Thủ đoạn kiếm ăn trên lòng trắc ẩn

Thứ Sáu, 25/06/2021, 11:05
Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao dư luận trước thông tin một nghệ sĩ đã "giải ngân" khoản tiền hơn 14 tỷ đồng do "thập phương" quyên góp gửi cho ông để ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt từ năm… 2020. Động thái "lạ đời" này chỉ xảy ra sau khi hành động "găm" tiền từ thiện 7 tháng trời của ông bị "bóc phốt" trên mạng xã hội.

Hoạt động từ thiện chủ yếu dựa trên lòng tin của "đại chúng" đối với người/nhóm hay cơ quan, tổ chức đứng ra hô hào, vận động xã hội. Do đó, những "lùm xùm" có dấu hiệu cá nhân, trục lợi, hay lợi dụng chiêu bài từ thiện để chiếm đoạt tài sản sẽ làm tổn thương niềm tin, mà hệ quả nguy hiểm của nó là khiến nhiều người rời mắt khỏi những lời hiệu triệu, huy động chung tay góp sức ủng hộ đồng bào khi xảy ra thiên tai, địch họa.

Trục lợi lòng nhân

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, mức sống của người dân được nâng lên, khi không phải lo lắng về "cái ăn, cái mặc", nhiều người đã quan tâm hơn đến cuộc sống của người khác. Lúc này, việc xuất tâm chi ra những khoản tiền cá nhân để ủng hộ bà con trong cơn nước lửa, hay các cảnh đời gian khó, đã trở thành một ứng xử văn hoá của nhiều người.

Hành trình lên vùng thảm họa lũ quét.

Nhiều người đã bỏ ra số tiền lớn, với động cơ trong sáng, bất vụ lợi, để góp sức mạnh cho các nhóm thiện nguyện lên đường đến những nơi cần trợ giúp. Nhiều nhóm thiện nguyện tự phát đã hoạt động tích cực, kịp thời mang đến cho người dân gặp thiên tai tấm lòng yêu thương của đồng bào cả nước, giúp họ sớm vượt qua hoạn nạn, ổn định cuộc sống và có niềm tin chiến thắng nghịch cảnh, tin vào cuộc sống bởi vẫn còn đó những tấm lòng yêu thương, nhân ái.

Tuy nhiên, bên cạnh các hoạt động thiện nguyện đúng mục đích, thời gian qua đã có một số cuộc vận động nhân đạo đã bị biến tướng. Cụ thể là lợi dụng danh nghĩa và ý nghĩa các hoạt động cứu trợ để chiếm đoạt tiền của thập phương.

Một số hoạt động thiện nguyện.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Cường (Phòng CSĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an TP Hà Nội) một số biểu hiện biến tướng đã xảy ra trong hoạt động từ thiện như: lợi dụng hoạt động từ thiện để đánh bóng hình ảnh, tên tuổi, nhằm tạo ra các vỏ bọc tử tế để mở mang quan hệ với nhiều thành phần xã hội khác nhau, nhất là với giới quan chức, cán bộ…Mục tiêu sâu xa là nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động trái pháp luật.

Thủ đoạn này thấy rất rõ qua hoạt động của các băng nhóm xã hội đen như Khánh Trắng, Đường Nhuệ, hay nhóm giang hồ mạng như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… thời gian vừa qua; lợi dụng danh nghĩa từ thiện để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của cộng đồng gửi ủng hộ đồng bào cần cứu trợ. Do đặc điểm hoạt động từ thiện dựa trên cơ sở lòng tin của "thập phương" đối với người/nhóm đứng ra hô hào, mà không có cơ chế kiểm soát tài chính chặt chẽ, các khoản tiền chủ yếu được chuyển vào tài khoản cá nhân, nên rất khó để kiểm soát dòng tiền, số tiền nhận được.

Đây chính là cơ hội cho những kẻ "lưu manh khoác áo Bồ tát" trục lợi từ tấm lòng nhân ái của "đại chúng".

Nhận diện thủ đoạn

Vẫn theo Trung tá Cường, việc trục lợi từ hoạt động thiện nguyện có thể diễn ra theo một trong các cách thức như sau: không chi hoặc bớt xén, chi không đúng số tiền nhận được, không đúng mục đích của hành động từ thiện; "găm" tiền, không chi ngay cho đối tượng cứu trợ số tiền nhận được, vì những lý do mờ ám, không chính đáng. Chuyện này vừa được chứng minh là đúng qua cáo buộc trên mạng xã hội đối với một nghệ sĩ hài; lừa gạt những người cùng đồng hành thực hiện hoạt động từ thiện để chiếm đoạt tiền.

Vụ án Nguyễn Thuý Vân (Hà Nội) lừa đảo chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng của các bạn cùng đi thiện nguyện đang được Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội điều tra, là một ví dụ điển hình; hoàn toàn không có việc thiện nguyện. Nhân sự cố thiên tai, địch họa, dịch bệnh, các đối tượng lừa đảo trên mạng có thể mạo danh người nổi tiếng (thủ đoạn hack Facebook, lập trang giả mạo) để kêu gọi từ thiện.

Các khoản tiền từ thiện thập phương chuyển đến bị chúng chiếm đoạt… Hành vi trục lợi từ hoạt động từ thiện, căn cứ vào tính chất và mức độ của hành vi phạm tội cùng hậu quả thiệt hại (số tiền chiếm đoạt được)… mà đối tượng có thể bị xử lý hình sự về các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", hoặc "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Về vụ nghệ sĩ "găm" tiền từ thiện, luật sư Đỗ Quốc Quyền (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng nếu chứng minh được việc chậm trễ "giải ngân" số tiền này là do chiếm đoạt không thành vì bị công khai hóa trên mạng xã hội, hoặc số tiền nhận được lớn hơn con số ông ta công bố, hoặc đã sử dụng tiền từ thiện đó vào các mục đích khác nên không thể "giải ngân" ngay, thì hành vi có dấu hiệu của tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Bởi vì mục đích của cộng đồng gửi tiền như một sự ủy quyền cho ông ta mang đến ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung từ tháng 10-11/2020, theo đúng lời kêu gọi của ông trên mạng xã hội. Việc không chuyển ngay số tiền này đến tay đối tượng cứu trợ, mà không giải thích công khai dù đã được nhiều người chất vấn, đã thể hiện sự "bội tín" (phản bội lòng tin) với cộng đồng, nhất là với những người đã quyên góp, gửi tiền cho ông làm từ thiện.

Luật sư Đỗ Quốc Quyền (Đoàn luật sư Hà Nội).

Hãy đặt lòng trắc ẩn đúng chỗ

Một lãnh đạo Trung tâm đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm, Bộ Tài chính, từng trong ban tổ chức chuyến thiện nguyện với gần 700 triệu đồng tiền mặt và hiện vật của đồng bào cả nước gửi đến người dân bị lũ quét tại huyện Văn Chấn, Yên Bái năm 2018, đã chia sẻ một số kỹ năng "làm từ thiện" khá hữu ích.

Theo bà, để đề phòng việc lòng tốt bị lợi dụng, lừa gạt…, người dân nên gửi tiền ủng hộ hoạt động từ thiện đến các cơ quan chính thống tổ chức các hoạt động cứu trợ nhân đạo, như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ các cấp, hoặc chính quyền nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Trường hợp muốn gửi tiền cho các cá nhân/nhóm tự phát đứng ra kêu gọi quyên góp trên mạng xã hội, trước khi chuyển tiền cần phải thận trọng đánh giá các vấn đề như: lời kêu gọi trên mạng xã hội đó có phải của chính chủ (nhà tổ chức) không, để đề phòng việc tài khoản người đó đã bị hack Facebook hay mạo danh; nhân hiệu của người tổ chức thế nào, có phải người đáng tin cậy hay không. Đánh giá về lòng tin cần dựa trên các tiêu chí như có lý lịch nhân thân, công việc, nghề nghiệp rõ ràng; đã có nhiều hoạt động thiện nguyện trước đó; có nhiều thông tin tích cực trên báo chí, mạng xã hội về họ; chưa có "phốt" nào liên quan đến tư cách đạo đức, lối sống hay hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, trong lời kêu gọi cần phải có các căn cứ giải thích cho việc tổ chức hoạt động từ thiện, chẳng hạn như công văn, thư ngỏ của địa phương nơi xảy ra thiên tai, thảm họa đề nghị cộng đồng giúp đỡ…Nếu có các tài liệu này, chứng tỏ ban tổ chức chương trình đã thông tin 2 chiều.

Tiếp theo cần phải nghiên cứu kỹ kế hoạch, chương trình hành động của cá nhân/nhóm đó, cơ chế hoạt động của ban tổ chức, ngày giờ, địa điểm tiến hành trao quà; việc cập nhật công khai danh tính và số tiền thập phương gửi đến hàng ngày trên MXH. Ngoài ra, nên dành thời gian nghiên cứu tư liệu, hình ảnh các hoạt động thiện nguyện trước đó của ban tổ chức, để xem họ có công khai trên MXH các khoản đã chi sau khi kết thúc chuyến đi hay không. Nếu qua kiểm tra, thấy có căn cứ để đặt lòng tin thì hãy tham gia, còn nghi ngờ thì hãy chọn những nơi an toàn để gửi gắm tấm lòng nhân ái, để tránh việc bị lừa gạt.

Qua các chuyến vận động từ thiện, bà cho biết khi bắt tay vào việc vận động quyên góp các nguồn lực vật chất từ cộng đồng thông qua các trang Facebook cá nhân, ban tổ chức luôn xác định yếu tố công khai, minh bạch, rõ ràng là quan trọng nhất, phải được đặt lên hàng đầu. Có như vậy mới tạo được niềm tin của cộng đồng xã hội và cuộc vận động mới đem lại hiệu quả thiết thực. Triệt tiêu những nghi ngại bằng cách niêm yết công khai trên trang cá nhân toàn bộ kế hoạch, chương trình hành động một cách cụ thể, rõ ràng, đầy đủ nhất, chốt chính xác ngày giờ di chuyển, địa điểm trao quà.

Tài khoản của chương trình mở mới hoàn toàn, để không lẫn vào tiền cá nhân. Cập nhật hàng ngày, lập bảng kê mọi khoản thu - chi, công khai hoá trên trang Facebook cá nhân của các thành viên ban tổ chức để mọi người cùng giám sát. Công khai mọi thông tin, số điện thoại của các điểm cầu tiếp nhận quà tặng, để "thập phương" khi cần có đầu mối để kiểm tra. Ban tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người, trong đó thủ quỹ và trưởng ban tổ chức phải độc lập với nhau. Mọi vấn đề đều phải đưa ra bàn bạc tập thể và quyết định theo ý kiến đa số.

Để tăng cường hơn nữa tính minh bạch, ban tổ chức đã mời các "Mạnh thường quân" trực tiếp tham gia chuyến đi, để thấy đồng tiền quyên góp của mình đã đến đúng địa chỉ, do chính mình trao tặng. Mặt khác, mọi chi phí ăn nghỉ trong chuyến đi do chính thành viên đoàn đóng tiền để tự trang trải, chứ không được "đụng" vào khoản tiền cộng đồng hỗ trợ đồng bào.

Đào Nhật Nam
.
.