Trục lợi từ những tin giả trên mạng
Mặt trái của nó là những câu chuyện thêu dệt, tin giả, hoang tin lại luôn mang nhiều mục đích không mấy tốt đẹp. Và khi có công cụ tốt nhất như hiện nay, đó là mạng xã hội, vấn đề này dường như càng thực sự nghiêm trọng bởi tốc độ loang rộng dòng tin đồn, tin giả nhanh ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.
Hãy xem người ta nói gì về cô Lụa. Cô Lụa không muốn lấy anh Hòa con ông phó An, nhưng cha mẹ đã nhận tiền chạm ngõ. Cô lấy trộm 3 đồng bạc trắng ấy, tự đội nón sang làng bên khi trời nhá nhem tối, rồi phủ phục xuống thềm nhà ông phó, xin trả lại tiền chạm ngõ. Rồi cô đi về. Việc quả là tai tiếng. “Cái Lụa phải lòng thằng Nguyên xóm Đuối, mê như ăn phải bùa. Nó xui gì mà chẳng nghe” - “Cũng có nhẽ. Nom thằng Nguyên có mã người hơn thằng Hòa...”.
Đây chính là hoạt động truyền thông xã hội thời kỳ sơ khai của con người diễn ra cách đây 100 năm được cố nhà văn Tô Hoài ghi chép lại trong bút ký của mình. Hoạt động này khi ấy chủ yếu diễn ra trong làng, được thực hiện bởi chính những người nông dân hiền lành. Nhưng chúng ta có thể nhận thấy điều đó rất quen thuộc, cách truyền thông trong thời đại số ngày nay thật ra cũng diễn ra y như thế.
Những số phận, những bi kịch, những hoang tin giật gân gây hoang mang dư luận, những mối tình tréo ngoe quan chức với chân dài... đều cần phải dựng thẳng đứng mọi tình tiết, thêm mắm dặm muối bằng vô số hình ảnh cá nhân mà nạn nhân đã trót dại đăng tải lên mạng xã hội nhằm tăng tính thuyết phục. Tinh ý dừng lại nghĩ một chút sẽ nhận ra có âm mưu xấu phía sau để triệt hạ đối thủ, doanh nghiệp, hoặc những kẻ tạo tin giả đó đôi khi đơn thuần chỉ để có thêm “likes” thu hút cộng đồng trên mạng xã hội Facebook tiện việc bán hàng.
Thế kỷ 21, chính trong cộng đồng mạng Việt Nam đã nhiều lần hoang mang vì tin giả và mặc dù sau đó đã tăng thêm nhiều kỹ năng sàng lọc, kiểm định thông tin. Thế nhưng những kẻ tạo tin giả đồng thời cũng biết cách nâng cấp sự lừa mị được bọc gói kỹ càng hơn. Ví dụ rất nhiều các fanpage trên mạng Facebook được đầu tư bài bản trong việc sản xuất tin tức rất tin cậy và rồi “kẹp” lẫn lộn trong đó tin giả tại một thời điểm thích hợp, có thể nhận ra đó mới là mục đích họ mong muốn. Để giải thích, phân tích, thanh minh hay trần tình một sự thật, một vấn đề đúng sai với đám đông đã bị “ngộ độc” thông tin dường như là điều không thể.
Có người chua xót nói rằng, ai cũng là một nạn nhân dự bị của mạng xã hội. Điều đó khá chính xác. Ngày nay con người có khả năng bị cưỡng đoạt danh dự quá dễ dàng khi xuất hiện tin giả liên quan trên mạng, và những vụ việc ồn ào luôn thu hút được sự chú ý vượt mọi tầm kiểm soát.
Khi công nghệ do con người làm ra lại trao chính cái công năng tốt nhất để kết nối đó lại bị dùng sai mục đích là cái tài khoản Facebook, nó thực sự tước mất một phần đời cao đẹp của không ít cuộc sống đời thực đẹp đẽ trước mắt bằng sự gây nghiện của mạng xã hội thông qua thế giới ảo trên màn hình tinh thể lỏng. Sự nhàn hạ, rảnh rỗi với công cụ tốt nhất trên tay, người ta không tha “một cô Lụa cô Gấm” nào cả bằng những nút chia sẻ, bình luận tăng thêm sự lan truyền của tin đồn.
Theo vô số nghiên cứu về nhân chủng học thì con người về cơ bản đều có xu hướng muốn chia sẻ tin đồn. Sử gia Mitchell Stephens nói: “Nhân loại đã liên tục trao đổi tin tức, xuyên suốt mọi lịch sử và trải qua các nền văn hóa...”. Tin tức thỏa mãn khát vọng căn bản của con người, là nhu cầu nội tại, là bản năng. Loài người muốn biết những gì đang xảy ra bên ngoài kinh nghiệm trực tiếp của mình. Và khi họ được biết những biến cố không tự nhìn thấy sẽ lại tạo ra một “khoái cảm” thông tin hoặc một cảm giác an toàn.
Có một dạo trên mạng người ta râm ran cái mốt mở đầu câu chuyện bằng cụm từ “Các mẹ ơi, biết gì chưa?”. Câu này mô tả hoạt động của chị em trên các diễn đàn bỉm sữa, một hoạt động rất đặc trưng và cao quý của phụ nữ. Nhưng rồi cái phong trào “Các mẹ ơi, biết gì chưa” ấy, nó lây lan sang tất các lĩnh vực, người phát ngôn từ mọi giới tính. Các mẹ ơi, biết gì chưa? Trong nước lèo hủ tíu có thịt chuột. Gây hoang mang và điêu đứng không biết bao nhiêu con người lao động. Các mẹ ơi, ăn bưởi là bị ung thư. Các mẹ ơi có vụ đánh ghen này khốc liệt lắm, clip đính kèm lời dẫn đầy tình tiết ly kỳ...
Và thế là cuộc đời riêng của những con người ấy bị hủy hoại. Kinh khủng hơn chuyện sau lũy tre làng đời cha ông rất nhiều. Người ta hay kể cho nhau nghe những chuyện định kiến làng xã, những cô gái cạo đầu bôi vôi hay bỏ xứ mà đi vì miệng lưỡi người làng. Bây giờ, chẳng cần quen biết gì nhau để mà phán xét, sáng tác. Đã có vài cô gái trẻ tự sát vì những câu chuyện bị thêu dệt ác ý trên Facebook.
Sự ra đời của mạng xã hội đã và đang tạo thành cuộc cách mạng thông tin thực sự. Tuy nhiên, nhìn thẳng thắn nó cũng tạo ra không ít ảnh hưởng tiêu cực bởi nguy cơ chi phối, lấn át về thông tin. Có thể nhận thấy thậm chí báo chí chính thống cũng bị truyền thông xã hội vượt mặt trong việc cung cấp thông tin đến độc giả. Nhờ được cập nhật liên tục những công cụ, tính năng công nghệ mới, mạng xã hội ngày càng nâng cao khả năng “truyền thông”, khiến báo chí mất dần vị thế “độc quyền” trên phương diện này.
Thậm chí có lúc mạng xã hội lấn át cơ quan báo chí về độ nhanh nhạy, cập nhật thông tin và cả sự quan tâm của độc giả, đặc biệt trong các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp.
Chính bởi vậy, chúng ta đang thực sự đối diện nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi tin tức giả mạo. Thông tin trên mạng xã hội mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, có động cơ, mục đích không rõ ràng, thậm chí là với mục đích xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả để gây hoang mang, lôi kéo sự chú ý.
Chỉ cần chăm chỉ tập luyện lái xe, hầu hết đều có thể đạt được kỹ năng cần thiết đủ điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhưng mạng xã hội thì không cho phép sự rèn luyện nào cả, ai cũng như người mới bắt đầu khi phải tiếp cận quá nhiều tin tức giả ác ý chầu chực “dắt mũi” cư dân mạng. Nếu là một người sử dụng mạng xã hội, nên chọn lọc tin tức từ những nguồn có độ xác tín cao và luyện tư duy “suy đoán vô tội” cho những câu chuyện đậm màu sắc ly kỳ.