là các độc giả nhỏ tuổi ngày nay có nhiều lựa chọn hơn giữa các đề tài sách (văn học, kiến thức; sách sáng tác trong nước, sách mua bản quyền nước ngoài...).

Nhà văn Lê Phương Liên, Phó trưởng ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn, người viết nhiều cho thiếu nhi đã chia sẻ: “Thời chúng tôi, viết là một lẽ sống, viết cho thiếu nhi thì điều đó lại càng mở ra những chân trời mộng ước cho thế hệ tương lai. Thời ấy không có mạng Internet, không có nhiều trò giải trí như hiện nay, nên trẻ con chỉ biết tìm đến sách. Theo tôi, đôi khi chúng ta cũng có tâm lý sốt ruột khi một số tác giả trẻ nổi danh hiện nay khi viết cho thiếu nhi chưa thực sự được các em hâm mộ tìm đọc mà vẫn quay về với "Dế mèn phiêu lưu ký".

Mặt khác, chúng ta phải thấy khách quan là cách viết cũng như cách tư duy và vốn kiến thức văn hóa của đa số người viết Việt Nam hiện nay còn chưa thỏa được nhu cầu của người đọc được tiếp xúc với các kiệt tác văn học thiếu nhi thế giới". Chị Mỹ Chân - một người mẹ và là một độc giả, chia sẻ: Cái khó nhất khi chị đi hiệu sách là tìm cho con một cuốn sách mới của một tác giả mới viết cho thiếu nhi.

Theo chị, người viết cho thiếu nhi phải là người biến đầu óc mình thành đầu óc thiếu nhi, chứ nếu như mình viết cho thiếu nhi mà vẫn mang tư duy của người lớn thì trẻ con sẽ không đọc được.

Hơn nữa, các tác giả viết cho thiếu nhi thường nghĩ nhiều đến tính giáo dục, tính nọ tính kia, nhưng đôi khi thiếu nhi không tiếp nhận được nhiều những thứ mà chúng ta cứ áp đặt vào đó. Con của chị, cháu 4 tuổi, khi được đọc cho nghe một cuốn sách chỉ thích nhất một chi tiết nào đó thôi, chẳng hạn, cả quyển sách con chỉ thích đọc đến chi tiết ôtô màu đỏ, lên dốc và rơi xuống đất. Chi tiết này không có tính giáo dục nhưng cậu ấy thích kinh khủng, thích được đã là một điều tốt rồi.

Để cho trẻ con thích, sau đó dần dần lớn lên sẽ tìm được cái quy chuẩn. Giáo dục cho con yêu sách phải tìm kiếm những cái con thích đã. Trẻ con nhiều khi thích những cái bình thường, thậm chí là vớ vẩn trong mắt người lớn. Khi viết cho trẻ em thì nhà văn phải quên đi cái đầu của một người lớn và đôi khi phải tư duy và viết về những thứ tưởng chừng vớ vẩn ấy theo cách của một đứa trẻ.

Một điều quan trọng nữa, theo chị Linh, muốn cho thiếu nhi đọc sách thì bố mẹ phải đọc trước, bố mẹ không đọc thì làm sao con đọc? Để kích thích văn hóa đọc của con không phải là chỉ tay bảo, con ngồi đọc sách đi, mà muốn con đọc thì phải có không gian sách vở, bố mẹ phải đọc. Đọc với một sự yêu thích, kiên nhẫn, tu luyện tinh thần đằng sau sự bộn bề công việc ít nhất một ngày 20 phút. Với việc đọc hằng ngày, năng lượng chảy vào đứa trẻ và dần dần nó sẽ yêu sách và đọc sách.

Chị Phùng Ngọc Linh, cũng chia sẻ, để tạo được thói quen đọc sách, các bậc cha mẹ cần đưa các bạn nhỏ đi thư viện, nhà sách, hay tham gia một câu lạc bộ đọc sách nào đó luôn là lựa chọn hàng đầu để trẻ tiếp cận với việc đọc sách nhanh và tốt nhất.

Nhưng cũng có một cách rất thú vị mà tôi từng được một số bà mẹ chia sẻ, đó là “rải” sách khắp nhà. Để sách ở nhiều chỗ, từ bếp tới phòng khách, phòng ngủ, đầu tiên nhằm thu hút trẻ thụ động tiếp cận với sách vì nhìn đâu cũng thấy, rồi từ đó chúng sẽ tự động cầm sách lên và đọc mỗi khi rảnh rỗi, và dần dần từ thụ động chuyển thành chủ động đọc sách...

Huy Tuấn
.
.