Triển lãm “CAND – 60 năm đền ơn đáp nghĩa”: Nén nhang tri ân với đồng đội

Thứ Sáu, 27/07/2007, 11:15

Trong khu trưng bày của Lực lượng Công an, người xem sẽ được tận mắt chứng kiến một cách đầy đủ bộ sưu tập các hiện vật: mảnh khăn bịt mắt của chị Võ Thị Sáu ở trường bắn, nhật ký của chiến sĩ CSHS Nguyễn Thành Dũng... Trên hết thảy là lời tri ân của các chiến sĩ CAND với những đồng đội đã khuất.

220 hiện vật - 220 câu chuyện cảm động

Từ tối ngày 24 đến hết ngày 28/7/2007 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Vân Hồ, Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm “CAND - 60 năm đền ơn đáp nghĩa” do Báo CAND phối hợp với Bảo tàng CAND thực hiện. Đây là hoạt động triển lãm nằm trong chương trình triển lãm cấp quốc gia “60 năm đền ơn đáp nghĩa” hướng tới Kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2007).

Chương trình triển lãm được dàn dựng công phu theo 3 chủ đề: “Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an với công tác thương binh - liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa”. “Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn của Lực lượng CAND” và “Những tấm gương chiến sĩ CAND tiêu biểu chiến đấu, hy sinh qua các thời kỳ”.

220 hiện vật sẽ được trưng bày gồm: 180 bức ảnh, 20 vật dụng tiêu biểu về các gương CAND qua các thời kỳ và 12 bộ phim được chọn lọc để trình chiếu liên tục trong 4 ngày diễn ra triển lãm... Tất cả sẽ tái hiện lại một phần chặng đường chiến đấu của Lực lượng CAND, cũng là lời tri ân xúc động của những người đang sống đối với các đồng đội của mình.

20 hiện vật trưng bày, mỗi hiện vật đều kể một câu chuyện cảm động về tấm gương chiến đấu hy sinh của người chiến sĩ: Cuốn “Nhật ký cho con” chắc chắn sẽ là hiện vật tiêu biểu và gây xúc động nhất. Đó là cuốn nhật ký của Trung úy Nguyễn Thành Dũng, CSHS Công an quận 11, TP HCM viết để lại cho con của mình. Anh ra đi khi cuốn nhật ký còn dang dở.

Trung úy Nguyễn Thành Dũng trong khi chiến đấu chống tội phạm đã bị phơi nhiễm HIV mà không hề hay biết, sau đó vô tình lây sang vợ. Trong những năm tháng cuối đời, 2 vợ chồng đã nhường nhau từng viên thuốc. Tháng 12/2005, vợ  anh mất. Trong những ngày cuối cùng vật lộn với nỗi đau, anh viết “Nhật ký cho con” để lại cho bé Nguyễn Duy Minh mới 10 tuổi.

Ngày 13/6/2006, anh ra đi. Cuốn “Nhật ký cho con” trở thành một biểu tượng lung linh cho lòng quả cảm, kiên cường và tình yêu thương của người chiến sĩ CAND. Trong cuốn nhật ký, ngoài những dòng đau thương, Trung úy Dũng còn viết: “Tôi đã học được những cái hay, phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân và mong mỏi sẽ phấn đấu để phục vụ suốt đời cho lực lượng, cho nhân dân”.

Một hiện vật gây xúc động lớn là chiếc khăn bịt mắt khi bị địch bắn của chị Võ Thị Sáu - Công an Xung phong tỉnh Bà Rịa tại pháp trường Côn Đảo. Ngày 23/1/1952, chị bị địch hành quyết nhưng vẫn hô vang khẩu hiệu đấu tranh khiến cho kẻ thù phải run sợ.

Hay như chiếc mũ sắt của liệt sĩ Trần Văn Ẩn, chiến sĩ Đội Phòng cháy chữa cháy Công an Hà Nội đã hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ cầu Long Biên khi máy bay Mỹ bắn phá ngày 11/5/1967. Trên mũ còn có vết đạn bắn xuyên qua.

Ngoài ra còn rất nhiều hiện vật khác như: xắccốt của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Uân, Cảnh sát khu vực Công an Hà Nội; mũ bảo hiểm CSGT của liệt sĩ Đồng Văn Sự; chiếc áo thấm máu của đồng chí Lê Viết Đông...

Thượng tá Nguyễn Thế Trưng - Phó GĐ Bảo tàng CAND cho biết: “Đây là chương trình triển lãm mà các hiện vật, băng tư liệu được chúng tôi sưu tầm, biên tập từ những năm trước. 12 bộ phim đặc sắc nhất sẽ được trình chiếu liên tục trên 2 màn hình tinh thể lỏng trong suốt thời gian diễn ra triển lãm”.

60 năm nói một lời tri ân

180 hình ảnh trưng bày trong triển lãm được dàn dựng theo 8 nội dung và 8 nội dung này vẽ ra một cách khá đầy đủ chặng đường 60 năm đền ơn đáp nghĩa của Lực lượng CAND.

Một trong những hoạt động tri ân đó là việc tìm, truy tập hài cốt những đồng đội đã khuất. Trong 10 năm từ năm 1997 đến 2007, 524 hài cốt liệt sĩ (trong tổng số 625 hài cốt) đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước theo nguyện vọng của thân nhân người đã khuất. Trong đó có 159 hài cốt hy sinh khi chiến đấu trên đất bạn Campuchia.

Cũng trong 10 năm thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, ưu đãi người có công với cách mạng, Lực lượng Công an đã xét, công nhận 119 liệt sĩ, 978 hồ sơ thương binh.  Trong đó có 591 chiến sĩ bị thương trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và 352 chiến sĩ bị thương trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm. Tính đến thời điểm hiện tại, trong Lực lượng CAND đang có 1.292 người mang danh hiệu thương binh đang đảm nhận nhiều vị trí công tác quan trọng.

Không chỉ thực hiện công tác với người đã hy sinh một phần xương máu của mình, Lực lượng Công an còn thực hiện nghĩa vụ với gia đình những người có công với cách mạng, nhận phụng dưỡng suốt đời 317 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, lập và trao 5.607 sổ tiết kiệm tình nghĩa, xây và trao tặng 1.532 nhà tình nghĩa cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ và các đối tượng chính sách khác...

Trong những ngày hướng đến lễ Kỷ  niệm 60 năm Ngày Thương binh  - Liệt sĩ, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa - Xóa đói giảm nghèo - Phòng chống thiên tai của Bộ Công an đã trích ra 9 tỉ đồng để góp tay xây dựng quỹ quốc gia về đền ơn đáp nghĩa và xây dựng 337 căn nhà tình nghĩa trong CAND.

Triển lãm còn nêu lên một số điển hình trong công tác đền ơn đáp nghĩa, trong đó đi đầu là đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới: Báo CAND - Chuyên đề ANTG.

Thượng tá Nguyễn Thế Trưng cũng đánh giá: “Triển lãm năm nay ngoài việc đưa ra các hiện vật gốc chưa từng được công bố, đây cũng là một triển lãm hứa hẹn thành công về phương diện truyền thông, thu hút sự quan tâm của dư luận”.

Triển lãm “CAND - 60 năm đền ơn đáp nghĩa” được xem như một nén nhang tưởng nhớ, một lời tri ân của toàn thể cán bộ chiến sĩ CAND gửi đến các đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì sự bình yên cuộc sống

Hoàng Thắng
.
.