Tiền kỹ thuật số giúp Trung Quốc "để thế giới lại phía sau"?

Thứ Ba, 03/11/2020, 10:27
Đầu tháng 10, Trung Quốc bắt đầu tung loại tiền ảo chính thức đầu tiên của mình, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới chạy đua phát hành công cụ tiền tệ số này để hiện đại hóa hệ thống thanh toán, cũng như chống lại sự cạnh tranh tiềm tàng từ các loại tiền ảo do tư nhân phát hành.

Một số cá nhân ở thành phố Thâm Quyến, phía Nam của Trung Quốc, đã được mời tham gia chương trình thông qua các ngân hàng lớn trong nhóm "Big Four" của Trung Quốc. Cụ thể, những người này được nhận 200 nhân dân tệ (NDT) kỹ thuật số thông qua hình thức xổ số và có thể sử dụng tại gần 3.400 điểm bán lẻ ở Thâm Quyến, trong đó có các cửa hàng Walmart, trạm dịch vụ Sinopec, trung tâm mua sắm CR Vanguard và khách sạn Shangri-La.

Từ tháng 4-2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) - ngân hàng trung ương - đã thông báo kế hoạch thử nghiệm hệ thống thanh toán bằng đồng NDT kỹ thuật số tại 4 thành phố Trung Quốc, trong đó có Thâm Quyến, đồng thời dự định thí điểm hệ thống này ở các địa điểm tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022.

Tham vọng tiên phong trong lĩnh vực thanh toán số của Trung Quốc liệu có như kỳ vọng.

Thay đổi một thói quen

Trung Quốc đang trên đường trở thành một xã hội không tiền mặt. Hơn 600 triệu người Trung Quốc đã sử dụng các công cụ Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent để thanh toán cho phần lớn những gì họ mua. Vào năm 2019, hai tập đoàn này đã kiểm soát khoảng 90% thị trường thanh toán di động tại Trung Quốc, với tổng giá trị 17 nghìn tỷ USD. Nhiều ngành và lĩnh vực trên khắp Trung Quốc cũng đã bắt đầu áp dụng công nghệ blockchain để thanh toán hóa đơn, giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc thậm chí là theo dõi hoạt động kho vận.

Chính phủ Trung Quốc rõ ràng đã nhận thức được việc sử dụng công nghệ blockchain để thúc đẩy việc phát hành tiền điện tử chính thức là cách tuyệt vời để theo dõi và giám sát các giao dịch tiền tệ, hàng hóa và cả con người.

Thói quen thanh toán bằng các ứng dụng trên điện thoại di động của người Trung Quốc thực tế giúp việc chuyển đổi sang đồng NDT kỹ thuật số trở nên dễ dàng hơn, vô hình trung tạo ra những lợi ích rất dễ thấy cho chính quyền Bắc Kinh. Việc phát hành tiền tệ kỹ thuật số chính thức có thể là một cách để chính quyền giành lại quyền kiểm soát các giao dịch tài chính trong nước, đồng thời mang lại lợi thế so với các quốc gia khác trong lĩnh vực này, với khả năng tạo ra bước đột phá để Trung Quốc tiên phong trên con đường cách tân công nghệ khi ngày càng có nhiều người áp dụng công nghệ tương tự.

Thanh toán tiền điện tử kỹ thuật số (DCEP) là công cụ thanh toán được Trung Quốc phát triển với tham vọng cách mạng hệ thống thanh toán toàn cầu và hy vọng thành công của loại công cụ này sẽ tạo sức hút cho nhiều quốc gia khác. Một số chính phủ khác đã đưa ra các sáng kiến tương tự nhưng không ở cùng phạm vi hoặc quy mô tương tự DCEP, vốn hứa hẹn sẽ trở thành đồng tiền kỹ thuật số toàn cầu đầu tiên.

Một trong những lý do thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc tích cực theo đuổi DCEP vào năm 2019 là sự ra đời của Hiệp hội Libra, với cùng tham vọng cách mạng hóa hệ thống thanh toán toàn cầu. Libra là một nhóm gồm hơn 20 tổ chức từng góp phần tạo ra hệ thống thanh toán toàn cầu có nguồn gốc từ công nghệ blockchain đầu tiên trên thế giới. Mục tiêu của hiệp hội này là đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách minh bạch cho hàng tỷ người đang bị hạn chế hoặc không có quyền truy cập vào hệ thống ngân hàng toàn cầu hiện hành.

Nhìn nhận đây là một sáng kiến do Mỹ dẫn đầu và sử dụng đồng USD làm công cụ quy đổi, Bắc Kinh coi Libra là một nỗ lực nhằm thiết lập sự thống trị của Mỹ trên thị trường tiền điện tử toàn cầu và từ đó nhanh chóng tìm ra phương thức cạnh tranh cho riêng mình.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đã tạo đà thúc đẩy các ý tưởng xa rời tiền giấy và việc trở thành quốc gia đầu tiên phát hành tiền ảo chính thức có thể tạo dựng cho Trung Quốc một vị thế tiên phong và có ý nghĩa quyết định.

Hoài nghi về kẻ tiên phong

Đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc do ngân hàng trung ương phát hành, đó là điều làm cho nó trở nên khác biệt với các loại tiền điện tử như Bitcoin và Libra. Nói một cách đơn giản, tiền do ngân hàng trung ương phát hành đều là “nợ”, vì vậy quốc gia phát hành đồng tiền đó sẽ sử dụng quyền lực của mình để đảm bảo sự tín nhiệm của đồng tiền kỹ thuật số.

Việc sử dụng tiền tệ kỹ thuật số được ngân hàng trung ương hậu thuẫn sẽ đem lại nhiều lợi ích và thuận tiện hơn cho người tiêu dùng bởi không yêu cầu bước trung gian để liên kết tài khoản ngân hàng của họ với các hệ thống thanh toán trực tuyến. Điều này tất nhiên cũng giúp ích cho chính phủ bởi họ có thể nắm được các giao dịch trong thời gian thực và không cần phải thông qua hệ thống ngân hàng phương Tây khi thực hiện các giao dịch bên ngoài Trung Quốc.

Tham vọng số hóa đồng NDT của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa. PBOC từng khẳng định Trung Quốc cần trở thành quốc gia đầu tiên phát hành tiền ảo nhằm thúc đẩy quốc tế hóa NDT và giảm phụ thuộc vào hệ thống thanh toán USD toàn cầu. Phải thừa nhận rằng yếu tố công nghệ không nghiễm nhiên khiến đồng NDT kỹ thuật số được thừa nhận trên quy mô toàn cầu. Điều này phụ thuộc việc các quốc gia khác có sẵn sàng chấp nhận thanh toán bằng đồng NDT kỹ thuật số hay không, một vấn đề thuộc về phạm vi chính trị, chứ không phải công nghệ.

Những lo ngại về nguy cơ bị giám sát hay theo dõi giao dịch và các khoản thanh toán có thể ngăn cản các quốc gia khác và những đối tác quốc tế sử dụng các công cụ thanh toán số mà Trung Quốc phát triển. Bởi nói một cách ngắn gọn, nếu các giao dịch được thực hiện bằng đồng NDT số, PBOC có thể bao quát nơi các quốc gia tiêu tiền và họ mua gì.

Câu hỏi đặt ra là liệu các bên có sẵn sàng chấp nhận rủi ro này để sử dụng một loại công cụ đang được xem là rất nhiều tiềm năng phát triển và thậm chí là tạo ra bước ngoặt trong thay đổi hành vi và thói quen của người tiêu dùng hay không.

Thái Hân (Tổng hợp)
.
.