Tìm bản sắc cho mỹ thuật ứng dụng
- Đi tìm bản sắc Việt trong mỹ thuật ứng dụng đương đại
- Mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng: Nhất bên trọng, nhất bên khinh?
Nỗi niềm băn khoăn, trăn trở của “nhạc trưởng” Hội Mỹ thuật Việt Nam có lẽ cũng là nỗi niềm chung của nhà quản lý, giới chuyên môn và cả các nghệ sĩ, nghệ nhân trên khắp cả nước… Đã nhiều năm qua, họ có chung niềm đau đáu ấy và câu trả lời dường như vẫn còn bỏ ngỏ.
Tác động sâu rộng
Theo họa sĩ, Nhà giáo nhân dân Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, mỹ thuật ứng dụng được chia thành 3 lĩnh vực bao gồm: nghệ thuật trang trí, nghệ thuật thủ công và nghệ thuật thiết kế.
Từ sự phân chia này mà xưa nay cả thế giới đã thành lập ra hệ thống lý luận, tư duy, thực hành sáng tạo và đào tạo với nhiều loại trường, thành hệ thống các chuyên ngành rất khoa học và hiệu quả, tạo nên nguồn nhân lực phục vụ cho thực tiễn xã hội, làm phát triển toàn diện cả văn hóa và kinh tế.
Một số sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Phú Xuyên, Hà Nội) trưng bày tại đình Kim Ngân. Ảnh: Đặng Thủy. |
Qua đó kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa của từng quốc gia, từng địa phương và khu vực theo từng thời đại, từng giai đoạn lịch sử song song với sự phát triển của nền văn minh khoa học kỹ thuật, kể cả nền văn minh tin học…
Các sản phẩm của mỹ thuật ứng dụng được sáng tạo, sản xuất hàng loạt bằng phương tiện từ thủ công cho đến hiện đại, đã thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực xã hội… cũng như luôn luôn gắn liền với kinh tế thương mại. Chính vì vậy nó góp phần rất lớn vào việc giáo dục thẩm mỹ, gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc cho con người và đóng góp có hiệu quả vào việc thẩm mỹ hóa xã hội cũng như thay đổi những thói quen, tập quán lỗi thời.
Đặt trong tương quan so sánh với mỹ thuật tạo hình, mỹ thuật ứng dụng được giới chuyên môn nhận định “có ưu thế mạnh và sâu rộng trong việc xâm nhập, tác động vào tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội”.
Họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm đưa ra minh chứng: Trên thế giới, nhu cầu xã hội nghiêng hẳn về mỹ thuật ứng dụng, cụ thể trong số 10 người được đào tạo mỹ thuật chỉ có 2 người được đào tạo về mỹ thuật tạo hình, còn lại 8 người được đào tạo mỹ thuật ứng dụng. Tỉ lệ đó cho thấy nhu cầu cao của xã hội về mỹ thuật ứng dụng. Và thực tế những chuyển động của kinh tế, văn hóa, xã hội đều có sự đóng góp không nhỏ của mỹ thuật ứng dụng.
Thiếu sự đột phá và dấu ấn sáng tạo
Ngay từ đầu thế kỷ 20, tại Việt Nam đã có ba ngôi trường chuyên về các lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng được thành lập, đó là: Trường Mỹ nghệ Bình Dương (ra đời năm 1901), Trường Mỹ nghệ Biên Hòa (ra đời năm 1903); Trường Trang trí mỹ thuật Gia Định (ra đời năm 1913)...
Nghề truyền thống - Ảnh: Hồ Sĩ Trung. |
Năm 1925, tại Hà Nội, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, đến năm 1930 trường này cũng đã mở ra một số ngành về mỹ thuật ứng dụng và đổi tên là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Ứng dụng và Mỹ thuật Đông Dương.
Trước năm 1975, khi đất nước chưa thống nhất, cả miền Bắc chỉ còn duy nhất một cơ cở đào tạo về mỹ thuật ứng dụng là Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Tuy nhiên hiện nay các trường có khoa đào tạo về mỹ thuật ứng dụng ngày một nở rộ. Đội ngũ những người làm mỹ thuật ứng dụng được đào tạo bài bản từ trung cấp, cao đẳng, đại học đến sau đại học và có mặt ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực đồ họa, truyền thông, quảng cáo, in ấn, rồi trang trí trên nhiều chất liệu.
Họa sĩ Trần Khánh Chương cho hay, cả nước hiện nay có 83 trường và khoa đào tạo về mỹ thuật ứng dụng. Nhưng có một nghịch lý là trong khi lĩnh vực hội họa, điêu khắc đào tạo ít hơn so với mỹ thuật ứng dụng thì các triển lãm hội họa, điêu khắc hàng năm tổ chức rất nhiều còn triển lãm về mỹ thuật ứng dụng lại vô cùng hiếm hoi.
Là người đã có nhiều năm gắn bó, dõi theo mảng mỹ thuật ứng dụng, họa sĩ Trần Khánh Chương bày tỏ sự lo lắng khi các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng vô cùng phong phú cả về phương diện thiết kế cũng như quan niệm thiết kế nhưng lại thiếu đi bản sắc riêng, thiếu sự tìm tòi sáng tạo, vẫn còn nhiều tác phẩm sao chép, đó là chưa kể tới các tác phẩm phục chế.
Lấy minh chứng là các sản phẩm đồ lưu niệm phuc vụ cho hoạt động du lịch, họa sĩ Trần Khánh Chương bùi ngùi: “Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng từng phối hợp với một số địa phương để tổ chức phát động các mẫu sáng tác quà tặng lưu niệm cho du lịch địa phương nhưng đều không thành công. Tại các cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Việt Nam rất khó để lựa chọn những sản phẩm độc đáo bởi các sản phẩm được bày bán đều na ná như nhau, chưa kể sản phẩm được nhập từ nước ngoài”.
Nhìn nhận ở khía cạnh mẫu mã thiết kế, nhiều người trong giới chuyên môn khẳng định, bên cạnh những mẫu thiết kế tốt, còn rất nhiều thiết kế thể hiện sự cóp nhặt, sao chép, pha tạp về phong cách, thiếu hiểu biết về văn hóa truyền thống. Điều này được lý giải là do xuất phát từ động cơ lợi nhuận, nhà thiết kế phải làm theo yêu cầu đặt hàng của nhà sản xuất.
Ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, cả nước hiện có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề. “Tuy nhiên, có một thực tế là các làng nghề đang bế tắc về mẫu mã, thiếu vắng những thiết kế mang dấu ấn, bản sắc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, du lịch Việt đang rất cần những mẫu mã có tính sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của du khách và đây chính là một thách thức đặt ra đối với ngành mỹ thuật ứng dụng” – ông Dần bày tỏ.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Đức, làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên, Nam Định – người đã mấy chục năm gắn bó với nghề truyền thống của cha ông và cũng từng tốt nghiệp khoa Điêu khắc - Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội thì lo lắng: Lực lượng mỹ thuật rất nhiều, làng nghề và nghệ nhân cũng rất nhiều nhưng để làm ra các sản phẩm đạt tiêu chí chung có thể sử dụng và đặc biệt là lọt vào “mắt xanh” của hội đồng giám khảo triển lãm mỹ thuật ứng dụng thì không phải chuyện dễ.
Đừng bỏ quên vốn di sản truyền thống
Ngược dòng thời gian, có thể thấy ông cha ta đã tạo được những giá trị, dấu ấn tạo hình độc đáo trên nhiều sản phẩm mỹ thuật ứng dụng. Được hình thành trên cái nôi của nghệ thuật thủ công, nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật dân gian, các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng của ông cha đều mang đậm bản sắc văn hóa từng vùng miền và trở thành những di sản vô giá trong kho tàng mỹ thuật ứng dụng của người Việt.
Một số sản phẩm tại triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 3. |
Từ nghề kim hoàn, mây tre đan, đúc đồng, gốm sứ đến nghệ thuật điêu khắc, sơn mài, dệt thổ cẩm… tất cả còn lưu giữ trong những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng với những vẻ đẹp mộc mạc hiền hòa, thấm đẫm được cái hồn của người Việt.
Ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng để mỹ thuật ứng dụng có đất sống rất cần có những cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi để lắng nghe tiếng nói của các nghệ nhân, những người làm nghề, kéo họ vào các triển lãm mỹ thuật ứng dụng để các nghệ sĩ, nghệ nhân có thể bổ sung cho nhau. “Làm sao để khơi gợi lại niềm say mê của các nghệ nhân, tạo cho họ những sân chơi để họ có cơ hội trải nghiệm và phát triển, đó là điều hết sức cần thiết” – nghệ nhân Lưu Duy Dần bày tỏ.
Ở phương diện thiết kế đồ họa, một số ý kiến cho rằng nên thành lập các tổ chức, hiệp hội các nhà thiết kế đồ họa; tổ chức các hội nghị chuyên đề, những sân chơi cho các nhà thiết kế có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, phát huy năng lực cá nhân, tìm ra những hướng đi mới, thống nhất mục tiêu và định hướng lớn cho nền thiết kế đồ họa hiện đại Việt Nam; liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các nhà thiết kế với các nghệ nhân làng nghề, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, nghiên cứu thị trường… để sản phẩm thiết kế ra đời có chất lượng tối ưu nhất, đối với nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất.
Muốn tạo được bản sắc của nền thiết kế đồ họa Việt Nam cần dựa trên các thế mạnh về nghệ thuật trang trí truyền thống. Cần có những nghiên cứu chuyên sâu về mảng mỹ thuật truyền thống nhằm rút ra được những tinh hoa của ngôn ngữ thẩm mỹ dân tộc, kết hợp với cập nhật, nắm bắt xu hướng thiết kế, khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Đối với nghệ thuật trang trí, việc phát huy mỹ thuật ứng dụng và tìm cách sử dụng các biểu tượng thuần Việt thay thế cho các linh vật xa lạ với văn hóa Việt Nam nhằm bảo vệ, phát huy, làm phong phú cho các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng đã và đang có cũng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Có thể nói, trong dòng chảy sôi động, phong phú, đa dạng của đời sống nghệ thuật, sự tồn tại và phát triển của mỹ thuật nói chung và mỹ thuật ứng dụng nói riêng đang đặt ra nhiều vấn đề. Để hoạt động mỹ thuật ứng dụng ngày một hiệu quả, hướng đến những giá trị nhân văn chân chính, và tạo được bản sắc riêng có của người Việt là cả một thử thách. Điều này đòi hỏi vai trò, trách nhiệm của các nhà quản lý, các trường mỹ thuật ở Việt Nam cũng như cá nhân các nghệ sĩ, nghệ nhân.
Sự nỗ lực tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo, không đánh mất mình vì những hào nhoáng và cám dỗ bên ngoài chính là cách để các nghệ sĩ, nghệ nhân góp sức vào sự phát triển của một nền mỹ thuật ứng dụng đương đại.
Nói như họa sĩ Vi Kiến Thành: “Khi hội nhập quốc tế càng sâu rộng, nếu không có cái riêng, nếu không giữ được bản sắc riêng trong thiết kế thì rất dễ bị hòa tan, đánh mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc Việt”.
Từ năm 2004, triển lãm mỹ thuật ứng dụng đã được khởi động nhằm giới thiệu, tôn vinh các tác phẩm, sản phẩm mỹ thuật ứng dụng có chất lượng tốt được sáng tác trong thời gian 5 năm gần đây, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sản xuất tiếp cận với những sản phẩm thiết kế tốt để đầu tư sản xuất. Sau 3 lần tổ chức, ngày 5-3 vừa qua, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) tiếp tục phát động Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 (2014 - 2019). Tác giả, nhóm tác giả là công dân Việt Nam được quyền gửi tối đa 5 tác phẩm (đơn chiếc hoặc bộ nhiều chiếc) dự thi sáng tác trong thời gian từ năm 2014 – 2019. Tác phẩm dự thi phải có giá trị thẩm mỹ cao, có tính sáng tạo và ứng dụng, không được lặp lại, không sao chép, không phục chế. Ban tổ chức nhận ảnh chụp tác phẩm dự thi tại Phòng Triển lãm và Mỹ thuật ứng dụng, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, số 38 Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội từ ngày 22-6 đến 30-6-2019. Các tác phẩm lọt vào vòng 2 sẽ được thông báo về thời gian, địa điểm nhận tác phẩm, sản phẩm thật. Sẽ có 3 bộ giải thưởng dành cho 3 nhóm tác phẩm, sản phẩm (Thiết kế sáng tạo, Sản phẩm trang trí, Sản phẩm ứng dụng) với tổng giá trị giải thưởng là 201 triệu đồng. Dự kiến, triển lãm sẽ được khai mạc vào giữa tháng 9-2019 tại Bảo tàng Hà Nội và sẽ diễn ra trong vòng 1 tháng với nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu, giao lưu, trình diễn của các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nghệ nhân. |