TikTok dựa vào đâu để kiện Mỹ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6-8 đã ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân và tổ chức thuộc phạm vi quyền hạn và nằm trong quyền xét xử của Mỹ giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, và Tencent, chủ sở hữu của WeChat, sau 45 ngày nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia". Trước đó vài ngày, Tổng thống Trump nói TikTok có 45 ngày để đạt thỏa thuận thoái vốn, yêu cầu chủ sở hữu ByteDance bán cổ phần và hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Microsoft hoặc một công ty nào đó, nếu không mạng xã hội này sẽ phải rút khỏi Mỹ từ ngày 15-9.
Tiếp đó, ngày 14-8, sau cuộc điều tra của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) - cơ quan xem xét các thương vụ mua lại các hoạt động kinh doanh ở Mỹ của các nhà đầu tư nước ngoài, Tổng thống Trump đã ra lệnh yêu cầu TikTok phải bán lại cho chủ sở hữu tại Mỹ trong vòng 90 ngày, tức là đến 12-11 tới, đồng thời nhấn mạnh một lần nữa rằng ByteDance "có thể thực hiện hành động đe dọa làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ". Sắc lệnh mới thực tế cho phép TikTok có thêm thời gian để cân nhắc các đối sách của mình.
Ngày 24-8, TikTok khởi kiện Chính quyền Tổng thống Donald Trump. |
Theo sắc lệnh mới, TikTok sẽ phải xóa toàn bộ dữ liệu người dùng Mỹ và báo cáo cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ sau khi hoàn tất việc làm này. ByteDance cũng sẽ phải xóa mọi dữ liệu từ ứng dụng tiền thân là Musical.ly mà công ty này đã mua từ năm 2017.
TikTok hiện có khoảng một tỷ người sử dụng trên khắp thế giới. Giới chức Mỹ bày tỏ quan ngại khả năng TikTok bị Bắc Kinh sử dụng cho mục đích mà họ xem là “bất chính”. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn nhận định rằng dữ liệu về người dùng Mỹ mà các công ty như TikTok đang thu thập có thể gồm "nhận dạng khuôn mặt, thông tin về nơi cư trú, số điện thoại, bạn bè". Tuy nhiên, giới chức Mỹ chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng xác thực nào. TikTok và công ty chủ quản ByteDance phủ nhận mọi liên hệ với chính quyền Trung Quốc.
Trước sức ép ngày càng gay gắt từ Mỹ, đại diện TikTok nêu rõ trong thông cáo chính thức về vụ kiện khởi xướng ngày 24-8: "Nhằm đảm bảo pháp quyền không bị loại bỏ và công ty chúng tôi cũng như người dùng được đối xử công bằng, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phản đối sắc lệnh (cấm TikTok) thông qua hệ thống pháp lý".
Có ý kiến lập luận rằng ByteDance có thể căn cứ vào thực tế sắc lệnh của Tổng thống Trump không được ban hành theo đúng các thủ tục pháp lý, theo quy định của CFIUS hay Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) để làm cơ sở kiện chính quyền Trump.
Thực tế là khi ban hành các sắc lệnh kể trên, Tổng thống Trump đã thực thi IEEPA, tuyên bố ông có quyền điều chỉnh và ra quy định với các giao dịch quốc tế. Trong một sắc lệnh hành pháp đưa ra hồi năm ngoái, Tổng thống Trump đã viện dẫn IEEPA để trao cho Washington quyền can thiệp vào mọi giao dịch thương mại có liên quan tới “các dịch vụ hoặc công nghệ thông tin liên lạc” có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Về cơ bản, Tổng thống Mỹ không có thẩm quyền cố hữu, hay có thể đơn phương thiết lập các quy tắc ràng buộc pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài vào Mỹ. Hiến pháp Mỹ trao thẩm quyền định đoạt “thương mại nước ngoài” cho Quốc hội, chứ không phải cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, Quốc hội có thể giao quyền hạn này cho tổng thống theo nhiều cách khác nhau. Năm 1988, Quốc hội Mỹ đã thực hiện bước đi này theo cái được gọi là Bản sửa đổi Exon-Florio đối với Đạo luật Sản xuất quốc phòng. CFIUS đã tồn tại hơn một thập niên tính tới thời điểm đó, song sửa đổi của Quốc hội Mỹ mới là yếu tố then chốt.
Quy định mới trao cho Tổng thống Mỹ quyền cấm “sáp nhập, mua lại hoặc tiếp quản” các giao dịch có thể đe dọa đến an ninh quốc gia. Khuôn khổ pháp lý để xem xét CFIUS đã mở rộng theo nhiều cách khác nhau kể từ đó, song điều đáng lưu ý ở đây chính là việc Quốc hội Mỹ thực sự đã ủy quyền cho Tổng thống cấm các giao dịch nếu cơ quan hành pháp xem là cần thiết.
Theo CFIUS, định nghĩa “doanh nghiệp tại Mỹ” là bất kỳ pháp nhân nào tham gia vào hoạt động thương mại giữa các tiểu bang Mỹ - ngay cả khi pháp nhân đó là một công ty nước ngoài. ByteDance đã mua ứng dụng Musical.ly năm 2017 và hợp nhất ứng dụng này với TikTok. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết CFIUS đã “xem xét toàn diện vụ việc và nhất trí đề xuất hành động này với tổng thống để bảo vệ người dùng Mỹ khỏi bị khai thác dữ liệu cá nhân".
Music.ly có thể là một tập đoàn nước ngoài (cụ thể là của Trung Quốc) vào thời điểm mua lại nhưng nó đã có sự hiện diện mạnh mẽ tại Mỹ và chắc chắn đủ điều kiện theo quy tắc này. ByteDance đã không tìm kiếm sự đồng thuận từ CFIUS vào thời điểm mua lại, một điều cũng khá dễ hiểu. Tuy nhiên, khi mức độ phổ biến của TikTok ở Mỹ bùng nổ và cùng với những diễn biến gập ghềnh trong quan hệ song phương Mỹ-Trung suốt thời gian qua, bức tranh bắt đầu có vẻ khác hẳn.
Hơn thế nữa, quyền hạn của CFIUS có thể được mở rộng để xem xét hồi tố các giao dịch trước đó và vì vậy không có gì ngạc nhiên khi CFIUS mở một cuộc đánh giá đối với giao dịch ByteDance-music.ly vào tháng 11-2019. CFIUS đã kết luận rằng ByteDance lẽ ra không được phép mua lại doanh nghiệp hiện được gọi là TikTok. Và điều này đã dẫn tới những sắc lệnh mà Tổng thống Trump ban hành.
Một hướng đi khác cho TikTok có thể là Tu chính án thứ nhất, theo đó cho rằng hành động của Tổng thống Trump cản trở các ý tưởng được hình thành trên ứng dụng, coi TikTok như một diễn đàn ngôn luận. Đây là một hành vi vi phạm Tu chính án thứ nhất và quyền tự do ngôn luận mà Mỹ quy định.
TikTok có thể lập luận rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump vi phạm các quyền được Tu chính án thứ nhất bảo vệ khi khiến người dân Mỹ bị phạt, dân sự hoặc hình sự, khi cố tìm cách liên lạc với người thân, bạn bè hoặc để liên hệ công việc. Tuy nhiên, Tòa án Mỹ chắc chắn sẽ phải cân nhắc những góc cạnh này trên cơ sở mối liên hệ với vấn đề an ninh quốc gia mà Washington tuyên bố.