Thương chiến Mỹ - Trung quay về vạch xuất phát?

Thứ Ba, 23/07/2019, 11:21
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang trên đường về đích, bất ngờ lại quay về vạch xuất phát. Đến nay vẫn chưa có kế hoạch nào cho các cuộc đàm phán tiếp theo sau khi cuộc tham vấn cuối cùng diễn ra tại Washington sụp đổ.

Giới phân tích nhận định rằng nếu có nối lại, sẽ phải mất nhiều thời gian để đạt được một thỏa thuận, thậm chí càng lâu hơn để khép lại mọi việc.

Cuối tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump và truyền thông Mỹ đã khiến giới quan sát toàn cầu mừng hụt khi tuyên bố Trung Quốc và Mỹ sắp đạt được một thỏa thuận trong vấn đề thương mại. Sau đó,ông Trump mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Washington vào cuối tháng 5-2019.

Bắc Kinh hầu như không đề cập gì tới lời mời này và không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy loạt đối thoại này sẽ chấm dứt sau cuộc gặp được lên kế hoạch này.

Sau khi vòng đàm phán thứ 11 sụp đổ tại Washington, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã nhấn mạnh rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng phải công bằng và có lợi cho hai bên, đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp về các điều khoản.

Muốn các cuộc đối thoại tiến triển thành công, có 3 mối quan ngại chính cần phải được giải tỏa: Thứ nhất, cần dỡ bỏ các loại thuế đã áp đặt; Thứ hai, Trung Quốc phải tăng cường mua sản phẩm của nước ngoài. Hai bên đã đạt được một sự nhất trí về số lượng hàng hóa sản xuất tại Argentina mà Trung Quốc phải mua và con số này không nên thay đổi một cách tùy tiện. Thứ ba, sự cân bằng trong các chi tiết của thỏa thuận được đề ra cần được cải thiện để nó có thể phản ánh tốt hơn cơ sở bình đẳng trong các vấn đề thương mại mà cả Washington và Bắc Kinh đều có thể chấp nhận.

Những nhân vật có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Kỳ vọng khác nhau

Giới phân tích cho rằng, hiện hai bên đang có những kỳ vọng tương đối khác nhau về việc thực hiện thỏa thuận dự thảo. Tháng 3, Trung Quốc đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài mới tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc với nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi cuộc xung đột thương mại với Mỹ đã gây ra sự suy thoái kinh tế.

Các quan chức Trung Quốc khá miễn cưỡng thực hiện bất kỳ thay đổi pháp lý nào để cải thiện kết quả của các cuộc đàm phán thương mại vì họ tin rằng luật đầu tư mới sẽ giúp các công ty nước ngoài được đối xử công bằng và được bảo vệ khỏi sự can thiệp bất hợp pháp từ Chính phủ Trung Quốc.

Trong khi đó, chính quyền ông Trump và các công ty Mỹ đã không đồng ý. Giống như Liên minh châu Âu (EU) và các nhà bình luận khác, họ thấy rằng luật đầu tư mới của Trung Quốc không thực sự thực tế, vẫn mơ hồ về các vấn đề chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ và tiết lộ bí quyết.

Trung Quốc muốn thực hiện thỏa thuận bằng hành động hành chính mà không có cam kết pháp lý. Ngược lại, Mỹ muốn những thay đổi cụ thể mà Trung Quốc thực hiện theo các điều khoản pháp lý và công khai để thể chế hóa một cơ chế thực thi. Cả hai bên lo ngại về những chỉ trích trong nước về các thỏa thuận yếu.

Chiến tranh thương mại leo thang

Những diễn biến gần đây sau sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán thương mại cho thấy sự bế tắc hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ được châm ngòi bởi các phản ứng tự phát của các nhà lãnh đạo cá tính. Hai nền kinh tế lớn này thực sự đã bắt đầu cuộc chiến tranh về một trật tự toàn cầu mới mà sẽ không thể sớm được giải quyết.

Bằng cách thực thi các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc và tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về bảo mật thông tin, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nói rõ rằng họ đang tìm cách ngăn chặn chiến lược “Sản xuất đến năm 2025”, một kế hoạch phát triển chi tiết của Trung Quốc để trở thành một cường quốc sản xuất với sự tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao.

Đáng chú ý, lập trường hiện nay của Mỹ đối với Trung Quốc không có sự khác biệt giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Bất chấp sự đối nghịch đang diễn ra, đảng Dân chủ đã yêu cầu Tổng thống Trump phải cứng rắn hơn đối với “các hành vi xấu” của Trung Quốc, bao gồm hành vi pháp lý, hoạt động thương mại không công bằng và các vấn đề nhân quyền.

Xuất hiện những tình thế khó khăn

Cuộc cọ xát Mỹ-Trung sẽ tác động như thế nào đến hệ thống thương mại toàn cầu? Các thiệt hại dường như đã xuất hiện. Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, gần đây cảnh báo rằng việc Mỹ và Trung Quốc trả đũa thuế quan lẫn nhau sẽ làm giảm mức tăng trưởng toàn cầu vào năm 2020, gây thiệt hại khoảng 455 tỷ USD.

Vấn đề nan giải khác trong cuộc cãi vã hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc là một số nước sẽ buộc phải chọn bên, như được thể hiện trong mối quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris mới đây đã kêu gọi các công ty viễn thông Hàn Quốc không sử dụng thiết bị mạng Huawei, nhấn mạnh tầm quan trọng của những nhà cung cấp 5G đáng tin cậy đối với an ninh quốc gia. Điều đó diễn ra chỉ một ngày sau khi các nhà ngoại giao Trung Quốc cảnh báo báo giới Hàn Quốc rằng nước này nên có đánh giá đúng thay vì làm theo sở thích của Mỹ.

Tuy nhiên, cơ hội không phải hoàn toàn đã hết, Trung Quốc và Mỹ vẫn có khả năng đạt được một thỏa thuận dựa trên nền tảng những lợi ích chung. Để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2020, ông Trump cần có một thỏa thuận. Nếu đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, ông có thể giành được sự ủng hộ của giới cử tri trong các ngành năng lượng và nông nghiệp, phố Wall và các công ty Mỹ đang đầu tư tại Trung Quốc.

Về phần mình, Bắc Kinh cũng hy vọng đạt được một thỏa thuận đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, ổn định hóa mối quan hệ song phương và tránh nguy cơ cạnh tranh chiến lược. Khó có thể hình dung Trung Quốc vẫn sẽ bước vào bàn đàm phán nếu Mỹ tiếp tục duy trì mức thuế cao và làm trầm trọng thêm cuộc chiến công nghệ. Ông Trump đã thổi phồng những khó khăn kinh tế và đánh giá thấp sức bền của nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc và Mỹ cần tìm ra một cách tiếp cận cân bằng để giải quyết những mối lo ngại này.

Quang Nguyễn (tổng hợp)
.
.