Tranh chấp thương mại Mỹ - EU lại dậy sóng

Thứ Sáu, 18/10/2019, 12:10
Đầu tháng 10, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra phán quyết vì EU trợ cấp trái phép cho Airbus, Mỹ có thể áp thuế đối với 7,5 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của EU xuất sang nước này mỗi năm. Washington bày tỏ sẽ tăng thuế trên phạm vi lớn. Châu Âu thì tuyên bố có thể sẽ “ăn miếng trả miếng”.

Mâu thuẫn giữa hai bờ Đại Tây Dương lại một lần nữa trở nên gay gắt.

Năm 2018, hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang EU vào khoảng 319 tỷ USD, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất, là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ hai của Mỹ. Hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ EU vào khoảng 488 tỷ USD. Nếu tính cả thương mại và dịch vụ, tổng kim ngạch thương mại Mỹ - EU càng lớn, quan hệ kinh tế - thương mại song phương đã đi sâu vào các lĩnh vực khác nhau, chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị của hai bên gắn bó không thể tách rời.

Tuy nhiên, mâu thuẫn kinh tế, thương mại giữa Mỹ và EU đã tồn tại từ lâu. Tháng 10-2004, Mỹ tiên phong trong việc chống lại EU, đệ đơn kiện lên WTO, cho rằng chính sách trợ cấp của châu Âu đối với các doanh nghiệp hàng không đã vi phạm thỏa thuận liên quan mà hai bên đã ký vào năm 1992 và EU cũng đệ lại đơn kiện Mỹ lên WTO, tuyên bố rằng Mỹ đã vi phạm các quy định khi trợ cấp cho Công ty Boeing. Hai bên tranh cãi về vấn đề này ròng rã suốt 15 năm.

Ngoài ngành hàng không, Mỹ và EU cũng có nhiều mâu thuẫn trong các lĩnh vực kinh tế thương mại khác. Mỹ oán trách châu Âu đã chiếm món hời của Mỹ. Các nước châu Âu khăng khăng cho rằng họ hành động dựa trên chân lý, thương mại hàng hóa của EU đối với Mỹ mặc dù có thặng dư nhưng Mỹ hưởng lợi hơn rất nhiều trong thương mại dịch vụ, hơn nữa một phần rất lớn thặng dư thương mại của châu Âu đối với Mỹ đã rơi vào túi của các doanh nghiệp Mỹ hợp tác với châu Âu. Mỹ mới là phía thực sự được hưởng.

Airbus là tâm điểm của cuộc trả đũa thuế giữa Mỹ và EU lần này.

Trước kia, do Mỹ và EU dẫu sao cũng là đối tác chiến lược khu vực và trên thế giới, hai bên tuy có mâu thuẫn, tranh chấp kinh tế và thương mại nhưng về tổng thể vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế thương mại tương đối ổn định, mâu thuẫn kinh tế - thương mại giữa hai bên cơ bản đều có thể hòa giải trong khuôn khổ đồng minh chiến lược về chính trị, quân sự và an ninh, tình trạng công khai không nể mặt nhau thậm chí là “ăn miếng trả miếng” trong phương diện thuế quan là hiếm thấy.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền, tranh chấp kinh tế thương mại Mỹ - EU ngày càng trở nên gay gắt. Ông Trump nhiều lần tuyên bố, thậm chí ngay cả trong các chuyến thăm châu Âu và khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 cũng công khai chỉ trích các nước châu Âu đang lợi dụng kẽ hở của Mỹ để hưởng lợi, ông thề rằng phải “lập lại trật tự”.

Kể từ đầu năm 2018, khi Mỹ bắt đầu phát động cuộc chiến thương mại với nhiều nước, châu Âu không những không thể lẩn tránh mà còn trở thành một trong những đối tượng tấn công chính của “cây gậy thuế quan” của Mỹ.

Mỹ trước tiên đe dọa áp thuế cao đối với sản phẩm nhôm và thép các nước EU xuất khẩu sang Mỹ, tiếp theo đó yêu cầu tăng thuế nhập khẩu trong các lĩnh vực rộng lớn của châu Âu như sản phẩm công nghiệp, thực phẩm, rượu... Mỹ còn tuyên bố phải tăng thuế đối với các sản phẩm chủ lực của các nước EU xuất khẩu sang Mỹ như xe ô tô Đức, đồng thời thúc ép các nước EU phải mở cửa hoàn toàn thị trường nông sản với Mỹ.

Tập đoàn Airbus của châu Âu chính là đối tượng tấn công chính của cây gậy thuế quan của ông Trump. Mỹ khẳng định rằng do các nước EU trợ cấp cho Airbus nên đã gây thiệt hại cho Mỹ 11 tỷ USD mỗi năm, khiến Boeing mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Kể từ năm 2018 đến nay, nhiều nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao các nước EU lần lượt đến Mỹ để vận động, cố gắng tiếp xúc với Mỹ để xoa dịu tình hình căng thẳng thương mại giữa hai bên nhưng Washington vẫn khăng khăng làm theo ý mình. Tháng 6-2019, như đã định, Mỹ tiến hành áp thuế 25% với sản phẩm thép và 10% với sản phẩm nhôm nhập khẩu từ EU, buộc EU sau đó phải áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ.

Đồng thời, các nước như Pháp đã đưa ra biện pháp đối phó với việc các ông trùm công nghệ số của Mỹ xâm nhập thị trường châu Âu nhưng lại trốn thuế trong thời gian dài, đề xuất đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số, điều này khiến Mỹ rất không hài lòng.

Washington đã không ngồi yên. Mỹ một mặt liên tục khơi mào các cuộc chiến thương mại với các nước khác, mặt khác tiếp tục chèn ép châu Âu. Tháng 4-2019, Mỹ công bố danh sách áp thuế đối với châu Âu tổng trị giá lên tới 21 tỷ USD. Đồng thời, Mỹ tìm kiếm một bước đột phá tại WTO để có được căn cứ áp thuế đối với châu Âu.

Lần này, Mỹ được coi là đã chiến thắng tại WTO. Ngày 2-10, WTO đã phán quyết rằng EU không giải quyết được vấn đề trợ cấp chính phủ cho Airbus mà WTO đã xác định trước đó và hành vi hỗ trợ tài chính cho Airbus của EU đã gây thiệt hại cho việc tiêu thụ máy bay của Boeing, việc bàn giao máy bay bị cản trở. WTO cho phép Mỹ áp thuế đối với 7,5 tỷ USD sản phẩm của EU, bao gồm hàng hóa và dịch vụ.

Các nước châu Âu đang phát động một cuộc đáp trả. Ngày 3-10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker cho biết nếu Mỹ thực sự tăng thuế quan, EU sẽ đáp trả theo cách tương tự. Phản ứng của Airbus cũng rất mạnh mẽ. Theo tập đoàn này, nếu Mỹ áp thuế có thể gây tổn hại cho chuỗi cung ứng của họ ở Mỹ và nhắc nhở Washington rằng Airbus cung cấp cơ hội việc làm cho 275.000 người Mỹ ở 40 quốc gia trên thế giới.

Có đến gần 40% đơn hàng mua máy bay của Airbus đến từ các nhà cung cấp dịch vụ hàng không vũ trụ Mỹ và việc tăng thuế cũng sẽ khiến chi phí mua máy bay mới của các hãng hàng không Mỹ và EU tăng lên.

Mặc dù phán quyết lần này của WTO vẫn chưa đáp ứng đầy đủ mức trả đũa thuế quan mà Mỹ mong muốn, song theo đánh giá, Mỹ đã có được “Thượng Phương bảo kiếm” của WTO. Hơn nữa, những hàng hóa bị Mỹ áp thuế mang tính đại diện rất cao.

Hành động trả đũa lần này của Mỹ đã giáng một đòn nặng nề vào các nước châu Âu. Châu Âu bị tổn thương nặng nề cả về danh nghĩa lẫn lợi ích thực tế.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.