Thiệt hại vì Olympic Tokyo dời sang 2021

Thứ Bảy, 04/04/2020, 16:02
Quyết định dời Olympic Tokyo 2020 sang năm 2021 đã được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thống nhất thông qua ngày 30-3. Đây được xem là quyết định chưa có tiền lệ trong lịch sử 124 năm của đại hội thể thao lớn nhất hành tinh này do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Việc dời ngày tổ chức này giúp nhiều nước tham gia thở phào nhưng lại đặt ra khá nhiều thách thức dành cho nước đăng cai Nhật Bản.

Theo quyết định của IOC, kỳ Olympic Tokyo 2020 sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 23-7 đến ngày 8-8-2021, với điều kiện khi đó đại dịch toàn cầu COVID-19 đã hoàn toàn được dập tắt.

Đối với Nhật Bản, vấn đề không đơn giản như thế. Nhiều rắc rối cả về mặt kinh tế, hậu cần và chính trị được đặt ra, bao gồm việc lưu giữ ngọn đuốc Olympic ở đâu trong 1 năm; làm thế nào để quản lý hàng ngàn người đã mua vé, bảo đảm cho họ an tâm chờ đợi 1 năm sau. Đó là chưa kể việc Ủy ban Tổ chức Olympic Tokyo sẽ phải làm sao thuyết phục 3.500 nhân sự phục vụ công việc tổ chức đại hội, nhiều người trong số họ được thuê lại từ các công ty khác và sẽ phải quay trở về công ty mình làm việc sau khi đại hội kết thúc (theo kế hoạch ban đầu) vào tháng 8 năm nay.

Về mặt chính trị, khi Olympic Tokyo 2020 dời lại 1 năm, có nghĩa là Nhật Bản sẽ phải gồng mình chịu phí tổn thêm 1 năm cho các hoạt động chuẩn bị tổ chức đại hội và Thủ tướng Shinzo Abe sẽ phải nỗ lực tối đa để thuyết phục toàn thể dân chúng nước mình rằng ông vẫn có thể kiểm soát được nhiều nhiệm vụ và thách thức khác nhau, trong khi ông vẫn đang nỗ lực dẫn dắt đất nước vượt qua đại dịch.

Cho đến nay, dịch bệnh đang được kiềm chế tương đối tốt tại Nhật Bản. Vì thế, việc dời Olympic Tokyo cũng có cái lợi cho ông Abe, đó là giúp ông có thêm thời gian để chấn chỉnh lại những bước chệch choạc ban đầu trong công tác chống dịch.

Tuy nhiên, với sự bấp bênh mà đại dịch COVID-19 đã bày ra, không ai có thể bảo đảm chắc chắn đại dịch ở Nhật Bản sẽ không bùng phát và những gì hôm nay là đúng, ngày mai chưa chắc sẽ còn nguyên như thế, mọi chuyện có thể dễ dàng thay đổi và sự may mắn của ông Abe cũng có thể lung lay theo nó.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người thiết tha, tâm huyết nhất cho kỳ Olympic Tokyo sắp tới.

Gerald L. Curtis, giáo sư chính trị học tại Đại học Columbia (Mỹ) nhận định rằng Thủ tướng Abe đang cho trò may rủi, đánh cược vào khả năng dịch bệnh sẽ không tăng đột biến để duy trì sự an tâm trong công chúng Nhật. Nếu dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát mạnh, nhiều khả năng ông Abe sẽ không còn được chứng kiến Olympic Tokyo khi nó diễn ra vào năm tới.

Về mặt kinh tế, việc dời Olympic Tokyo 2020 sẽ đặt ra vấn đề “làm sao để bảo đảm thu hồi khoản kinh phí đã đầu tư lên đến 12,6 tỉ USD khi thời gian đầu tư được kéo dài thêm 1 năm ngoài dự kiến? Khoản đầu tư đó được chi cho việc xây dựng các khu phức hợp thi đấu thể thao Olympic, các khu phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi, chăm sóc y tế của vận động viên, huấn luyện viên và quan chức kèm theo.

Một trong những hạng mục đầu tư quan trọng nhất là làng vận động viên rộng 18 hécta, với 23 tòa tháp căn hộ cao cấp phủ tầm nhìn xuống vịnh Tokyo, có sức chứa đến 12.000 vận động viên và huấn luyện viên. Toàn khu làng vận động viên được đầu tư bằng hình thức liên doanh bao gồm 11 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hàng đầu Nhật Bản.

Việc dời Olympic lại 1 năm đặt ra nhiều vấn đề lớn cho công tác quản lý, điều hành và khai thác các tòa tháp này. Các chủ đầu tư đang gấp rút chuyển đổi công năng làng vận động viên này thành các khu phức hợp căn hộ cao cấp, với mức giá cao nhất lên đến 1,5 triệu USD mỗi căn.

Đợt bán đầu tiên với khoảng 900 trong tổng số khoảng 4.000 căn hộ đã được bán ra và người mua cũng chưa nắm chắc tương lai việc khai thác các căn hộ này sẽ ra sao. Đợt bán thứ hai dự kiến sẽ dời lại từ tháng 3 đến tháng 6-2020 hoặc lâu hơn, tùy tình hình đại dịch ra sao.

Sự đầu tư của nhà nước lẫn tư nhân đều chịu tác động như nhau. Ngành du lịch được xem là chịu thiệt hại nặng nề nhất, không chỉ bởi việc dời Olympic mà còn bởi sự lan rộng của đại dịch COVID-19. Khi lên kế hoạch đăng cai tổ chức Olympic Tokyo 2020, Chính phủ Nhật Bản đã dựa trên các số liệu hằng năm của ngành du lịch để tính toán đưa ra dự trù lượng du khách đến Nhật Bản dịp Olympic Tokyo 2020.

Cụ thể, năm 2019, Nhật Bản đã đón 31.9 triệu lượt du khách đến tham quan, chi tiêu 4,81 nghìn tỉ yen (tương đương 43,6 tỉ USD). Dự kiến con số du khách đến Nhật Bản sẽ tăng lên khoảng 40 triệu lượt vào năm 2020 và 60 triệu lượt vào năm 2030. Dựa theo kế hoạch của chính phủ, các nhà đầu tư khách sạn Nhật Bản đã lỡ “bung” canh bạc làm ăn nhắm vào Olympic Tokyo 2020 và hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn 2020-2030.

Thế nhưng, đại dịch bùng phát và lan nhanh trên toàn thế giới đã làm đổ vỡ tất cả các kế hoạch nêu trên. Những con số du khách “trong mơ” ấy hiện nay hầu như không còn nữa bởi lệnh cấm đi lại, dãn cách xã hội và phong tỏa cộng đồng. Mọi hoạt động vui chơi, giải trí, các sự kiện văn hóa, thể thao đều phải hủy bỏ nhằm hạn chế sự lây lan của SARS-CoV-2, trong đó có Olympic Tokyo 2020.

Có thể đại dịch COVID-19 sẽ sớm được dập tắt như mong mỏi của mọi người nhưng những tổn thất mà nó để lại cho ngành thể dục thể thao, đặc biệt là các nhà tổ chức Olympic Tokyo 2020 là không hề nhỏ và sẽ mãi mãi ghi dấu ấn khó phai, như một bước ngoặt lịch sử làm thay đổi toàn diện công tác tổ chức Olympic, từ khâu chuẩn bị tổ chức, dự trù tình huống cho đến việc lượng định những vấn đề tác động về chính trị, kinh tế, xã hội đối với nước chủ nhà đăng cai.

An Châu (Tổng hợp)
.
.