Trăm năm tượng đá cũng rêu phong...

Thứ Ba, 03/11/2020, 09:53
Ít người biết Bắc Giang có hệ thống các lăng tẩm đá cổ kính, nơi an nghỉ của các chức tước, công hầu thời kỳ phong kiến. Trăm năm vật đổi sao dời, trong khi hậu duệ một số dòng họ vẫn hưng thịnh và chăm chút, bảo tồn các lăng tẩm một cách tôn nghiêm song cũng có không ít dòng họ suy vong, ít có điều kiện duy tu, bảo dưỡng để các khu di tích hương tàn khói lạnh và xuống cấp.

Trên hành trình khám phá tìm hiểu giá trị những di sản văn hóa Kinh Bắc, để lại ấn tượng sâu đâm nhất trong chúng tôi là những khu lăng mộ bằng đá khá độc đáo và nguyên vẹn. Thông thường những nhân vật được thờ trong các lăng mộ đá cổ là những người có chức vị trong các triều đại phong kiến xưa (những người thuộc cấp bậc công tước, hầu tước trong cung vua, phủ chúa mới được phép xây dựng lăng). 

Khi già họ về quê tìm nơi “đắc địa” để xây dựng cho mình khu lăng tẩm làm nơi an nghỉ khi qua đời và việc này được thực hiện rất kỹ càng, công phu về mặt phong thủy, phong cách nghệ thuật lẫn quy mô, kiến trúc, văn hóa - tâm linh... 

Trong số khoảng 50 lăng đá cổ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, có những công trình tiêu biểu, được bảo tồn tương đối nguyên vẹn như: Lăng đá Bầu, lăng Dinh Hương, lăng họ Ngọ, lăng Nội Dinh, lăng họ Bùi, họ Hà, Ngọ Khổng... Trong đó, lăng Đĩnh quận công Ngô Công Mỹ, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa được xây dựng sớm nhất, năm Thịnh Đức thứ 3 (1655).

Cổng lăng đá Bầu.

Theo lý giải của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, vùng đất Kinh Bắc xưa có truyền thống thượng võ và khoa cử lâu đời, bởi vậy số lượng quan lại cao cấp trong chính quyền phong kiến, nhất là thời Lê-Trịnh khá đông và những lăng đá cổ trên địa bàn ấy được hình thành như là hệ quả của diễn trình lịch sử đó. Hầu hết các công trình lăng đá được xây dựng từ thế kỷ thứ 17-18 dưới thời Lê Trung Hưng. 

Kiểu kiến trúc điển hình là phía ngoài lăng được xây tường bao quanh bằng đá ong, trong có bia đá, xung quanh là tượng quan hầu võ tướng, phía trước có hồ nước tụ thủy, cây cối thâm u, thường có mộ táng hợp chất (kiểu mộ ướp xác, có thể giữ cho thi thể người chết còn khá nguyên vẹn trong một thời gian dài. Theo đó, thi hài được ngâm vào dầu thông cho thơm và mặc rất nhiều quần áo đẹp có thêu hình rồng phượng rồi đặt trong một cỗ quan tài bằng gỗ thông, loại gỗ có hương thơm, rồi bỏ nhiều chè búp, hoa hòe, giúp cho xác ướp được thơm và khô ráo...).

Nét độc đáo nhất ở các khu lăng mộ là đa phần thuộc kiểu mộ ướp xác theo hình thức “trong quan, ngoài quách”, có thể giữ cho thi thể người chết còn khá nguyên vẹn trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, các nhóm tượng với nhiều cách thể hiện, với tượng người, tượng thú, vật liệu xây dựng, kiến trúc. Chỉ riêng tượng voi cũng có nhiều tư thế: ngồi, đứng, quỳ, phục, vòi cuộn lại, cổ đeo chuông...; tượng ngựa được tạc với đầy đủ yên cương, nhạc ngựa, lục lạc, ngò hoa, vải phủ, khăn thêu...; các tượng nghê và sấu được tạc rất có hồn.

Sấu đá ở lăng họ Ngọ.

Tiêu biểu trong đó lăng đá như lăng họ Ngọ (xã Thái Sơn, Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) được xây dựng năm 1697, đời vua Lê Hy Tông là nơi lưu giữ di hài Phương quận công Ngọ Công Quế. Theo các tư liệu còn lưu giữ tại di tích, ông là bậc văn võ song toàn, tư cách khoan hòa độ lượng, tận tâm phụng sự việc nước, hết lòng quan tâm giúp đỡ quê hương. Lăng họ Ngọ được xây bằng đá muối và đá ong lấy ở núi IA cách đó khoảng 1,5km, do chính quận công Ngọ Công Quế thuê thợ đục đá giỏi nhất vùng về làm. Trên khu đất trước phần mộ là 2 dãy tượng chầu đăng đối: 2 con voi phục, 2 cặp người dắt ngựa, 2 con sấu bằng đá xanh. Phía sau hương án là cổng vào phần mộ có tường đá bao quanh cao 1,9m, cạnh hương án là 2 con nghê ngẩng cao đầu ngồi chầu, trên nền cổng phần mộ chạm 2 người đứng hầu.

Ông Ngọ Văn Tuyến, hậu duệ đời thứ 14 đang được giao trọng trách trông giữ lăng cho biết: "Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1964, hiện dòng họ đang quản lý, từ ngày tôi ra đây trông coi di tích đã có nhiều đoàn khách, trong đó cả khách nước ngoài đến từ Anh, Trung Quốc, Pháp, Tây Ban Nha... về tham quan, nghiên cứu. 

Ngoài ra, có lăng Dinh Hương thuộc xã Đức Thắng được đánh giá là một trong những công lăng mộ khá đồ sộ và tiêu biểu. Lăng được xây dựng năm 1727 dưới triều vua Lê Dụ Tông. Yên nghỉ tại khu lăng đá này là Quận công La Quý Hầu (La Đoan Trực), một võ quan thủy binh có nhiều công lao với triều đình, 2 lần được nhà vua cử đi sứ phương Bắc. Năm 1740, dưới triều Vua Lê Hiển Tông, La Quý Hầu cầm quân đi dẹp loạn ở các vùng thuộc đạo Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương. Đến năm 1749 ông qua đời, thọ 61 tuổi, được vua phong phúc thần Trung Cẩn đại vương.

Du khách tham quan lăng họ Ngọ.

Khu lăng đá được ông xây dựng cho bản thân từ khi còn sống, toàn bộ vật liệu bằng đá xanh, do các hiệp thợ vùng Kinh Bắc đục chạm với những hình thù, họa tiết cầu kỳ. Điểm nổi bật, độc đáo của lăng Dinh Hương là các bức tượng đồ sộ, to hơn hẳn ở các lăng mộ khác, được chạm khắc tinh tế, có hồn. Với những giá trị độc đáo về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khu lăng mộ này được nhà nước xếp hạng Di tích cấp Quốc gia vào năm 1965.

Tuy nhiên bên cạnh một số lăng được quan tâm bảo vệ tốt và đã được nhà nước xếp hạng thì vẫn còn có lăng chưa thực sự được chú trọng bảo tồn. Lý do một phần do hậu duệ các dòng họ suy vong, phần khác chính quyền sở tại ít chăm chút. Trong quá khứ, tại một số di tích có trình trạng để cỏ mọc um tùm, đổ vỡ, người dân chăn thả gia súc, trộm cắp cổ vật như lăng Nội Dinh, Dinh Hương... Từ thực tế đó, việc quan tâm bảo vệ, phục hồi di tích nhằm phát huy giá trị trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.

Ngoan Phạm
.
.