Trùng tu di tích: Đừng biến thật thành giả!

Thứ Sáu, 29/04/2011, 17:20

Cùng với di tích lịch sử cấp quốc gia, còn có hàng ngàn, hàng vạn ngôi chùa, đình, đền miếu…khác chỉ dừng lại ở mức di sản cấp tỉnh, cấp xã, hay của làng nào đó. Tuy không được khoác "tấm áo" bảo hộ quý giá, nhưng những di tích đó như một chứng tích thời gian, minh chứng cho lịch sử phát triển văn hóa dân tộc về tâm linh, và tín ngưỡng người Việt, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân qua nhiều thế hệ.

Hiện nay, đang bùng nổ hiện tượng địa phương tự phát chỉnh trang, tu bổ di tích. Nhiều di tích đã xuống cấp, sợ di tích thành phế tích, nhiều nơi đã trùng tu tôn tạo, nhưng cũng có nhiều di tích, đang nguyên là một "lão ông khỏe mạnh", thì sau cái gọi là "trùng tu tôn tạo" đã thay vào đó một hình ảnh diêm dúa, lòe loẹt như một cô gái phấn son lạ lẫm, lạc lõng, xa lạ trong khung cảnh miền quê.

Chuyện "Trùng tu di tích" từ một làng quê

Đây là một câu chuyện ghi lại từ một ngôi làng cách Hà Nội 100 km khi người ta có ý định trùng tu tôn tạo lại ngôi chùa trong làng. Ngôi chùa có tuổi thọ hơn 300 năm. Bắt đầu từ thời kì đổi mới 1986, việc bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa của quá khứ được coi trọng hơn,  đặc biệt là hệ thống đình, chùa, đền trong cả nước. Và, ngôi chùa đã qua hai lần tu sửa, lần thứ hai vào năm 2002, đến nay chùa vẫn mang hình bóng cổ kính rêu phong xưa cũ, khiến người xa quê vẫn nao lòng khi nhớ về hình dáng đơn sơ, gần gũi của ngôi chùa nhỏ như một điểm nhấn duyên dáng trong khung cảnh êm đềm của làng quê.

Nhưng vừa tháng trước ngôi chùa ở làng bên sau khi được cả làng quyên góp đã chỉnh trang ngôi chùa và kết quả cuối cùng chỉ là phô diễn sự to lớn, bề thế. Nào chuông đồng, lư đồng mới tinh tươm, hoành phi câu đối được sơn son thiếp vàng rổn rảng, loáng bóng. "Trông người mà ngẫm đến ta", các bậc tiền bối và nhiều hộ gia đình bên làng này đều nhất tâm xây sửa chùa, dứt khoát không chịu "thua chị, kém em".

Hôm họp lấy ý kiến biểu quyết về việc chỉnh trang làm mới ngôi chùa có đầy đủ các bậc cao niên, một số người chức sắc trong xã, và mỗi họ tộc trong làng cử một vài người đại diện. Người trong làng có con cháu được đào tạo ngành kiến trúc và hội họa cũng được gọi về để thêm "nguồn nhân lực" và "cống hiến chất xám". Kinh phí để chỉnh trang lại chùa được huy động từ các hộ dân trong thôn, mỗi gia đình đóng một triệu đồng. Nhà ai có con, cháu đi làm ở thành phố mà "ăn nên làm ra", hay "quyền cao chức trọng" thì thuộc diện thành phần đặc biệt sẽ có công đức nhiều hơn. Sự cúng tiến này là tùy tâm, nhưng, xem ra ai cũng hỉ hả, vui vẻ cả.

Khi bàn về việc chọn màu sơn tường cho ngôi chùa, một cụ đưa ý kiến sơn màu vàng, vì mầu vàng thì tượng trưng cho sự may mắn trường thịnh. Một bác trưởng tộc khác lại nói sơn màu xanh, vì màu xanh là màu hy vọng, đem lại sự tốt đẹp trong làng xã. Người lại khăng khăng là màu xám bạc vì màu này đang là mốt thịnh hành trong các di tích lịch sử. Vậy là mỗi người mỗi ý, nhưng cuối cùng đi đến thống nhất là chùa bé muốn để nổi bật chỉ có cách là phối màu cho rực rỡ, sơn nhiều màu sắc vào các hình trang trí gắn trên tường.

Chùa Mui (Thường Tín, Hà Nội) sau khi trùng tu, ngôi chùa có không ít sai phạm.

Lại bàn đến chuyện sơn lại các bức tượng, tượng Phật tổ Như Lai, Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay, cùng với rất nhiều chư vị thần phật khác. Ban Công đồng (gồm vua Ngọc hoàng và Ngũ vị tôn ông), ban Sơn trang, (Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn và 24 cô Sơn trang),  ban Tam Tòa Thánh Mẫu (Mẫu đệ nhất Thiên Tiên, Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn. Mẫu đệ tam Thủy Cung) sau khi thống nhất ý kiến mọi người đều tán thành trước sau gì tất cả những bức tượng cổ ở trong chùa đều sẽ được sơn phủ lại bằng dầu bóng.

Chỉ một vài tháng  sau khi được nâng cấp, chỉnh trang, bồi da, đắp thịt, ngôi chùa làng đã mất hẳn dáng vẻ cổ kính ban đầu mà thay vào đó là một cơ thể hiện đại, sặc sỡ, diêm dúa nhìn đến xót xa. Những hoành phi câu đối khi xưa bạc màu thời gian nay được quết lên trên mấy lượt sơn đỏ oạch với những chữ nổi màu vàng chóe đến nhức mắt. Tượng Phật, bức nào bức nấy một màu vàng óng ả. Tất cả đều mới, tinh tươm, xa lạ…

Nhưng đáng tiếc đây, không phải là hiện tượng cá biệt của một ngôi chùa mà rất nhiều di tích lịch sử trên địa bàn cả nước đang bị "làm mới" một cách không thương tiếc. Cục Di sản, Bộ VH-TT&DL đã có kết luận với một số chùa sai trong tu bổ di tích như chùa Mui, thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Tây; chùa Hữu Bằng ở Thạch Thất; đình Tây Đằng ở Ba Vì….

Trùng tu kém thẩm mỹ, lỗi này thuộc về ai?

Đứng trước vấn đề này, nhà nghiên cứu di sản, PGS-TS Trần Lâm Biền đã bức bách lên tiếng: "Di sản văn hóa, có những pho tượng vô cùng đẹp bởi sự loang lổ của màu thời gian, nay chỉ cần quét sơn lại đã là một sự phá hoại. Người dân tưởng màu sắc sáng choang như thế là đẹp nhưng thực chất làm cho pho tượng ấy tuy giá trị tự thân không mất đi, nhưng lại mất đi giá trị thẩm mỹ. Và đồng thời pho tượng ở mặt tâm linh cũng mất thiêng".

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho rằng: "Hiện tượng này phổ biến là do ngành văn hóa thiếu kiểm tra". Rồi, ông lấy dẫn chứng cụ thể: “Điển hình là chùa Hữu Bằng ở Thạch Thất, Hà Tây có một pho tượng Quan Âm vô cùng đẹp, loang lổ màu thời gian, người ta sơn đỏ chóe lên bằng sơn Nhật, bằng nhũ phủ hoàn kim là điều không thể chấp nhận được”.

Ông chua xót, than: "Người thợ chỉ cần thuê, trả tiền là làm.  Và rõ ràng rằng giữa yêu cầu của tính thực dụng hiện nay,  yêu cầu của tâm linh và văn hóa đang đối đầu nhau mà hiện nay không  thấy ai giải quyết cả…".

Hệ thống phù điêu La Hán tuyệt tác ở chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) đã bị tô vẽ, xây lại bệ thờ lát gạch tráng men.

Trong nhiều năm gần đây, đời sống tâm linh được coi trọng, đấy cũng là điều tất yếu. Đối với những di tích đã bị hư hỏng, thuộc di tích cấp quốc gia thì Bộ VH-TT&DL quản lý, còn di tích cấp địa phương thì địa phương tự động xây sửa lại. Đa phần, sau khi chỉnh trang nâng cấp, nhiều di tích mất đi dấu tích ban đầu, làm biến mất vẻ đẹp cũ. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên Giáo TW cho rằng: "Hiện nay rất khó có cái nhìn chung về văn hóa truyền thống đình, chùa. Mỗi làng, mỗi địa phương tự động tô màu, đã làm di tích biến mất vẻ đẹp màu thời gian của cha ông ta để lại. Sự ồ ạt sửa sang, tu bổ lại di tích của các địa phương, như việc quét vôi, tô mới tượng chắc chắn  đang gây rất nhiều phản cảm...".

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn lý giải: "Người xưa đã tạo ra được ngôn ngữ kiến trúc, ngôn ngữ thiên nhiên. Bây giờ người ta lấy việc tu bổ để làm mất đi ngôn ngữ kiến trúc thì rõ ràng anh đã tách biệt hẳn  ra khỏi thiên nhiên bởi những màu lòe loẹt". Và đưa ra giải pháp, hiện tượng tu sửa di tích không phanh này chắc chắn  sẽ phải đề nghị và Bộ sẽ có ý kiến chỉ đạo với lại các địa phương, khi cân nhắc việc trùng tu tôn tạo lại di tích. Từ việc tô mới lại di tích, tô lại tượng phải tham khảo ý kiến với các nhà chuyên môn để làm thế nào cho chuẩn nhất...

TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam lên tiếng về vấn đề trùng tu tôn tạo di tích: "Xét ở một khía cạnh nào di tích cũng phải sống trong lòng thời đại, có giá trị đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Cho nên sau khi trùng tu di tích có phần nào không hoàn toàn giống như nguyên gốc cũng là điều dễ thông cảm. Tuy nhiên trùng tu đến mức làm thay đổi, biến dạng, hoặc "sáng tác" thêm những chi tiết mới cho di tích thì không thể chấp nhận".

TS Đặng Văn Bài cho hay: "Cục Di sản văn hóa có nhiệm vụ quản lý vĩ mô, xây dựng quy chế, quy trình, các văn bản pháp luật chứ có "ba đầu sáu tay" cũng không quản lý hết được hàng vạn di tích trên cả nước. Cho nên, sự quản lý  trực tiếp vẫn phải trông vào chính quyền cấp xã, cấp huyện, sai sót ở cấp nào, cấp đó chịu trách nhiệm".

Đình Đoài Giáp (xã Đường Lâm, Ba Vì) và Đình So (làng Yên Sở, Quốc Oai). Những ngôi đền cổ thế này là một điểm nhấn đẹp ở làng quê vì giữ nguyên được dáng vẻ cổ kính.

Đi ngược lại ý kiến của TS Đặng Văn Bài, nhà nghiên cứu di sản Trần Lâm Biền khẳng khái: "Một di tích đã được công nhận xếp hạng dù ở cấp nào đi chăng nữa cũng phải được nằm trong sự bảo hộ của pháp luật. Khi muốn xây di tích lòe loẹt thế nào đi chăng nữa thì trách nhiệm trước hết là phải ở ngành văn hóa, rồi sau đó mới tới những người làm ra sự lòe loẹt ấy. Bởi vì bản thân anh không xác nhận được chính anh thì làm sao anh xác nhận được di sản văn hóa. Khi mà anh đã xếp hạng di tích và anh không tạo nên một bệ đỡ pháp luật cho di tích thì đương nhiên là có các sai lầm".

Thấy rõ được sự bất cập trong vấn đề trùng tu, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền đề xuất: "Việc tu sửa tự phát tại nhiều địa phương mà đi giải quyết từng di tích thì không ai làm được. Điều này cần có sự tuyên truyền dựa vào các kênh thông tấn báo chí, truyền hình. Nhưng ngành văn hóa trước hết phải có trách nhiệm là giữa người làm quản lý và người nghiên cứu phải bắt tay nhau thật chặt. Không thể anh nghiên cứu chỉ nghiên cứu, còn anh quản lý chỉ quản lý”.

Để kết thúc loạt bài này, xin lấy tâm sự nao lòng và đầy tâm trạng của GS- TS- KTS Hoàng Đạo Kính, Phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam, người luôn đau đáu cả đời với di sản tổ tiên:

Giờ đây di sản cha ông ta để lại đã ít nhiều được chăm chút. Một vài khu di tích đã được toàn dân biết đến, quốc tế nhìn vào. Song, trong xã hội xuất hiện những con người kiểu Lopakhin trong vở "Vườn anh đào" của A. Tsêkhốp, ham làm giàu, bằng mọi giá. Họ ứng xử với di tích như những lái buôn. Bảo tồn thực dụng, họ đang biến thật thành giả, kinh doanh dĩ vãng.

Chạnh lòng nghĩ tới những ngôi đình, nếp chùa bạc phơ vì tuổi tác và cát bụi thời gian, lay lắt ở làng quê xứ ta. Ai sẽ là người bỏ mũ, cúi chào chúng đây?Ai sẽ là người như cha ông xưa kia, chống đỡ và che chở cho chúng để chuyển đến tay hậu thế, mà chẳng hay họ là ai.

Dĩ vãng biệt trôi/ Di sản bạc phơ

Trần Mỹ Hiền
.
.