Tranh trào lưu nghệ thuật tiên phong bị làm giả

Thứ Tư, 12/04/2017, 10:20
Sự sụp đổ của Liên Xô làm thị trường nghệ thuật thế giới tràn ngập những tác phẩm thuộc trường phái “Nghệ thuật Tiên phong” (Avant-Garde Art) thường có xuất xứ không rõ ràng. Thời gian qua, cảnh sát Đức và Israel đã phá vỡ một “cartel” bị nghi ngờ bán hàng trăm tranh giả theo trường phái này trị giá đến hàng chục triệu euro.

Theo điều tra của Cơ quan cảnh sát chống tội phạm Liên bang Đức (BKA), nhóm tội phạm này “hoạt động trên quy mô quốc tế” và đã bán ra thị trường ít nhất 400 bức tranh phần lớn cho các nhà sưu tập tư nhân, trong đó mỗi bức trị giá từ “4 đến 7 con số”.

Cảnh sát Italia với bức “K19” giả.

Bộ sưu tập Natanov

Một buổi tối tháng 5-2005, một gallery nghệ thuật ở thành phố Perm - cách thủ đô Moskva của Nga chừng 1.150km về phía đông - bất ngờ thu hút sự chú ý của giới yêu tranh khi giới thiệu những tuyệt tác nghệ thuật tiên phong Nga nằm im trong lịch sử đã lâu. Nghe nói, một số tác phẩm đến từ những nhà kho bí mật của chính quyền, trong khi số khác được cất giấu cẩn thận trong những bộ sưu tập tư nhân.

Dưới thời chính quyền Joseph Stalin, những tác phẩm trừu tượng của giới nghệ sĩ thuộc trào lưu “nghệ thuật tiên phong” bị bị đánh giá là “suy đồi và đậm chất tư sản”, bị bài xích kịch liệt nên chúng vắng bóng trên thị trường kể từ lúc ấy. Trong số những tuyệt tác được trưng bày trong gallery có bức “Chân dung một phụ nữ mặc áo xanh” của Aristarkh Lentunov và một bức họa của Kazimir Malevich mà ngay đến những chuyên gia lẫy lừng trong thế giới nghệ thuật cũng không biết đến!

Cuộc triển lãm hết sức bất ngờ này được thực hiện từ bộ sưu tập tư nhân của một doanh nhân bí ẩn tên là Edik Natanov. “Tôi muốn cho mọi người nhìn thấy những gì mà trước đây họ chưa hề nhìn thấy”, Natanov khiêm tốn phát biểu trước nhóm phóng viên truyền hình địa phương.

Tuyệt tác “K19” - đề ngày hoàn thành vào năm 1919 và còn rõ chữ ký của danh họa người Nga Wassily Kandinsky (1866-1944) - được bán đấu giá ở thành phố Milan (Italia) với giá vài triệu euro. Bức tranh sơn dầu “K19” được giáo sư nghệ thuật Valery Turchin ở Moscow đánh giá mang ngôn ngữ thị giác rất phức tạp và còn ẩn chứa ý nghĩa tôn giáo về Tận thế và Ngày Phán xét cuối cùng.

Tuy nhiên, vào đầu năm 2013, “K19” được giới chức thẩm quyền kết luận đây chỉ là bức tranh làm giả! Những người thẩm định tranh xác định “tuyệt tác K19” trong phiên đấu giá ở Milan “khó có thể” được vẽ vào năm 1919 mà chắc chắn nó được hoàn thành vào nhiều thập niên sau khi danh họa Wassily Kandinsky qua đời.

“Dynamic Composition” trong “Bộ sưu tập Natanov” được cho là của nữ họa sĩ Nga Alexandra Exter.

Các thám tử điều tra của BKA rất quan tâm đến vụ án và họ tin rằng hai đối tác làm ăn trong thời gian dài của Natanov - hai người tìm cách bán tranh của Kandinsky ở Italia - đích thị là “hai giám đốc tiếp thị” của một “cartel” cố gắng tung ồ ạt những tác phẩm “làm giả” của các nghệ sĩ tiên phong Nga ra thị trường nghệ thuật.

Trong khi đang điều tra một vụ án rửa tiền phối hợp với cảnh sát BKA, các nhân viên của Lahav 433 - tổ chức chống tội phạm được mô tả là “FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) của Israel” - tình cờ phát hiện một số nghi phạm buôn bán các tác phẩm nghệ thuật làm giả.

Trong một chiến dịch mang mật danh “Malefiz”, cảnh sát Israel và Đức tiến hành lục soát nhiều căn hộ, gallery và văn phòng ở cả hai quốc gia, cho đóng băng nhiều tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ và tịch thu hàng trăm bức tranh giả. Chỉ riêng trong một cửa hàng đồ nội thất ở thành phố Wiesbaden miền tây nước Đức, nhân viên BKA đã phát hiện một kho chứa gần 1.000 bức tranh giả chuẩn bị bán ra thị trường nghệ thuật.

Một điều thấy rõ là trong nhà kho không có bất kỳ hệ thống an ninh đặc biệt nào cũng như hệ thống điều hòa thông thường của cửa hàng đồ nội thất khó thể bảo quản được những tác phẩm trị giá hàng triệu euro! Cuộc đột kích dẫn đến việc bắt giữ 2 con buôn nghệ thuật - Itzhak Z., 67 tuổi; và Moez Ben H., 41 tuổi.

Theo một bài báo đăng trên tạp chí nghệ thuật Artprofil, Edik Natanov xuất thân từ gia đình cao quý ở Samarkand (Uzbekistan), đã bỏ công sưu tập nghệ thuật “trong suốt nhiều thế hệ”. Mikhail - ông nội của Natanov và người được cho là một “học giả đi chu du khắp nơi trên thế giới” - lãnh đạo một nông trang tập thể trong suốt kỷ nguyên Xôviết, sở hữu một số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật trong thập niên 1950. Sau khi Mikhail qua đời, bộ sưu tập khổng lồ này được truyền lại cho người con trai và đến năm 1995 thì tiếp tục được trao lại cho người cháu nội là Edik Natanov.

Không biết câu chuyện này có đáng tin hay không, song có một sự thật là vào đầu tháng 7-2002, một nhà bảo tàng ở thành phố Pereslavl-Zalessky được phép mượn 5 tác phẩm từ bộ sưu tập Natanov - bao gồm bức “K19” giả của Kandinsky. Số tác phẩm cho mượn có chữ ký của Natanov. Vào lúc đó, Natanov là chủ tịch một công ty kinh doanh kim cương đặt trụ sở ở Israel đồng thời cũng dính líu đến môi trường kinh doanh nghệ thuật ở Wiesbaden.

Danh họa Nga Wassily Kandinsky.

Tháng 8-2002, Natanov thành lập công ty phân phối các tác phẩm nghệ thuật riêng của mình cùng với Itzhak Z. và đối tác khác là Daniel S. Bộ ba này thuê mặt bằng kinh doanh hoành tráng trong một tòa nhà lịch sử ở phố Taunusstrasse của thành phố cảng Wiesbaden miền tây nước Đức và đầu tư vài trăm ngàn euro để nâng cấp sửa chữa với kế hoạch tạo ra một không gian triển lãm chuyên biệt.

Bộ 3 cũng lập ra khu trưng bày ở tầng hầm tòa nhà. Họ đặt tên cho công ty bằng cách ghép tên 3 người với nhau, gọi là “SNZ Galeries” (từ “galeries” bị viết sai). Vào thời điểm này, hoạt động mua bán tác phẩm nghệ thuật tiên phong Nga rất phát triển. Cũng trong năm 2002, một tác phẩm trong “Bộ sưu tập Natanov” xuất hiện trong một nhà bán đấu giá ở Frankfurt - thành phố được coi là trung tâm tài chính và thương mại quan trọng của Đức.

Bức tranh sáng tác theo chủ nghĩa Cấu tạo Nga (Russian Constructivism) tựa đề “Văn nhân” được cho là tác phẩm của Nadezhda Udaltsova vẽ trong các năm từ 1915-1920 và có giá là 100.000 euro (130.000 USD). Nhưng sau đó Natanov nhận được cuộc gọi từ nhà đấu giá báo tin “Văn nhân” là tranh giả! Để tránh bị rắc rối, Natanov liền rút bức tranh khỏi phiên đấu giá.

Thương vụ “K19” của Natanov

Năm 2004, Triton Foundation - quỹ tài trợ nghệ thuật được thành lập bởi một cặp vợ chồng người Hà Lan giàu có kinh doanh tàu thuyền - bỏ tiền ra mua một bức tranh trong “Bộ sưu tập Natanov” có tên là “Dynamic Composition” của nữ họa sĩ Nga Alexandra Exter. Trong thương vụ này Natanov thu về được vài trăm ngàn euro.

Theo một catalogue triển lãm Nga xuất bản năm 2003, lúc đó “Bộ sưu tập Natanov” bao gồm ít nhất 18 tác phẩm nghệ thuật tiên phong Nga - trong đó gồm 2 bức tranh của Malevich, 2 bức thuộc về Jawlensky và “K19” giả của Kandinsky. Itzhak Z. mong muốn kiếm được hàng triệu euro từ tuyệt phẩm “K19” này bởi vì những tác phẩm đích thực của Kandinsky hiếm khi xuất hiện trên thị trường và chúng luôn có giá cao ngất ngưởng.

Do đó, người ta dễ hiểu những trở ngại cần phải vượt qua để bán “K19” là rất gay go! Bất cứ bức tranh nào chưa nhận được con tem phê chuẩn từ Hội Kandinsky (Société Kandinsky) ở Paris thì không thể bán được trên thị trường nghệ thuật có uy tín. Hội Kandisnky do chính vợ của danh họa - bà Nina - thành lập nhằm mục đích giám sát chặt chẽ các tác phẩm của nghệ sĩ tài danh do đó các nhà bán đấu giá chỉ chấp nhận những bức tranh được liệt kê trong catalogue của Hội Kandinsky!

Trong khi đó, bức “K19” trong “Bộ sưu tập Natanov” lại không có con tem phê chuẩn của Hội Kandinsky! Thế nên, để bán được bức tranh này, hai đối tác kinh doanh của Natanov cần sự giúp đỡ của một người môi giới có khả năng kết nối họ với thị trường đen. Đó là một người Italia tên là Andrea N. Lúc đó, N. đang làm việc cho một gallery ở thủ đô Paris nước Pháp, nơi mua bán các tác phẩm của hai danh họa Modigliani và Picasso, song N. cũng sẵn sàng làm ăn cá nhân với người ngoài. Để có được khoản tiền hoa hồng kếch xù, N. đồng ý tìm kiếm người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua bức tranh “K19” không có dấu tem của Hội Kandinsky.

Edik Natanov.

Vào tháng 2-2005, Moez Ben H. - Giám đốc Điều hành SNZ Galeries - mang “K19” đến Paris để trao cho Andrea N. ngay tại căn hộ riêng của người này trên đại lộ Emile Zola. Không bao lâu sau, Andrea N. tìm thấy mối để bán “K19” giả ở Italia. Sau khi bay đến Milan, Andrea N. liền đi gặp ngay một người trước đây từng buôn tác phẩm mỹ thuật cổ và hiện đang quản lý một nhà đấu giá nhỏ. Tuy nhiên, người này chỉ muốn chào hàng bức “K19” với vài người khác mà không muốn bỏ tiền túi ra mua tuyệt phẩm.

Thất vọng, Andrea N. quay quả trở về Wiesbaden nhưng vẫn không từ bỏ ý định bán “K19”. Bất ngờ, SNZ Galeries nhận được tin vui từ Milan - có một doanh nhân giàu có sẵn sàng trả 3 triệu euro mua bức “K19”. Nhưng vụ thương lượng mua bán đã xảy ra bất đồng do doanh nhân Milan muốn mua bức “K19” bằng cổ phiếu trong một quỹ bất động sản ở Mỹ, trong khi đối tác Z. của Natanov lại muốn nhận tiền mặt!

Có vẻ như lo lắng về khoản tiền hoa hồng kếch xù của mình cho nên người trung gian Andrea N. liền đâm đơn kiện ra tòa án chống lại doanh nhân Milan, tuyên bố rằng số cổ phiếu của người này vô giá trị.

Cuộc điều tra về SNZ Galeries

Tháng 7-2008, khi cảnh sát Italia tìm đến văn phòng của doanh nhân Milan để thu hồi bức tranh về cho bên bán thì phía này tố ngược lại bức “K19” đó là hàng giả. Cuối cùng, cảnh sát Italia buộc phải tịch thu bức tranh và mở cuộc điều tra. Cuộc điều tra dẫn đến công ty nghệ thuật của bộ ba Natanov ở Wiesbaden nước Đức.

Các cựu nhân viên nơi đây cho biết Itzhak Z. sau này thường xuyên tìm đến sòng bài địa phương còn Natanov thì biến đi đâu không rõ. Riêng Moez Ben H. đã từ chức Giám đốc Điều hành Công ty SNZ Galeries vào cuối năm 2009 và một năm sau công ty không có người điều hành này buộc phải đóng cửa.

Lúc này BKA đã đánh hơi thấy có sự mờ ám trong hoạt động mua bán tranh của SNZ Galeries. Ben H. Và Itzhak Z. bị cảnh sát Đức nghi ngờ liên quan đến những vụ bán ít nhất 7 tranh giả nghệ thuật tiên phong Nga trong nhiều năm, thu lợi bất chính với số tiền trên 2,53 triệu euro. Không chỉ cố gắng chứng minh những bức tranh là hàng giả mà cơ quan điều tra Đức còn phải điều tra xem chúng được làm giả ở đâu và có bao nhiêu người tham gia làm giả.

Các nhà điều tra Đức tin rằng, một số bức tranh có thể do một họa sĩ 53 tuổi ở thành phố St. Petersburg làm giả. Ngày 13-1-2013, họa sĩ này bị bắt giữ ở thành phố Tel Aviv của Israel vì hành vi làm giả 3 bức tranh một lúc.

Tuy nhiên, Natanov luôn tuyên bố các bức tranh của mình là “hàng thật” và nhấn mạnh ông chỉ tin tưởng “các chuyên gia đến từ Nga” mà thôi. Hiện nay, Natanov vẫn còn sở hữu bộ sưu tập của mình nhưng từ chối tiết lộ trong đó chính xác có bao nhiêu bức tranh.

Về phần “K19”, bức tranh hiện đang được cất giữ cùng với các tác phẩm mỹ thuật cổ bị tịch thu khác trong một tòa nhà ở Monza, thành phố nằm ở phía bắc Milan. Tòa nhà này là nơi cất giữ bằng chứng của Carabinieri - lực lượng cảnh sát bán quân sự của Italia.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.