Thủy điện Sông Tranh 2: Xây đập trên đới đứt gãy?

Thứ Hai, 01/10/2012, 20:30

Hiện nay, cứ hễ có sự việc gì đó diễn ra mà chưa được lý giải thấu đáo thì không ít người vội buột miệng: “chuyện lạ”. Thực tế cho thấy, đã có vô khối chuyện nếu chịu khó tìm hiểu thì sẽ biết ngay chân tướng sự thật, vậy nhưng vẫn bị quy là… lạ! Từ chim “lạ”, cá “lạ” đến rắn “lạ”, lửa “lạ”, đá “lạ”, v.v… Và, động đất liên tục tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Mặc dù, một số nhà khoa học cho là động đất kích thích, song nhiều người vẫn thấy… lạ, vì chỉ khi mực nước hồ thủy điện dâng lên là xảy ra động đất. Những tiếng nổ liên tục phát ra từ lòng đất khiến nhà cửa rung lắc, chao đảo, làm cho người dân sinh sống dưới chân đập vô cùng mệt mỏi, lo sợ, hoang mang…

Nước hồ thủy điện dềnh lên là… động đất

Một ngày sau 7 vụ động đất, rung chấn xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, chúng tôi trở lại xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam. Đây là một xã nằm ở tả ngạn sông Tranh, dưới chân đập thủy điện, có hơn 96% dân số là đồng bào dân tộc Ca Dong định cư trên vùng đất này từ nhiều đời qua.

Đứng ở sân trụ sở UBND xã, nhìn về phía con đập thủy điện lừng lững dưới ánh nắng chiều một khối bê-tông khổng lồ chắn ngang dòng sông Tranh, ông Hồ Cao Quý - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã Trà Đốc, lắc đầu ngao ngán: "Động đất cứ liên tục xảy ra, khiến người dân trong xã mất ăn, mất ngủ, vì phải luôn sống trong thấp thỏm, lo lắng không yên. Sáng nay (24/9) cũng đã xảy ra 2 trận rung chấn, song mức độ nhẹ hơn".

Rồi ông Quý tỏ ý băn khoăn bảo rằng, các nhà khoa học nghiên cứu xác định, vùng Nam và Bắc Trà My trước đây đã có động đất. Nhưng, thực tế từ thời ông cố, ông nội của ông, rồi đến thời cha, mẹ ông chưa một ai kể lại là có xảy ra động đất, rung chấn cả. Ngay các già làng nhiều tuổi nhất của xã Trà Đốc hiện còn sống cũng không ai biết động đất là gì. Chỉ từ khi thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng và tích nước, rồi xảy ra sự cố rò rỉ nước, động đất cứ liên tục xảy ra...

Theo lời kể của ông Quý, trong hàng loạt trận động đất đã xảy ra thì trận động đất lúc 11 giờ kém 10 phút trưa ngày 23/9 là mạnh nhất. Chí ít cũng 4,8 độ Richter. Lúc đó, chính quyền xã Trà Đốc đang tổ chức tiếp xúc cử tri tại trường tiểu học ở thôn 2, thì có tiếng nổ như sấm sét phát ra từ lòng đất, tiếp theo là nhà cửa rung lắc bần bật, mặt đất chao đảo khiến bàn ghế xô vào nhau, ly tách trên bàn rơi cả xuống đất... Thế là, hơn 100 cử tri hoảng sợ, xô đẩy nhau để chạy thoát ra ngoài, nên đã có một số người bị trầy xước do va vào vách tường, cửa ra vào…

Để chứng minh, ông Quý dẫn chúng tôi đi khảo sát thực tế nhà dân và công trình trường học trong xã. Đến đâu, ông Quý cũng chỉ cho chúng tôi thấy những mảng tường bị nứt nẻ do động đất gây ra. Tại Trường mẫu giáo Hoa Phượng, cô giáo Đỗ Thị Bích Phượng vẫn ra lớp dạy các cháu nhỏ. Động đất đã làm ngôi trường này nứt toác trường, dầm bê-tông cửa bị gãy. Cô Phượng thở dài giải thích: "Trường bị hư hỏng do động đất, song chưa được sửa chữa. Không ra lớp thì các cháu bỏ học, nên phải dạy các cháu, biết làm sao bây giờ…".

Trường Mẫu giáo Hoa Phượng nứt toác tường theo chiều thẳng đứng rất nguy hiểm.

Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biết thêm, khi xây dựng thủy điện Sông Tranh 2, Ban Quản lý Thủy điện 3 (đơn vị chủ đầu tư) xây nhà tái định cư cho dân ở, xây trường học cho con em trong xã có chỗ học hành; nhưng đến nay nhiều công trình, nhà cửa đã bị xuống cấp. Nay động đất liên miên, người dân lo sợ nhà sập nên đã có 24 hộ dân bỏ nhà ở khu tái định cư quay về làng cũ dựng nhà sàn, làm ăn sinh sống. Chính quyền xã không thể ngăn cản, thuyết phục được họ vì động đất cứ liên miên mà chẳng có cơ quan nào đứng ra giải thích, đảm bảo sự an toàn cho dân...

Đột nhiên, Bí thư Đảng ủy xã Trà Đốc nêu câu hỏi: "Không hiểu sao các chuyên gia nghiên cứu cho xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2 mà không có cửa xả đáy? Cách đây 2 ngày, tại cuộc họp ở Hà Nội, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, chưa cho thủy điện tích nước. Nhưng, thực tế nước vẫn đọng đầy ở thượng lưu đập thủy điện Sông Tranh 2, còn phía hạ lưu đập thì trơ đáy, đá ở lòng sông bày ra ngổn ngang đó... Cứ mỗi lần xảy ra động đất, lãnh đạo xã cùng nhau lên đập thủy điện quan sát thì thấy nước hồ phía trên đập dâng cao. Nhất là những lúc trời mưa xuống, nước dềnh lên thì động đất liên tục với cường độ khá mạnh…".

Vị Bí thư Đảng ủy xã trẻ tuổi nhíu mày, nói: "Thủy điện có cửa xả đáy thì có thể trả lại dòng nước sông Tranh chảy bình thường như trước đây để xem có còn động đất nữa hay không. Còn hiện nay thì chịu rồi, thủy điện không có cửa xả đáy, hồ vẫn tích nước cho hai tổ máy thủy điện hoạt động và mỗi khi nước hồ dâng lên là động đất xảy ra khiến người dân hoang mang, lo lắng. Nếu xảy ra thảm họa thì hơn 2.600 dân xã Trà Đốc sống trong vùng tâm chấn, dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2 chắc chắn lãnh nhận hậu quả khôn cùng…". 

Chúng tôi ghé Văn phòng Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4, Chi nhánh miền Trung, cạnh đập thủy điện Sông Tranh 2, một cán bộ có trách nhiệm ở đây xác nhận, lúc xây dựng đập thủy điện có để một cống thoát nước dưới đáy, song khi xây xong thì bít luôn lại bằng hàng chục khối bê-tông vững chắc. Do đó, đập thủy điện Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy. Cao trình tích nước của đập thủy điện Sông Tranh 2 là 175m; song tính từ dưới đáy sông lên cửa xả tràn của đập khoảng 75m và xem như đương nhiên thủy điện được tích nước trong giới hạn này. Cũng vì thế, các tổ máy của thủy điện vẫn hoạt động bình thường…

Đập thủy điện Sông tranh 2 (phía hạ lưu).

Tích nước hồ thủy điện là mạo hiểm

Rời xã Trà Đốc chúng tôi quay về thị trấn Bắc Trà My. Không chỉ ở vùng tâm chấn xã Trà Đốc mà tại thị trấn miền sơn cước này, trận động đất cực mạnh vào trưa 23/9, đã làm cho hàng loạt công trình công cộng và nhà cửa của người dân bị nứt tường. Với vẻ mặt đầy mệt mỏi vì lo âu, ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, chùng giọng nói: Trụ sở Ủy ban huyện cũng bị nứt tường nhiều chỗ. Nhà tôi ở thị trấn này cũng vậy. Động đất liên tiếp với cường độ mạnh thì công trình công cộng, nhà dân bị nứt tường, thậm chí có sập đi nữa cũng là điều hiển nhiên. Thiệt hại lớn nhất là thiệt hại "vô hình" không thể tính được. Đó là sự mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, hoang mang kéo dài của người dân. Trước tình cảnh động đất liên miên này làm sao người dân an tâm sản xuất; các nhà doanh nghiệp cũng chẳng ai dám đầu tư làm ăn nữa…

Theo lời ông Phong, hiện tại để an dân, Huyện ủy và chính quyền huyện Bắc Trà My đã tổ chức các đoàn công tác đi điều tra, thống kê thiệt hại do động đất gây nên để có hướng hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân. Ngoài 100 tấn gạo UBND tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng động đất, UBND huyện Bắc Trà My cũng trích 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách dự phòng năm 2012 để hỗ trợ, sửa chữa công trình, trường học, nhà dân bị nứt do động đất. Việc sửa chữa này hiện đang rất khẩn trương để sớm ổn định đời sống, sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, vì mùa mưa bão đang đến gần.

Bên cạnh, huyện cũng tổ chức tuyên truyền cho nhân dân biết về tinh thần cuộc họp ngày 21/9, với sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, chưa cho thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, để người dân được biết. Theo đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Viện Vật lý địa cầu cùng các Bộ, ngành liên quan, thuê các tổ chức, chuyên gia nước ngoài tiếp tục kiểm tra, đánh giá toàn diện về tác động của động đất ở khu vực đến an toàn của công trình thủy điện, đặc biệt trong mùa mưa lũ đang diễn ra, để khi có kết quả đánh giá chính thức, toàn diện hơn nữa về thủy điện Sông Tranh 2…

Đập thủy điện Sông tranh 2 (phía thượng lưu).

Chúng tôi phỏng vấn ông Đặng Phong về việc lãnh đạo huyện đã nhiều lần đề nghị Ban Quản lý Thủy điện 3 hỗ trợ kinh phí, lương thực giúp đỡ người dân bị thiệt hại do động đất, vậy việc làm này có kết quả gì không? Ông Phong cười buồn: "Ban Quản lý Thủy điện 3 vẫn chưa hỗ trợ gì. Ngay cả việc lắp đặt các trạm địa chấn đo động đất tại Bắc Trà My đến nay đã giao cho cơ quan có trách nhiệm, song cũng vẫn chưa làm…". Hỏi, có biết việc thủy điện Sông Tranh 2 xây dựng không có cửa xả đáy hay không? Ông Phong trả lời, công trình thủy điện do chủ đầu tư chịu trách nhiệm cả về thiết kế, lẫn thi công. Có điều, việc làm này đã khiến không ít nhà khoa học cho là "lạ"…

Động đất liên tiếp, cường độ ngày một mạnh lên trông thấy đã làm cho nhiều nhà khoa học lo ngại. Vì theo nghiên cứu của họ thì đập thủy điện Sông Tranh 2 xây dựng trên đới đứt gãy Bắc Trà My. Trong khi ở khu vực đã từng phát hiện một suối nước nóng, chứng tỏ đới đứt gãy này đang hoạt động. Các đợt động đất vừa qua chỉ là tiền chấn, động đất cực đại chưa đến. Thủy điện Sông Tranh 2 xây dựng xong, tích nước thì xảy ra sự cố rò rỉ. Liệu rằng con đập có chịu nỗi với động đất cực đại? Vì thế, tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 là rất mạo hiểm…

Còn phía hạ lưu đập thủy điện thì dòng sông Tranh trơ đáy.

Nhớ lại lúc tìm đường xuống vai phải đập thủy điện Sông Tranh 2, phía hữu ngạn thượng nguồn để chụp ảnh thân đập. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp một chiếc thuyền của ai đó bỏ chơ vơ trên triền núi, bánh lái đã gỉ sét, hư hỏng. Nhìn con thuyền này, rồi trông đập thủy điện Sông Tranh 2 lừng lững phơi mình dưới ánh tà dương, chúng tôi chợt tự vấn, cứ đà động đất liên tiếp thế này thì liệu rằng đập thủy điện kia có phát huy tác dụng; hay rồi sẽ có chung số phận như con thuyền trên triền núi? Rõ ràng, con thuyền trên cạn thì không bao giờ được băng mình trên sóng nước, xuôi dòng ra biển lớn để mang lại lợi ích như người đóng ra nó từng mong muốn…

Long Vân
.
.