Thời trang – vũ khí của công nghệ 4.0

Thứ Ba, 15/01/2019, 10:51
Ít ai có thể nghĩ rằng thời trang và chiến tranh mạng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Christopher Wylie, người thổi còi cuộc chiến dữ liệu người dùng Facebook của Cambridge Analytica đã có những lý giải thuyết phục về mối quan hệ này.

Theo bản hùng ca Ô-đi-xê, sau trận chiến thành Tơ-roa, trên đường trở về, con thuyền đưa chàng Uy-Li-xơ từ chiến trận trở về đã gặp phải một hiểm nguy vô hình từ những nàng tiên cá Si ren, có giọng hát làm đắm say lòng người, khiến các nạn nhân đánh mất lý trí, bị điều khiển và cái đích cuối cùng là bị tiếng hát dẫn dắt đến cái chết.

Câu chuyện ru ngủ tâm lý, kiểm soát con người trong thần thoại Hy Lạp, giờ đây đã thành hiện thực khi Công ty tư vấn chính trị của Anh Cambridge Analytica đã dùng thời trang để phân tích tâm lý và tính cách người dùng Internet, xây dựng lộ trình điều khiển một nhóm đối tượng mục tiêu trong các cuộc truyền thông chính trị mà kết quả nổi bật là góp phần quan trọng đến thành công cho ứng viên Donald Trump trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2016.

Chiến thuật sư Christopher Wylie

Nắm bắt tâm lý, đánh giá nhân cách; lập các thuật toán và chương trình “mềm” nhằm từ từ tác động làm thay đổi nhận thức và điều chỉnh hành vi của một nhóm người… là một vũ khí mới được Christopher Wylie, một chuyên gia dữ liệu người Canada, trước đây là Giám đốc nghiên cứu của Cambridge Analytica (CA) hướng đến.

Christopher Wylie, 29 tuổi, hiện đang nhận được cấp loại thị thực Tier 1 cho tài năng đặc biệt ở Anh.

Trong bài phát biểu tại hội nghị The Business of Fashion's Voices tại Anh tháng 12 vừa qua tại Oxfordshire, Vương quốc Anh, Wylie tuyên bố rằng các chuyên gia dữ liệu của CA đã vũ khí hóa các thuật toán phân tích tâm lý người dùng Internet. Từ đó, bằng việc sử dụng các câu chuyện văn hóa (thực chất được xây dựng trong các quảng cáo chính trị), CA làm suy yếu nhãn quan chính trị, văn hóa, xã hội các nhóm đối tượng mục tiêu, cũng như nhận thức của họ về thực tế, và cuối cùng là hướng nhóm đối tượng đi theo mục tiêu đã đặt ra. “Và thời trang đóng một vai trò lớn trong quá trình này”, Wylie thừa nhận.

Lý giải về tuyên bố này, Christopher Wylie, một chuyên gia truyền thông thấu hiểu mọi ngóc ngách của Facebook hay Twitter nhờ khả năng phân tích dữ liệu siêu việt, nói rằng, mọi người đang ngày càng có xu hướng chia sẻ bất cứ thứ gì lên cùng một nơi, đó là mạng xã hội. Tất cả những bức ảnh, những chia sẻ câu chuyện, chuyến đi, cảm xúc của mọi người đều để lại các đầu mối để các chuyên gia dữ liệu biết được họ là ai và là người như thế nào. Trong khi, việc giải mã tất cả những dữ liệu này được thực hiện dễ dàng thông qua các thuật toán.

Thế nhưng, công việc “dò lòng người” và biến các thuật toán thành siêu vũ khí nhận thức còn phải cần yếu tố đặc biệt quan trọng là thời trang. Các triết gia nổi tiếng thế giới đã nhận định “chỉ cần nhìn cách ăn mặc là có thể đoán được nhân cách con người”, còn Wylie nói rằng, chỉ cần đưa cho anh một danh sách nhóm người và các nhãn hiệu thời trang họ mua hoặc sử dụng, anh ấy có thể dễ dàng đưa ra những nhận định đánh giá đúng tới hơn 80% về “góc khuất” tâm hồn và tính cách mỗi người nhờ vào các thuật toán đã mã hóa tính cách con người theo thời trang. Hoặc ít nhất, chuyên gia dữ liệu này có thể phân biệt những người kiêu ngạo tự phụ với những người hay bẽn lẽn xấu hổ.

Christopher Wylie thuyết trình  tại The Business of Fashion's Voices.

“Có những mối quan hệ chặt chẽ giữa các thương hiệu, phong cách và thẩm mỹ mà mọi người sử dụng với cách họ nhìn nhận bản thân và bản sắc của họ”, chuyên gia dữ liệu Wylie nói.

Trong bài thuyết trình của mình, Wylie đã cho thấy các biểu đồ và đồ họa khác nhau chứng minh làm thế nào công ty tư vấn chính trị của Anh đã lập bản đồ thương hiệu quần áo tương ứng với các đặc điểm tính cách. Ví như: Bằng cách so sánh và đối chiếu các thương hiệu mà sinh viên Mỹ ưa chuộng như hãng thời trang jean Wrangler và Abercrombie & Fitch, Wylie chỉ ra rằng, người yêu thích Wrangler cao bồi hơn, già hơn và khiêm tốn hơn những người hay sử dụng thương hiệu Abercrombie & Fitch. Hay những người thích nhãn hiệu yoga Lululemon hướng ngoại hơn, trong khi những người hâm mộ LL Bean chu đáo nhưng ít cởi mở. Các thương hiệu khác bao gồm Nike, Louis Vuitton, Burberry, Armani, H & M, Elle và Vogue cũng được đề cập trong bài phân tích của Wylie.

Cuối cùng, kết luận rút ra sau những phân tích của Wylie là các thương hiệu khiêm tốn, truyền thống, thông thường có xu hướng được ưa chuộng bởi những người có tư tưởng bảo thủ hơn, trong khi các thương hiệu định hướng, khiêu khích, như Kenzo, thường được mặc bởi những người có tư tưởng tự do.

Phát triển thời trang thành vũ khí của ý thức hệ

Cả hội trường một lần nữa rung động bởi Wylie tiết lộ bí mật: Khi còn là Giám đốc Nghiên cứu tại Cambridge Analytica, Wylie đã sử dụng dữ liệu được thu thập từ 87 triệu người dùng Facebook để tạo ra các thuật toán mà anh tin rằng có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Không những thế, Wylie cho biết, chính người đứng đầu chiến dịch tranh cử của ứng viên Cộng Hòa Donald Trump, ông Steve Bannon đã sử dụng các dữ liệu thời trang để xây dựng các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) giúp làm nên thành công của chiến lược gia và giúp xây dựng phong trào Alt-Right (cổ xúy tư tưởng cực hữu và chủ nghĩa dân túy) trên trang Breitbart News.

Ông Steve Bannon phát biểu tại một sự kiện của Đảng Cộng hòa ở bang Michigan, ngày 8-11-2017.

Steve Bannon được biết tới là cựu Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch của Breitbart News, một trang web đăng tải những câu chuyện cổ xúy Alt-Right, một phong trào chính trị mới khác với cánh hữu truyền thống. Từ tháng 8- 2016, sau khi được chọn làm người đứng đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump, ông Bannon đã giúp ứng viên này đánh bại đối thủ đảng Dân chủ Hilary Clinton bằng chiến dịch truyền thông độc đáo.

Còn về phần Cambridge Analytica, sở dĩ công ty này được chọn để tư vấn chính trị cho các ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa (Ted Cruz và Donald Trump) là vì có mối quan hệ mật thiết với những cố vấn và “mạnh thường quân” của đảng này. Trong đó phải kể đến bà Rebekah Mercer, người góp tiền cho Đảng Cộng hòa và đồng sở hữu của Breitbart News, cũng là một thành viên Hội đồng quản trị của Cambridge Analytica. Bố của bà, ông Robert Mercer, đầu tư 15 triệu USD vào công ty tư vấn chính trị của Anh theo lời đề nghị của cố vấn chính trị Steve Bannon, tờ New York Times tiết lộ năm 2017.

Kỳ bầu cử đặc biệt này được chú ý với sự thịnh hành của tin giả (fake news) và những chiêu trò bôi bẩn đối phương xuất hiện đầy trên mạng xã hội. Trong bối cảnh thông tin hỗn loạn đó, Cambridge Analytica đã triển khai một chiến thuật cài, cấy thông tin, định hướng dư luận theo chiều hướng có lợi cho ông Trump.

Cũng tại hội nghị, người thổi còi trong vụ bê bối dữ liệu Facebook của Cambridge Analytica đã đưa ra cảnh báo: Giống như bất kỳ công cụ nào, thời trang có thể trở thành vũ khí trong tay kẻ xấu. Ý tưởng sử dụng các theo dõi về thương hiệu, cuộc trò chuyện, các nhóm (group) mà người dùng mạng xã hội tham gia được các nhà quảng cáo lợi dụng để chọn khách hàng mục tiêu không mới. Và mục đích bài thuyết trình của Wylie cũng không nhắm tới câu chuyện Cambridge Analytica đã sử dụng “siêu hồ sơ” từ Facebook để nhắm mục tiêu vào các nhóm khác nhau nhằm đạt được lợi ích chính trị.

Điều thú vị hơn mà Wylie tiết lộ đó là các thống kê sở thích thời trang của người dùng mạng xã hội nằm trong số các chỉ số mạnh nhất thể hiện tính cách của con người và chúng là một trọng tâm đặc biệt tại Cambridge Analytica. Theo đó, mô hình tâm lý OCEAN gồm các tính cách: Cởi mở, chu đáo, thái quá, dễ chịu và loạn thần kinh, là những đặc điểm chính được phân loại. Ngoài ra, những trạng thái tâm lý gồm trầm cảm, tức giận và dễ bị tổn thương cũng đặc biệt được Wylie lưu ý. Hay nói cách khác, các đối tượng mục tiêu được phân khúc trên cơ sở ổn định tinh thần của họ. Sau đó, nếu họ nằm trong nhóm dễ bị thuyết phục, họ sẽ được nhắm mục tiêu với thông điệp chính trị. Và đây chính là mấu chốt vấn đề, có thể khiến lan truyền các gợi ý xấu và khủng bố.

Sau khi cảnh báo về “vũ khí thông tin có sức hủy diệt hàng loạt”, Wylie kết thúc bài nói chuyện của mình bằng cách chuyển trách nhiệm sang ngành thời trang. Theo đó, những nhà thiết kế đã “tạo ra chiến trường” của một cuộc chiến văn hóa và hiện tại cần phải khắc phục vấn đề.

Chiến lược gia Steve Bannon và ứng viên Tổng thống Donald Trump tại Công viên Quân sự Quốc gia Gettysburg ngày 22-10-2016.

“Sự ngượng ngùng, chủ nghĩa thực dân, sự thiên vị chủng tộc... mà ngành công nghiệp thời trang tạo ra trong nhiều thập kỷ qua chính xác là những gì Cambridge Analytica tìm cách khai thác khi các nhà quảng cáo chính trị tìm cách làm suy yếu con người và thao túng họ”, Wylie khẳng định.

Do vậy, Wylie kêu gọi các nhà thiết kế, sản xuất thời trang cần phải thay đổi trong việc trau dồi các câu chuyện văn hóa, từ đó giúp ích cho an ninh quốc gia cũng như bảo vệ nền dân chủ của xã hội. Hay nói một cách đơn giản, thông điệp mà Wylie đưa ra là: Thời trang hãy ngừng khiến mọi người trở thành mục tiêu dễ dàng cho các thông đồng sử dụng nền tàng kỹ thuật số.

Thật khó để biết được các nhà lãnh đạo và các nhân vật trong ngành thời trang trong phòng cảm thấy thế nào về bài thuyết trình của Wylie. Có tiếng vỗ tay lớn, và hầu hết mọi người cuối cùng cũng đứng dậy để cổ vũ, nhưng căn phòng không thực sự rung chuyển. Liệu có phải Wylie đã nói những điều mà ngành công nghiệp này đều đã biết hay không? Hay đây chỉ là một tin tức tiêu cực khác, một câu chuyện tệ hại khác về dữ liệu và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ?

Và liệu ngành công nghiệp thời trang có sức mạnh hay mong muốn tập thể, để bảo vệ con người khỏi cuộc chiến tranh mạng về mặt văn hóa được báo trước bởi Wylie, vẫn còn được xem xét. Thế giới thời trang hiện đang phải giải quyết một số vấn đề rắc rối vẫn còn tồn tại bao gồm: Sự đa dạng/ khác biệt và sự bao quát, cách đối xử của người mẫu, nhân quyền trong các nhà máy may mặc, tính bền vững và việc sử dụng lông thú. Việc giải quyết một số trong những vấn đề này sẽ gián tiếp tạo thành một sự khởi đầu, vì nó sẽ giúp tạo ra những câu chuyện tích cực hơn mà các thương hiệu đang cần, nhưng điều này sẽ tốn nhiều thời gian.

Về phần Wylie, được đánh giá là một chiến lược gia chính trị trẻ tuổi với kỹ năng khoa học dữ liệu tiên tiến, H&M tuyên bố rằng họ đã thuê chuyên gia này làm giám đốc nghiên cứu. Hãng thời trang đường phố mong muốn sử dụng AI và kết quả phân tích dữ liệu để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nhằm giảm chất thải dệt được sản xuất đang vượt quá mức cho phép.

Giới phân tích kỳ vọng, Wylie, sau khi đưa ra một phản ánh trung thực cho ngành công nghiệp thời trang, giờ đây anh đã có cơ hội để sửa đổi và thực hiện lời kêu gọi của riêng mình.

Việt Thùy
.
.