“Tiểu thuyết trinh thám là sự kế thừa các tiêu chí nhân văn truyền thống”
Nhân dịp 60 năm ngày thành lập, Hiệp hội Nhà văn Hình sự Vương quốc Anh (CWA) đã tiến hành một cuộc khảo sát sâu rộng trong số hơn 600 hội viên, bình chọn danh hiệu “tác giả truyện trinh thám hình sự của mọi thời đại”. Kết quả chung cuộc đã được Chủ tịch CWA Alison Joseph công bố vào ngày 10/4 vừa qua, cho thấy nữ văn sĩ Agatha Christie (1890-1976) đã được bầu chọn danh hiệu đầy trọng vọng, xếp trên các cây bút cự phách khác như Athur Conan Doyle (1859-1930) với nhân vật thám tử lừng danh Sherlock Holmes, Ian Lancaster Fleming (1908-1964) người được tôn vinh là "cha đẻ" của điệp viên huyền thoại James Bond 007, hay cố Chủ tịch Hội Nhà văn Hình sự Mỹ Raymond Chandler Thornton (1888-1959)…
Đam mệ y học và nuôi cả ước mơ làm… ca sĩ
Những tác phẩm của A. Christie được độc giả khắp 5 châu biết đến, qua số lượng 66 tiểu thuyết và 14 tập truyện ngắn đã được in ra với hơn 4 tỉ bản, được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận như là "Tiểu thuyết gia có sách bán chạy nhất mọi thời đại", xếp thứ 3 trên thế giới về số lượng ấn bản phát hành sau các kiệt tác của Đại văn hào Anh William Shakespeare (1564-1616) và Thánh kinh.
Đồng thời Christie cũng nổi danh là tác giả có sách được dịch nhiều nhất qua 103 thứ tiếng khác nhau trên thế giới, trung bình hàng năm có 270 dịch giả từ 25 quốc gia chuyên tâm chuyển ngữ các tiểu thuyết của "nữ hoàng truyện trinh thám" người Anh. Nhưng công chúng yêu văn học thật khó mà hình dung nổi, rằng "cây bút mặc váy" cự phách - tác giả của 80 đầu sách trinh thám đầy cuốn hút ấy, lại xuất hiện trên văn đàn một cách hoàn toàn… ngẫu nhiên.
Hồi trẻ, Christie rất đam mê y học, thậm chí bà còn ghi danh vào một trường đại học chuyên ngành để trở thành một thầy thuốc giỏi; đồng thời thiếu nữ đầy mộng mơ cũng nuôi hoài bão làm… ca sĩ, từng dành nhiều thời gian và nhiệt huyết nhằm "chinh phục" nghệ thuật ca hát. Nhưng rồi Christie đã kịp nhận ra rằng mình không đủ "tài cán" để theo đuổi cả 2 nguyện ước nói trên, nhưng lúc ấy Christie vẫn chưa khám phá ra "khiếu văn chương" vốn tiềm ẩn trong mình.
Một thời gian dài Christie làm việc tại một nhà thuốc ở thị trấn Torquay. Ông chủ hiệu thuốc thường giao cho cô đóng gói thường xuyên một món hàng đặt trước. Trong khi xếp đặt các lọ chứa thuốc, Christie chợt nhận thấy rằng tỉ lệ độc tố chứa trong các bao gói thường kỳ cao "đột biến" - quá mức bình thường, người bệnh nào sử dụng "toa" này ắt sẽ nhận được cái chết…
Thoạt đầu Christie ngây thơ tin rằng, đó là do thói cẩu thả sơ suất của ông chủ tiệm, sau mới vỡ lẽ là một âm mưu "có tính toán". Nhưng Christie không thể vạch mặt được thủ phạm, bởi đang là một thực tập sinh. Sau cùng, Christie nghĩ chỉ còn cách âm thầm thay thứ độc tố cực mạnh đó bằng loại thuốc "vô hại" khác.
Nhiều năm sau viên dược sĩ biến chất ấy tái hiện trên những trang tiểu thuyết “The Pale Horse” (Con ngựa xanh xao) dưới cái tên Zachariah Osbourne. Lẽ đương nhiên, những điều từng chứng kiến ở hiệu thuốc đã thôi thúc Christie bằng cách nào đấy phải vạch trần một âm mưu đen tối phía sau. Từ đó, Christie tìm đọc bất cứ ấn phẩm nào nói về các vụ án bí hiểm, với đủ kiểu tội phạm quái gở đến khó tin…
Trong một lần tranh luận với cô em gái Middle về cuốn sách hình sự vừa đọc, Christie bỗng "nổi hứng" tuyên bố: "Chị sẽ viết được truyện trinh thám ra trò cho mà xem!". Rồi Christie liền bắt tay vào thực hiện lời đã hứa. Đầu tiên là những mẩu ngắn viết tay, sau đánh máy ráp nối các đoạn rời rạc lại thành từng chương riêng biệt. Khi tác phẩm đầu tay đi được gần nửa chặng đường, vì quámệt mỏi Christie muốn quăng bút "đầu hàng số phận" luôn. Nhưng rồi Christie tự trấn tĩnh lại và quyết định đi "ở ẩn" trong vùng Hay Tor heo hút để hoàn thành phần dang dở.
Đóng kín phòng viết, trau chuốt thêm vào nhằm kiện toàn bản thảo. Chuyện viết lách mà thoạt đầu Christie cứ ngỡ "nhẹ hều" bỗng biến thành thứ công việc vô tận đến… kiệt sức. Sau 2 tuần "đánh vật" với chữ nghĩa, Christie trở về nhà cùng tập bản thảo gần như hoàn chỉnh trên tay. Sau đó, Christie quyết định đtìm đến nhà in và quyển "The Mysterious Affair at Styles" (Vụ án bí ẩn ở Styles) ra đời.
Đi tìm nhân vật hình mẫu
Nhưng một khi viết xong tác phẩm văn học theo chủ đề bí ẩn, không hẳn là đã tạo ra được một cuốn tiểu thuyết trinh thám đúng nghĩa. Đề tài hình sự đòi hỏi phải có một nhân vật - "người hùng" trong lĩnh vực truy tìm thủ phạm nữa. Khó khăn lớn nhất của Christie liên quan đến nhân vật thám tử ấy, bởi bà muốn hư cấu "người hùng" của riêng mình, không giống bất kỳ một viên thanh tra cảnh sát "cố hữu" nào khác trên văn đàn.
Điều khiến Christie trăn trở nhất là phải kiến tạo được một hình mẫu, sao cho không rập khuôn - bắt chước dạng thám tử lừng danh quá quen thuộc với độc giả. Sau rốt, bà chọn các đường nét cá tính của một người nhập cư gốc Bỉ. Trong những năm tháng ấy, tại thị trấn Torquay quê hương bà có rất nhiều "tạng" người như vậy: phải lìa xa Tổ quốc, luôn sống với nỗi trống trải đầy căng thẳng…
Để trở thành một nhà thám tử, cần thêm vào trí thông minh, tính cầu toàn cùng cái tên thật ấn tượng. Nhưng nhất thiết phải có "thiên bẩm" trong lĩnh vực hình sự học, đặc biệt phải am hiểu tinh tường về thế giới tội phạm. Christie đặt tên cho hình tượng văn học tiêu biểu của mình là Hercule Poirot, một nhà điều tra cự phách, đồng thời cũng là cộng sự viên của Cảnh sát Hoàng gia Bỉ.
“Tác giả truyện trinh thám của mọi thời” vẫn miệt mài làm việc khi đã quá ngưỡng… bát tuần. |
Nhiều năm sau, khi Christie đã trở thành một cây bút lừng danh, giới phê bình với bản tính thọc mạch cố hữu đua nhau đưa ra những khám phá mới về "nguyên mẫu" H. Poirot, đồng thời khẳng định các giả thuyết nhà nghề cho nhân vật - người hùng rất "ăn khách" này.
Có người thì đề cập tới "hình mẫu - trùng tên" Hercule Popeau - cộng tác viên Sở Mật vụ Paris, nhà thám tử gạo cội do nữ văn sĩ Marie Belloc Lowndes (1868-1947) hư cấu; người khác lại nói về viên thanh tra sừng sỏ M. Hercule Flambeau trong tác phẩm của G. K. Chesterton (1874-1936); thậm chí có nhà phê bình còn so sánh với Vicomte de Valmont, chánh thanh tra nội các Pháp do tiểu thuyết gia Pierre Choderlos de Laclos (1741-1803) hư cấu, cùng những câu chuyện ly kỳ được cả châu Âu tìm đọc.
Sự thực là nhân vật Hercule Poirot được "sinh ra" chính từ… trí tưởng tượng của A. Christie, không giống bất cứ một hình tượng văn học đã biết nào, cũng như một thám tử "bằng xương bằng thịt" ngoài đời nào. Có thể do vậy nên "người hùng" H. Poirot đến từ Vương quốc Bỉ lại càng thêm nổi tiếng.
Luôn trăn trở giữa thiện và ác
Tiếu thuyết đầu tay được A. Christie gửi tới Nhà xuất bản Hodder & Stoughton ở London, nhưng bị từ chối. Không nản, bà tiếp tục gửi cho nhiều nhà xuất bản khác nhưng đâu đâu người ta cũng… lịch thiệp khước từ. Mãi sau Nhà xuất bản The Bodley Head mới chịu nhận, rồi "ngâm tôm" bản thảo cuốn "The Mysterious Affair at Styles" suốt 2 năm ròng mãi chẳng hồi âm...
Bất thình lình đầu năm 1919 bà nhận được thư mời từ Giám đốc Nhà xuất bản Bodley Head John Lane. Ông J. Lane đã đọc bản thảo của "khuôn mặt mới toanh" Agatha Christie và thấy tâm đắc với cuốn truyện hình sự ấy, nên quyết định cho mời tác giả đến để nói chuyện về đầu sách sắp in, đồng thời đề nghị bà sửa lại đoạn kết sao cho… hợp "gu" bạn đọc hơn.
Giám đốc J. Lane chấp nhận phát hành "The Mysterious Affair at Styles" với phần của tác giả là 10% giá bìa - sau khi đã bán được 2.000 bản tại Anh và 1.000 bản đầu tiên ở Mỹ, cũng như 50% mức thu nhập - nếu như tác phẩm được chuyển thể kịch bản qua điện ảnh hay sân khấu.
Ngoài ra, Nhà xuất bản Bodley Head còn được độc quyền phát hành 5 đầu sách kế tiếp của A. Christie nữa, tương ứng với khoản nhuận bút chi trả tăng không đáng kể so với ấn phẩm đầu tiên. Mãi về sau, khi đã thành danh qua những tiểu thuyết "cực kỳ ăn khách", nữ văn sĩ mới nghiệm ra rằng viên Giám đốc láu cá J. Lane đã "tận dụng tối đa" sự khômg am hiểu mấy của bà trong lĩnh vực xuất bản.
Căn phòng tại khách sạn Pera Palace ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi Christie hoàn thành cuốn “Murder on the Orient Express” (Vụ án mạng trên con tàu Orient Express). |
Hiện người ta vẫn còn lưu giữ được 30 tập bản thảo với đủ cỡ giấy của "tác giả truyện trinh thám hình sự của mọi thời", bao gồm nhiều thể dạng vần luật khác nhau, thật khó mà xếp thành thư mục rạch ròi được. Hầu như vạn sự đều được A. Christie suy nghẫm-tái hiện qua ngòi bút sắc sảo: phong cảnh, hiện tượng, đồ vật, mẩu đối thoại tình cờ, điều mục kích bất chợt… Cho dù bà từng khiêm tốn thừa nhận rằng mình "chẳng có khiếu quan sát mấy", còn thực tế khẳng định đó là cây bút có cặp mắt am tường về nếp sống cùng cách giao tiếp cư xử của đồng loại.
A. Christie tự sáng tạo đề tài, nắm bắt mạch chuyện, lật ngược các vấn đề, liên kết những sự kiện rời rạc nhằm phát triển chúng một cách logic đầy kịch tính… Rồi chọn thủ pháp "cởi nút" hợp lý, cùng lối hành văn hết sức lôi cuốn giữa… "mớ bòng bong" bản thảo vừa nêu. Quả đúng là một cây bút hình sự "thiên bẩm".
Còn đây là lời nhận định của nhà phê bình tiểu thuyết trinh thám gạo cội Dorothy Leigh Sayers (1893-1957): "Thực ra Agatha Christie rất hiếm khi chịu ưng thuận chuyển thể các cốt truyện của mình sang các lĩnh vực nghệ thuật khác. Đơn thuần bà chỉ muốn các nhân vật văn học là những người… vô định. Ngay cả sự xuất hiện của "siêu sao" H. Poirot ngoài bìa sách cũng khiến bà rầu lòng rồi.
Sự nghiệp văn chương đồ sộ của A. Christie luôn gắn với mảng chủ đề duy nhất, hầu như hết thảy những điều do bà viết ra đều liên quan tới thế giới hình sự và công cuộc bóc trần chúng. Lý do thật đơn giản bởi đề tài trinh thám - khám phá đã trở thành "sứ mệnh" của Christie, biến thành những "tế bào máu thịt" bao trùm cuộc đời bà.
Christie bình thản tự tin tiến tới sự điêu luyện trong cách hành văn hình sự, biết "thắt-cởi" đúng lúc các tiêu điểm hóc búa. Ngoài ra, bà còn thể hiện một sự thông thái hiếm có trong hai lĩnh vực y học và luật học nữa. Lớp người chỉn chu mẫu mực như Christie giữa đời thường luôn trăn trở giữa điều thiện và cái ác, giữa nạn tội phạm và sự hoàn lương".
"Tôi thành tâm chia sẻ với các ý kiến của D. Sayers - nữ văn sĩ A. Christie thổ lộ trong một cuộc trả lời phỏng vấn lúc sinh thời - Tôi luôn cho rằng tiểu thuyết trinh thám là sự kế thừa các tiêu chí nhân văn truyền thống. Điều cốt lõi khiến độc giả đam mê đề tài này chính là sự chiến thắng của điều tốt trước cái xấu, bảo vệ những người vô tội khỏi bọn tội phạm. Song song là sự hướng thiện của các hung thủ trước lý lẽ nhân bản cùng lòng vị tha của các nhà điều tra chuyên nghiệp"