Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại:

Tìm về giá trị cội nguồn

Thứ Ba, 06/12/2016, 11:10
"Nghi lễ chầu văn", hay còn gọi là "hầu đồng" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2012. Và mới đây, "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" chính thức được Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) họp tại Ethiopia công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây được xem là những mốc đánh dấu sự chuyển biến nhận thức xã hội về giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Tính cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam là nước có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhiều nhất Đông Nam Á.

Gửi tâm linh vào thế giới siêu thực…

"Nghi lễ chầu văn" hay hầu đồng, một loại hình văn hóa diễn xướng dân gian mang đậm tính tâm linh trong văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, hay còn gọi là văn hóa tín ngưỡng Tam (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải Phủ) - Tứ (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải Phủ, Mẫu Địa Phủ) Phủ của người Việt đã có hàng trăm năm.

Một buổi dạy hầu đồng ở Trường ÐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Đã từng có thời gian, hầu đồng rơi vào số phận thăng trầm như một số các loại hình phi vật thể khác bị thất truyền, mai một như hát xẩm, chầu văn, hát xoan, hát đúm… Thậm chí đã có lúc người ta coi đó là một loại hình mê tín dị đoan, và bị cấm đoán.

May thay, khoảng hơn chục năm trở lại đây, một số nghệ nhân còn sót lại và các nhà nghiên cứu văn hóa đã cố gắng kì công biên chép cẩn thận loại hình văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn của ông cha, đồng tâm nhất loạt muốn khẳng định chỗ đứng "Nghi lễ chầu văn" trong đời sống tâm linh người Việt, cùng những hình thức trình đồng, hầu đồng của những thanh đồng tấp nập tại các đền, phủ điển hình ở các tỉnh phía Bắc.

Và cuối cùng, văn hóa tinh thần sau nhiều năm bị oan sai cũng được trả về đúng giá trị đích thực. Năm 2012, "Nghi thức chầu văn" hay  hầu đồng cùng với nhiều bộ môn nghệ thuật dân gian khác trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 36 giá đồng là 36 câu chuyện ca ngợi những người anh hùng dân tộc trong việc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi hay những nhân vật điển hình ở từng vùng có công làm cho cuộc sống người dân được ấm no, hạnh phúc, dệt lụa, quay tơ, trồng lúa, hái chè…

Những người có công với dân tộc Việt Nam, sau này khi họ mất đi, được dân gian tôn lên làm thánh, nam thần hay nữ thần, đồng thời khi hầu đồng con người giao hòa với thần linh gửi niềm tin vào một thế giới siêu thực để con người có thêm niềm tin và sự lạc quan.

 Mỗi một vị được hiển thánh là một cốt truyện khác nhau được dân gian truyền tụng từ đời này sang đời khác qua tiếng hát, cung đàn gieo vào lòng người cảm xúc sâu sắc mà không ngôn từ nào có thể miêu tả hết được tâm trạng chộn rộn đa sầu, đa cảm ấy. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sau khi tìm hiểu nét đẹp văn hóa dân gian huyền bí này, hoặc một cơ duyên, rồi như bị dẫn dụ, thôi miên đều nhất tâm ra hầu đồng, hát văn dâng Thánh.

NS cải lương Thoại Mỹ, NSND hát quan họ Thúy Hường, hay NSND Lan Hương "Em bé Hà Nội", diễn viên Thiên Bảo, danh hài Hoài Linh, danh hài Xuân Hinh, ca sĩ Lý Hải… đều đã ra đồng hầu cửa Thánh từ lâu như một cách hướng hồn cốt về cội nguồn dân tộc.

… và câu chuyện của "Em bé Hà Nội"

Nguyên do tại sao NSND Lan Hương (Em bé Hà Nội) lại ra hầu đồng, mở phủ từ nhiều năm nay và bản thân chị cũng rất thích ai đó gọi mình là thanh đồng, chị kể: Mình có tính rất bướng, mà chắc cũng có duyên với bà Liễu Hạnh? Người ta bảo là có căn quả, nên tính đã rất bướng bỉnh kiểu gì khó tả lắm. Bướng này không phải là bướng hư đâu, bướng đấy là khi ai làm sai với mình, mình không chịu được. Ví dụ: Mẹ đánh vỡ cái gì thì không sao, nhưng khi mình đánh vỡ thì mẹ lại mắng mình, mình không chịu mà bảo: "Tại sao mẹ đánh vỡ được mà con lại không đánh vỡ được?" Chứ mình không bướng theo kiểu ngang ngạnh, không bướng theo kiểu vô lối.

NSND Lan Hương trong giá hầu Cô Bé.

Sự việc bắt đầu từ năm Canh Ngọ - 1990, tôi dọn về nhà mới, nhưng đến năm 1991, rồi sang năm 1992 thì tai họa liên tục đổ xuống đầu mình. Trước đấy những vận đen cũng đã có nhiều rồi nhưng năm đấy là đỉnh điểm của tai họa. Khi dọn về nhà mới, một lần do sơ ý ngã từ tầng 3 xuống, cũng đã phải nằm bó bột hàng tháng trời. Một lần khác bị điện giật cháy xém cả cánh tay phải. Cánh tay bị điện giật run cầm đũa không nổi, suốt cả năm phải ăn bằng tay trái.

Bà ngoại của tôi sinh rất nhiều mà các bác, các cậu, các dì mất cũng rất nhiều. Sau này, nhà tôi sinh người con nào thì chỉ lo không sống được. Đến khi mẹ sinh tôi vào giờ Tý (0h). Nói như các cụ là giờ của quan đi chấm đồng. Tôi ốm đau oặt ẹo rất khó nuôi, bà ngoại phải đưa tôi đi các nơi chùa, đền, phủ để cầu xin thần thánh ban phúc… NSND Lan Hương là một người có niềm tin mạnh mẽ với vũ trụ bao la đầy huyền bí, và cho rằng con người là một hạt cát li ti trên sa mạc mênh mông vô bờ…

Câu chuyện của NSND Lan Hương làm cho tôi nhớ đến những người làm nghề hát văn. Trong khu đền Trần, Nam Định có một người đàn ông hát văn, người ta quen gọi là ca sĩ Vũ Đình Trung. Ông ở trong hội viên Hội nhà thơ Đường luật VN. 

Ngồi hát văn ở đây ông làm nhiều bài thơ, câu thơ, ông tay đàn miệng hát, tôi nghe văng vẳng ngân nga:  "Gió mây bay bổng cánh diều/ Hương hồn phật thánh cuốn theo hương trầm". Đấy là những câu thơ ông tự sáng tác. Ông Trung 67 tuổi, người ở xóm Liễu, thôn Vọng Cổ, xã Đại An, huyện Vụ Bản, TP Nam Định. 26 năm ở khu đền Trần người ta đã quen mặt, quen với tiếng hát ông Trung vào mỗi kì "tháng 8 giỗ cha tháng 3 giỗ mẹ" hay mỗi độ Tết đến xuân về. Theo như lời ông kể, thì ngay từ thời trai trẻ ông đã thích đàn hát, ông đi bộ đội, rồi sau giải ngũ ông có 12 năm theo nghề nông cấy cầy đồng áng.

Cuộc sống đang bình thường, năm 1990 ông ốm một trận thập tử nhất sinh, tưởng chừng như không thể qua khỏi, sau trận ốm tưởng như sống dở chết dở ấy, đến khi hoàn hồn ông bốc đồng chỉ muốn đến cửa đền để hát. Thế là vào một ngày, ông nhất tâm ôm đàn, ôm trống đến xin ngồi cửa Thánh đức thánh Trần Hưng Đạo của khu quần thể đền Trần.

Ông bảo: "Trời cho tôi hát chứ tôi không qua một trường lớp nào cả." Tính cho đến tết năm nay là 26 năm ông  đi vào nghề hát văn. Nói về buồn vui của cuộc đời hát văn, ông bảo: "Hầu Thánh thì chỉ có vui chứ không có chi buồn cả. Ngày nào được đến cửa thánh là vui vẻ."

Nhà ông cách cửa đền 7 cây số, hàng ngày chuông đồng hồ điểm 4 giờ sáng, ông đã đi đến đền; tối 7 giờ ông rời khỏi đền về nhà. Hôm nào cũng thế, sớm tinh mơ ông đến mở cửa đền, hát thỉnh ban công đồng, thỉnh mời vua, mời thánh về rồi ông mới đi ăn sáng. Nhưng hội đền Trần chỉ có từ tháng giêng cho đến hết tháng hai âm lịch, rồi vào cuối năm từ tháng 8, tháng 9 âm lịch, những tháng còn lại ông Trung lại rong ruổi các đền phủ quanh đất Nam Định, có khi lại lên tận tít tắp vùng núi cao hay miền quê nào đó để hát cho các giá hầu…

Ngăn ngừa những biến tướng

Nghệ sĩ ưu tú Văn Chương (Trưởng phòng Nghệ thuật của Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam) là người có giọng hát văn hay có tiếng. Anh cho biết hầu đồng nhiều năm trở lại đây rất phát triển, không phân biệt tuổi tác, giai tầng xã hội. Người hầu đồng ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ cho đến cụ già. Từ ông tổng giám đốc cơ quan đoàn thể hay một người nội trợ, một nghệ sĩ hay một công chức văn phòng, đến người làm nghề kinh doanh buôn bán đều có thể trở thành các thanh đồng.

Một giá hầu của thanh đồng.

Khi bước chân vào thế giới siêu thực, các thanh đồng được nâng niu, được trân trọng, được "say" trong các giá, được thăng hoa và giảm stress. Anh khẳng định: "Dù sao, hầu đồng vẫn là nét văn hóa tâm linh cần được bảo tồn, phát huy và trân trọng. Theo dòng chảy tự nhiên, hầu đồng có giá trị về tính nhân văn, thẩm mỹ cao trong xã hội hiện đại nếu được phát huy đúng cách, đồng thời nó là nét chấm phá, tô điểm cho một bức tranh lộng lẫy của văn hóa truyền thống người Việt".

Phủ Giày, TP Nam Định được coi là "đại bản doanh" của các thanh đồng; hay "Công Đồng Bắc Lệ" ở Lạng Sơn cũng được coi là thủ phủ của những người hầu đồng; đền Mẫu Đông Cuông Tuần Quán (Yên Bái); Đền Sòng Sơn (Thanh Hóa ); đền ông Hoàng Mười (Nghệ An); đền ông Hoàng Bẩy (Bảo Hà)… Phủ Tây Hồ nằm ở quận Tây Hồ, được cho là nơi linh thiêng nhất, Mẫu Liễu Hạnh giáng, người dân cả nước thành kính tấp nập kéo đến phủ lễ bái ngày một nhiều;  ở đây cũng đã có lần tổ chức suốt mấy ngày liền cuộc "Nghi lễ chầu văn" hát hầu dâng Thánh.

Hầu đồng không chỉ có tại các đền, các phủ, mà hầu đồng còn hiện hữu được nơi cửa chùa linh thiêng. Có lần đích thân nhà sư trụ trì chùa Long Đẩu, Hà Tây mời nhóm hầu về chùa hầu đồng để phục vụ bà con làng xã. Ngay cả ngôi chùa Một Cột, một biểu tượng văn hóa quốc gia, ở trung tâm thành phố Hà Nội cũng mời hầu đồng về để rộn ràng tiếng hát lời ca, đem xuân sang vui với muôn nhà. Tại những ngôi chùa ở phía Bắc làng quê Việt Nam, hầu đồng nhiều năm nay dần trở thành bản sắc văn hóa tín ngưỡng quen thuộc.

Trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, là người cả đời dành tâm huyết về đề tài khoa học đạo Mẫu trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt, ông sẵn sàng lên tiếng bảo vệ, bảo tồn nghi lễ hầu đồng tại các hội thảo mang tầm quốc gia. Ông cũng là người chắp bút làm hồ sơ "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ của người Việt" để UNESCO xem xét tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông bảo: "Bản chất nguyên sơ của hầu đồng là hình thức hoạt động văn hóa tín ngưỡng tâm linh, nhưng hiện nay không ít trường hợp bị bóp méo và lợi dụng. Trước đây, những người ra hầu đồng là những người có căn, hay còn gọi là cơ đầy và người ta lên đồng với sự thành kính thăng hoa. Bây giờ đi sâu vào căn số là gì thì phải đi sâu vào liên ngành”.

Ông nói: "Không có tín ngưỡng nào trên đời này dạy con người làm những điều xấu xa, chỉ có con người lợi dụng nó cho những mục tiêu xấu xa. Ở đâu đó thì hầu đồng đang bị biến tướng. Nhiều giá hầu đồng tổ chức vì những lợi ích vật chất, và sự biến tướng này có nguy cơ trở thành môi trường kiếm tiền, làm giàu, trục lợi. Cũng may, những hiện tượng như thế cũng không nhiều…".

Hiện nay, hầu đồng đã được đưa vào giảng dạy tại một số trường Đại học như Đại học Văn hóa hay Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội. Các sinh viên vô cùng hào hứng khi được học bộ môn nghệ thuật độc đáo này; người lên lớp là những đồng thầy, hoặc thủ nhang đồng đền có sự hiểu biết sâu sắc về hầu đồng. 

"Nghi thức chầu văn" hay còn gọi là "hầu đồng" giờ đây đã được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều năm nay hầu đồng vẫn đã và đang tồn tại trong đời sống tâm linh tín ngưỡng của người Việt và là nét đẹp văn hóa của ông cha đáng được bảo tồn, phát huy và trân trọng.

Mỹ Trân
.
.