Tri ân mùa Vu lan báo hiếu

Thứ Tư, 17/08/2016, 14:53
Mùa Vu Lan báo hiếu, tưởng nhớ đến công ơn đấng sinh thành, những người con dâng lên cha mẹ mình bông hoa đẹp nhất, bằng những hồi ức, kỉ niệm êm đẹp về cha mẹ, những việc làm đầy ý nghĩa, ăn chay, niệm Phật để mát lòng cha mẹ. Mùa Vu Lan, những người con đều nhớ đến cha mẹ với đầy tình thương và kỉ niệm êm đềm. Như một nén nhang thành kính dâng lên những người đã khuất.

Ai trong mỗi chúng ta có mặt trên cuộc đời này cũng đều hạnh phúc và may mắn vô cùng, vì có cha có mẹ, bẩm thọ vẹn toàn từ 2 di chất, ta mang trong ta hình bóng và dáng dấp của 2 đấng sinh thành. Cha tiếp cho ta lý trí, nghị lực và niềm tin, giúp ta vững vàng đứng lên để bước vào đời, dù với muôn ngàn chông gai, thử thách.

Như nén hương thành kính dâng lên mẹ cha.

Mẹ vun đắp cho ta con tim dịu dàng, từ ái, giúp ta rộng lượng bao dung, đồng cảm với cuộc đời. Cha cho ta dòng nhiệt huyết nồng nàn, ý chí hiên ngang, để tiến về phía trước. Mẹ cho ta dòng sữa thơm ngọt mát, con tim yêu thương để sớt chia nghĩa cử với tha nhân. Cha lo từng manh áo chén cơm, sẵn sàng vượt núi trèo non, bất chấp mọi hiểm nguy, gian nan để có thể mang về cho ta mọi điều ta mong muốn. Người chỉ vui khi thấy ta bình yên vô sự. Người chỉ an lòng khi thấy ta hồn nhiên chạy nhảy vui cười.

Rồi có một lúc nào đó, sau những năm xa quê bôn ba xuôi ngược, chợt bồi hồi nghĩ tưởng về cha, về mẹ. Ta, như muốn tìm lại chút dư âm của ngày xưa thân ái, muốn quay về đoàn tụ với gia đình, muốn nghe lại lời dạy bảo ôn tồn tuy nghiêm khắc nhưng từ ái của cha, muốn được ngủ say trên chiếc võng đưa, trong câu hát ru à ơi bao dung của mẹ.

Nhưng, chắc gì ta còn có cơ hội ấy, vì tuổi xế chiều của cha mẹ ngày càng chồng chất, bóng thời gian vùn vụt trôi qua: "Mỗi ngày qua con lại thấy ngẩn ngơ/ Ai níu nổi thời gian, ai níu nổi/ Con mỗi ngày một lớn thêm/ Mẹ mỗi ngày một già cội/ Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn/ Chiều nay trong gió bấc lạnh lùng/ Ta trở về thăm lại mẹ cha ta/ Mái hiên xưa vẫn hiu quạnh cô liêu/ Vò võ một góc vườn nhưng nhớ nhung buồn tủi".

Diễn viên Mai Huê.

Nơi có hai đấng sinh thành đã vì ta nhiều năm trông đợi, nơi mà một thời mẹ cha đã nuôi ta khôn lớn, chắt chiu gói ghém bao nghĩa tình cho ta. Nhưng, lối nhỏ ngày xưa giờ sao rêu xanh mờ xóa dấu, mảnh sân trước nhà giờ cỏ dại đã mọc đầy, cánh cổng vẫn khép hờ.

Nhưng, nhà sao hoang vắng quá, mẹ ta đâu, cha ta đâu? Tất cả bỗng rơi vào khoảng không im lặng. Ta nhìn ra ngõ trước đã vắng bóng cha, ta tìm xuống vườn sau cũng không gặp mẹ. Đây là chiếc áo của cha, kia là chiếc khăn len của mẹ, kỷ vật ngày nào vẫn còn nguyên đó, vậy mà bóng người xưa giờ khuất dạng nơi nào...

...Giọng đọc của nữ diễn viên Mai Huê cất lên trong tiếng chuông chùa Ngòi, Hà Đông, về ý nghĩa của “bông hồng cài áo” mới lại càng âm vang, xao xuyến đến lạ.

NSƯT Lê Chức: Cha tôi luôn yêu thương chúng tôi

Trong căn phòng làm việc nhỏ của tôi luôn để ảnh và tấm bảng ghi tên con phố đã được mang tên cha tôi, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà văn hóa Lê Đại Thanh. Cha tôi tuổi Đinh Mùi, sinh năm 1907, bằng tuổi nhà thơ, kịch sĩ Thế Lữ. Ông tự học đến 7 ngoại ngữ. Ngày tôi còn nhỏ, một lần ông nói với tôi là ông muốn đọc Lev Tolstoy bằng nguyên bản, và ông quyết định tự học tiếng Nga. Ông mua từ điển rồi xé mấy trang một và bỏ vào túi áo, học vào những lúc ông có thể học được.

NSƯT Lê Chức.

Hôm nào cũng vậy, 4 giờ sáng ông đã dậy để học. Đã từng có một thời gian gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng ông có một nghị lực phi thường. Có những ngày tôi biết là ông đói, thậm chí đói cả ngày nhưng ông không bộc lộ là ông đói và chúng tôi nhận ra được nghị lực của sự chịu đựng trong con người ông.

Cha tôi có bài thơ "Di chúc" viết năm 1965, lúc đấy ông 58 tuổi. Đến năm 1996 cha tôi mới ra đi, vậy năm 1965 phải có tình huống về mặt cuộc sống hay nghề nghiệp, hoặc niềm tin chắc là ông khủng hoảng nên viết bài "Di chúc" chăng? Ông viết những câu chữ đứt ruột, đứt gan nhưng đặc biệt trong bài không có một lời nào oán thán bất kì ai.

Cha rơi vào tình huống hơi khó khăn thành ra xin về hưu sớm. Tôi hiểu rằng ông là trụ cột của cả gia đình, cây trụ cột có vấn đề mà vấn đề từ ngoại lai tác động vào thì những vì kèo như các con của ông, những cánh cửa như bọn tôi có phải chịu sức lay động của tình huống ấy thì cũng là đương nhiên thôi và anh em chúng tôi có một giai đoạn khá khó khăn. Thậm chí vì sao tôi chỉ là Lê Chức thôi.

Một lần cha tôi nói với tôi: "Con đừng mang tên là Lê Đại Chức nữa. Con bớt chữ "Đại" đi, chữ "Đại" hơi nặng con ạ, vì nó có dấu nặng. Chữ "Đại" hiểu theo một nghĩa nào đó lại là chữ "To". Đã to lại còn nặng". Nhưng tôi hiểu rằng, ông muốn ít người biết tôi là con của Lê Đại Thanh thì tôi nhận ra được tình thương ấy để bớt cho con mình một điều gì đó.

Đứng về mặt đạo lí thì không phải nhưng đứng về tình yêu thương lớn của một người cha thì điều đó quá lớn. Ta hình dung "Thôi, con ơi, con đừng mang họ của bố nữa, để cho con nhẹ hơn trong cuộc đời", nếu nói như thế thì mới thấy ông đúng là một người trí thức. Và đến lúc này tôi đã trở về cái chữ “Đại” như là một sự biết ơn ông.

Hôm cha tôi mất, tang lễ tổ chức trong gia đình thì có một người công nhân vạm vỡ, mặt bặm trợn đi vào, anh chị em tôi hơi sửng sốt. Anh đi vào, ăn nói rất cục: "Cho xin hương nào" và quỳ  xuống để vái trước quan tài của bố tôi. Sau khi anh ta khấn xong, tôi đến hỏi: "Anh là ai?". Người đàn ông ấy bảo: "Tôi chả là ai cả. Nhưng tôi có một câu chuyện với ông cụ Lê Đại Thanh thế này. Ngày hôm đó, tôi đói, vợ tôi ốm, các con tôi chúng cũng đều ốm cả, tôi định làm liều thì có một người nói với tôi: "Từ từ, có cụ Lê Đại Thanh đang đi tới đấy. Cụ hay giúp đỡ mọi người lắm, ra nói với cụ đi”.

Người công nhân đó đã chạy ra nói với bố tôi, anh ấy kể lại: Ông nhìn, không nói gì cả, rồi lấy tất cả tiền trong túi, những đồng tiền cuối cùng, đưa cho người đàn ông và nói rằng: "Thôi, tất cả cái này là cho con, con về mua thuốc cho vợ, cho con””. Người công nhân đó nói với tôi vì có số tiền của bố tôi cho nên anh không làm liều ngày hôm đó. Còn nếu anh ta làm liều thì có thể anh ta rơi vào vòng lao lý.

Vì thế nghe tin cha tôi mất, anh ấy vẫn nghèo, không hoa, không hương đến quỳ xuống, nấc lên khóc và cho tôi nghe lại câu chuyện đó. Cuộc đời của cha tôi có nhiều chuyện như thế lắm.

GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính: Cha để lại cho chúng tôi cái "Giấy giới thiệu"!

Ông là người không nhờ vả ai, đến khi mất cũng thế. Những năm cuối đời, gần 10 năm trời ông tự nấu ăn lấy. Thời bao cấp, mẹ tôi bị bệnh nặng, 16 năm trời ông chăm sóc người vợ ốm đau bệnh tật, đổ bô, nấu cháo, giặt giũ cho vợ không nề hà việc gì.

GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính.

Ông không phải nhờ đến các con, ngay kể cả lú ốm đau, không bao giờ kêu ca, ông tự chữa bệnh. Ông tự trồng rau để ăn, tự trồng hoa để ngắm. Nhà nước giao cho ông ở biệt thự Pháp xây trên phố Điện Biên Phủ, ông là người đầu tiên về hưu ở chế độ này trả nhà và ở một cái nhà gần như cái lều. Đó là căn nhà ba gian, xây tường gạch và lợp lá gồi. Quan điểm của ông là sống thanh bạch.

Hơn 20 năm trời ông chống chọi với cái dột. Sau, bộ đội thương lại lợp ngói cho. Đồ đạc trong nhà ông đều tự đóng lấy. Không bao giờ ca cẩm than vãn nói xấu. Ông đã đi theo sự nghiệp đó, và ông chân thành với nó. Ông không bao giờ đòi hỏi chế độ chính sách, không viết đơn bao giờ cả. Không bao giờ a dua. Không bao giờ viết giấy xin cho con cái gì hết, các con cứ tự sống, tự làm, tự hưởng.

Trước khi mất vài ba tháng, ông nói với tôi (cha tôi vẫn thường xưng là "cậu"): "Cậu không để lại cho các con cái gì cả, cậu chỉ để lại cho con cái giấy giới thiệu". Tức là để lại cái tên cho các con. Thời đấy đi đâu cũng phải giấy giới thiệu. Khi cha mất, tôi được gia đình ủy nhiệm mai táng cụ và làm mộ chí. Trước đấy, khi còn sống, cha tôi có dặn lại các con: Xin chỉ ghi, cụ Hoàng Đạo Thúy, không chức tước, không huân chương mà chỉ là năm sinh, năm mất. Tôi nghĩ: Cái tên đã là tinh thần, sự nghiệp. Chữ "Cụ" bởi cụ đã sống gần một thế kỉ. Cha tôi bảo: "Chết mà lên sân khấu làm gì?".

Ngày sắp chết, đầy bạn bè. Ngày hôm sau chết thì ngày hôm trước mấy chục bạn vẫn đến. Mọi nhà Nho đều thế. Không bao giờ than vãn, không  bao giờ nói gì với các con, muốn các con tin tưởng để làm việc. Không bao giờ bất mãn. Bất mãn - ông cho là hèn. Giao cái gì ông làm cái nấy. Ông trồng cây cà chua, trồng cây cúc đại đóa như một người nông dân làng Ngọc Hà.

Nhạc sĩ Phú Quang: Mẹ ơi!

Nhà tôi hồi xưa là ở Hội Vũ rồi theo kháng chiến đi tản cư. Mẹ sinh ra tôi ở vùng đất Phú Thọ, đến năm 1954 về Hà Nội ở phố Khâm Thiên. Nhà tôi khi ấy ở chỗ đài tưởng niệm Khâm Thiên bây giờ. Mẹ 45 tuổi mới sinh ra tôi. Khi tôi 40 tuổi thì mẹ mất, khi đấy mẹ 85 tuổi. Mẹ tôi sinh nở 10 lần nhưng ngày xưa thời chiến tranh chạy loạn, có người ốm đau, người thì sinh ra mất, chỉ 5 người còn sống. Mẹ tôi là con quan huấn đạo nên tôi được giáo dục kĩ càng. Tôi bị ảnh hưởng từ mẹ chứ bố lại là tay chơi.

Nhạc sĩ Phú Quang.

Ông là một đồ Nho, sau học tiếng Pháp, chỉ đi chơi. Mẹ tôi buôn bán giỏi, nghe mẹ kể bố tôi là một trong 30 người ở Việt Nam có ô tô đầu tiên. Nhà đầy gia nhân. Người đánh xe ngựa. Người lái ô tô. Ông còn hút thuốc phiện nữa. Lúc đó có hai người chuyên phục vụ bàn đèn. Nhà lúc đó có cả vú em. Khi kinh tế gia đình chưa suy thoái, có 24 gia nhân. Đến khi tôi ra đời còn có 6 người thôi cho nên bố mẹ rất thương và cưng chiều hết mực.

Dù con lớn thế nào nhưng người mẹ vẫn coi con là thằng bé con. Những người mẹ vẫn có thể ngồi chờ cơm con hằng ngày. Người con 60 tuổi mà người mẹ ngoài 80 tuổi chờ cơm cái đứa con của mình. Tôi đi làm từ năm 17 tuổi đã kiếm tiền, bao giờ người ta cũng đón mình bằng những bữa cơm ngon nhất. Nhưng mình về nhà trong một bữa mẹ mình mới xới những bát cơm đầu nồi ra còn đến bát cơm ở giữa nồi đưa cho mình. Mình hỏi sao mẹ phải khổ thế? Rồi sau đó, mẹ gắp cho mình những miếng ngon nhất:  Mình mới bảo: "Thế mợ cứ nghĩ là con đói lắm à? Không được ăn gì sao?". Mẹ tôi bảo: "Không, mợ muốn con ăn ngon. Mợ cứ lo là con không được ăn miếng gì ngon".

Trong một lần nhớ về người mẹ đã mất của mình, nhạc sĩ Phú Quang đã sáng tác nhạc bài hát với tựa đề "Mẹ", bài hát đầy tình cảm của người nhạc sĩ khi nhớ đến mẹ mình. "Chỉ có mẹ thôi dẫu là con ốm đau dẫu là con lầm lỡ/ Chỉ có mẹ thôi không bỏ con bơ vơ giữa cuộc đời/ Chỉ có mẹ thôi che chở cho con trong mưa nắng cuộc đời/ Trái tim của mẹ chan chứa yêu thương. Mẹ ơi”.

Trần Mỹ Hiền
.
.