Tranh cãi kéo dài về nạn tảo hôn ở Malaysia
- Đại dịch COVID-19 kéo nạn tảo hôn quay lại
- COVID-19 làm gia tăng nạn tảo hôn và buôn bán trẻ em trên thế giới
- Nạn tảo hôn ở miền núi Quảng Trị tăng cao
Sự khác biệt và những thách thức
Hôn nhân trẻ em - được xác định bởi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) là bất kỳ cuộc hôn nhân chính thức hoặc liên minh không chính thức nào mà trong đó một hoặc cả hai bên đều dưới 18 tuổi - không phải là trường hợp duy nhất đối với những cô gái thuộc bộ lạc Penan ở huyện Belaga thuộc bang Sarawak. Trên thực tế, các cuộc hôn nhân trẻ em xảy ra trên khắp Malaysia, nhưng phổ biến nhất ở Sarawak.
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2010 của Malaysia - dữ liệu mới nhất trên toàn quốc - cho thấy hơn 150.000 thanh thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi đã kết hôn, tăng từ 65.029 trong tổng điều tra dân số năm 2000. Cuộc điều tra dân số tiếp theo dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2020.
Mary, 14 tuổi, với con trai Michael 4 tháng tuổi. |
Một tổ chức phi chính phủ (NGO) đi đầu trong cuộc chiến chống lại hôn nhân trẻ em ở Malaysia là Hội Phụ nữ vì Phụ nữ Sarawak (SWWS). Những thách thức mà tổ chức phải đối mặt là hoàn cảnh đặc biệt ở Borneo, nơi sinh sống của hơn 40 nhóm dân tộc thiểu số - với tộc Iban chiếm 30,3% dân số Sarawak, tỷ lệ lớn nhất so với người Mã Lai. Tỷ lệ kết hôn trẻ em cao của Sarawak một phần là do các cộng đồng bản địa có thể kết hôn theo luật "adat" lâu đời của họ - tiếng Mã Lai có nghĩa "luật dựa vào phong tục tập quán" chứ không phải "luật dân sự" của chính phủ. Margaret Bedus, nữ chủ tịch SWWS và người thuộc tộc Iban, cho rằng luật "adat" đã lỗi thời và cần được hiện đại hóa.
Một cuộc đấu tranh khác mà SWWS phải đối mặt là làm thế nào để tổ chức các chương trình tiếp cận cộng đồng ở một vùng đất nơi mà mật độ dân số thưa thớt - chỉ 20 người trên một km vuông, tức mức thấp nhất trong cả nước.
Tính phức tạp của hệ thống pháp luật
Hôn nhân trẻ em ở Sarawak xảy ra chủ yếu ở người Hồi giáo và người bản địa, và Borneo có đến 3 hệ thống pháp lý hôn nhân - dân sự, sharia và bản địa. Theo Hiến pháp Liên bang, các tòa án dân sự không có thẩm quyền đối với các vấn đề theo luật sharia nên từ đó đặt ra một khó khăn khác.
Trong khi luật dân sự của Malaysia quy định độ tuổi tối thiểu là 18 cho hôn nhân. Người Hồi giáo chịu sự chi phối của luật sharia, quy định độ tuổi tối thiểu là 18 đối với nam và 16 đối với nữ. Nhưng các trường hợp ngoại lệ có thể được công nhận với sự chấp thuận của tòa án sharia và không có độ tuổi tối thiểu nào được đặt ra.
Tòa án sharia thường phê chuẩn một cuộc hôn nhân chưa đủ tuổi nếu nó cho thấy đứa trẻ có thể chăm sóc gia đình, đã ghi nhớ các giáo lý Hồi giáo và có sự hỗ trợ của gia đình sau khi kết hôn, theo báo cáo năm 2018 từ Unicef Malaysia.
Báo cáo tương tự cho thấy trong số 2.143 đơn đăng ký kết hôn trẻ em từ năm 2012 đến 2016 trên 7 tiểu bang ở Malaysia, chỉ có 10 vụ bị từ chối. Majidah Hashim, cựu giám đốc truyền thông của Sisters in Islam (SIS), một nhóm quyền phụ nữ Hồi giáo có trụ sở tại Selangor, hiện đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ khác, cho rằng luật pháp phi tập trung của nhà nước đã dẫn đến những khó khăn trong việc tăng tuổi kết hôn tối thiểu.
Noor Aziah Mohd Awal, ủy viên trẻ em của Suhakam, nói rằng trẻ em thường không nhận thức được hậu quả của các mối quan hệ tình dục và hay tò mò. Do đó, giáo dục là chìa khóa. Các cô gái trẻ cũng cần được hiểu biết về các lựa chọn của họ sau khi mang thai. Majidah nói: "Chỉ vì bạn có thai, không có nghĩa là bạn phải kết hôn ngay lập tức. Thực tế là có nhiều lựa chọn, và những lựa chọn này phải được cung cấp cho cô gái. Bạn không nên đưa ra một giải pháp của người lớn cho một sai lầm mà một đứa trẻ mắc phải".
Cảnh tỉnh giới trẻ
Trở lại vào tháng 11/2018, một nhóm gồm 40 cô gái của Hiệp hội Nữ Hướng dẫn viên Malaysia (GGAM) được trang bị các áp phích vẽ tay diễu hành trước tòa nhà quốc hội ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Các áp phích của họ mô tả các cô gái trẻ không hạnh phúc thuộc các chủng tộc khác nhau, và được trang trí bằng các cụm từ như hôn nhân trẻ em là xâm hại trẻ em, không có hôn nhân trẻ em khác và một cô dâu dưới 18 tuổi.
Các kế hoạch của SWWS bao gồm tổ chức hội thảo về các vấn đề an toàn cá nhân và phụ nữ cho các thành viên mới và chương trình hàng tháng tập trung vào an toàn cá nhân của trẻ em, các mối quan hệ lành mạnh và bạo lực gia đình. Cả hai sẽ được tổ chức tại các cộng đồng xa xôi. Trong khi SWWS tiếp tục hoạt động ở cấp độ cộng đồng, SIS sẽ duy trì nỗ lực cải cách pháp lý.
Trong khi đó, chính phủ Malaysia đã có một bước tiến lớn trong năm 2020 khi đưa ra kế hoạch 5 năm nhằm vào các nguyên nhân dẫn đến hôn nhân trẻ em. Kế hoạch đề cập đến 6 yếu tố đóng góp và vạch ra những cách để giải quyết từng yếu tố. Chúng bao gồm các chính sách để tăng khả năng tiếp cận giáo dục và đi học tại các trường học, và đảm bảo rằng luật pháp, quy tắc và hướng dẫn về hôn nhân trẻ em phù hợp với chính sách của chính phủ bảo vệ hạnh phúc của trẻ em. Kế hoạch này, tuy nhiên, đã vấp phải các ý kiến trái chiều.
Sheena Gurbakhash, 54 tuổi, chủ tịch Hiệp hội Luật sư của Phụ nữ Malaysia, cũng nghi ngờ: "Nó có vẻ tốt, và sau đó chúng tôi phải chờ 5 năm để thực sự thấy sự kết thúc của hôn nhân trẻ em".
Robyn Choi, 51 tuổi, cựu tổng thư ký Hiệp hội Nhân quyền Quốc gia (Hakam), cũng cho rằng 5 năm là quá dài. Bà đang kêu gọi thay đổi dứt khoát, chẳng hạn như hợp pháp hóa những đứa trẻ được sinh ra ngoài giá thú và xóa bỏ các biện pháp trừng phạt hình sự đối với các bà mẹ không mong muốn theo luật sharia. Mặc dù có sự đồng thuận chung rằng cần phải thay đổi, cuộc đấu tranh giữa việc tôn trọng các niềm tin khác nhau và bảo vệ quyền trẻ em đã tạo nên một trận chiến kéo dài.