Trăn trở sông Mekong
Trong một hội thảo trực tuyến, David Stilwell, quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ cho rằng Trung Quốc đang thao túng sông Mekong vì lợi ích của họ và gây ra “cái giá phải trả quá cao” cho các quốc gia hạ nguồn sông Mekong. Trung Quốc đương nhiên đã bác bỏ những cáo buộc và chỉ trích cho rằng nước này đang cướp đi nguồn nước của hàng triệu người dân sinh sống ở hạ nguồn sông Mekong và phụ thuộc vào sông Mekong để kiếm kế sinh nhai.
Sông Mekong bắt nguồn tư khu vực cao nguyên Tây Tạng lạnh giá với chiều dài hơn 4.000km chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam trước khi ra tới Biển Đông. Lưu vực sông Mekong là môi trường sinh sống của nhiều loại thủy sản nước ngọt nhất thế giới và là sinh kế của hơn 60 triệu người.
Mekong là môi trường sinh sống của nhiều loại thủy sản nước ngọt nhất thế giới và là sinh kế của hơn 60 triệu người. |
Tuy nhiên, khi so sánh với vấn đề của ASEAN ở Biển Đông thì vấn đề sông Mekong vẫn chưa được ghi nhận là vấn đề “cấp khu vực” để được thảo luận giữa các nước thành viên ASEAN. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, Việt Nam đã cố gắng đưa vấn đề sông Mekong vào chương trình nghị sự của ASEAN nhưng cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi sự quan tâm chú ý của khu vực sang vấn đề y tế công cộng và sự phục hồi kinh tế, từ đó thu hẹp cơ hội thảo luận vấn đề sông Mekong trên diễn đàn ASEAN. Đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm tới, khó có khả năng Brunei sẽ đưa vấn đề sông Mekong vào chương trình nghị sự.
Những vấn đề khó khăn đối với sông Mekong đã được nhìn nhận một cách rộng rãi qua ống kính môi trường và góc nhìn kinh tế - xã hội, chủ yếu là tác động của các quốc gia ASEAN lục địa. Mối liên kết của vấn đề sông Mekong với những cân nhắc về địa chính trị và an ninh rộng lớn hơn của khu vực lâu nay vân chưa nhận được sự quan tâm, chú ý.
Trong hai thập niên qua, việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong đã được vội vã tiến hành, với hy vọng về việc tạo ra nguồn năng lượng tái tạo cho khu vực. Trung Quốc đã xây dựng 11 con đập trên sông Lan Thương (tên gọi của sông Mekong đoạn chảy qua Trung Quốc), 11 con đập trên dòng chính khác ở vùng hạ lưu sông Mekong và 120 con đập trên các dòng nhánh. Tác động tàn phá của các con đập này đối với nguồn thủy sản và mùa màng lúa gạo ở các quốc gia dọc sông Mekong cũng đã được ghi nhận đầy đủ.
Sau cuộc khủng hoảng hạn hán năm 2019, các chuyên gia cũng đã lên tiếng mạnh mẽ cảnh bảo về nguy cơ hệ sinh thái ở lưu vực sông Mekong bị phá hủy hoàn toàn. Trong khi đó, chi phí xây dựng các con đập trên sông Mekong phần lớn lại do các cộng đồng địa phương gánh chịu. Việc mất đi sinh kế và gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực đã khiến nhiều người dân hạ nguồn phải di cư tới nơi khác, gây xáo trộn không nhỏ tới tình hình an ninh xã hội của các quốc gia ở khu vực này.
Tình trạng di cư bắt buộc này đã kéo theo các vấn đề khác như nạn buôn người, buôn bán ma túy và các hình thức tội phạm có tổ chức khác, làm suy yếu sự ổn định và phát triển kinh tế của khu vực. Một đánh giá gần đây của mạng lưới các tổ chức nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ASEAN đã nhấn mạnh nguy cơ xuất hiện các cuộc khủng hoảng kép khi yếu tố liên kết giữa các mối đe dọa an ninh gia tăng hơn (ví dụ như đại dịch - nạn đói, đại dịch - thiên tai, đại dịch - khủng hoảng nhân đạo...). Tình hình hiện tại ở lưu vực sông Mekong có thể là nguồn gốc của những cuộc khủng hoảng này.
Ngoài ra, một báo cáo của Tổ chức Fitch Solutions cho rằng những thiệt hại nặng nề trong ngành đánh bắt và nuôi trồng - lâu nay vẫn được coi là nguồn sinh kế chính của nhiều cộng đồng người dân địa phương - do việc xây dựng các con đập sẽ là yếu tố buộc các nước ASEAN phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu lương thực gia tăng hơn nữa từ Trung Quốc.
Cùng trong thời điểm, các kế hoạch của Trung Quốc tạo ra một tuyến đường thủy “siêu tốc” cho vận chuyển hàng hóa thương mại dọc theo sông Mekong bằng cách phá hủy các ghềnh nước đã gây ra nhiều tranh cãi. Dự án này kêu gọi việc xóa bỏ các ghềnh nước trên sông Mekong bằng cách nạo vét và nổ mìn, từ đó cho phép hoạt động vận chuyển thương mại di chuyển trở nên dễ dàng theo đường thủy.
Trong khi dự án trên đã được triển khai trên các đoạn sông Mekong ở Trung Quốc, Myanmar và dọc theo biên giới của Lào thì nó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng dân cư và các nhóm bảo vệ môi trường ở Thái Lan trong hai thập niên qua, đỉnh điểm là việc chính quyền Thái Lan quyết định chấm dứt dự án này vào đầu năm nay.
Có những lợi ích đáng kể về kinh doanh và địa chính trị trong việc biến sông Mekong thành một hành lang nước công nghiệp giữa Trung Quốc và các nước ASEAN dọc sông Mekong. Những hoạt động thương mại và đầu tư lớn của Trung Quốc vào các nước ASEAN dọc sông Mekong và khoản cam kết hỗ trợ 300 triệu USD cho Quỹ Đặc biệt LMC (Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương) khiến các nước ASEAN “gặp khó khăn” để quay lưng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của sông Mekong đối với Đông Nam Á đòi hỏi ASEAN phải có phản ứng quyết đoán và kịp thời. Nếu thiếu điều này, vai trò trung tâm của ASEAN sẽ bị suy giảm hơn nữa và sự ổn định, tăng trưởng của khu vực trong dài hạn sẽ gặp nhiều thách thức.