Thung lũng các vị vua – Nền văn minh cường thịnh trong 3 thiên niên kỷ

Chủ Nhật, 03/12/2017, 11:58
Suốt hơn một thế kỷ nay, các nhà khảo cổ học nói chung, cũng như giới Ai Cập học nói riêng miệt mài nghiên cứu một trong những địa điểm huyền bí nhất của lịch sử nhân loại: Thung lũng các vị vua - nơi chôn cất hầu hết các pharaoh của thời Vua Mới, giai đoạn cường thịnh nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại.

Khởi đầu từ hầm mộ của vị pharaoh nổi tiếng nhất Tutankhamun (1343-1325 TrCN), do nhà khảo cổ học huyền thoại người Anh Howard Carter (1874-1939) có công phát hiện ra dạo cuối năm 1922, tới việc khám phá hoặc nhận biết gần như hết thảy các kỹ thuật ướp xác của nền văn minh Ai Cập cổ. Ngày càng nhiều những bí ẩn khó lý giải dần được đưa ra ánh sáng…

Cho tới 3 thập niên trước chưa một ai đặt chân vào ngôi mộ Ai Cập cổ, được giới khảo cổ và nghiên cứu hiện đại gọi bằng mã số KV5 cho dễ phân biệt. Trong quá khứ nhà thám hiểm gạo cội người Anh James Burton (1788-1862) đã tìm ra lối đi tới KV5 ngay từ năm 1825. Hầm mộ bí ẩn này tọa lạc kề lối vào địa danh mang tên "Valley of the Kings" (Thung lũng các vị vua) huyền thoại, nơi hiện diện vô số các lăng tẩm pharaoh nhiều như "các cửa sổ thuộc cung điện Buckingham", như nguyên văn lời nhà thám hiểm bất hủ J. Burton từng ví von.

Thung lũng các vị vua chính là chốn yên nghỉ của giới lãnh chúa pharaoh dưới thời Vua Mới - một triều đại cực thịnh từng trị vì Ai Cập suốt thời kỳ dài từ năm 1539 - 1078 Tr.CN. Trong năm 1927, John Gardner (1905-1995), một trong những nhà khoa học Mỹ tên tuổi, người đặt nền móng cho ngành Ai Cập học quốc tế, đã hoàn tất bản vẽ ranh giới thuộc KV5. Nhưng suốt hơn 1,5 thế kỷ sau khi được khám phá, vẫn chưa ai "dám" đụng đến ngôi mộ huyền bí này cả.

Tới năm 1989, Tiến sĩ Kent R. Weeks, người Mỹ, nguyên là giáo sư giảng dạy bộ môn Ai Cập học tại Viện đại học Mỹ ở Cairo, đã cùng với nhiếp ảnh gia Kenneth Garrett dạn dày kinh nghiệm quyết định vượt qua ngưỡng cửa thần bí dẫn vào KV5. Lòng khâm phục xen lẫn với sự hiếu kỳ là động cơ thúc đẩy họ. Thiển ý của 2 người rất rõ ràng: không kiếm tìm cổ vật cho mục đích khám phá nữa, mà chỉ cố thử vi phạm điều thần chú ngàn đời về sự nghiêm cấm việc "đánh thức và gây xáo trộn giấc ngủ vĩnh hằng của những đấng quá cố - vô cùng linh thiêng".

KV5 thuộc dạng mộ gia đình, nơi chôn cất phần lớn những người con trai của pharaoh Ramesses II (1303-1213 Tr.CN). Cả KV5 bao gồm chí ít là 110 khán phòng chưa kể chỗ bảo quản quách mai táng, mang lại nhiều thông tin cùng các sự kiện mới liên quan tới cuộc đời của Ramesses II hay Ramesses Đại đế - một trong những nhà lãnh đạo cự phách nhất của Đế chế Ai Cập cổ đại.

Trong thời gian ông trị vì, đường biên giới Ai Cập trải dài từ phía tây nam thuộc xứ Sudan hiện nay,  tới tận vùng đất mạn đông bắc thuộc Syria bây giờ. Điều đáng nói nhất là dưới triều đại Ramesses II, kỹ nghệ xây cất ở Ai Cập đã đạt tới sự cực thịnh. Để lưu danh vương triều của mình, ông đã cho dựng dọc lưu vực sông Nile hằng hà sa số các thánh đường cùng đài kỷ niệm khổng lồ, những biểu tượng khó phủ nhận về một nền kiến trúc cực kỳ phát triển.

Bên dưới KV5 mọi sự vẫn còn nguyên vẹn như hồi J. Burton tìm ra dạo đầu thế kỷ XIX. Vật để đánh dấu lối vào vẫn nằm đó… Thậm chí ngay cả cái tên James Burton, mà ông viết bằng muội khói nến lên một trong 2 vách tường đầu hành lang vẫn có thể còn đọc được rõ. Tuy nhiên sự tàn phá của thời gian khắc nghiệt đã phần nào hiện diện, đó đây ngập tràn những dấu hiệu về một phế tích đang bị thời gian gặm nhấm dần…

Công trường khai quật một hầm mộ thuộc Thung lũng các vị vua.

Giới pharaoh dưới thời Vua Mới đã từng chinh phục cả vùng Palestine lẫn Syria bằng những cỗ kỵ mã thiện chiến. Trọn cả 3.000 năm lịch sử, Ai Cập luôn là nhà nước hùng mạnh và cường thịnh nhất thế giới. Các pharaoh cho xây cất những ngôi giáo đường bao la lộng lẫy tại kinh đô Thebes thần thánh của mình, vùng địa danh được họ tôn vinh là "Nữ hoàng của các đô thị", hay "Thành phố vĩ đại nhất - so với bất cứ  đô thị nào còn lại trên hành tinh!".

Thebes trải dọc triền phía đông dòng Nile - con sông dài nhất thế giới chảy từ trung bộ Phi châu ngược lên Địa Trung Hải; còn giới chủ nhân với lăng tẩm cùng đền đài của mình hiện hữu bên phía bờ tây. Trên khoảng diện tích rộng chừng 100km2, giữa các vách núi cằn cỗi và lưu vực sông Nile là chốn quy tụ hàng chục nghìn quần thể lăng tẩm, giáo đường, lâu đài và làng xã, với mật độ dày đặc hơn so với bất cứ vùng đất Ai Cập cổ xưa nào.

Đó đây trong Thung lũng các vị vua những ngôi mộ nằm sát sít nhau, như thể chúng thuộc chung cùng một quần thể gia tộc riêng biệt vậy. Để lên được tấm bản đồ chi tiết về mọi địa điểm tại vùng đất bên kia sông thuộc Thebes cổ kính này, cần phải có nhiều nhóm khảo cổ học am hiểu làm việc ròng rã hàng chục năm liền mới xong. Nhưng người ta cũng đã kịp lập bản đồ không ảnh chi tiết về Thung lũng các vị vua - dưới tầm nhìn của cánh chim đại bàng.

Do vậy việc khảo sát bằng khinh khí cầu trên khắp vùng Thebes, là một hiện tượng rất phổ biến và được ưa thích đối với giới nghiên cứu hiện đại. Như thế sẽ có được những tấm hình mang tính tổng quát, chân thực và hữu ích… Quả đúng vậy, chẳng có thứ cảnh quan nào hùng vĩ hơn trên địa cầu, có thể đem so sánh với khung cảnh thung lũng các vị vua trong ánh bình minh của một ngày mới - được mục kích từ cao độ khoảng 1.000m.

Nhưng chúng ta nên quay lại với những điều ẩn sâu dưới lòng đất. Mỗi một cuộc khai quật đều chứa đựng muôn vàn khó khăn - ngay cả với giới khảo cổ chuyên nghiệp. Trước hết phải nói về độ an toàn cùng sự thận trọng tuyệt đối, khi phải băng qua những ngách tường ngầm bị thời gian tàn phá nham nhở, cũng như mùi thán khí đậm đặc chợt toát ra từ quá trình phân hủy của những xác ướp có niên đại nhiều ngàn năm - giữa các tầng cát dày vùi lấp.

Còn lối vào thì chật đến nỗi một người bình thường có đôi vai hơi rộng rất khó mà lọt qua. Đôi khi cuối đoạn hành lang thình lình xuất hiện những thực thể sống đáng sợ như chuột trũi sa mạc, hay từng bầy dơi khát máu nhào ra tấn công người từ một góc sâu u tối nào đó…

Tuy hành lang lối vào KV5 có thể đi lại được trong thời cổ đại xa xưa, nhưng hầu hết mặt sàn bây giờ đã bị các mảnh vỡ dạng phế tích phủ dày… Do vậy thật khó mà khám phá được hết những đường nét kiến trúc tuyệt đỉnh nơi đây. Người ta chỉ hình dung được một điều, rằng tiền sảnh hành lang lối vào được thiết kế rộng đến nỗi, nếu ai đó chợt "rơi" xuống đó, sẽ vô cùng phân vân không hiểu nên đi theo đường thẳng, hay trèo dọc theo các bậc thang thoai thoải?

Những người thợ tham gia mai táng và xây cất các khu mộ trong Thung lũng các vị vua ngụ cách đó chừng 1km về phía nam. Vẫn còn vết tích ngôi làng Deir el-Medina cổ kính, với các di chỉ đã khai quật được nói lên lối sống tiêu biểu của giới thị dân thuộc nền văn minh Ai Cập thuở ấy.

Hiện vật khảo cổ tại đây nhiều vô kể, đến nỗi các nhà nghiên cứu  hiện đại có thể mô tả tỉ mỉ đến từng ngôi nhà một, cũng như nghề nghiệp của chủ nhân, thói quen cùng sở thích và nơi chôn cất họ. Các nhà khoa học cũng biết rõ sắc dân sống tại Deir el-Medina từng mắc bệnh gì, họ từng tiêu khiển thời gian rảnh rỗi ra sao, khoái các món ăn nào, mua bán và trao đổi những thứ gì v.v…

Hơn 3 thiên niên kỷ trước, Deir el-Medina là quê hương của những nhà tạc tượng, thợ mộc, họa sĩ cũng như nhạc sĩ… Giới nghệ nhân Ai Cập cổ sống cùng với vợ con họ trong chừng 70 ngôi nhà, ngăn cách nhau bởi những con đường thẳng tắp, rộng rãi tới độ 2 xe lừa kéo có thể thoải mái tránh nhau. Trong mỗi căn nhà đều có phòng khách riêng biệt, phòng thư giãn, phòng ngủ và khu công trình phụ. Dân Ai Cập cổ thường thích nghỉ ngơi thư giãn sau giờ làm việc tại những khoảng không thoáng đãng, được thiết kế riêng trên nóc các mái nhà. Dưới tầng hầm là những nhà kho nhỏ, nơi chứa lượng thực phẩm dự trữ.

Giới nghệ nhân và thợ thuyền trong xã hội Ai Cập cổ xưa thường nhận tiền công chủ yếu qua hiện vật. Vậy người ta "trả lương" cho họ bằng những cái gì? Tất cả những thứ thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày: rau củ, cá, sữa, đường… Tất cả đều được đựng trong các đồ chứa với định lượng rõ ràng, thể hiện nếp sống văn minh quy củ của họ.

Người Ai Cập cổ cũng biết chế biến nhiều món ăn nhằm duy trì sự cường tráng của cơ thể, ngõ hầu có thể làm việc được thường xuyên cùng phong độ thật khỏe mạnh. Họ thường rời nhà lúc mờ sáng, vượt qua các triền núi ngăn cách nơi họ ở với chỗ làm việc trong Thung lũng các vị vua - mất chừng một tiếng đồng hồ. Xế chiều họ lại trở về theo ngả cũ. Đôi khi do công việc thúc bách, họ nghỉ lại qua đêm tại công trường, thư giãn trong những căn nhà bằng đá chắc chắn được xây riêng cho mục đích này.

Thoạt nhìn Thung lũng các vị vua có vẻ không giống với hàng nghìn địa điểm dân cư khác thuộc vùng sa mạc Bắc Phi bao la. Chốn này như thể được cố ý "đẽo gọt" nên bởi bàn tay con người, với từng khu vực riêng rẽ được thung lũng bao quanh. Một đỉnh núi duy nhất nhô hẳn lên phía trên cao y hệt cỗ Kim Tự tháp nhân tạo hùng vĩ. Do hình dáng tự nhiên cố hữu, nên các nhà Ai Cập học đều đồng nhất với quan điểm: đây chính là nơi mà thần mặt trời Amun-Ra của dân Ai Cập cổ đã chọn làm chỗ lưu giữ thi hài của các đấng pharaoh oanh liệt dưới triều Vua Mới.

Pharaoh Ramesses Đại đế trị vì Ai Cập suốt 66 năm ròng. Thậm chí ông còn thọ hơn cả 12 người con trai có quyền nối dõi tông đường của mình, cũng như sống lâu hơn cả Đệ nhất phu nhân Nefertari Meritmut rất đỗi yêu quý nữa. Đức vua Ramesses II là một người cao lớn so với tầm vóc trung bình của dân Ai Cập cổ, với sống mũi cao, cằm bạnh, đôi tai to và dài. Thật đáng tiếc là bộ răng của ông không còn nguyên vẹn nữa.

Còn mái tóc của Ramesses Đại đế lại có màu hung đỏ, khác hẳn với đám thần dân mà ông trị vì tại Ai Cập và vùng Tây Á thuở ấy thường có mái tóc sẫm đen. Ramesses II tạ thế trong tháng 8-1213 Tr.CN, hưởng thọ 87 tuổi. Hầm mộ của ông thoạt đầu chôn tại địa điểm mang mã số KV7 thuộc Thung lũng các vị vua, sau được bí mật di dời để tránh cướp bóc và tọa lạc dưới độ sâu cả 200m trong quần thể mộ DB320 tại Deir el-Bahari, nơi danh chính ngôn thuận là chỗ an táng vị mục sư danh tiếng Pinedjem II (990-969 Tr.CN).

Trái với khu mai táng bí hiểm của Ramesses II, hầm mộ người vợ đầu của ông là Hoàng hậu Nefertari lại rất đỗi quen thuộc với giới khảo cổ học. Đó là ngôi mộ mang mã số QV66, một quần thể lăng tẩm to đẹp nhất trong khu vực Thung lũng các hoàng hậu kề cận với Thung lũng các vị vua.

Nhưng với cá nhân đời tư của bà hoàng Nefertari lại được giới khoa học gia biết tới ít nhất. Chỉ có những bức tranh minh họa dọc các bức tường bao quanh dưới lòng hầm mộ, đã ít nhiều nói lên rằng đó là một phụ nữ  "đẹp vô cùng", với làn da "trắng như trứng gà bóc" - khác hẳn với màu da vàng cố hữu của hầu hết nữ giới Ai Cập cổ.

Cá nhân Ramesses Đệ nhị luôn được các thần dân coi như một vị thánh sống. Những đấng nam nhi hậu duệ đông đúc của ông chia nhau giữ hầu hết các trọng trách cai quản trong vương triều, từ công tác đối ngoại cho tới công việc trồng trọt và chăn nuôi, cũng như phát triển nền kinh tế quốc gia.

Quả thực những người con trai của Ramesses II được dân chúng trọng vọng hơn rất nhiều, so với đám hậu duệ từ các vị pharaoh khác trong thời Ai Cập cổ. Mỗi thái tử lúc về "chầu trời" không chỉ được xây mộ trong khán phòng riêng, mà quanh đó còn nhiều phòng ốc khác được trang hoàng lộng lẫy với vô số các báu vật nữa, tạo thành một quần thể chôn cất liên kết hoàn hảo. Cho tới giờ chưa một khảo cổ gia nào dám khẳng định, rằng những xác ướp khác mà họ sẽ gặp dưới hầm mộ KV5 ắt hẳn là thuộc về những người con trai của Ramesses II?

Tồn tại nhiều khả năng là cùng với thời gian, thi thể họ đã tự "trôi" theo những dòng chảy ngầm qua các phòng ốc khác; cũng như giới trộm mộ thuở xưa đã cố tình xê dịch các quách đựng thi hài từ những khán phòng tối sang các địa điểm "sáng sủa" hơn, nhằm kiếm tìm cho hết mọi báu vật…

Điều miễn bàn cãi với giới sử học 5 châu, là tại Ai Cập nhiều nghìn năm Tr.CN đã tồn tại một nền văn minh cực kỳ phát triển, với các phong tục sinh hoạt được thực thi chủ yếu dựa theo "ý nguyện của các thần linh".

Lối sống "thần thánh" ấy phải chăng sẽ được nền văn minh tân kỳ hiện hữu của chúng ta đồng cảm và hiểu biết hết về họ? Nhưng một điều hiển nhiên là, những người Ai Cập cổ đại tồn tại giữa đời thường chỉ vì một mục đích duy nhất: thực thi xứng đáng giai đoạn "chuyển tiếp" từ cuộc sống trên mặt đất qua "cõi đời vĩnh hằng - bên kia thế giới", mà sự hiện diện của Thung lũng các vị vua là một bằng chứng sinh động.

Trần Quang Long (theo National Geographic)
.
.