Thiên tai tác động lên nền kinh tế Nhật và thế giới ra sao?

Thứ Năm, 07/04/2011, 09:20

Phần lớn các chuyên gia cho rằng, đợt động đất - sóng thần khủng khiếp vừa xảy ra tại Nhật Bản có thể ảnh hưởng đáng kể lên toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế thế giới nhưng chỉ trong một thời gian ngắn chứ không thể dẫn tới một thảm họa nữa về kinh tế theo như nhiều ý kiến đánh giá bi quan.

Mới đây, Barclays Capital đã đánh giá những thiệt hại từ thảm họa thiên nhiên vừa qua tại Nhật tương đương 15 ngàn tỉ yên, tức là vào khoảng 3% GDP của Nhật Bản. Từ trước tới nay, Nhật luôn là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về về khối lượng sản xuất công nghiệp. Tại đây có hàng loạt nhà máy sản xuất những linh kiện cho ngành sản xuất ôtô, điện tử cũng như nhiều lĩnh vực khác trên thế giới. Việc một loạt các nhà máy trên phải ngừng sản xuất vì thiên tai chắc chắn sẽ gây ra sự thiếu hụt linh kiện, nguyên liệu sản xuất trong tất cả các lĩnh vực: từ vi mạch, màn hình tinh thể lỏng cho tới thép để đóng tàu. Hãy cùng điểm qua những tác động chính trong một số lĩnh vực của nền kinh tế.

Ngân hàng: Dập tắt khủng hoảng bằng tiền

Trong những ngày đầu tiên sau thảm họa, chỉ số Nikkei đã tụt dốc gần 17% chỉ trong hai ngày, một mức độ sụt giảm kỷ lục kể từ năm 1987. Tiếp theo đó là sự sụt giảm của một loạt các chỉ số khác như FTSE 100 (2,7%), DAX (4,9%) và Dow Jones (1,15%). Mức độ giảm nặng nhất là cổ phiếu của các hãng sản xuất xe hơi và điện tử như Toyota Motor, Mitsubishi Motors, Mitsubishi Heavy Industries, Sony, Toshiba, Kobe Steel v.v...

Còn trong lĩnh vực tài chính, đòn đánh nặng nề nhất lại giáng vào các công ty bảo hiểm. Theo các đánh giá khác nhau, thiệt hại trong lĩnh vực các tài sản bảo hiểm có thể từ 12 cho tới 35 tỉ USD. Cổ phiếu của các hãng bảo hiểm trong vài ngày đầu tiên cũng sụt giảm từ 1 đến 2%.

Riêng lĩnh vực ngân hàng lại chịu ảnh hưởng không nhiều từ thảm họa động đất. Theo như giải thích của chuyên gia David Cohen từ hãng nghiên cứu thị trường Action Economics, các ngân hàng lớn của Nhật không có nhiều chi nhánh đại diện tại các khu vực bị thiệt hại nặng nhất. Các chuyên gia của Nomura hy vọng dù cổ phiếu ngân hàng có giảm đôi chút, nhưng tổn thất này sẽ được đền bù nhờ giá trái phiếu lên cao.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong thời gian qua đã có những nỗ lực rất lớn nhằm thuyết phục các nhà đầu tư rằng: tình hình tài chính tại quốc gia này vẫn đang ổn định, trong khi kinh tế không bị thiệt hại quá nặng nề. Với phương châm dùng tiền để dập tắt khủng hoảng, Ngân hàng Trung ương Nhật đã liên tục rót những khoản tiền khổng lồ nhằm vực dậy nền kinh tế. Tính chung, tổng giá trị các khoản vay ngắn hạn trong thời gian qua đã lên tới 37 ngàn tỉ yên (tương đương 456,4 tỉ USD).

Có một dấu hiệu khả quan khi đồng yên Nhật (sụt giảm ngay sau động đất) lại đang trên đà hồi phục nhanh. Hiện nay tỉ giá đồng yên so với đôla đã đạt tới mức kỷ lục 76,25 yên đổi 1USD (một tuần trước khi động đất con số này cũng chỉ là 83 yên/1 USD). Thực tế này được lý giải bằng những nhận định cho rằng, các công ty Nhật sẽ bán hàng loạt cổ phần của mình ở nước ngoài để mua đồng yên, một cách thu hút vốn để phục hồi đất nước. Tỉ giá cao kỷ lục của đồng yên đã khiến chính phủ các nước trong khối G7 phải lo ngại, tuyên bố về dự định phối hợp các biện pháp nhằm hạ giá đồng yên.

Ngay sau tuyên bố trên, tỉ giá đồng yên đã giảm 2,7% xuống còn 81,05 yên/1 USD. Tuy nhiên, các chuyên gia Deutsche Bank lại cho rằng, đà giảm giá đồng yên sẽ không kéo dài.

Ngành chế tạo ôtô: Ảnh hưởng nặng nề nhưng không nguy ngập

Ngành công nghiệp chế tạo ôtô của Nhật, theo đánh giá của các chuyên gia, không đến mức bị ảnh hưởng quá nặng nề như người ta lo ngại từ những ngày đầu tiên sau động đất. Tuy nhiên, những vấn đề nảy sinh không phải là không nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất ôtô của Nhật. Ngay sau động đất, nhiều nhà máy sản xuất ôtô hàng đầu của Nhật đã phải đóng cửa, tiếp đó là những hãng ôtô quốc tế như General Motors, Renault, Volvo bắt buộc phải cắt giảm số lượng sản xuất vì không đủ phụ tùng (do nguồn phụ tùng cung cấp cho họ chủ yếu đến từ Nhật). Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt trên dự kiến sẽ được giải quyết trong vài tuần tới.

Ngay tại Nhật, hãng chế tạo ôtô hàng đầu thế giới Toyota Motors phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi nhà máy sản xuất của các công ty ôtô khác của Nhật lại nằm chủ yếu tại khu vực miền Nam, không bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần. Cho dù Toyota đã phục hồi lại một phần sản xuất, nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, hãng này trong thời gian tới sẽ đánh mất vị trí số 1 trên thị trường sản xuất ôtô thế giới.

Theo kịch bản bi quan nhất, phải mất tới 3 tháng mới có thể khôi phục lại đầy đủ năng lực sản xuất của ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản - đồng nghĩa với số lượng ôtô chế tạo sụt giảm khoảng 2,5 triệu chiếc, cùng với tổn thất chung trong lĩnh vực này là gần 25 tỉ USD.

Trong lĩnh vực chế tạo máy hạng nặng, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thảm họa thiên nhiên tại Nhật lại là Tập đoàn Boeing của Mỹ. Các nhà thầu Nhật Bản hiện đang cung cấp gần 35% phụ tùng cho một trong những dự án lớn nhất của tập đoàn này là chiếc Dreamliner 787, vốn đã bị chậm trễ tới 3 năm theo kế hoạch ngay từ trước khi có thảm họa trên.

Thảm họa động đất, sóng thần vừa qua đã có tác động không nhỏ đến nền kinh tế của Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung.

Công nghiệp điện tử: Khẩn trương tìm kiếm "kế hoạch B"

Cuộc khủng hoảng tại Nhật Bản chắc chắn có ảnh hưởng đáng kể tới ngành công nghiệp điện tử, do lĩnh vực linh kiện bán dẫn của Nhật chiếm tới 1/5 thị trường toàn cầu. Ít nhất có một nhà máy của Panasonic tại Sendai bị phá hủy hoàn toàn. Các nhà sản xuất điện tử hàng đầu khác - như Sony, Toshiba, Fujitsu, Canon - cũng buộc phải ngừng sản xuất nhiều nhà máy của mình do yêu cầu khẩn thiết của chính phủ phải tiết kiệm điện năng. Chắc chắn nguồn hàng cung cấp sẽ bị sụt giảm đáng kể đối với một số mặt hàng như các môđun bộ nhớ DRAM và NAND (được dùng trong các thiết bị điện tử di động), các bộ vi điều khiển và màn hình tinh thể lỏng.

Theo số liệu của Hãng nghiên cứu Objective Analysis (Mỹ), các công ty Nhật nắm tới 40% thị phần sản xuất các môđun bộ nhớ NAND và DRAM, nên giá của những mặt hàng này đã tăng từ 7 đến 10%. Hãng IHS iSupply thì cho rằng, ngành công nghiệp điện tử phải đến cuối năm nay mới có thể bình thường hóa trở lại hoạt động sản xuất. Nhiều nhà sản xuất điện tử trên thế giới đã khẩn trương triển khai "Kế hoạch B" nhằm tối thiểu hóa thiệt hại của mình, cụ thể là tìm nguồn linh kiện điện tử thay thế từ các công ty của Hàn Quốc hay Đài Loan.

Năng lượng: Quay trở lại những nguồn thuần túy

Sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima khiến Nhật Bản đã phải cho ngừng hoạt động một loạt các lò phản ứng với tổng công suất 9,7 Gigawatt, khiến tổng số điện năng sản xuất trên khắp cả nước giảm từ 10 đến 40%. Dự tính, tình trạng thiếu hụt điện năng tại Nhật sẽ còn kéo dài khoảng nửa năm nữa. Cần biết Nhật Bản từ vài thập niên gần đây ngày càng phụ thuộc nhiều vào năng lượng nguyên tử với 30% nhu cầu điện năng do các lò phản ứng đảm trách. Giờ đây, người Nhật buộc phải quay trở lại với những nguồn năng lượng truyền thống nhưng tốn kém hơn.

Giá dầu những ngày đầu tiên sau động đất đã giảm 4%, nhưng đã nhanh chóng tăng cao trở lại do Nhật sẽ cần rất nhiều dầu mỏ để làm nguyên liệu sản xuất điện bù đắp cho sự thiếu hụt từ việc ngừng hoạt động của các lò phản ứng. Theo ý kiến của Chủ tịch Michael Lynch từ Strategic Energy & Economic Research, Nhật sẽ phải tăng lượng dầu mỏ nhập khẩu của mình lên khoảng 300 ngàn thùng mỗi ngày. Nắm bắt được xu hướng này, các nhà cung cấp khí hóa lỏng bắt đầu đua nhau cạnh tranh để khai thác thị trường đang có nhu cầu đặc biệt cao của Nhật.

Tương lai nền kinh tế thế giới

Những dự đoán về tác động của đợt thiên tai vừa qua đối với kinh tế Nhật nói riêng và thế giới nói chung đang rất đa dạng. Rất khó có thể đánh giá được điều này, một khi quá trình khắc phục nguy cơ rò rỉ hạt nhân tại Fukushima vẫn chưa có được hiệu quả rõ rệt. Phần lớn các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, nếu Nhật ngăn chặn thành công tình trạng rò rỉ hạt nhân, thảm họa thiên nhiên vừa qua sẽ không có tác động lâu dài lên kinh tế nước này, dù có thể làm giảm sút đà tăng trưởng. Như theo Action Economics, quá trình phục hồi các khu vực bị tàn phá sẽ làm tăng mức cầu của thị trường, đồng nghĩa với đảm bảo việc tăng trưởng kinh tế, tương tự như tình hình sau vụ động đất tại Kobe năm 1995.

Các chuyên gia từ Credit Agricole, UBS và Goldman Sachs dự tính GDP của Nhật trong hai quý tới có thể giảm từ 0,4 đến 2%, khiến quá trình thoát khỏi suy thoái kinh tế của Nhật bị chậm lại. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Kinh tế Kaoru Yosano của Nhật, động đất và sóng thần trên một khía cạnh khác lại là động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Nhật. Phía Citigroup và Bank of America cho rằng, ảnh hưởng chỉ hạn chế ở những "ngừng trệ không đáng kể về nhu cầu" trên thị trường toàn cầu.

Mặt khác, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, nếu Nhật không thể kiểm soát được tình hình tại Fukushima, kinh tế thế giới rất có thể quay trở lại tình trạng suy thoái

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.