"Tình nghệ sĩ" - Ấm áp những sẻ chia
Hoặc những nghệ sĩ tâm huyết với nghề không may tai nạn nghề nghiệp và bị thương tật mất sức lao động vĩnh viễn. Mỗi nghệ sĩ, mỗi số phận, họ, những nghệ sĩ đầy tâm huyết vẫn hừng hực ngọn lửa yêu nghề dù triền miên đói khổ, nghèo túng và đôi khi phải trả một cái giá quá đắt, tước đi sự sống tự do.
Nghệ sĩ Trà Mi, người có ý tưởng chương trình "Tình nghệ sĩ". |
Nữ nghệ sĩ Ngô Tuyết Hoàn - Chỉ còn lại nỗi đau
Căn nhà của nghệ sĩ Tuyết Hoàn nằm sâu trong căn ngõ ngoằn ngoèo của khu tập thể rạp xiếc Trung ương. Nó nhỏ bé và cheo leo như một chuồng chim câu. Trên chuồng chim lơ lửng ấy, là một con chim bị thương rất nặng. Con chim đấy không thể đi lại được, ngày ngày nó nằm thiêm thiếp trong tổ, hướng ánh mắt buồn bã ra trời xanh với những áng mây trắng ngoài kia. Vâng, trong giới nghệ sĩ biểu diễn ở Hà Nội, câu chuyện của nghệ sĩ Tuyết Hoàn ai mà không biết, có nhiều nghệ sĩ khi biết chuyện của cô đã âm thầm khóc, và buột miệng thốt lên: "Ôi, số phận cho một kiếp hồng nhan".
Ngô Tuyết Hoàn sinh năm 1978, lên 6 tuổi đã được gia đình cho theo trường xiếc. Cả chục năm rèn mình trong môi trường ăm ắp nghệ thuật ấy, rồi Hoàn ra trường Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Nhờ thông minh, sáng dạ, chăm chỉ luyện tập nên kỳ thi quốc gia nào Hoàn cũng đều có giải. Những tấm huy chương, bằng khen treo đầy nhà. Trong một lần tập, một lưỡi kiếm không may rơi vào tay Hoàn trong lúc tập, máu túa ra ướt đẫm tay áo chảy tong tỏng xuống nền nhà. Lần tai nạn đó khiến Hoàn bị khâu đến cả gang tay trên cánh tay thiếu nữ trắng ngần. Sau đó là phải nhập viện mổ tay. Sau lần đấy, tưởng Hoàn sẽ bỏ nghề, vậy mà cô vẫn kiên trì theo đuổi niềm đam mê.
Hai năm sau, một lần sang Đài Loan biểu diễn, đang lúc trên sân khấu giữa rừng khán giả, một thiết bị bị hỏng, một tai nạn xảy ra và cô bị vỡ quai hàm, phải vào bệnh viện nước bạn điều trị hai tháng trời. Lần này ai cũng nghĩ Hoàn sẽ giã từ nghiệp xiếc. Vậy mà khi đỡ bệnh, Hoàn lại lên sân khấu, lại tập, lại diễn, lại có giải, bằng khen tới tấp. Sau này, trong những buổi tập luyện, không ít lần thương tích, nhưng tính Hoàn gan dạ lắm, bố mẹ xót xa không muốn cho con gái tiếp tục theo nghiệp xiếc, nhưng ngăn cản thế nào, Hoàn nhất nhất bảo: "Đây đã là sự lựa chọn của con rồi, xin cha mẹ đừng cấm đoán".
Đến khi 30 tuổi Hoàn yêu một bạn trai ở cùng đoàn xiếc. Anh kém Hoàn 4 tuổi. Trong tình yêu, tuổi tác có là gì! Họ yêu rồi cưới nhau. Hai vợ chồng ở trong căn phòng nhỏ gần 20m2 của Liên đoàn Xiếc phân cho học viên. Xưa kia, căn phòng này có 4 nữ diễn viên xiếc, nhưng rồi, các cô gái đều đi lấy chồng và ra ở riêng, chỉ còn lại mình Hoàn. Tưởng tổ ấm nhỏ này sẽ là nơi ríu rít tiếng cười của trẻ thơ, hai vợ chồng cùng nghề sẽ thăng hoa trong nghệ thuật. Mơ mộng, chờ đợi, hy vọng, vậy mà định mệnh oan nghiệt đổ xuống người phụ nữ vừa được cảm giác làm vợ mới 3 tháng.
Sáng hôm đấy hai vợ chồng từ nhà sang rạp xiếc, trong một bài tập chuẩn bị cho một tiết mục mới, Hoàn bị ngã. Không gian chỉ còn một màu trắng tinh, trắng đến phát sợ. Cũng không còn cảm giác đau nữa, cũng không biết mình đang ở đâu? Mình đang sống hay đã chết? Anh Tài - chồng Hoàn cõng vợ đi khắp các bệnh viện, từ đông y sang tây y, nằm bệnh viện chữa trị nửa năm trời, các bác sĩ đều nói: "Hoàn đã bị liệt cả người, và không bao giờ có thể tự sinh hoạt cá nhân được nữa". Nghĩa là Hoàn sẽ mãi mãi nằm trên giường, thậm chí không có thể tự ngồi dậy, đi lại được… Đến việc thay quần áo Hoàn cũng không thể làm được, hay ăn cũng phải có người bón thì cuộc sống sẽ ra sao?
Trước mắt tôi là một nữ nghệ sĩ đã cống hiến cho nghệ thuật truyền thống, bộ môn xiếc tròn 20 năm. Cô ấy đã vượt qua đồng lương eo hẹp, vượt qua cả những tai nạn trên sàn tập và những lần tai nạn nghề nghiệp khác nữa, mà lần nào sự cố cũng quá mạnh. Sự bản lĩnh, mạnh mẽ, đam mê, quyết đoán đã chiến thắng tất cả những xung đột đổ máu, kể cả sự đói khổ của một nghệ sĩ, những tai nạn nghề nghiệp để cô có được nhiều giấy khen, bằng khen, và cả huy chương các loại nữa. Giờ, cô nằm đó bất động, chỉ cất tiếng nói yếu ớt.
Tết năm 2014. Cái tết đầu tiên hạnh phúc ngọt ngào của cặp vợ chồng son, lẽ ra họ đã cùng nhau đón giao thừa, cùng nắm tay nhau đi chúc tết họ hàng nội ngoại. Giờ là dấu chấm hết. Hằng ngày, anh tự làm vệ sinh cho vợ. Anh tự chế một cái cầu thang máy bé xíu đủ để vừa chiếc xe lăn để vợ có thể tự bấm nút và xuống tầng 1.
Anh cũng tự chế cho vợ một sợi dây mà trong lúc anh đi lưu diễn thì ai đó có thể buộc dây vào người vợ anh và hệ thống dây tự động sẽ nhấc bổng cô lên và đưa lên xe lăn. Tôi nhìn hai vợ chồng, liệu hạnh phúc là do ta định đoạt hay số phận định đoạt?! Mọi chuyện đều có thể thay đổi. Cuộc sống luôn thay đổi, chẳng có gì là mãi mãi. Hoàn nằm đó, gầy gò, xanh xao, thiêm thiếp trên giường và không thể cử động. Sẽ mãi mãi như vậy chăng?! Sự an ủi hay nói gì cũng là vô nghĩa. Chỉ còn lại nỗi đau và một biển mênh mông buồn day dứt.
Lão nông Trần Hạnh: Nghèo khổ nhưng lương tâm thanh thản
Nhắc đến ông là người ta nghĩ ngay đến ông bố tốt bụng, ông nông dân hiền lành từ lâu lắm đã quen mặt với khán giả truyền hình cả nước. Bí thư Đảng ủy trong phim "Làng Nổi", bố An trong phim "Tướng về hưu", ông Lâm trong " Chiếc bình tiền kiếp", bố Mai trong phim "Hãy tha thứ cho em", bố Lực trong "Cỏ lau", ông bố phim "Người đàn bà thứ hai", và xuất hiện trong sê ri phim truyền hình dài tập "Vệt nắng cuối trời" và hàng chục tập phim khác.
Người dân sống gần ga Hàng Cỏ không ai không biết đến ông, tối thì xuất hiện trên truyền hình như vậy, nhưng ngày là thấy ông cặm cụi bán hàng cho cô con gái. Ở tuổi 85, khuôn mặt đôn hậu ấy rất được người dân mến mộ, yêu thương. Mấy chục năm trời theo nghiệp sân khấu, là diễn viên của Nhà hát kịch Hà Nội, đến tuổi về hưu, ông vẫn tham gia phim truyền hình.
Cả nước biết mặt, thuộc tên ông, nhiều người thấy ông bán hàng ở gần ga hỏi: "Cụ diễn viên ơi, cụ nổi tiếng thế, bán hàng ở đây có ngại không cụ?" Ông thủng thẳng bảo: "Ơ hay, bố bán hàng chứ bố có đi xin cái gì của ai đâu, hoặc đi ăn cắp đâu mà sợ xấu hổ nào. Người ta lao động chân chính thì chả ngại, chả sợ gì cả. Đời người chỉ xấu hổ và ngại ngần khi làm việc gì trái với lương tâm mà thôi. Bố nghèo, bố khổ nhưng lương tâm bố thanh thản”. Ông vẫn có lối xưng hô thân mật với mọi người như thế.
Sáng nào ông cũng ngồi ở cửa hàng này độ gần một tiếng, trông hàng cho con gái đi chợ hoặc đi lấy hàng về bán, xong rồi ông lại về nhà. Nhà ông ở trong ngõ nhỏ ở phố Lương Sử, nằm gần ga. Nhà rộng hơn chục m², ông bảo ra cửa hàng tuy có ồn ào bụi bặm nhưng cũng còn thoáng khí hơn ở nhà. Ông kể diễn viên sân khấu vẫn còn nghèo hơn điện ảnh. Một đêm diễn, cátsê cho diễn viên chính chỉ có 150.000 đồng. Vai phụ 50.000 đồng. Vậy nhưng lửa nghề vẫn cháy âm ỉ và lan tỏa trong ông. Nhưng ước mơ vẫn chỉ là ước mơ thôi. Điều kiện đâu để ông có một vai diễn trên sân khấu được nữa, ai mời?!
Với một nghệ sĩ lao động nghệ thuật nghiêm túc và canh cánh với nghề như ông, được làm nghề là quên hết mệt nhọc. Quá khứ hiện về như những thước phim quay chậm, ông chưa thể quên hay càng ngày, quá khứ ấy càng hiện lên rõ nét hơn, như thế mới hôm nào. Đó là ngày ông đóng Nguyễn Trãi vở "Lam Sơn tụ nghĩa" trong liên hoan kịch toàn quốc được Huy chương Vàng. Vở "Tiền tuyến gọi" của đạo diễn Dương Ngọc Đức cũng Huy chương Vàng hội diễn, rồi đến "Âm mưu và tình yêu" thì được cụ Tổng Bí thư Trường Chinh khen ngợi.
Người nghệ sĩ với vai diễn để đời rưng rưng xúc động, âm thanh huyên náo của phố phường lại hối thúc ông trở về hiện tại. Ông ở đây, gầy gò, xanh xao, nhưng khuôn mặt ấy bao năm vẫn vậy, nhân hậu và ấm áp. Ông phải trở về căn nhà nhỏ hơn chục m2 với đồ đạc tùng tiệm, giản đơn. Ông hằng ngày phải chăm bẵm cho cậu con trai đã gần 50 tuổi nhưng bị bệnh từ hàng mấy chục năm nay. Từ ngày vợ mất, ông càng lặng lẽ và cô quạnh hơn. Lương của ông mỗi tháng 1 triệu, thỉnh thoảng đi làm phim có được thêm tí tiền. Ông giãi bày: "Con mỗi đứa có một phận riêng, cuộc sống gia đình tốn kém lắm, cái gì cũng tiền. Thế nên mình đã không có cho các con thì thôi, ai lại nỡ lấy của chúng nó".
Nghệ sĩ Văn Toản: Ấm áp một tấm lòng
Cả cuộc đời ông gắn với sân khấu và điện ảnh. Hơn 20 tuổi tốt nghiệp Trường Kịch, ông về công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam. Sau khi về hưu, ông đi làm phim truyền hình nhiều, lắm lúc nhớ ánh đèn sân khấu, may thay, ông lại được mời tham gia các tiểu phẩm trên sân khấu, đa phần là đóng hài. Dáng ông gầy gò, có phần khắc khổ, nhìn ông đã thấy đời đầy trúc trắc.
Trước đây ông sống một mình trong căn nhà nhỏ ở khu Thanh Lương, sau này con ông đón ông về ở cùng. Là nghệ sĩ được khán giả cả nước biết mặt, vì cứ bật tivi lên là thấy nghệ sĩ Văn Toản. Có tính nghệ sĩ khi còn trong trứng nên ông đa cảm, dễ mủi lòng, thoắt buồn, thoắt vui, mênh mang nghĩ ngợi. Lắm nhạy cảm, nhiều ưu tư với nhân tình thế thái của cuộc đời. Nhưng khi tiếp xúc với ông mới thấy ở ông một trái tim nhân hậu.
Trong phim ông khổ thế nào thì ngoài đời ông cũng khổ thế ấy. Cuộc sống của ông thật giản dị và tùng tiệm. Nhưng ông an vui với hiện tại, ông tâm niệm, đã theo nghiệp nghệ thuật được mọi người yêu mến thì coi như Tổ đãi cho làm nghề nên có nghèo một chút cũng không oán trách. Có cho chọn lại lần nữa thì ông vẫn nhất quyết chọn nghề này. Ông kể: Làm nghệ thuật cả trăm người mới có được vài người sung túc, còn lại ai cũng phải gồng mình lo cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai. Nghệ sĩ hỗ trợ được cho nhau cũng là điều rất tốt, họ trọng nhau về nghề, quý nhau về tình.
Kinh tế chẳng hề dư giả, nhưng gặp hoàn cảnh khó khăn là ông lại muốn giúp. Ông bất giác nhìn thấy quanh mình những mảnh đời nghèo khó, là ông lại san sẻ một ít gọi là tấm lòng chân thành của nghệ sĩ Văn Toản. Tinh thần tương thân tương ái ấy ông thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Mỗi sớm bình minh lên, ông vẫn ngước lên nhìn trời xanh. Cuộc đời vẫn đẹp lắm, vẫn có nhiều tấm lòng nhân ái, tiền bạc rồi sẽ cạn, sức khỏe rồi sẽ mòn, danh tiếng cũng chỉ là hư vinh, chỉ còn lại tình người là mãi mãi.
Chương trình “Tình nghệ sĩ” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đứng ra tổ chức vào 20 giờ ngày 22/8/2015 tại Nhà hát Nghệ thuật Âu Cơ, số 8, Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ biểu diễn gây quỹ giúp những nghệ sĩ cao tuổi và những nghệ sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt sẽ có sự xuất hiện của nghệ sĩ Hán Văn Tình, vừa qua cơn bạo bệnh anh đã muốn nhiệt tình tham gia đóng chút ít công sức của mình vào “Tình nghệ sĩ”. Nghệ sĩ Hán Văn Tình xúc động nói: Khi tôi phải nằm viện vì căn bệnh ung thư, gia đình rất túng quẫn, nhưng được anh em trong nghề động viên thăm hỏi giúp đỡ cho cả vật chất nên khích lệ tinh thần tôi rất nhiều, đặc biệt nghệ sĩ Trà Mi đã đứng ra vận động anh chị em nghệ sĩ biểu diễn đêm từ thiện Hán Văn Tình. Tình cảm của anh em đồng nghiệp trong nghề tôi rất trân quý, mọi người đối với mình tốt và có tình như thế thì bây giờ sức khỏe của tôi đã đỡ hơn rất nhiều, tôi cũng muốn mang chút sức lực của mình để giúp các đồng nghiệp khác. Đây chính là tình người - tình nghệ sĩ với nhau. |