Trung Quốc bị yêu cầu giãn nợ BRI

Thứ Sáu, 17/07/2020, 12:28
Giữa tháng 4 vừa qua, Pakistan là một trong những quốc gia đầu tiên yêu cầu Trung Quốc cắt giảm các khoản nợ liên quan tới Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế vì đại dịch COVID-19. Pakistan đặc biệt đề nghị Bắc Kinh xóa bỏ một số khoản nợ trong dự án điện liên quan tới Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).

Nếu Trung Quốc chấp thuận, Pakistan kỳ vọng có thể tiết kiệm khoảng 500 triệu USD trong dòng tiền mỗi năm.

Tiếp bước Pakistan, một số nước tham gia BRI khác cũng đã có những động thái tương tự. Do cuộc khủng hoảng COVID-19, một số quốc gia châu Á và châu Phi đã yêu cầu Trung Quốc giãn thời hạn thanh khoản.

Những vấn đề về nợ mà Pakistan đang đối mặt về cơ bản cũng là vấn đề chung mà nhiều quốc gia tham gia BRI đối mặt. Pakistan gia nhập BRI vào tháng 4-2015 và từ đó vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của dự án trị giá hàng tỷ USD này của Trung Quốc. Nền kinh tế Pakistan đã bị ảnh hưởng nặng nề vì suy thoái kinh tế do COVID-19. GDP của Pakistan được dự báo sẽ tăng trưởng âm 1,6% trong tài khóa 2020. Trước khi đề xuất Trung Quốc “cứu trợ”, Karachi đã yêu cầu các nước G20 giãn một phần khoản nợ 1,8 tỷ USD.

Lối vào đường hầm trên tuyến CPEC.

Pakistan cũng đã đạt được khoản vay trị giá 1,386 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 305 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và 500 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) để tránh bị rơi vào một cuộc khủng hoảng thanh toán. Tuy nhiên, Pakistan vẫn đang rất cần các biện pháp giãn nợ để ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế.

Nói một cách công bằng, Trung Quốc có rất nhiều lý do để ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế Pakistan. Trung Quốc cần một nền kinh tế Pakistan vận hành trơn tru để đảm bảo sự thành công của CPEC. Nếu nền kinh tế sụp đổ, Pakistan sẽ không thể trả nợ cho CPEC, do đó gây nguy hiểm cho toàn bộ dự án. Do đó, sự thất bại của CPEC sẽ tương đương với sự thất bại của BRI, bởi CPEC vốn được xem là dự án trọng điểm và tiên phong của tham vọng BRI. Hơn thế nữa, nếu nền kinh tế Pakistan sụp đổ, Trung Quốc sẽ mất một đồng minh chiến lược ở sườn phía Nam.

Tình hình nhiều quốc gia khác trong dự án BRI ở châu Á và châu Phi cũng không khác nhiều so với Pakistan. Đại dịch COVID-19 đã kéo theo sự sụt giảm doanh thu xuất khẩu, buộc các chính phủ phải tăng chi tiêu, đặc biệt là trong y tế - những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thanh khoản các khoản vay cho Trung Quốc. Trung Quốc cần duy trì sự vận hành của các nền kinh tế này, không chỉ để các dự án BRI có thể hoàn thành đúng hạn mà còn là để đảm bảo khả năng trả nợ của các “con nợ” này.

Trong giai đoạn từ năm 2000-2018, nước này đã xóa khoản nợ trị giá tới 9,8 tỷ USD cho một số nước châu Phi. Cách ứng xử linh hoạt của Trung Quốc là một phần lý do vì sao yêu cầu giãn nợ là lựa chọn đầu tiên của rất nhiều quốc gia tham gia BRI.

Mọi quyết định đều đem đến các hệ quả hai mặt. Việc giảm nợ cho các dự án BRI sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề. Trung Quốc từng nhiều lần nhấn mạnh rằng các khoản cho vay trong khuôn khổ sáng kiến này không phải là viện trợ quốc tế, và các nước nhận tiền sẽ phải trả nợ. Để duy trì nguyên tắc này, Trung Quốc cần phải cứng rắn với các đồng minh và đảm bảo đúng các quy định về thanh khoản. Trên thực tế, tình trạng này đang đặt ra một vấn đề nan giải về kinh tế cho Trung Quốc.

Một mặt, Bắc Kinh cần phải hỗ trợ các đối tác BRI của mình thông qua việc giảm nợ để họ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế vì COVID-19. Mặt khác, nếu Trung Quốc đồng ý yêu cầu xóa nợ trong các dự án BRI, điều này có nguy cơ tạo tiền lệ trong tương lai. Hiệu ứng domino có thể tạo ra những thách thức nghiêm trọng cho tính bền vững của BRI. Trung Quốc có thể sẽ phải tạm đóng băng các khoản tài trợ tiếp theo nếu các khoản vay chưa được trả đúng hạn. Điều này sẽ khiến BRI gặp phải sự đình trệ lớn và là yếu tố quan trọng mà Trung Quốc cần tính tới khi cân nhắc tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay.

Có nhiều nguồn thông tin cho rằng mức ngân sách thường niên cần chi cho BRI là vào khoảng 500 tỷ USD, một con số đủ để phản ánh tầm cỡ tham vọng này của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vấn đề đặt ra là ai sẽ thanh toán các “hóa đơn” khổng lồ này, hay đơn giản chỉ là duy trì các dự án hiện hành. Mục tiêu của BRI là để thu về lợi nhuận và tất nhiên là ảnh hưởng cho Trung Quốc, song trong bối cảnh tài chính và những bất cập hiện nay, tiềm năng này rõ ràng đang có quá nhiều tồn tại.

Nhìn vào những mâu thuẫn về chính trị và chiến lược định hình các tính toán trong một số dự án của Trung Quốc, những dự án nhiều khi được thúc đẩy mà không đi kèm với các đánh giá đầy đủ về tính khả thi và hiệu quả, rõ ràng khả năng tài chính của Trung Quốc trong việc duy trì sáng kiến này không phải là điều gì đó không có giới hạn.

Dù vậy, công bằng mà nói, bối cảnh khó khăn hiện nay thực tế lại đang giúp Trung Quốc có cơ hội tháo gỡ những khúc mắc và cáo buộc về cái gọi là “bẫy nợ” trong BRI. Lựa chọn phương án giãn nợ phù hợp cho các nước tham gia sáng kiến và đang gặp khó khăn, Trung Quốc hoàn toàn có thể phản bác những chỉ trích cho rằng họ dùng “tiền” để mua ảnh hưởng và đảm bảo sự hiện diện đầy toan tính tại những quốc gia sở tại.

Tóm lại, tình thế tiến thoái lưỡng nan về vấn đề thanh khoản nợ của BRI có thể giúp Trung Quốc cải thiện hình ảnh trên toàn cầu về một sáng kiến cơ sở hạ tầng vốn gây rất nhiều tranh cãi, nếu họ biết tận dụng một cách hiệu quả và linh hoạt.

Thái Vân (Tổng hợp)
.
.