Thương vụ TikTok - Phép thử cho Microsoft

Thứ Sáu, 14/08/2020, 22:08
Hơn hai thập niên nỗ lực “bám rễ” tại Trung Quốc của Microsoft có thể sớm được đền đáp, nếu họ thành công trong thương vụ mua doanh nghiệp TikTok tại Mỹ.

Microsoft đã nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu để cứu TikTok khỏi mối đe dọa của Tổng thống Donald Trump về việc cấm ứng dụng này hoạt động tại Mỹ trừ phi họ được một công ty Mỹ mua lại. Ứng dụng TikTok thuộc sở hữu của Công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh. Một thỏa thuận mua lại sẽ giúp Microsoft có quyền sở hữu và vận hành các dịch vụ TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand.

Không giống như các công ty công nghệ lớn khác của Mỹ, Microsoft có ít nhiều ảnh hưởng ở Trung Quốc và các sản phẩm của họ có sự hiện diện đáng kể ở đó. Microsoft đã xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 1992 và sử dụng 6.000 lao động tại đây. Phần mềm Microsoft được chính phủ và các công ty Trung Quốc sử dụng, LinkedIn là một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến cho các chuyên gia Trung Quốc và Bing là công cụ tìm kiếm nước ngoài duy nhất có thị phần trong nước. Công ty có trụ sở tại Washington cũng tự hào có một mạng lưới cựu sinh viên hạng A ở Trung Quốc, nhờ vào Trung tâm nghiên cứu Microsoft Research Lab Asia (MSRA) đặt tại Bắc Kinh.

Microsoft đang đàm phán để mua lại TikTok ở Mỹ.

Ảnh hưởng tại Trung Quốc

Sự tham gia của Microsoft vào thế giới công nghệ Trung Quốc, kể từ khi thành lập Trung tâm nghiên cứu MSRA ở Bắc Kinh vào cuối những năm 1990, đã giúp họ có những kết nối cá nhân quan trọng. Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance, công ty sở hữu TikTok, từng làm việc tại Microsoft mặc dù chỉ trong vài tháng trước khi rời khỏi đây để khởi nghiệp riêng.

Đây không phải là điều khác thường vào thời điểm đó: trung tâm nghiên cứu của Microsoft được biết đến ở Trung Quốc như một vườn ươm cho các doanh nhân hồi cuối những năm 1990 và 2000, những người sau đó đã tiếp tục thúc đẩy sự bùng nổ công nghệ của đất nước này.

Một cựu giám đốc điều hành của Microsoft Trung Quốc nói: “Tất cả các kết nối có sẵn giữa ByteDance và Microsoft đồng nghĩa rằng họ có những mối liên hệ đáng tin cậy. Microsoft cũng nỗ lực xây dựng các kết nối với giới tinh hoa chính trị Trung Quốc. Người sáng lập công ty, Bill Gates, là một trong số ít các giám đốc điều hành nước ngoài đã gặp gỡ 3 vị Chủ tịch Trung Quốc liên tiếp, bắt đầu từ năm 1995, khoảng thời gian Microsoft vào Trung Quốc.

Công ty ByteDance hiện sở hữu một loạt ứng dụng “gây nghiện” mà tất cả đều dựa vào thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI). Các ứng dụng này nghiên cứu hành vi của người dùng và liên tục cung cấp cho họ nội dung mà họ muốn xem.

Nhiều người trong ngành công nghệ Trung Quốc tin rằng Microsoft là "sự lựa chọn tốt nhất" để mua TikTok, bởi vì ít nhất Microsoft có "các nhóm AI để hiểu ByteDance đang làm gì". Tony Verb, nhà đồng sáng lập nền tảng tư vấn Greater Bay Ventures & Advisors cho các doanh nhân Trung Quốc, cho rằng việc bán TikTok cho Microsoft sẽ là "một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, trong một tình huống khá kinh khủng".

Theo ông Verb, đây có thể là một chiến thắng của Trump, thật tốt khi Microsoft có được một sản phẩm tăng trưởng nhanh như TikTok và đối với ByteDance, "đó là kết quả ít tồi tệ hơn".

Mối lợi kinh tế

Trong một bài đăng trên blog được công bố vào tối Chủ nhật vừa qua thông báo về việc theo đuổi hoạt động kinh doanh tại Mỹ của TikTok, Microsoft đã không cho biết thêm bất kỳ chi tiết nào về quy mô tiềm năng của thỏa thuận nhưng một báo cáo của CNBC đã đưa ra mức giá từ 10 tỷ đến 30 tỷ USD. Microsoft là một trong số ít các công ty có thể chấp nhận mức giá như vậy và được cho là đã đồng ý chuyển cơ sở dữ liệu TikTok từ Trung Quốc sang Mỹ trong vòng một năm nếu thỏa thuận được thực hiện.

Các nhà đầu tư dường như rất quan tâm đến thỏa thuận này, mặc dù nó có thể sẽ không mang lại lợi ích ngay lập tức cho gã khổng lồ công nghệ. Doanh thu của TikTok năm ngoái được ước tính khoảng 200 triệu đến 300 triệu USD trên toàn thế giới - vốn chỉ là “muối bỏ bể” theo tiêu chuẩn của nhóm Big Tech (4 công ty công nghệ lớn của Mỹ gồm Google, Amazon, Facebook, Apple) và hoạt động kinh doanh quảng cáo của họ vẫn còn non trẻ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Microsoft nhận thấy các lợi thế lâu dài hơn khi sở hữu một mạng xã hội phổ biến hiện nay. Theo nhà phân tích Alex Zukin của RBC Capital Market, các tài sản như vậy là rất "hiếm có" và rất khó xây dựng từ đầu. Một tài sản như TikTok có thể cung cấp một vài lợi ích. Trước hết, nó cho phép Microsoft tiếp cận tới một thế hệ người dùng trẻ hơn.

Các bước đi tiềm năng khác có thể bao gồm việc kết hợp kinh doanh quảng cáo của TikTok với Bing hoặc đưa các video trong TikTok vào hoạt động kinh doanh trò chơi của họ. Microsoft cũng có thể sẽ chuyển khối lượng công việc của TikTok sang Azure (giải pháp điện toán đám mây tích hợp toàn diện được sử dụng để xây dựng, triển khai và quản lý các ứng dụng thông qua mạng lưới trung tâm dữ liệu toàn cầu của Microsoft).

Nhà phân tích Dan Ives của công ty đầu tư và dịch vụ tài chính tư nhân Wedbush ước tính việc mua lại TikTok có thể chuyển sự tập trung của nhà đầu tư sang tiềm năng chưa được khai thác trong các doanh nghiệp tiêu dùng của Microsoft và đẩy giá trị của nó lên mức 2 nghìn tỷ USD. Vốn hóa thị trường của Microsoft hiện ở mức khoảng 1,6 nghìn tỷ USD.

Mặc dù thỏa thuận chưa được đảm bảo sẽ diễn ra nhưng việc mua TikTok sẽ mang lại lợi ích cho cổ phiếu của Microsoft nhờ lợi ích tiềm năng cho những nỗ lực của Microsoft. Một thỏa thuận giúp phát triển TikTok nhanh hơn cũng có thể có lợi cho Công ty Fastly - nhà điều hành mạng phân phối nội dung của TikTok. TikTok đã được cho là một trong những khách hàng lớn nhất của Fastly và cổ phiếu của Fastly đã tăng lên mức cao kỷ lục sau khi Microsoft xác nhận các cuộc đàm phán mua lại TikTok.

Chủ tịch Microsoft Bill Gates và Tổng Giám đốc Satya Nadella là những người có tư duy toàn cầu. Tuy nhiên, năng lực của họ đang đứng trước phép thử gắt gao bởi các diễn biến trên chính trường Mỹ và các ông chủ ở Redmond có thể đang tự hỏi chiến lược dài hạn của họ đối với Trung Quốc là gì.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.