Văn hóa phi vật thể được vinh danh: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

Thứ Năm, 29/01/2015, 08:45
Nhiều năm nay, lần lượt các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc truyền khẩu ráo riết, làm hồ sơ gửi UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Việt Nam đã có 9 loại hình được công nhận và nằm trong danh sách UNESCO vinh danh trên bảng vàng. Và, sắp tới đây một loạt các loại hình nghệ thuật độc đáo khác của chúng ta cũng sắp được tôn vinh. Đây chẳng phải là một tín hiệu mừng hay sao?!

Nhưng còn một điều ẩn sâu trong cái vỏ bọc nhung lụa phủ màu sắc ấy. Cái màu xám xịt, ảm đạm và buồn bã chất chứa nhiều bi quan nằm trong cốt lõi, bản chất của vấn đề.

Trong những ngày đầu năm 2015, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, giáo sư (GS) Ngô Đức Thịnh nằm trong Bệnh viện Việt Xô điều trị bệnh. Ông ở căn phòng khu nhà A to rộng, thoáng đãng. Khi chúng tôi đến ông đang ngồi bên bàn chăm chú đọc và bên cạnh là hàng chồng tài liệu về văn hóa di sản phi vật thể. Chúng tôi chào ông và cùng ông ra hành lang của bệnh viện để trò chuyện. Câu chuyện xoay quanh vấn đề văn hóa phi vật thể, từ to, nhỏ, chuyện hậu đài của việc làm hồ sơ gửi UNESCO đến những hồ sơ được công nhận hay bị trả về, chuyện bảo tồn và phát huy, đầy những vấn đề “không phải chỉ biết yêu mà phải làm thế nào để yêu cho đúng cách”.

Hay sắp tới đây, lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Công thương và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch  (VH-TT&DL) sẽ cùng lập một ban giám khảo để xét hồ sơ các nghệ nhân được phong Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) và Nghệ nhân Nhân dân (NNND).

Chuyện này, đã được đặt lên hạ xuống từ nhiều năm trước đây và đến kỳ họp Quốc hội năm 2014 vừa qua mới được thông qua. Vì sao lại chậm trễ như vậy, việc cả hai Bộ cùng bắt tay vào làm mà không quy về một đầu mối là Bộ VH-TT&DL là do còn dính đến làng nghề, nghệ nhân có đôi bàn tay vàng nên Bộ Công thương cùng góp mặt là điều dễ hiểu.

Hát xoan.

GS Ngô Đức Thịnh cũng nằm trong thành phần giám khảo của cuộc xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân lần đầu tiên này.  Vị GS ít nhiều xúc động, chuyện này cuối cùng cũng đã được giải quyết, chậm còn hơn không, bây giờ ít nhiều nghệ nhân tuổi đã cao lần lượt từ giã cõi đời, ông bảo ở Nhật và Hàn Quốc người ta gọi nghệ nhân là bảo tàng sống của văn hóa nhân loại.

Chính phủ của nước họ từ nhiều năm nay có những chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân vô cùng trọng vọng, như trả lương cho các nghệ nhân hàng nghìn đô, tham gia các phương tiện giao thông công ích, nằm bệnh viện, hoặc tham gia các dịch vụ khác hoàn toàn không mất tiền. Khi ông sang các nước như Nhật và Hàn Quốc thấy nghệ nhân của nước họ được trọng vọng và ưu đãi như vậy thì ông lại càng thương xót cho các nghệ nhân nơi quê nhà.

Còn tôi bất giác nhớ đến nghệ nhân Hà Thị Cầu, mà các nghệ sĩ yêu quý thường gọi là u Cầu, nghệ nhân hát xẩm có một không hai, một báu vật sống của quốc gia. Ngôi nhà của bà đã có biết bao nhiêu người về thăm từ trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo đến các ban ngành đoàn thể, và đương nhiên vô số nghệ sĩ yêu mến hay cả những người hâm mộ đến thăm bà.

Và rồi đoàn người như cơn gió đến rồi đi, để lại một mình cụ cô đơn trong căn nhà vắng, chẳng có đồ đạc gì đáng giá, chỉ ấn tượng nhất là trên tường nhà treo vô số bằng khen, giấy khen, và cây đàn đã ngang dọc theo người nghệ nhân già cả cuộc đời với bước thăng trầm của phận người hát xẩm.

Nhiều người càng cảm thấy xót xa hơn khi vào ngày cuối tuần ở chợ Đồng Xuân, đến 8 giờ tối chiếu xẩm Hà Thành được trải ra, NSƯT Văn Ti và NSND Xuân Hoạch, tay đàn tay trống, cùng giọng ca nức tiếng nghệ sĩ Thanh Ngoan (giờ là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam) và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa… những lớp con cháu đàn ca sáo nhị của cụ, vì xót u Cầu đã bắc loa kêu gọi rằng u Cầu, nghệ nhân báu vật nhân gian đó đang ốm nặng và không có tiền viện phí thuốc thang. Để rồi buổi quyên góp từ thiện ca hát đó được vài chục triệu đồng gửi về quê cho cụ. Sau vài tháng đổ bệnh nghệ nhân Hà Thị Cầu đã ra đi...

Quan họ Bắc Ninh.

Tôi cũng nhớ đến nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức, năm nay đã 80. Bà được coi là người có tiếng phách trạng nguyên. Tiếng đàn của bà nghe như tiếng gió reo, mưa đổ, hay mơ hồ quyến rũ, đẹp như tiếng hạc trong trăng. Bà Đức nặng lòng với bộ môn nghệ thuật ca trù từ năm lên 8 tuổi. Bà cùng với cha là lão nghệ nhân Phó Đình Ổn cả một thời dọc ngang khu chợ Khâm Thiên, phố Bà Triệu, hay Thái Hà (Hà Nội).

Chứng kiến thăng trầm cùng lịch sử và sự va đập liên hồi đầy truân chuyên của bộ môn nghệ thuật mà bà đã mang nghiệp cầm ca từ thuở ấu thơ, có một giai đoạn dài bà phải chôn sâu, giấu chặt tình yêu với ca trù để kiếm kế sinh nhai bằng một loại hình nghệ thuật dân tộc khác là hát chèo và ngâm thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Hát ca trù hay còn gọi là hát ả đào. Đã có nhiều năm người ta rũ bỏ loại hình nghệ thuật độc đáo này. Các nghệ nhân ca trù như bà không có đất sống. Và rồi vào một ngày cuối thu, ca trù đã “sống”, Nhà nước công nhận làm hồ sơ gửi UNESCO ít lâu sau được vinh danh là một trong những văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nhiều học trò cấp tập đến học bà. Bà Đức xiêm y lộng lẫy trong bộ áo dài nhung the, đầu vấn khăn vành, trang trọng đến để trình diễn tiếng hát dẫn dụ và tiếng phách trạng nguyên trong khung cảnh hoan lạc vui ca đấy. Nhưng rồi, niềm vui đấy cũng chẳng được lâu, bà hay những nghệ nhân đắm chìm với nghiệp tổ như bà tưởng sẽ có một cuộc cách tân văn hóa, một luồng gió mới đầy sinh khí thổi vào.

Nhưng cũng chẳng có chính sách đãi ngộ cụ thể nào với nghệ nhân như bà. Người ta chỉ yêu thích bộ môn này như thể cưỡi ngựa xem hoa, người nghệ nhân như khuôn viên bó hẹp trong viện bảo tàng. Bà được mời đến để dạy lớp nâng cao về nghệ thuật ca trù trong trường nghệ thuật âm nhạc.

Nâng cao ư? Để có được giọng ca và tiếng phách của bà là cả những tháng năm dài đằng đẵng khổ công luyện tập. Khi mà học sinh chưa thực sự hiểu hết cấp tiểu học của âm nhạc dân gian thì nâng cao làm sao trong một phạm vi bó hẹp vài buổi nói chuyện, luyện tập ngắn ngủi? Chung quy cũng chỉ chạy theo căn bệnh bám sâu, ăn chặt vào cội rễ:  bệnh thành tích. Dễ dãi với học sinh là buông tuồng với nghề tổ.

Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức thẳng thắn nói: “Phát huy và bảo tồn văn hóa phi vật thể là vấn đề nhìn nhận, sử dụng năng lực,  đào tạo con người một cách bài bản và khoa học. Sự qua loa đại khái có thể làm sai lệch hay móp méo đi nghệ thuật văn hóa di sản đã được vinh danh”.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Trở lại câu chuyện của nhà nghiên cứu, Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian, GS Ngô Đức Thịnh, trong hành lang của bệnh viện giữa những bệnh nhân đi lại một cách chậm rãi và một vài bác sĩ, y tá mặc áo blu trắng đi qua. Cả mùi thuốc sát trùng đặc trưng của bệnh viện cũng không làm cho ông quên mà chìm vào dòng hồi tưởng. Ông kể cho chúng tôi bằng một giọng buồn buồn:

 “Cách đây đã chục năm, khi làm bộ Sử thi Tây Nguyên tôi trực tiếp thu băng từ một bà người Đắk Lai, 79 tuổi. Những buổi làm việc với bà ra được 3 bộ sử thi  trong đó có 2 bộ đã in. Bộ thứ nhất 1.200 trang. Bộ thứ hai 2.200 trang. Bà hát cho tôi, tôi thu được vào 104 băng, mỗi băng có độ dài 90 phút. Có nghĩa là bà hát 150-160 giờ đồng hồ.

Cụ bà ấy khiến tôi có cảm giác thật kỳ lạ! Ví dụ như những nghệ nhân khác họ tập hợp thành mấy người, họ hát rồi họ nói là dừng lại để họ nhớ vì cũng có khi quên, mình dừng đến khi họ nhớ lại rồi thì mình thu tiếp. Nhưng với bà này thì không bao giờ! Chỉ có điều mình đề nghị bà dừng lại để mình thay băng. Tức là một con người có bộ nhớ siêu việt. Rất mừng là mình đã thu được, chứ có nhiều người giữ cho riêng họ, khi họ sang thế giới bên kia, họ mang cả theo một kho tài nguyên văn hóa đồ sộ.

Lúc đấy tôi nói với đồng chí Chủ tịch huyện thì ông ngớ người ra bảo: “À thế à, ở huyện tôi cũng có những người như thế à?”. Tôi nói: “Bà ở cách chỗ anh làm việc chỉ có 6 cây số thôi”.  Khi làm sử thi chúng tôi có làm hồ sơ lên băng hình giao cho địa phương để người ta có kế hoạch tham vấn bà, nhưng rồi ở địa phương cũng không khai thác gì thêm ở bà hay câu chuyện tôi kể, và những cuốn băng tư liệu đó ở địa phương cũng không làm cho cuộc sống của bà được chú ý hơn. Không biết bây giờ bà còn không?

Vậy đấy, sẽ có bao nhiêu nghệ nhân bị bỏ quên hay bỏ sót như cụ bà ở Đắk Lai. Thời gian cứ dần trôi đi, những chiếc lá vàng lìa cành rơi xuống rồi chìm sâu vào trong lòng đất. Đất nước ta trong nhiều năm nay bận rộn việc làm hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể.

Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Đã có 9 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế, được công nhận là di sản văn hóa thế giới phi vật thể đầu tiên tại Việt Nam. Đến năm 2008  được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. 

Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 2005, đến năm 2008 được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Năm 2009, hai bộ môn nghệ thuật Ca trù và Dân ca quan họ nằm trong di sản phi vật thể được UNESCO công nhận.

Trong 4 năm liên tiếp, từ năm 2010: Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng, Hà Nội; năm 2011 Hát xoan; năm 2012 Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; năm 2013, Đờn ca tài tử Nam Bộ; năm 2014, Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh đều lần lượt được vinh danh là kiệt tác truyền khầu và phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận. Hiện nay các đề cử mới cho di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam gồm: Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, Nghệ thuật Bài chòi miền Trung, Nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái, Nghệ thuật xòe Thái.

Và, hàng loạt các đề cử mới cho di sản văn hóa của người Việt  trong một tương lai không xa sẽ làm hồ sơ để trình UNSECO như nghề làm gốm của người Chăm (Bình Thuận), Kiến thức và Thực hành thổ canh hốc đá của các dân tộc thiểu số tại vùng cao nguyên đá Hà Giang, Nghề làm tranh Đông Hồ,  Múa rối nước, Sử thi Tây Nguyên, Nghi lễ Cấp sắc của người Dao, Nghệ thuật Hát dù kê của người Khmer.

Đất nước ta có 54 dân tộc với vô số những loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo và đa dạng. Câu chuyện làm hồ sơ để trình UNESCO để quảng bá với thế giới về kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại là việc nên làm nhưng làm thế nào để bảo tồn và phát huy thực chất các loại hình văn hóa phi vật thể này để không bị mai một và thất truyền đấy mới là điều quan trọng nhất cần lưu tâm.

GS Ngô Đức Thịnh nói: “Phát triển, phát huy loại hình văn hóa phi vật thể của nhân loại bền vững phải kèm yếu tố gắn với con người. Đó là vấn đề nghệ nhân, nuôi dưỡng và phát huy như thế nào. Mấy năm nay không thực hiện được gì mấy, đa phần vẫn chỉ là hô khẩu hiệu là chính. Nhiều nghệ nhân ra đi không có chế độ gì. Bản thân nghệ nhân cũng không cần chế độ gì lắm đâu vấn đề là tôn vinh họ trước cộng đồng…”.

Câu chuyện ứng xử với nghệ nhân hay nói không với “bệnh thành tích” vẫn là một câu chuyện dài. Qua câu chuyện GS Ngô Đức Thịnh cho biết, có một cuộc điện thoại từ văn phòng của Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo với ông có người đã lợi dụng, mượn danh buổi trình diễn hầu đồng lấy danh nghĩa của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và mượn danh một số nhà nghiên cứu uy tín để câu kéo đến xin tài trợ từ các đơn vị.

Theo ông đó là việc làm phản cảm và gây bức xúc. Nhà nghiên cứu buồn rầu nói: “Bản thân hầu đồng là nét văn hóa đẹp nhưng giờ thì một số người lợi dụng vin vào làm biến tướng, rồi thực hiện với mục đích xấu…”.

Mỹ Trân
.
.