Triệt sách giả, sách lậu cần sự đồng hành của độc giả

Thứ Sáu, 25/06/2021, 10:22
Thời gian gần đây, dù cơ quan chức năng đã có những động thái mạnh tay hơn với vấn nạn sách lậu, sách giả song, dường như vẫn chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa". Đã đến lúc phải có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn với vấn nạn này.


Công ty sản xuất sách lậu

Mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức quy mô lớn chuyên sản xuất, buôn bán hàng giả là sách giáo khoa.

Cơ quan công an đã bắt quả tang và đồng loạt triển khai khám xét khẩn cấp tại 2 văn phòng của Công ty Cp In và Văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát, đồng thời kiểm tra xưởng in, xưởng gia công và 15 kho hàng nằm rải rác trên địa bàn TP Hà Nội.

Số sách lậu được Cục Cảnh sát kinh tế phát hiện tại Hà Đông, Hà Nội.

Cơ quan chức năng đã thu giữ, niêm phong nhiều đồ vật, tài liệu, phương tiện phạm tội của các đối tượng, gồm 3 dây chuyền máy in offset 4 màu và các loại máy cắt, xén, vào keo, vào bìa, gấp tay sách... đồng thời thu giữ hàng triệu cuốn sách giáo khoa thành phẩm giả, nhiều phương tiện, sổ sách, chứng từ kế toán liên quan đến việc sản xuất, mua bán, tiêu thụ sách giả...

Theo cơ quan điều tra, đây là vụ in sách giáo khoa giả tinh vi và quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả này được Cơ quan công an phát hiện từ năm 2020 song do thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, hoạt động riêng rẽ từng khâu từ nhập giấy, đến in ấn, cắt xén, đóng gói... rồi phát hành tiêu thụ nên việc xử lý các đối tượng này rất khó khăn.

Để sản phẩm trông giống thật, các đối tượng còn sản xuất cả tem giả. Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, đối tượng phân công mỗi khâu là một doanh nghiệp điều hành với quy mô hiện đại, chặt chẽ. Sau khi in, các đối tượng chuyển đi đóng sách, đóng bìa ở những khu vực khác nhau, có hệ thống vận tải, tiêu thụ riêng biệt nên rất khó xâm nhập. Sau khi hoàn thiện sản phẩm, các đối tượng thuê kho ở khu vực kín đáo để tránh bị phát hiện. Đối tượng tiêu thụ sách giả của đường dây này là một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh...

Ngày 19-6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã triệu tập hơn 10 đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả trên để làm rõ hành vi phạm tội.

Sách lậu được rải tại nhiều kho, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Nhưng, đây không phải lần đầu tiên Cơ quan công an triệt phá cơ sở sản xuất sách giả. Đầu năm 2021, Công an TP Hà Nội phối hợp cùng Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TP Hà Nội kiểm tra một căn nhà tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông. Tại đây, các cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều thùng sách in lậu, gồm sách thành phẩm, ruột và bìa sách. Qua kiểm kê, số lượng sách lậu lên đến 40.000 bản. Điều đáng nói ở đây, bị hại vẫn là những cái tên quen thuộc: Công ty First News - Trí Việt, NXB Trẻ, Công ty Nhã Nam...

Số sách giả này có nội dung rất đa dạng, từ những cuốn best seller như "Harry Potter", "Nhà giả kim", đến các bộ sách tâm lý giáo dục, hướng dẫn nuôi dạy con, sách self-help... Ngay sau khi cơ quan chức năng thu giữ được tang vật vi phạm, Công ty First News - Trí Việt đã có đơn kiến nghị gửi Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP. Hà Nội đề nghị xử lý hình sự đối với bà Nguyễn Thị Khoái (quê quán Thanh Oai, Hà Nội) về hành vi tàng trữ, phát hành sách in lậu.

Trước đó, tháng 9-2020, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) kiểm tra một cơ sở in tại đường Nhuệ Giang, quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) phát hiện gần 60.000 bộ sách giáo khoa giả các NXB nổi tiếng trong nước, thế giới và gần 4 tấn bản in. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến việc in ấn, phát hành lô sách giả nói trên. Ngay sau đó, toàn bộ số sách giả, bản in bị lực lượng quản lý thị trường tạm giữ để xử lý theo quy định.

Độc giả chịu trận

Có thể nói, một phần thị trường sách hiện nay đã và đang bị các trùm đầu nậu thao túng một cách tinh vi. Và, thay vì bán dưới dạng các cửa hàng như trước kia, thời gian gần đây sách giả được chủ yếu bán qua mạng Internet.

Sách giả, sách lậu được sản xuất tinh vi, khó phát hiện.

Theo chị Hoàng Thị Thu, giáo viên một trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội, trước đây chị thường ra các nhà sách lớn để chọn sách cho mình và các con. Tuy nhiên, thời gian gần đây trên trang Facebook của chị thường xuyên thấy những fanpage bán rất nhiều cuốn sách "hot", mà giá lại rất rẻ. Đơn cử như bộ "Kính vạn hoa" của NXB Kim Đồng được rao bán với giá chỉ bằng nửa giá bìa. Qua trao đổi với admin của page, chị Thu đồng ý chuyển khoản để mua bộ sách. Tuy nhiên, sau khi nhận được hàng, cô con gái của chị phát hiện ra bộ sách này là hàng "fake". Bởi cô bé từng được đọc ké của bạn. Sách chị Thu nhận được tuy bìa và ruột giống sách thật như đúc, song được in bằng giấy chất lượng thấp, đóng xén cẩu thả...

Có thể nói sách giả, sách lậu hiện nay có nhiều cách “thoát xác” vô cùng tinh vi. Một trong số đó là sử dụng hình ảnh thật của NXB để quảng cáo, khiến người đọc tưởng đó là sách thật được bán giảm giá. Rồi nâng giá lên rất cao, sau đó giảm giá đến... 90% để bẫy khách hàng ham rẻ. Những bộ sách này luôn bị đẩy cao lên so với giá thực và được bán với giá “sale off” nhưng có khi còn cao hơn giá bìa. Những kiểu bán sách “treo đầu dê, bán thịt chó” như thế này hiện nay đang diễn ra rất nhiều trên các trang mạng xã hội một cách công khai. Rất nhiều page được mở ra với cái tên rất chỉn chu và hấp dẫn, như “Tủ sách Tinh hoa”, “Tổng kho sách giá rẻ”, “Sách xả kho”..., thậm chí cả “Tổng kho sách NXB Trẻ”, trong khi NXB Trẻ rất nhiều lần tuyên bố không thành lập page nào mang tên như vậy.

Các đối tượng cũng sử dụng các tài khoản ảo, tài khoản giả trên mạng, người mua bị lừa không thể khiếu nại được. Đồng thời, các đầu nậu còn bỏ tiền chạy quảng cáo rất mạnh trên các trang mạng xã hội, nhằm bao phủ thị trường. Khách hàng khi mua phải sách giả nhiều khi không phát hiện ra hoặc nếu có phát hiện thì với số tiền một vài trăm ngàn cũng không bõ để kiện cáo.

Sách giả, sách lậu được bán trên mạng xã hội một cách công khai đã đành, song thậm chí ngay trong những hội chợ sách được tổ chức tại các thành phố lớn, sách giả vẫn chễm chệ trên giá.

Kêu cứu đến bao giờ?

Theo dõi thị trường sách nhiều năm nay, tôi nhớ đã có rất nhiều NXB, công ty sách kêu cứu vì họ phải bỏ biết bao tiền bạc, công sức để có được những cuốn sách giá trị cho bạn đọc. Song, sách chỉ vừa mới lên kệ ngày trước thì ngày sau đã thấy trên mạng bán rầm rộ đúng những cuốn sách ấy, với giá bèo bọt mà chắc chắc không thể có lãi nếu đầu tư nghiêm túc.

Bộ sách “Kính vạn hoa” của Nhà xuất bản Kim Đồng bị làm giả tinh vi, bán lan tràn trên mạng.

Đại diện NXB Kim Đồng cho biết, lâu nay sách của NXB Kim Đồng vẫn bị làm giả liên tục, chủ yếu ở các đầu sách lẻ và in đen trắng. Đặc biệt, thời gian gần đây, các đối tượng in lậu sách đã ngang nhiên làm giả những bộ sách lớn, quan trọng của NXB này như “Kính vạn hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Bộ sách giả được làm cẩu thả, chưa nói đến nội dung bên trong, các tập sách có kích thước không đều, bìa và giấy được cắt xén ẩu, nham nhở, gáy sách nhăn nhúm, hình ảnh nhòe vỡ, keo dãn lồi lõm, bong tróc...

Đại diện Công ty Nhã Nam chia sẻ, sở dĩ sách giả, sách lậu bán ra được với giá rất rẻ vì họ hoàn toàn không mất bất kỳ một chi phí nào ngoài chi phí in. Trong khi đó, phía xuất bản đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí cho việc đàm phán bản quyền, dịch sách, hiệu đính, thiết kế và in ấn... Tuy nhiên, cũng có những bộ sách giả có giá bán cao hơn cả sách thật khi được giảm giá.

Một thực tế là hiện nay khi các NXB, nhà phát hành đang phải đau đầu tìm cách đối phó với nạn sách lậu thì những cá nhân, tổ chức in và phát hành sách lậu, sách giả lại gần như không phải chịu bất kỳ một chế tài nào. “Mỗi khi phát hiện sách giả, sách lậu, chúng tôi chỉ có thể báo với cơ quan chức năng và chờ đợi chứ cũng không còn cách nào khác, trong khi thiệt hại của phía đơn vị xuất bản rất cao”, đại diện công ty này chia sẻ.

Theo quy định hiện nay, hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 100 bản đến dưới 300 bản chỉ là 20 triệu đồng.

Còn hành vi tàng trữ, phát hành, xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp dưới 50 bản, mức phạt cao nhất cũng chỉ là 3 triệu đồng.

Chế tài nhẹ, lâu xử lý là những điều khiến nhiều NXB, công ty sách còn ngần ngại khi muốn nhờ cậy đến cơ quan chức năng. Bà Đặng Trầm, Giám đốc thương hiệu sách STYLORY của AZ Books cho biết, khi nhà sách phát hiện sách lậu và báo với cơ quan chức năng thì thời gian xử lý thường rất lâu. Thêm nữa, đối tượng làm sách lậu chỉ bị phạt "kịch khung" là từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, không thấm vào đâu so với lợi nhuận họ thu được từ làm sách giả.

Vì thế, cách thức để tự bảo vệ mình phổ biến nhất của các đơn vị làm sách, có lẽ vẫn là kêu gọi sự ủng hộ của độc giả khi nói không với sách giả, sách lậu.

M.Tiến - M.Trí
.
.