Trung Quốc vượt Mỹ trong các thương vụ M&A doanh nghiệp toàn cầu

Thứ Sáu, 04/11/2016, 09:00
Với sự bùng nổ của dòng tiền Trung Quốc đổ ra nước ngoài, mô hình kinh tế cũ bắt đầu chuyển hướng và mục tiêu của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng mang tầm hướng ngoại mạnh mẽ. Họ săn tìm các thương hiệu và nền công nghệ có thể thúc đẩy nền kinh tế tiêu dùng trong nước, thay vì tập trung xuất khẩu như trước.

Năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành nước thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) nhiều nhất thế giới.

M&A là chữ viết tắt của hai từ tiếng Anh: Mergers (sáp nhập) và Acquisitions (mua lại). Có thể hiểu M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát toàn bộ hoặc các bộ phận của một doanh nghiệp thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó.

Ngày 24-10 vừa qua, bằng việc mua lại số phần trị giá 6,5 tỷ USD, HNA Group của Trung Quốc chính thức trở thành cổ đông của Tập đoàn khách sạn Hilton Worldwide Holdings Inc. Đây là thương vụ M&A lớn thứ 6 của một công ty Trung Quốc trong năm nay. Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư Trung Quốc đã bỏ ra 218,8 tỷ USD trong các thương vụ M&A nước ngoài, tăng 230% so với cùng kỳ 2015.

Cơn sốt M&A nước ngoài của các tập đoàn Trung Quốc bắt đầu từ nhu cầu tìm kiếm nguyên liệu cho các nhà máy thép và ngành công nghiệp sản xuất. Trước năm 2013, hoạt động M&A quốc tế của Trung Quốc chỉ xoay quanh các tập đoàn quốc doanh mua lại các mỏ quặng sắt ở Australia, các công ty năng lượng ở Canada hay quặng đồng, kẽm ở châu Phi. Đa phần các thương vụ mua bán liên quan đến các công ty khai khoáng,  năng lượng.

Giờ đây, các công ty tư nhân Trung Quốc đang đổ tiền mua lại những tài sản đẳng cấp hơn; từ các hãng hóa chất, mỹ phẩm của châu Âu, các hãng thời trang cao cấp của Pháp cho đến những đội bóng của Italia hay những hãng phim của Mỹ. Trong khi đó, các doanh nghiệp quốc doanh chuyển sang mua những công ty sản xuất chip máy tính và công nghệ nông nghiệp.

Những địa điểm thu hút nhà đầu tư Trung Quốc cũng thay đổi theo định giá địa chiến lược. Từ 2006-2016, mức đầu tư vào M&A các công ty tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tương đối ổn định với giá trị các thương vụ từ 10 tỷ USD trở xuống. Trong khi đó, tại Bắc Mỹ và Tây Âu, Trung Quốc bắt đầu “đốt tiền” với tần suất dày đặc từ năm 2010 trở đi với thương vụ đắt giá nhất là việc tập đoàn hóa chất quốc doanh ChinaChem mua lại Công ty Syngenta AG của Thụy Sĩ với giá 43,2 tỷ USD, tập đoàn công nghệ Tencent Holdings chi 8,6 tỷ USD mua lại công ty sản xuất game Supercell Oy của Phần Lan; HNA mua mảng cho thuê máy bay trị giá 10 tỷ USD của CIT.

Theo tờ South China Morning Post, tính từ đầu năm đến hết tháng 9-2016, các doanh nghiệp Trung Quốc đã thực hiện các phi vụ mua bán, sáp nhập trên toàn cầu (M&A by Chinese) lên đến giá trị 173,9 tỷ USD, với 601 thương vụ thành công. Như vậy, Trung Quốc đã chính thức vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về hoạt động M&A trên toàn cầu. Tuy nhiên, hầu hết các thương vụ M&A đều được thực hiện là nhờ vay nợ hay có bảo lãnh của các ngân hàng Trung Quốc.

Chủ tịch ChemChina Ren Jianxin (trái) và Chủ tịch của Syngenta Michel Demare tại cuộc họp báo thông báo thương vụ thâu tóm ở Basel, Thụy Sĩ.

Bên cạnh đó, giá trị các thương vụ luôn được doanh nghiệp Trung Quốc đẩy lên cao hơn giá trị thực của các doanh nghiệp mục tiêu bởi vì các doanh nghiệp mục tiêu giá trị càng lớn thì càng hấp dẫn các nhà đầu tư Trung Quốc. Một khi đã nghe ngóng được tin đối thủ, dù có là người đồng hương, đang nhăm nhe đến “con mồi” nào và bắt đầu “đi săn đêm”, các thành viên trong “phường săn” mỗi người tỏa theo một hướng và dùng chiêu thức riêng dụ dỗ con mồi sa vào bẫy của mình.

Tháng 5 vừa qua, công ty điện dân dụng lớn nhất Trung Quốc Midea đã đánh tiếng mua lại Kuka - hãng chế tạo robot công nghiệp hàng đầu của Đức - với mức giá ngất ngưởng là 5,2 tỷ USD. Ở thời điểm đó, mức giá này cao hơn 36% so với thị giá cổ phiếu Kuka. Tuy nhiên tham vọng này của Midea đã vấp phải sự phản đối từ phía quan chức Đức. Đích thân Bộ trưởng Kinh tế Đức đã lên tiếng phản đối thương vụ và “lịch sự” gợi ý Kuka nên tìm một nhà đầu tư khác.

Bộ trưởng Kinh tế Đức nói thêm: Đức cần ngăn cản sự can thiệp của Trung Quốc vào công nghệ lắp ráp tự động. Thế nhưng hai tháng sau, sau một loạt các sự can thiệp từ phía chính phủ, trong đó có cả sự hỗ trợ từ lãnh đạo công ty xe hơi Daimler - khách hàng lớn của Kuka, Midea đã nhận được cái gật đầu từ phía Berlin. Tính đến tháng 8, Midea đã thâu tóm 86% cổ phần Kuka.

Sự việc này cho thấy các doanh nghiệp của Trung Quốc đang ngày càng “linh động” trong việc bôi trơn những trở ngại nảy sinh khi vung tiền thâu tóm (M&A) công ty nước ngoài. Trong vài năm gần đây, nhiều công ty của Trung Quốc ngày càng thành thạo hơn trong việc lèo lái các thương vụ M&A và xoa dịu cổ đông, chuyên gia tại hãng luật Linklaters LLP nhận định.

Nhiều công ty lớn của Trung Quốc thu dụng vị trí quản lý là người đã từng du học hoặc làm việc tại nước ngoài vì những người này hiểu tâm lý và góc nhìn của cổ đông ngoại đối với doanh nghiệp Trung Quốc. “Củ cà rốt” mà các doanh nghiệp Trung Quốc thường đưa ra trong trường hợp lời đề nghị mua lại bị chính phủ sở tại “tuýt còi” là cam kết giữ lại bộ máy lãnh đạo của công ty bị mua lại, cam kết đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định... Như trong thương vụ Kuka, Midea cam kết giữ nguyên hoạt động của các nhà máy cùng công nhân cho đến ít nhất năm 2023, một khoảng thời gian dài bất thường.

Ngoài ra, Midea cũng hứa sẽ bảo vệ hồ sơ khách hàng của Kuka trước sự tiếp cận của công ty mẹ tại Trung Quốc. Để tạo quan hệ, Midea đã cử Phó Chủ tịch Andy Gu đến đàm phán trực tiếp với các cố vấn thân cận của Bộ trưởng Kinh tế Đức. Ông là kỹ sư có bằng tiến sĩ từ Đại học Cornell của Anh.

Cùng với đó, Kuka cũng giúp Midea xoa dịu mối lo ngại nơi cổ đông và còn giúp Midea nắm bắt các cơ hội khác. Công ty gửi thư ngỏ mua lại mảng điện gia dụng của General Electric khi thỏa thuận M&A giữa GE và Electrolux đổ vỡ. Mặc dù không giành chiến thắng trong thương vụ này, Midea cũng chỉ để thua một công ty Trung Quốc khác là Qingdao Haier chứ không phải doanh nghiệp phương Tây nào khác.

Hay như trong thương vụ thâu tóm Syngenta của Thụy Sĩ, ChemChina cam kết giữ lại các thành viên trong ban lãnh đạo, bảo lưu trụ sở và hướng tới tái niêm yết công ty trên sàn chứng khoán. “Đây không phải là một vụ thâu tóm, mà chỉ đơn giản là thay đổi chủ sở hữu. Syngenta vẫn là Syngenta”, đại diện Syngenta viết trong thông cáo.

Theo Forbes Asia, Trung Quốc không ngừng gia tăng những hoạt động M&A ở nước ngoài vì 5 lý do: Nhằm đa dạng hóa thị trường khi kinh tế Trung Quốc đang giảm đà tăng trưởng; hoạt động này được chính phủ khuyến khích và hỗ trợ; nhằm tìm kiếm công nghệ tiên tiến để gia tăng giá trị sản phẩm; hỗ trợ quốc tế hóa tiền tệ và hỗ trợ quốc tế hóa cổ phiếu nội địa.

Bên cạnh đó, thực trạng nền tài chính công và tài chính doanh nghiệp của Trung Quốc hiện ở mức không an toàn cho một nền kinh tế đang phát triển, khi nợ công năm 2015 đạt mức 249% GDP. Vấn đề kiểm soát nợ công đang là thách thức nghiêm trọng với Chính phủ Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc vốn phát triển chủ yếu nhờ nợ vay nên nợ công ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng của nền kinh tế.

Khi tái cơ cấu lại nền kinh tế làm giảm tốc độ tăng trưởng khiến áp lực nợ công càng nặng nề hơn. Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều biện pháp cơ cấu lại nợ công. Một trong những cách đó là đẩy nợ công ra nước ngoài hay nói cách khác là “bán nợ”. Tuy đưa nợ ra nước ngoài nhưng phải nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc.

Như trên đã đề cập, năm nay được ghi nhận là năm đầu tiên Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành nước thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập nhiều nhất thế giới. Chính phủ các nước phương Tây không cứ mãi thản nhiên khoanh tay đứng nhìn các doanh nghiệp của mình “thay bình lẫn thay rượu”.

Tại Mỹ, Ủy ban Đầu tư nước ngoài được lập ra để giám sát các hoạt động mua bán có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Chính phủ Anh cũng vừa lập ra một quy trình xem xét các khoản đầu tư nước ngoài vào các ngành nhạy cảm. Vì vậy mà Trung Quốc đã không mua được Western Digital với giá 3,8 tỷ USD và Fairchild Semiconductor với giá 2,5 tỷ USD vì Chính phủ Mỹ ngăn chặn hai thương vụ này, viện lý do an ninh quốc gia.

Kế hoạch mua lại Công ty Qihoo 360 Technology, một công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cũng đã thất bại vì quy trình kiểm soát dòng tiền của Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, làn sóng M&A vẫn dồn dập “càn quét” lên những vùng đất khát vốn đầu tư nước ngoài, như các nước Trung và Đông Âu chẳng hạn, trước thực tế là không phải ai cũng quá nghiêm ngặt khi mang lợi ích kinh tế quốc gia lên bàn cân với các vấn đề an ninh “nhạy cảm”.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.