Ứng xử với phát minh của các “kỹ sư chân đất”:

Thờ ơ với tài năng, lãng phí với chất xám?

Thứ Năm, 14/08/2014, 20:30

Những phát minh, sáng chế của các "kỹ sư chân đất" đã tốn không ít giấy mực của báo giới thời gian qua. "Chân đất" ở trong cụm từ này, nên hiểu cách đúng nhất là dùng để nói về những người không nằm trong cơ quan, tổ chức nào nhưng lại dám tự mình đứng ra nghiên cứu, hoàn thiện những ý tưởng mà ngay cả cơ quan có chức năng của nhà nước chưa dám nghĩ đến? Và nếu xét trên phương diện những sản phẩm của họ, trong khi còn đang gặp rất nhiều khó khăn để tìm được sự ủng hộ ngay trên chính quê hương mình mà lại nhận được sự quan tâm, thậm chí là đã có lời chào mua từ nước ngoài thì rõ ràng là đang có một sự lãng phí chất xám đáng kể.

BÀI I: TÀU NGẦM MADE IN VIETNAM - TỪ HOÀI BÃO THÀNH HIỆN THỰC

Tàu ngầm "made in VietNam": Tại sao không?

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Phan Bội Trân cho biết, ông đang gấp rút thực hiện dự án chuyển giao 5 chiếc tàu lặn bản 2D cho một công ty du lịch của Malaysia. Được biết, phía đối tác đã đặt cọc khoản tiền 7.500USD cho hợp đồng mua bán này. Trong vòng một tháng rưỡi nữa, ông Trân sẽ phải bàn giao đủ 5 chiếc cho họ, với giá tiền thành phẩm 3.500USD/chiếc.

"Tiền bán tàu lặn, tôi sẽ lại dùng để tiếp tục đầu tư cho dự án tổ hợp khí tài trên biển của tôi, mặc kệ ai nói tôi thế nào!", ông Trân chắc như đinh đóng cột.

Được biết cho đến thời điểm này, công việc làm khuôn vất vả và mất nhiều thời gian nhất đã xong. Phần lắp đặt máy móc và nội thất sẽ nhanh thôi. Bởi đây là phiên bản 2D, rút gọn hơn nhiều so với thiết kế 3D tự hành, tự lặn được nên phần kỹ thuật được giảm bớt nhiều, không mất quá nhiều thời gian.

Tóm lại là việc 5 chiếc tàu lặn "made in VietNam" đầu tiên, mà thậm chí là cả Đông Nam Á luôn - như lời ông Trân từng nói - sắp thành hiện thực. Những chiếc tàu lặn này - nếu gọi một cách chính xác hơn là những chiếc hộp lặn - theo đơn đặt hàng của phía đối tác được khống chế ở độ sâu không quá 3 mét nước. Tàu không tự ngoi lên hay ngụp xuống được mà được hạ thủy thông qua một hệ thống thang máy từ chiếc tàu mẹ và được khống chế cũng như kiểm soát bằng một phao nổi trên mặt nước.

Cũng theo đơn đặt hàng, mỗi chuyến hành trình tàu mang được 1 người, điều khiển đơn giản bằng một tay lái dạng ghi-đông xe đạp và một bàn đạp chân ga, liên lạc bằng vô tuyến điện, nội thất đơn giản, gọn nhẹ. Ông Trân cho biết ông cũng đã tham gia đấu thầu sản xuất chiếc tàu mẹ luôn, nhưng hiện chưa có kết quả thầu.

Cái tên Phan Bội Trân trở thành hiện tượng bởi gắn với dự án tàu ngầm Yết Kiêu đình đám, chứ thực ra cũng không hẳn quá lạ lẫm với dân kỹ thuật, đặc biệt chuyên ngành vật liệu công nghiệp.

Theo lời kể của ông Trân, ông là hậu duệ của nhà ái quốc Phan Bội Châu. Cụ nội của ông là anh em ruột với cụ Phan Bội Châu và cũng làm quan dưới thời triều đình nhà Nguyễn và thiết lập một chi lớn của dòng họ Phan ở miền Nam. Ông Trân cũng cho biết, cha ông từng tham gia hoạt động cách mạng và bị thực dân Pháp bắt giam và bị tra tấn đến tàn phế. Ông Trân sang Pháp du học từ năm 1974.

Tại Pháp, ông theo học ngành hóa học tại Trường đại học Marseille. Ông học chuyên sâu về vật liệu composite, đặc biệt là các loại composite chuyên dụng. Sau khi tốt nghiệp, ông có một thời gian khoảng 3 năm làm việc cho một công ty chuyên sản xuất linh kiện tàu ngầm và máy bay trực thăng. Sau đó, ông tiếp tục có một quãng thời gian tương đối dài làm việc cho Công ty Comex chuyên sản xuất các thiết bị lặn biển, thiết bị phục vụ hải dương học, thiết bị y tế và thiết bị công nghiệp. Tại đây, ông làm việc với công việc của một quản đốc ở bộ phận chuyên sản xuất thân vỏ và kết cấu cho thiết bị lặn và tàu ngầm loại nhỏ.

Các thiết bị lặn của Comex có thể đạt tới độ sâu 1km. Một trong những phương châm mà Comex nêu thành khẩu hiệu như là tiêu chí cho hoạt động của công ty cũng như toàn thể nhân sự của nó, đó là "Đam mê và tham vọng vượt qua những thử thách lớn" (The passion and ambition to overcome big challenges).

Tàu ngầm Yết Kiêu 1 trong lần thử nghiệm năm 2010.

Có lẽ phương châm ấy đã "thấm vào máu" kỹ sư hóa học Phan Bội Trân nên ngay khi về Việt Nam năm 2006, ông bắt tay vào nghiên cứu dự án tổ hợp quốc phòng, mà Yết Kiêu 1 chỉ là một trong số đó. Công việc kinh doanh sản phẩm composite khá thuận lợi đã tạo điều kiện cho người kỹ sư đam mê chế tạo từng bước thực hiện ước mơ của mình.

Rào cản vô hình

Thế là Yết Kiêu 1 ra đời. Theo thông số thiết kế đã được chỉnh sửa qua các lần thử nghiệm, Yết Kiêu 1 có chiều dài 3,2m, chiều cao 1m và ngang 1m, nặng hơn một tấn. Yết Kiêu 1, tức là phiên bản 3D, có khá đầy đủ tính năng của một chiếc tàu ngầm, làm việc liên tục dưới nước được khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ. Với thiết kế tối đa mang theo 2 người cả vận hành, tàu sử dụng động cơ điện, đạt vận tốc tối đa lên tới 15 hải lý/giờ.

Phiên bản 2D thì nhỏ hơn, ông Trân gọi nó là phiên bản dân sự, có chiều dài 1,5m, ngang 70cm, cao 1,6m và nặng chừng 2 tạ. Vỏ tàu đều được làm bằng composite nên về lý thuyết chống được tác hại của môi trường nước mặn khá tốt. Cái hay của vật liệu làm từ composite là khuôn đúc linh hoạt, không phụ thuộc nhiều vào cơ khí. Đây là điểm khá quan trọng đối với chế tạo đơn lẻ, vừa giảm giá thành, vừa bớt phụ thuộc.

"Nếu có được đơn hàng sản xuất số lượng lớn, tôi sẽ mua luôn cả công nghệ sản xuất động cơ để chủ động hơn và tăng tỉ lệ nội địa hóa lên 100%" - ông Trân vui vẻ nói.

Giọng hồ hởi của ông Trân lại khiến chúng tôi liên tưởng đến câu chuyện gây nhiều tranh luận của ngành sản xuất ôtô của ta bấy lâu nay. Nào thì ưu đãi, mở cửa, cam kết chuyển giao công nghệ này nọ… mà tỉ lệ nội địa hóa lay lắt mãi vẫn chưa vượt qua được 30%. 30%, nhưng thực ra vẫn chỉ là những chi tiết nhựa, ắc-quy hay vài chi tiết phụ nào đó.

Thậm chí đã có lúc có lời bàn rằng hay là thôi, đừng cố sản xuất ôtô nữa. Chúng ta chuyển sang sản xuất cái khác, hiệu quả hơn, mà người dân lại được mua xe đúng với giá trị thực của nó một khi không còn phải bảo hộ ngành sản xuất trong nước nữa. Thế mà nay, một cá nhân, không những không được bảo hộ mà thậm chí còn gặp không ít khó khăn về mặt thủ tục, lại có thể sản xuất ra những chiếc tàu lặn bán ra nước ngoài, thu được ngoại tệ về? Không hiểu những người có trách nhiệm sẽ nghĩ gì về việc này?

Đến bây giờ, Yết Kiêu 1 đã thành hình hài, đã thử nghiệm thành công thì mọi người đã có sự nhìn nhận phần nào. Nhưng thực tế, để đi đến được như ngày hôm nay là cả một quá trình cực nhọc của kỹ sư Phan Bội Trân. Lao động sáng tạo, bản thân nó đã là một quá trình cô độc. Sáng tạo và biến nó thành hiện thực những thứ ở nơi mà chưa ai làm, lại càng phải vận động ghê gớm hơn. Trước hết là về mặt kinh phí, theo như ông Trân cho biết, hoàn toàn bằng tiền túi của ông.

Mặc dù nhận được sự hỗ trợ về tinh thần và điều kiện thử nghiệm rất lớn từ Hội Khoa học kỹ thuật biển TP HCM, nhưng còn lại tất cả những việc khác, ông đều phải tự lo. Giữa thời buổi cơm áo gạo tiền, người người đổ xô đi làm các dự án "mì ăn liền", tiền tươi thóc thật thì một người kỹ sư ngoài 60 tuổi lại đau đáu với ý tưởng đi đến chế tạo tổ hợp thiết bị - khí tài quân sự với mong muốn góp phần bảo vệ biển đảo - theo đúng như lời chủ nhân của nó mô tả. Kể cũng là kỳ lạ!

Tất nhiên là vất vả làm một mình, thì thành quả sẽ được hưởng một mình. Nhưng câu chuyện không đơn giản vậy. Nếu như ở các nước công nghiệp phát triển, việc một hãng tư nhân sản xuất thiết bị, khí tài quân sự, quốc phòng cho nhà nước là chuyện bình thường, thì ở ta, cho đến thời điểm này, chưa từng có. Đã thế, cái ý tưởng theo đúng ý tưởng ban đầu mà chủ nhân của nó đặt tên -  tổ hợp khí tài quân sự - lại càng khiến cho nó vấp phải không ít những dè chừng, và cả nhạo báng.

Theo ý đồ ban đầu, trong dự án của ông Trân có dành chỗ cho những loại vũ khí có khả năng công phá, như thủy lôi và cả ngư lôi. Tàu ngầm, tàu lặn chỉ là bước đầu tiên. Tôi hỏi ông: Nghe có vẻ viển vông quá thưa ông?. Ông Trân trả lời: Đấy, nhà báo nghe còn thấy có vẻ mơ hồ. Chính tôi cũng cảm thấy thế! Nhưng bây giờ thì tàu lặn đã có rồi. Thậm chí còn sắp xuất xưởng mẻ thương mại đầu tiên. Bây giờ thì sao?

Cái "bây giờ" của ông Trân, tôi biết nó bao gồm cả việc Học viện Hải quân đã hỗ trợ ông trong việc thử nghiệm Yết Kiêu 1 rất nhiệt tình. Và cả thông tin mới đây, một đơn vị chuyên lắp đặt thiết bị viễn thông, cáp quang ngoài biển đã tỏ ý quan tâm và nếu được sẽ mua một phiên bản tàu lặn của ông.

Ông Trân bảo, bởi thế, đến lúc này, cái khó của ông không còn nằm ở cơ chế nữa. Là vì nhiều người đã thấy được thành quả nhất định mà Yết Kiêu 1 đạt được. Cũng như đã có cơ quan, tổ chức đứng ra hỗ trợ ông. Nhưng cái khó theo ông lại chính là việc vượt qua được cái suy nghĩ dạng như "Việt Nam mà làm được tàu ngầm á?", hay "Việt Nam mà cũng sản xuất ngư lôi sao?".

Chia sẻ về ông Nguyễn Quốc Hòa, một doanh nhân ở Thái Bình cũng đang cố gắng hoàn thiện phiên bản tàu ngầm đầu tiên của mình, ông Trân cho rằng ông Hòa gặp khó khăn hơn mình ở câu chuyện cơ chế. "Tuy nhiên đó là điều mà những người tiên phong sẽ phải vượt qua, bao giờ cũng vậy!" - ông Trân nói.

Thực tình thì trong bài viết này, chúng tôi cũng rất muốn nói cả về dự án tàu ngầm Trường Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa. Một chủ doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, nhưng lại sẵn sàng tự mình lái thử tàu ngầm, bất chấp rủi ro để dấn thân như một nhà khoa học thực thụ? Chỉ tiếc rằng, khi liên hệ với ông Hòa, ông đã từ chối. Không hiểu vì muốn giữ bí mật cho dự án tàu ngầm của mình, hay vì đã quá nhiều va đập đã làm ông trở nên "ngại" báo chí rồi chăng?

Nói về một "tương lai rực rỡ của ngành đóng tàu ngầm Việt Nam" hay cái gọi là "tổ hợp vũ khí made in Vietnam" vẫn là quá sớm. Nhưng dù gì, sự dấn thân của những người làm khoa học, nghiên cứu khoa học có hoài bão, có ấp ủ và cái tâm như ông Phan Bội Trân, ông Nguyễn Quốc Hòa, với những kết quả ban đầu khả quan như thế, thực cũng đáng để chúc mừng

Việt Ba
.
.