Trẻ em bị bạo hành – những câu hỏi nhức nhối

Thứ Sáu, 11/08/2017, 14:58
Những ngày vừa qua, vụ việc cháu bé chưa tròn một tuổi tên Trần T.A (trú tại Tống Duy Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị bạo hành một cách dã man đã gây xôn xao dư luận. Theo thống kê của chúng tôi, đó không phải là vụ việc hy hữu. Sự thật là một bộ phận trẻ em đã, đang bị người lớn bạo hành - mà các cháu gần như không biết kêu ai!?

1. Vụ việc được bắt nguồn từ chiều ngày 4-8-2017, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bệnh nhi gần 1 tuổi được chuyển đến từ Bệnh viện Saint Paul với nhiều vết thương rất nặng. Khắp người cháu từ trán, chân tay, đùi đều bị bầm tím, bộ phận sinh dục bị xây xát, mắt bị dãn, toàn thân co giật, hôn mê, não bị tổn thương nghiêm trọng. Đáng chú ý là bệnh nhi này không có bố mẹ hay người thân nào đi cùng.

Nghi ngờ cháu bé bị bạo hành, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương đã mời Công an phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) vào cuộc xác minh. Sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an quận Đống Đa phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc.

Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về tình hình sức khỏe cháu T.A.

Qua điều tra, bước đầu Cơ quan công an đã làm rõ người đưa cháu bé nhập viện Saint Paul là Nguyễn Thanh Hằng (39 tuổi, trú tại phố Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội). Tuy nhiên, khi đưa cháu Trần T.A. đến bệnh viện cấp cứu, Hằng đã đăng ký thông tin giả.

Theo hồ sơ bệnh án, tên cháu được khai là Nguyễn Đình Phong (trú tại số 6D bãi Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội). Còn tên người đưa cháu bé đến là Nguyễn Trường Giang (trú tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Cũng theo lời khai ban đầu của Hằng, cháu Trần T.A. có mẹ vừa bị bắt vì tội danh liên quan đến ma túy nên đã gửi cháu cho một người bạn trông nom, chăm sóc. Đầu tháng 8 vừa qua, do người bạn này bận công việc nên đã nhờ Hằng chăm sóc cháu T.A. một thời gian.

Ngày 3-8-2017, Hằng thấy cháu T.A. có dấu hiệu nguy kịch nên đã đưa vào Bệnh viện Saint Paul điều trị, rồi bỏ rơi tại đó. Tại cơ quan Công an, Hằng phủ nhận việc mình là người đã gây ra các thương tích trên người cháu T.A.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hoàn cảnh của cháu T.A. rất đáng thương. Cháu là con thứ 5 của Đinh Lan Hương (34 tuổi, trú tại Tống Duy Tân, Hoàn Kiếm) với người “chồng hờ” tên là Quân. Hương hiện là bị án của một vụ án ma túy, vừa bị Công an phường Ngô Thì Nhậm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) phát hiện, bắt giữ vào tháng 7-2017.

Trước đó, Hương cũng bị Công an quận Ba Đình bắt vì tội buôn bán trái phép chất ma túy nhưng được tại ngoại do đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 36 tháng. Hương cũng từng bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ - vẫn với tội danh trên - song cũng được tại ngoại.

Ông bà ngoại của cháu Trần T.A. vô cùng xót xa khi biết cháu của mình bị bạo hành.

Trong số 4 anh chị cùng mẹ khác cha của cháu T.A., thì 3 cháu đang ở với ông bà ngoại. Còn một cháu thì được bà nội nuôi nấng. Riêng cháu T.A. sau khi mẹ bị bắt giam thì được một người bạn tên là Chi, nhà ở phố Kim Mã (quận Ba Đình) chăm sóc. Sau đó Chi giao tiếp cháu bé cho Nguyễn Thanh Hằng.

Theo những hình ảnh mà gia đình cháu cung cấp thì T.A. trông khá bụ bẫm, mặt mũi cũng rất khôi ngô. Vậy mà không hiểu lý do gì mà có kẻ nhẫn tâm bạo hành cháu đến mức dã man đến như thế!

Trong một diễn biến khác, chiều ngày 7-8-2017, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương đã có buổi họp báo, thông tin về tình hình sức khỏe của cháu bé.

PGS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết sau một thời gian điều trị tích cực, hiện tại sức khỏe cháu Trần T.A. đã qua cơn nguy kịch và tiến triển tốt. Tuy nhiên, thời gian tới, cháu bé tiếp tục được chuyên khoa thần kinh của bệnh viện theo dõi sát sao. Do hoàn cảnh gia đình cháu bé hết sức khó khăn nên lãnh đạo Bệnh viện Nhi cho biết sẽ miễn viện phí cho cháu trong giai đoạn cháu nằm viện.

Theo Trung tá Trần Quốc Trung, Phó trưởng Phòng PC45, Công an TP Hà Nội, nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngày 5-8-2017 Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích đối với cháu Trần T.A. Đồng thời vụ việc cũng đã được chuyển giao cho Đội Điều tra trọng án tiếp tục thụ lý. Đối tượng Hằng cũng được mời lên cơ quan Công an làm việc.

Cũng theo lãnh đạo Phòng PC45, hiện các điều tra viên, trinh sát đang được tổ chức thành nhiều mũi, khẩn trương tiến hành rà soát truy tìm để sớm làm rõ kẻ đã gây ra hành vi dã man đối với cháu bé.

2. Theo thống kê của chúng tôi, thời gian vừa qua ở Hà Nội cũng như một số tỉnh thành phía Bắc đã có không ít những vụ bạo hành trẻ em.

Đơn cử ngày 9-2-2017, gia đình anh Phạm Tùng Lâm (trú tại khu đô thị Bình Minh, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) đón con gái là Phạm Thu Phương (2 tuổi) từ Trường mầm non Thanh Xuân Nam về nhà thì phát hiện hai đùi cháu Phương thâm tím. Cháu cũng liên tục kêu đau.

Hỏi ra mới biết cháu Phương bị cô giáo đánh trong lớp học. Gia đình cháu Phương đã đưa đến trường, yêu cầu nhà trường và cơ quan chức năng làm rõ sự việc. Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an TP Thanh Hóa và Phòng GD-ĐT TP Thanh Hóa đã có mặt tại Trường mầm non tư thục Thanh Xuân Nam (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) để xác minh, điều tra.

Hình ảnh của những vụ bạo hành gây phẫn nộ.

Cô giáo Ngô Thị Thùy Linh đã thừa nhận dùng đũa đánh cháu. Khi đó, cô Linh đưa bé P. đi vệ sinh thì bị cháu vằng ra và đạp vào bụng. Do quá nóng giận, cô Linh đã lấy đũa ăn cơm đánh cháu 7 cái.

Tháng 3-2017 trên mạng Internet xuất hiện những hình ảnh gây phẫn nộ cộng đồng về sự việc một cháu gái bị mẹ bắt đứng nhiều giờ giữa trời mưa lạnh.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ phường Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội) xác nhận hình ảnh đó là cháu Trần Kim H. (3 tuổi) - con chị Chu Thị T. trú tại tổ 7, phường Đông Mai (Hà Đông) đang bị mẹ đẻ “bạo hành”.

Bà Thoa cũng khẳng định đây không phải lần đầu tiên chị T. có hành động bạo hành đối với các con mình vì đã nhiều lần chị bắt bé H. không được mặc quần áo và đứng giữa trời lạnh không cho vào nhà.

“Hành vi của chị T. đã nhiều lần được thông báo lên chính quyền địa phương và công an nhưng sau khi bị xử phạt hành chính, người phụ nữ này vẫn tiếp tục hành hạ những đứa con của mình” - bà Thoa kể.

Được biết, đứa con trai mới 9 tháng tuổi cũng từng bị người mẹ tàn ác này mang ra sông dìm nhưng mọi người phát hiện kịp thời nên cháu bé may mắn sống sót.

Bà Thoa cũng chia sẻ, mỗi khi bực tức ai đó, chị T. lại về trút hết lên đầu các con, khổ nhất là cháu H. Hầu như ngày nào bé gái này cũng bị mẹ đánh chửi thậm tệ. Có lần trời mưa rét nhưng giữa đêm, chị T. vẫn đuổi cô con gái 3 tuổi ra đường không cho vào nhà. Vì sợ mẹ nên bé T. chỉ dám đi lang thang ngoài đường cả đêm. Theo bà Thoa thì chị T. không có chồng và không ai biết bố của những đứa con chị này là ai. Hiện cuộc sống của mẹ con chị T. đều dựa vào anh em trong gia đình.

Cũng trong tháng 3-2017, bé gái Mai Thị Yến (4 tuổi), con gái anh Mai Văn Bình (trú tại Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) đã bị cô giáo nhốt rồi bỏ quên trong nhà vệ sinh. Sau khi được “giải thoát” và đưa về nhà an toàn, cháu Yến kể với bố mẹ. Trong lúc đi rửa tay trước bữa ăn chiều, cháu vô tình va vào một bạn khác trong lớp khiến bạn ấy ngã.

Sau đó cô giáo đã phạt cháu bằng cách cho hai bạn khác cùng lớp đẩy Yến vào nhà vệ sinh. Phải nhiều giờ sau cháu mới được phụ huynh phát hiện. Cô giáo cũng đã nhận khuyết điểm.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương, sức khỏe của cháu Trần T.A. đang có những tiến triển tốt.

3. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), có gần 80% số trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ hoặc người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. Số liệu từ Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) thì mỗi năm trung bình có từ 1.600 - 1.800 vụ bạo hành, xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện (kể cả xâm hại tình dục).

Việc trẻ bị bạo hành có thể bị những tổn thương nghiêm trọng tới sức khỏe, thể chất. Nghiêm trọng hơn, trẻ bị bạo hành cũng dễ bị chấn thương tâm lý, tự kỷ, thậm chí mắc phải những vấn đề tâm thần. Những trường hợp trẻ bị đánh đập đều khiến cơ thể bị tổn thương nhất định. Ngoài những vết thương bầm tím, rách da, chảy máu dễ dàng nhìn thấy thì còn một số chấn thương như ảnh hưởng não, chấn thương phổi, lá lách, gan...

Những tổn thương này nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể khiến trẻ bị tử vong. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ở những trường hợp bị bạo hành khi còn nhỏ hầu hết những đứa trẻ này bị ám ảnh cả đời. Nhiều người trong số đó trở nên sống khép kín, gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội. Họ cũng có biểu hiện mặc cảm, thiếu tự tin vào bản thân.

Nghiêm trọng hơn, việc bạo hành làm trẻ mất niềm tin vào người lớn, tình yêu thương. Khi trưởng thành có thể trở nên cục súc, nóng nảy dễ có hành vi bạo lực. Nhiều người chấn thương tâm lý dẫn tới những hành động hung hăng, thậm chí có hành vi tự hại, luôn muốn tự làm đau mình để giảm stress. Một số người từng bị bạo hành khi còn nhỏ có hành vi lệch chuẩn về tình dục...

Theo một lãnh đạo Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), thì trách nhiệm để xảy ra những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em trước hết thuộc chính quyền địa phương và ngành giáo dục (quản lý trực tiếp). “Trách nhiệm của chúng tôi là sẵn sàng phối hợp với ngành giáo dục để phòng ngừa và xử lý, phối hợp cùng Bộ Y tế giải quyết thương tích cho các em. Hoặc những em bị ảnh hưởng tâm lý, Bộ LĐ-TB&XH sẽ giúp các em tái hòa nhập cộng đồng”, vị này cho biết.

Tuy nhiên chính quyền địa phương có thực sự vào cuộc quyết liệt hay không thì lại là một dấu hỏi lớn. Bên cạnh đó, ở địa phương, ngoài Hội bảo trợ trẻ em thì còn có Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội phụ lão... đều có trách nhiệm phải chăm sóc bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên chúng ta có quyền đặt câu hỏi những hội này ở đâu, khi mà vẫn có những cháu bé bị bạo hành tàn tệ mà không được ngăn chặn kịp thời?

Minh Tiến
.
.