Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm: Thử đã nhiều, hiệu quả được bao nhiêu?

Thứ Tư, 23/11/2016, 09:45
Được tổ chức trở lại sau 10 năm gián đoạn, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2016 được chờ đợi như là một cú hích cho sự phát triển sân khấu của nước nhà. Diễn ra liên tục từ 11-11 đến 19-11, liên hoan giới thiệu đến công chúng và cả những người làm nghệ thuật sân khấu các tác phẩm được cho là có những cách tân mới nhất, là kết quả từ nhiều nỗ lực, sáng tạo của các nghệ sĩ trong thời gian gần nhất.

Tuy nhiên, liên hoan có đạt mục đích đề ra của ban tổ chức trên cả phương diện làm giàu thêm ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu và đáp ứng thị hiếu khán giả trong xu thế hội nhập, phát triển hay chỉ như liều doping nhất thời thì còn nhiều vấn đề phải bàn.

Trăm hoa đua sắc

Theo thông tin từ Ban tổ chức (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn), để tham dự chính thức vào liên hoan lần này, 18 đơn vị sân khấu trong và ngoài nước đã phải trải qua vòng chọn lọc khá chặt chẽ, vượt qua khá nhiều đoàn bạn.

Cụ thể, có đến 58 vở diễn của 23 quốc gia, vùng, lãnh thổ trên thế giới đăng ký tham gia, nhưng giới thiệu chính thức với công chúng trong liên hoan chỉ có 18 vở, trong đó có 8 vở của 7 quốc gia, vùng lãnh thổ và 8 vở của 8 đơn vị sân khấu Việt Nam. Bằng tài năng, sự sáng tạo của các nghệ sĩ, hàng loạt "cuộc hôn phối" xuyên thời gian, xuyên biên giới đã thành hiện thực, mang lại nhiều trải nghiệm nghệ thuật mới lạ đối với chính đội ngũ những người làm nghề.

Cảnh trong vở "Khách sạn thiên đường".

Nếu "Bão" là cuộc thử nghiệm để làm mới và cũng là thử thách chính mình của Đoàn kịch nói Công an nhân dân với bước chân đầu tiên vào lãnh địa kịch cổ điển thì "Hamlet" của Nhà hát kịch Việt Nam "se duyên" văn hóa Anh - Việt bởi một vở diễn kinh điển của nhà soạn kịch vĩ đại Shakespeare nhưng được Việt hóa, mang một diện mạo mới các câu ca dao, điệu múa xuân phả… mang đậm hồn cốt Việt.

Tích truyện "Thanh xà bạch xà" của Trung Quốc đã khá quen thuộc với khán giả Việt qua nhiều phiên bản, đặc biệt là các phiên bản thuộc cải lương, tuồng cổ nhưng với vở diễn "Bạch xà" mà Trung tâm kịch nghệ Thượng Hải (Trung Quốc) mang đến liên hoan, khán giả và kể cả nhiều nghệ sĩ vẫn ngỡ ngàng trước cách tận dụng công nghệ, những kết hợp mới lạ, tạo hiệu ứng tối đa về cả thị giác lẫn thính giác.

Trong khi đó, "Ramayana" của Trung tâm nghệ thuật Kinh Kịch (Hà Nam, Trung Quốc) lại được coi là một trong những "cuộc hôn phối" thành công giữa tích truyện và văn hóa của Ấn Độ với Kinh Kịch của Trung Quốc cùng không ít những cách tân, đổi mới của chính bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của đất nước này.

Tuy nhiên, được hầu hết người làm nghề lẫn giới phê bình lý luận chung nhận xét là vở diễn "không tỳ vết" phải kể đến "Khách sạn thiên đường" của Familie Floz (Đức). Xoay quanh những điều kỳ lạ xảy ra ở khách sạn Paradiso, một khu nghỉ dưỡng lâu đời ở vùng núi.

Tự hào là một khách sạn 4 sao với rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là khách sạn sở hữu một dòng suối nước khoáng hứa hẹn giải tỏa cả đau đớn về thể chất lẫn tinh thần nhưng giữa nền trời trong sáng ấy, chính sự thấp hèn của những con người trong khách sạn lại như những đám mây đen ám ảnh.

Người con trai trong gia đình mơ về tình yêu cao cả nhưng sẵn sàng làm tất cả giành quyền quản lý khách sạn với chị gái. Nữ phục vụ phòng có thói quen ăn trộm những món đồ có giá trị của khách. Một vụ án mạng xảy ra khiến cho mọi nhân viên lẫn khách lưu trú vướng vào rắc rối…

Chia sẻ về vở diễn, nhà biên kịch Vũ Xuân Cải cho biết,  khi xem "Khách sạn thiên đường", khán giả không nhận ra dấu ấn của biên kịch, đạo diễn, diễn xuất của diễn viên. Tất cả hòa thành một tổng thể. Mọi chi tiết trong vở diễn đều được xử lý đến tận cùng, tạo thành một câu chuyện hấp dẫn đến mức độ người xem bị cuốn vào, không bứt ra được cho đến tận phút cuối của vở diễn.

Nhà báo, nhà biên kịch Lê Quý Hiền.

Nhà biên kịch, nhà báo Lê Quý Hiền cũng ca ngợi rằng đây là một vở thử nghiệm nhiều nhất trong các vở anh đã xem. Ở đó, một diễn viên đóng nhiều vai diễn khác nhau. Họ giỏi đến mức vở diễn có rất nhiều nhân vật nhưng khi kết thúc, chúng ta mới biết họ chỉ có 4 diễn viên. Đó là tài năng. Tài năng ấy được thể hiện bằng cái cổ, cái vai, cái đầu gối "biết nói". Mặt nạ che diễn xuất gương mặt nhưng các diễn xuất khác của diễn viên khiến người xem cảm nhận được vai nào ra vai đấy.

Một điều đặc biệt nữa là nếu các vở diễn khác đều mượn những cái mới, kể cả công nghệ để thử nghiệm trong vở diễn thì cái thử nghiệm của các nghệ sĩ Đức rất khác. Họ lấy tất cả những gì đã quá quen thuộc, đặt nó vào với nhau để làm ra cái mới. Đây là thử nghiệm làm giàu sân khấu. Từ một chi tiết thôi, như cánh cửa quay, người xem cảm nhận được ngay sự đuổi bắt nhau trong cuộc đời, trong tình yêu…

Vở diễn nói được những vấn đề diễn ra trong cuộc sống, rất gần gũi với mỗi con người dù con người ấy ở đâu trên trái đất này, không phân biệt là người Á Đông hay phương Tây.

Thông điệp cuối cùng của vở diễn rất giản dị, rất nhân văn là dù chúng ta có làm gì, cuộc đời này đều có 3 cửa: 1 cánh cửa lên thiên đường, 1 cánh cửa xuống địa ngục và 1 cánh cửa vào chính cuộc đời này. Lựa chọn thế nào chính là do bản thân của mỗi chúng ta. Xem vở diễn, người làm nghề và cả công chúng sẽ thấy yêu sân khấu hơn, yêu nước Đức hơn và không thể không mơ ước sân khấu Việt Nam có những vở như thế để thế giới biết nhiều hơn về Việt Nam, yêu đất nước của chúng ta hơn.

Cân bằng sân khấu với khán giả

Trao đổi về sân khấu thử nghiệm và Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2016, đạo diễn Chua Soo Pong đến từ Singapore cho biết, ông đã xem nhiều vở của Việt Nam như "Giấc mơ", "Mê đê"… và nhiều vở diễn của quốc gia khác mang đến liên hoan. Hầu hết các đoàn đều xác định vở diễn mang đi phải giàu yếu tố thử nghiệm và xác quyết yếu tố thử nghiệm này phải thỏa mãn sự mong đợi của khán giả.

Đạo diễn Chua Soo Pong đến từ Singapore.

Chính vì vậy, có thể vẫn những vở kịch kinh điển nhưng chúng ta có thể thấy một "Romeo và Juliet" hay một "Chim hải âu" mang phong cách khác. Vở của các bạn Hy Lạp cố gắng tìm tòi những cái mới để góp phần phục hưng nền sân khấu của Hy Lạp… Thực ra, trên con đường hoạt động nghệ thuật, bản thân mỗi nghệ sĩ luôn muốn chinh phục những đỉnh cao mới. Dù rằng, chinh phục những đỉnh cao này không dễ.

Đơn cử với vở "Khách sạn thiên đường", đây là vở diễn được các nghệ sĩ Đức ra mắt vào năm 2008 và vở diễn công chúng xem hiện nay đã được thử thách qua hành trình 8 năm các nghệ sĩ biểu diễn, thử nghiệm, tiếp thu, thay đổi.

Ngay trong liên hoan lần này cũng có những vở diễn, có những yếu tố thử nghiệm của các nghệ sĩ mà người xem không ưng ý nhưng đó là thử nghiệm của họ. Các nghệ sĩ đang thử làm và tìm hiểu xem cái này hay cái khác có đáp ứng được sự mong đợi của khán giả hay không. Những phản hồi từ khán giả, nghệ sĩ tiếp thu, nếu thấy không phù hợp thì phải tìm cách khác để lần tới thành công hơn.

Cái được nữa từ liên hoan là mọi người được giao lưu, học hỏi cái mới của đồng nghiệp. Song, học gì thì học, làm gì thì làm, mục đích cuối cùng vẫn phải là làm giàu cho nghệ thuật sân khấu và dùng nghệ thuật làm cho con người gần gũi với nhau, hiểu nhau hơn.

NSƯT Mỹ Uyên.

Không phản đối quan điểm của đạo diễn Chua Soo Pong nhưng NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Sân khấu 5B Võ Văn Tần khẳng định, với điều kiện của Việt Nam hiện nay, dù nghệ sĩ có cảm tính, có phiêu lưu, mạo hiểm đến đâu cũng không dám chỉ thử nghiệm với mình. Thử nghiệm, với nghệ sĩ Việt vẫn cần đảm bảo ranh giới an toàn, cân nhắc để vở diễn đảm bảo chất lượng nghệ thuật nhưng hiệu quả với công chúng. Khán giả, kể cả trong nước và nước ngoài có thể tiếp nhận được.

Mỹ Uyên cũng cho biết, có những thử nghiệm của đồng nghiệp rất mới lạ nhưng khó áp dụng và rất khó để lôi cuốn khán giả Việt nên chỉ tham khảo là chính. Với tình hình sân khấu như hiện nay, nếu làm vở độc lập 100% sẽ rất khó khăn về mặt kinh phí.

Có những nghệ sĩ trót yêu sân khấu, mạo hiểm cầm cố tài sản, kể cả nhà cửa để lấy vốn dựng kịch. Nếu không thành công sẽ trắng tay. Thế nên, nghệ sĩ muốn thử nghiệm cũng phải cân nhắc rất kỹ. Ngay với vở "Giấc mơ" mà ê kip mang đến liên hoan, ban đầu, tất cả rất hào hứng, vừa tìm kịch bản, tìm kiếm cộng sự, bàn cách dựng vở vừa nghĩ cách kiếm tiền. Kinh phí eo hẹp, dựng, quay, gửi đĩa cho Ban tổ chức xong thì cạn kinh phí.

May mắn, trước khi ra Hà Nội dự liên hoan, ê kip quyết định tổ chức suất diễn thử xem phản hồi của khán giả. Được công chúng và cả lãnh đạo thành phố ủng hộ, đoàn mới có đủ kinh phí trang trải chuyến đi. Tài chính được giải tỏa song về vấn đề con người lại là câu chuyện khá nan giải.

Việc tìm được 7 diễn viên chính đứng suốt trên sân khấu trong vở diễn, biết cả vũ đạo, hát, thoại kịch lẫn diễn hình thể là vô cùng khó ở thời điểm hiện tại. Lý do là diễn viên hiện nay bị phân tán, bận rộn chạy show quay phim và làm rất nhiều chương trình khác. Đây lại là vở kịch thơ của Nguyễn Đình Thi, chưa từng dàn dựng trên sân khấu. Đạo diễn của vở lại thuộc thế hệ 8X.

Thái Kim Tùng gặp kịch bản này trong trường, làm trích đoạn trong quá trình học và luôn mơ ước dựng thành vở hoàn chỉnh. Người ta cho rằng kịch  bản "Giấc mơ" là câu chuyện cũ quá. Một người lính hy sinh, thần chết gọi hồn anh đi để anh đừng vấn vương gì về cuộc đời này nữa. Nhưng nhờ xử lý vũ đạo, kết hợp âm nhạc cổ truyền như là hát bội và âm nhạc hiện đại, "Giấc mơ" tạo được nhiều cái mới, thu hút người xem.

Xuyên suốt 1 tiếng đồng hồ, các diễn viên vừa là dàn đồng ca, vừa thoại, vừa diễn. Khi vở diễn ra mắt tại thủ đô là thời điểm sáng ngày thứ 3. Đoàn rất lo không có khán giả vì giờ này mọi người đang đi làm, dù rằng, trước đó, qua fanpage của vở diễn, rất nhiều đồng nghiệp và người hâm mộ đều chia sẻ rất háo hức được xem. Chỉ đến khi khán giả ngồi kín rạp của Nhà hát Tuổi trẻ, tất cả mới thở phào.

Thực tế, không chỉ có NSƯT Mỹ Uyên mà hầu hết các đoàn mà chúng tôi có dịp lắng nghe, trao đổi đều chia sẻ rằng tham gia liên hoan không quan trọng việc có giải hay không. 

Đây là một sân chơi chuyên nghiệp, đa số khán giả xem vở diễn là người làm nghề, không ai chê trách ai, nhưng nếu vở nhạt quá thì nghệ sĩ đều nhận thấy. Theo đề án đã phê duyệt, liên hoan sẽ được tổ chức 3 năm một lần, để bảo đảm "thương hiệu" cho liên hoan, cách chọn lọc vở diễn tham dự cũng cần chặt chẽ, đúng tiêu chí thử nghiệm mới chọn, tránh nể nang.

Một điều đáng tiếc khác là các vở diễn đầu tư nhiều tâm huyết nhưng chỉ diễn 1 buổi duy nhất trong khi công tác truyền thông còn có giới hạn. Nghệ sĩ sân khấu đông nhưng thường nghệ sĩ các đoàn, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ không tham gia thì không đi xem.

Nhiều đoàn, nghệ sĩ ít đi xem vở của đoàn khác, không nắm bắt được cái hay, cái dở thì khó cọ xát, học hỏi lẫn nhau theo đúng mục đích liên hoan đề ra.

Ngay hội đồng giám khảo và trong các buổi tọa đàm sau từng chặng đường của liên hoan, chủ trì đều là những gương mặt lớn tuổi, dù có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn nhưng vẫn cần có thêm nhiều gương mặt trẻ tài năng, đa dạng thành phần hơn. Bởi, xét cho cùng, tương lai của sân khấu đặt trên vai và là sứ mệnh của những người trẻ.

Minh Hải
.
.