Trò lừa xuất ngoại: Vỡ mộng đổi đời
“Xuất khẩu lao động”, không còn là khái niệm lạ lẫm. Cơn lũ "xuất ngoại" cuốn biết bao người dân lương thiện cắn răng chấp nhận thoát li, bơ vơ nơi đất khách quê người một vài năm để kiếm tiền thoát nghèo. Những ngôi biệt thự, những chiếc xe ôtô, cửa hàng cửa tiệm sang trọng từ những người hết hạn lao động trở về gây dựng giống như một thứ “doping”. Ôm mộng phù hoa giàu sang, nhiều người đã chấp nhận bỏ gia đình, bằng mọi cách để “chạy” thủ tục để được xuất ngoại. Nhưng không phải ai cũng may mắn trót lọt, hệ lụy phải trả lắm khi quá đắt, quá đau lòng: gia đình tan nát, tán gia bại sản chỉ vì mải miết chạy theo giấc mơ đổi đời…
1.001 tuyệt chiêu "lách luật"
Xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang mười mấy năm trở lại đây được nhân dân khắp cả nước biết đến nhiều hơn với cái tên "Xã xuất khẩu lao động - XKLĐ". Một cái tên vừa dễ nhớ, nhưng cũng không kém phần chua chát. Trái ngược với con đường bụi bặm đầy đất đỏ, gồ ghề dẫn vào xã, Tam Dị nổi bật lên với những ngôi biệt thự san sát, những cửa hiệu sáng choang xanh đỏ xập xình, những chiếc ôtô chen chúc tránh nhau trên con đường nhỏ của xã. Tam Dị giống như một ốc đảo phồn hoa thu nhỏ, nổi bật một cách lạ lẫm và trái ngược hẳn với cảnh những người nông dân tần tảo làm ruộng vất vả giữa trưa nắng chang chang của những xóm cận kề.
Không thể phủ nhận luồng gió mang tên "xuất ngoại" thổi về mạnh mẽ ồ ạt làm thay đổi hẳn diện mạo của hầu hết các thôn trong xã Tam Dị. Nhưng mặt trái của cảnh sống khá xa hoa ấy, không phải ai cũng nhìn thấy. Còn rất nhiều gia đình, mảnh đời ở nơi đây phải "khóc dở mếu dở" cũng chỉ vì hai chữ "xuất ngoại"…
Chỉ cần đi quanh quẩn ở một số thôn thuộc xã Tam Dị, sẽ không hề lạ lẫm khi bắt gặp cảnh các "cò môi giới" đi gõ cửa từng nhà để gạ gẫm, lo thủ tục đưa người sang Hàn Quốc, Thái Lan, Lào… với những mức giá khác nhau. Chị Nguyễn Thị Hoa, khoảng 50 tuổi, chủ một quán cà phê lớn thuộc thôn Thanh Giã, xã Tam Dị phàn nàn với chúng tôi: "Mỗi ngày, không biết phải đuổi đi biết bao nhiêu lượt "cò" đến gạ gẫm. Nhà mình mặt đường, lại đông con cháu nên suốt ngày ông này, bà kia đến đặt vấn đề chạy thủ tục sang Hàn Quốc với giá ưu đãi. Người thì ở tận Gia Lâm, Hà Nội, kẻ thì ở tận Hải Dương, người thì xưng có đường dây ở sân bay Nội Bài. Mới đầu tôi còn tiếp và nhẹ nhàng từ chối, nhưng sau tôi đuổi thẳng, không tiếp".
Xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang với những ngôi nhà cao tầng khang trang san sát. |
Ở Tam Dị có hơn 270 hộ có người đi xuất khẩu lao động, chưa kể mỗi nhà lại gồm nhiều thành viên. Có nhiều gia đình có tới 5-6 đứa con xuất ngoại. Chưa hết lớp này, lại đến lớp khác nô nức kéo nhau đi như… đi chợ. Chủ yếu sang làm công nhân ở Hàn Quốc và Đài Loan. Sẽ không có gì đáng bàn đến nếu như không có những gia đình chọn cách "đón đầu đi tắt", tức đưa người sang nước ngoài bằng cách XKLĐ chui, chứ không mất thời gian và tiền bạc để học tiếng, thi chứng chỉ theo cách chính thống. Từ cái sự "chui" ấy phát sinh mà hàng trăm câu chuyện oái oăm, cay đắng…
Quay trở lại với gia đình chị Hoa, nhà chị có tới 4 người con đi XKLĐ, trong đó 3 người đi theo con đường chính ngạch, đó là: cho hai con đi ôn thi, đóng mức chi phí rất cao, tính ra khoảng 200 - 300 triệu đồng, và việc học tập, ôn thi khá căng thẳng để có thể được cấp chứng chỉ về tiếng và tay nghề chuyên môn để gửi sang cho các đơn vị tuyển dụng nước ngoài. Trong đó, anh con trai đầu của chị, cũng khá chật vật, học gần 3 năm mới thi đỗ và được cấp chứng chỉ để được sang Hàn Quốc làm công nhân của một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử.
Người con trai thứ hai của chị thì suôn sẻ hơn, được sang Hàn Quốc theo dạng "tu nghiệp sinh", tức vừa học vừa làm, hàng ngày phải đi tàu điện ngầm cả trăm cây số từ trường học đến nhà máy, thời gian học là 4 tiếng, cộng với ca làm 6 tiếng. Cuối cùng, không đảm đương nổi, cậu quyết định bỏ luôn học để đi làm.
Chị Hoa kể về cuộc sống vất vả của 4 đứa con đã từng XKLĐ. |
Còn con dâu chị, Nguyệt không dùng cách đó nữa. Chị chia sẻ thật lòng với chúng tôi: "Cái khó ló cái khôn cô chú ạ, đi bằng con đường chính ngạch ấy rất tốn kém, lại không phải đứa nào đầu óc cũng sáng láng để học và thi lấy chứng chỉ, nhìn thằng con trai cả nhà tôi chật vật thế nào thì biết. Lần này lo cho con dâu đi bằng cách để hai vợ chồng nó ly hôn giả, lo cho con bé lấy một ông chồng người Hàn Quốc để nó bảo lãnh sang. Đến sân bay đặt chân xuống là "bai bai" ai về nhà nấy, mỗi năm lại trả cho ông chồng "hờ" đấy 1.000 - 2.000 đô để tiếp tục thỏa thuận. Trót lọt hợp đồng 3 năm thì cứ thế về nước thôi!".
Tôi giật mình hỏi chị Hoa: "Kết hôn thế không sợ giả mà thành thật, không sợ mất con dâu và lộ chuyện sao chị, nghe nói lộ chuyện sẽ bị trục xuất về nước ngay?". Chị Hoa liếc đôi mắt sắc lẹm nhìn tôi cười: "Sợ gì, đã tính thì phải tính kín kẽ chứ, để tránh bị phát hiện thì phải bắt hai đứa email qua lại yêu đương với nhau, đợt "thằng kia" (chồng hờ người Hàn) sang Việt Nam, chúng tôi sắp xếp cho hai đứa đi hẹn hò, cà phê và chụp rất nhiều ảnh làm bằng chứng để đại sứ quán đỡ nghi ngờ.
Sau khi con bé theo chồng về Hàn Quốc, chúng nó sẽ ở với nhau một thời gian, đương nhiên là không đụng chạm. Rồi vài ngày con bé nhà tôi mới bỏ đi thuê nhà riêng, mỗi năm chúng tôi lại quà cáp và trả tiền để chồng người Hàn của con bé giữ kín chuyện. Và cam kết không được ly hôn để lấy vợ mới trong khoảng thời gian lao động 3 năm con bé đã ký với nhà tuyển dụng. Thế mà cũng thuận buồm xuôi gió hết đấy!".
Tôi lại hỏi: "Giả bộ yêu đương và sống tạm với nhau vài ngày, con trai chị không ghen?". Chị Hoa cười phá lên: "Ôi, có mà "đếm cua trong lỗ", phải biết nén lại "hy sinh đời bố để củng cố đời con", chịu khó vài ba năm, chứ ở nhà làm ruộng, hay làm công nhân có mà chết đói. Tôi thắc mắc: "Vậy thủ tục lo kiếm chồng Hàn là do người quen giới thiệu hay như thế nào?".
Chị Hoa chép miệng: "Làm gì có ma nào giới thiệu, nhà nào lo giữ mối nhà đấy, tôi thông qua "cò" đấy, phải mất phí để nó tìm cho một "thằng rể" lành lành, dễ bảo". Tôi lại hỏi: "Thế chị không sợ lấy nhầm kẻ không tử tế hoặc bị "cò" lừa đảo à?". Chị Hoa lạnh lùng, lắc đầu: "Ôi, tính thế bao giờ mới giàu được. Thôi thì… may rủi!".
Vì bị "cò môi giới" lừa đảo khiến tán gia bại sản, ông Quản chỉ còn biết trông cậy vào tiệm gò hàn. |
"Cò lao động" ở Tam Dị nổi tiếng với sự nhanh nhạy nắm bắt thị trường, ngay cả khi thị trường Hàn Quốc không tuyển lao động nữ giới thì "cò" ở đây vẫn nghĩ ra chiêu kết hôn giả để nữ giới đi lao động. Bỏ ra từ 16.000 USD đến 20.000 USD, người phụ nữ sẽ được kết hôn với người chồng Hàn Quốc và sẽ dễ dàng nhập cư để lao động kiếm tiền.
Còn rất nhiều tuyệt chiêu được áp dụng một cách khéo léo nhằm đạt được mục đích xuất ngoại hết sức nực cười… nhưng cũng rất thông minh mà người dân xã Tam Dị đã áp dụng như: nhiều đôi vợ chồng mới cưới cùng nhau xuất ngoại với lý do đi hưởng tuần trăng mật, nhưng thực chất là hai vợ chồng chia nhau mỗi người làm công nhân một nhà máy; có người lấy lý do mặt nhiều nốt rỗ mụn sang Hàn Quốc chữa bệnh, có người trót sinh con thì phải thuê người bản địa bế con về Việt Nam gửi gia đình với cái giá cắt cổ là 200 triệu.
Tất cả mọi trường hợp đó, sau khi hết hạn visa, đều chui lủi các cơ quan quản lý bên nước bạn, sống một cuộc sống của dân tị nạn nơm nớp lo sợ, sống hôm nay không biết đến ngày mai, giật thót mỗi khi thấy cảnh sát. Và phải sống ở những khu ổ chuột nhằm tiết kiệm chi phí để dành tiền gửi về nhà. Đó là những góc khuất không phải những người nhà ở Việt Nam ai cũng biết…
Hệ lụy đắng cay
Việc "xuất ngoại" chui không chỉ khiến người lao động luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mà còn gây ra không ít hệ lụy đau lòng. Theo ông Nguyễn Văn Bác, Phó công an xã Tam Dị ngậm ngùi kể lại nhiều trường hợp trong xã chỉ vì giấc mơ xuất ngoại mà chuốc lấy bao đắng cay, thậm chí tán gia bại sản, tan vỡ gia đình...
Chị Loan 22 tuổi ở xã Tam Dị là một trường hợp như thế, cũng XKLĐ theo con đường kết hôn giả với một người Đài Loan, nhưng mới sang được hai tháng thì bị trục xuất về nước vì lý do… bại lộ. Sau khi sang Đài Loan, vừa xuống sân bay thì người chồng hờ của chị đã vội vàng biến mất, bỏ mặc chị lủi thủi nơi đất khách, may có vài chị em trong thôn sang từ trước cưu mang cho ở cùng. Vừa lo công việc ổn định một chút thì biến cố ập đến. Không biết tiếng, không có tiền, không giấy tờ tùy thân, trong khi đó, nhà chức trách kiểm tra gắt gao.
Cuộc sống chui lủi không cho chị dám bước chân ra ngoài, có bệnh cũng cố chịu, không đi bệnh viện. Mọi sinh hoạt, ăn ngủ ngay tại xưởng cùng những người chung hoàn cảnh. "Ngày nào cảnh sát cũng đi kiểm tra, cứ thấy người ngoại quốc là họ hỏi giấy tờ. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại phải chạy trốn. Nhưng cuối cùng tôi cũng không thể trốn mãi. Tôi bị bắt rồi phải chờ gia đình gửi đủ tiền mua vé máy bay để về nước vì lý do khi họ hỏi tên người chồng hờ của tôi là gì, tôi mới ớ ra, chẳng hề nhớ tên anh ta!".
Giờ đây, khoản nợ vay mượn lên tới vài trăm triệu để lo cho chị đi XKLĐ trở thành một gánh nặng lớn, lãi mẹ đẻ lãi con, suốt ngày bị chủ nợ đến gây khó dễ. Còn chị Loan, sau khi về nước có gặp gỡ và làm quen với người đàn ông khác và tính đến chuyện hôn nhân, nhưng vì hôn thú của chị với người chồng Đài Loan vẫn còn, mà biết tìm anh ta ở nơi đâu? Thế nên, mặc dù có tổ chức cưới gả đàng hoàng, nhưng khi khai sinh cho đứa con, chị vẫn phải đánh dấu vào mục: "Con ngoài giá thú".
Với mức lương 900-950 USD/ tháng, các công nhân Việt Nam phải cố gắng hết mức để xoay xở sao cho thật tiết kiệm để gửi về cho gia đình một cách trọn vẹn nhất. Trái với cảnh giàu sang, hào nhoáng ở quê nhà, những người Việt Nam sang nước ngoài phải làm việc với cường độ kinh khủng, thậm chí làm cả những công việc như tắm và dọn vệ sinh cho lợn, làm những công việc tiếp xúc với nhiều chất độc hại.
Thường thì ở một số doanh nghiệp lớn, vẫn có ký túc xá, chung cư dành cho công nhân khá tiện nghi với mức phí ưu đãi. Nhưng để tiết kiệm, nhiều công nhân chọn cách góp tiền cùng nhau thuê những ngôi nhà ẩm thấp, xập xệ tại các khu ổ chuột để sinh sống. Ốm đau không dám mua thuốc, vì chi phí y tế nước ngoài khá đắt đỏ. Có một trường hợp đau lòng ở xã Tam Dị là trong một lần chạy trốn cơ quan an ninh kiểm tra tại Đài Loan, một người phụ nữ tên là D đã bị tai nạn chết trên đất khách quê người, gia đình đã phải qua đó để nhận xác đưa về.
Những mối nguy cơ không chỉ rình rập, đe dọa cuộc sống của người dân khi đã "xuất ngoại" thành công mà còn tiềm ẩn từ trước đó. Riêng xã Tam Dị, đã có tới vài chục trường hợp bị "cò mồi" lừa đảo, nhận tiền lo thủ tục nhưng rồi ôm tiền bỏ trốn, như gia đình ông Lê Quản, gom góp toàn bộ gia sản bán đi để lo cho con cái đi XKLĐ nhưng bị chính người dân trong thôn lừa đảo, ôm tiền bỏ trốn. Cuối cùng, ông phát đơn kiện tụng khắp nơi, lên huyện, lên tỉnh nhưng vô hiệu. Giờ đây, cả gia đình chỉ còn trông chờ vào tiệm gò hàn bé xíu của ông.
Tạm biệt Tam Dị, tôi vẫn nhớ mãi cái nhìn khá xa xăm của chị Hoa, chủ quán cà phê mà chúng tôi đề cập. Sau một hồi nói chuyện rôm rả, chị mang ra một bức thư mà đứa con trai út của chị đang làm công nhân cho một nhà máy sản xuất linh kiện ôtô, viết gửi về cho chúng tôi xem.
Chị đọc khổ thơ cuối mà ứa nước mắt: “Cơm ăn 30 phút/ Ngủ lén nhà vệ sinh/ Mắt không thấy mặt trời/ Tay đau dần nhức mỏi/ Triều Tiên hay Triệu Tiền/ Phen này không sang nữa!”