Trào lưu thiết kế nông trại trên mái nhà

Thứ Tư, 27/09/2017, 10:12
Canh tác trên mái nhà trong thành thị đang là xu hướng lan rộng khắp thế giới, trở thành lựa chọn hấp dẫn cho những môi trường thành thị có không gian giới hạn như Hong Kong đồng thời tạo ra nhiều lợi ích về xã hội, kinh tế và môi trường.

Những mái nhà xanh cũng giúp giải quyết những vấn đề quan trọng mà con người phải đối mặt trong vòng 50 năm tới - đó là năng lượng, nước và môi trường. Ngoài ra, công nghệ “mái nhà xanh” cho phép cải thiện sức khỏe người dân thành thị.

Đó là mục tiêu của Andrew Tsui và vợ Michelle Hong cùng với đối tác Pol Fabrega - các đồng sáng lập Công ty Rooftop Republic - nhằm phủ xanh mọi tòa nhà chọc trời ở Hong Kong.

Khi đứng trên nóc tòa nhà 39 tầng và cao 146 mét của Tòa tháp Ngân hàng Mỹ (Bank of America Tower, BOAT) giữa khu vực sầm uất nhất Hong Kong, chúng ta có thể nhìn thấy rõ một trong những nông trại cao nhất nơi đây. Ở độ cao 146 mét, nông trại trên cao của BOAT trông giống như bất cứ khoảng sân vườn bình thường nào trên mặt đất với những thùng hình chữ nhật xếp thành hàng trồng rau xanh đủ loại từ cà chua, xà lách cho đến rau diếp v.v...

Đủ loại rau củ được trồng trên nóc tòa nhà BOAT.

Theo Michelle Hong, thời tiết quanh năm ở Hong Kong rất thích hợp để canh tác. Điều đáng nói là rau xanh được trồng trên cao vẫn tươi ngon không khác gì khi chúng phát triển trên mặt đất. Sau khi thu hoạch, nguồn thực phẩm này được vận chuyển đến ngân hàng lương thực để được đóng thùng và cung cấp cho những người nghèo khổ.

Andrew Tsui giải thích: “Thật ra, chúng tôi muốn cung cấp cho mọi người nguồn thực phẩm sạch hơn là thức ăn dư thừa”.

Hong Kong khó tự cung cấp rau củ tươi cho nên 90% loại mặt hàng này được nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau những vụ bê bối thực phẩm độc hại tại Trung Quốc, người dân Hong Kong bắt đầu cố gắng tự trồng tại địa phương. Do không đủ diện tích đất để làm điều đó, người dân Hong Kong bắt buộc phải tận dụng không gian trên mái các tòa nhà chọc trời.

Hiện nay, diện tích đất trồng trọt ở Hong Kong chỉ vào khoảng hơn 400 hecta do đó mà Michelle Hong nhận định: “Nếu quan sát kỹ số lượng rau xanh khổng lồ được bày bán trong siêu thị, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng diện tích cần để trồng trọt là lớn đến dường nào”.

Rooftop Republic hợp đồng với nông dân để huấn luyện nhân viên văn phòng cách trồng rau củ cũng như chia sẻ kiến thức về trồng trọt. Nông dân cung cấp hạt giống cho nông trại trên mái nhà và nhờ đó họ có được nguồn thu nhập ổn định hơn. Nói theo Tsui thì “đó là khoản thu nhập rủi ro thấp”. Ngoài ra, loại hình nông trại trên mái nhà cũng được sử dụng như là liệu pháp thiên nhiên cho người khuyết tật.

Sau tòa tháp BOAT là dự án thứ 2 của Rooftop Republic - đó là nóc tòa tháp Câu lạc bộ Hong Kong Fringe, nơi cung cấp một số loại thực phẩm tươi sạch (cà tím, cà chua, sả, bạc hà, cải xoăn...) cho quán bar và nhà hàng bên dưới. Hơn thế nữa, Rooftop Republic còn coi mạng lưới nông trại trên cao là hình thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng một cách hiệu quả đặc biệt với người cao tuổi.

Matthew Pryor, chuyên gia người Anh về môi trường đô thị ở Đại học Hong Kong (HKU), nhận định: “Tuổi thọ ở Hong Kong hiện nay vào khoảng 90 tuổi trong khi đó không gian xanh cho người cao tuổi nơi đây lại quá thiếu thốn. Tại sao chúng ta không tạo điều kiện cho họ được thư dãn trên những nóc nhà trồng rau xanh?”.

Theo Pryor, tập thể dục và giao tiếp xã hội là phương thức hữu hiệu nhất phòng bệnh mất trí nhớ nơi tuổi già. Tóm lại, môi trường xanh trên cao rất có ích cho người cao tuổi. Một lợi ích khác của nông trại trên nóc nhà là nó giúp cách nhiệt, cách âm và giảm lượng tiêu thụ điện do sử dụng máy lạnh.

Giáo dục cũng là mục tiêu quan trọng đối với Rooftop Republic. Với các lớp thực hành trồng trọt được mở ra thường xuyên, công ty hy vọng người dân Hong Kong sẽ có ý thức tốt hơn về nguồn lực cần thiết để sản xuất thực phẩm tiêu dùng. Pol Fabrega cho rằng, việc giáo dục về nguồn gốc cũng như quá trình sinh thái học của mọi loại thực phẩm cho những người tham quan nông trại trên cao sẽ giúp giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm đang phổ biến hiện nay.

Pol Fabrega, Michelle Hong và Andrew Tsui.

Đó cũng là cách khuyến khích sự phát triển bền vững cho xã hội. Môi trường nông trại trên mái nhà cũng đem lại không gian thư dãn và nghỉ ngơi cho mọi người. Matthew Pryor cho rằng, Hong Kong có thể trở thành địa điểm thử nghiệm độc đáo về tương lai cho người dân thành thị và hy vọng ý tưởng trồng trọt trên nóc nhà sẽ nhanh chóng được phổ biến trên toàn cầu trong thời gian không xa.

Rooftop Republic không chỉ là dự án duy nhất loại này ở Hong Kong. HK Farm cũng đang theo đuổi những sáng kiến tương tự và Feeding Hong Kong có mạng lưới tái phân phối “rác thực phẩm” rất phát triển. Feeding Hong Kong là nguồn cung quan trọng cho các tổ chức từ thiện và tổ chức phi lợi nhuận điều hành những chương trình hỗ trợ thực phẩm cho những người có nhu cầu.

Bộ 3 Andrew Tsui, Michelle Hong và Pol Fabrega thành lập công ty với mục đích phát triển những nông trại hữu cơ trong môi trường thành thị ở Hong Kong và quảng bá trong cộng đồng thông qua những cuộc hội thảo và sự kiện. Cả 3 người trở thành bạn và đối tác sau khi gặp nhau tại một sự kiện quảng bá doanh nghiệp xã hội.

Ban đầu, cả 3 đều không có kinh nghiệm về canh tác nông trại. Andrew Tsui lớn lên ở Hong Kong và Singapore, làm việc trong lĩnh vực tài chính. Michelle Hong chào đời ở Singapore và chuyên gia về quảng cáo; còn Pol Fabrega sinh ở Tây Ban Nha và hoạt động nhân quyền đồng thời làm việc cho các tổ chức phát triển xã hội khắp châu Á. Lý do kết hợp cả 3 người lại với nhau là sự mong muốn phát triển Hong Kong thành nơi mà con người có thể có được cuộc sống bền vững.

Trở lại Hong Kong sau vài năm làm việc ở Singapore, Andrew Tsui cảm thấy choáng váng trước tình trạng dân cư quá đông đúc trong khi Singapore là “thành phố xanh đáng yêu” với sự tích hợp mảng xanh hợp lý vào môi trường thành thị. Do đó, Tsui nhận thấy Hong Kong là nơi thích hợp để thử nghiệm phương pháp canh tác trên mái nhà.

Rooftop Republic đề xuất phương pháp trồng rau xanh hữu cơ và hợp tác với các nhà nông địa phương. Thực phẩm trồng tại những nông trại nhỏ trên mái nhà được tặng cho những ngân hàng lương thực như là Feeding Hong Kong. Còn Fabrega đến Hong Kong cách đây vài năm và cảm thấy yêu mến nơi này ngay lập tức.

Fabrega lập luận: “Các nghiên cứu cho thấy vào năm 2050, hành tinh sẽ không thể sản xuất đủ thực phẩm để nuôi sống con người. Mặc dù không thể nuôi được cả thế giới bằng những nông trại trên mái nhà, song chúng tôi có thể là một phần hữu ích trong giải pháp rộng lớn hơn”.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.