Từ các giải thưởng âm nhạc 2020: Nhạc thị trường vẫn thắng thế?

Thứ Sáu, 15/01/2021, 11:34
Năm 2020, hầu hết ở các lĩnh vực của xã hội đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tuy nhiên âm nhạc đại chúng Việt Nam vẫn hoạt động khá sôi động dưới nhiều hình thức khác nhau. Rất nhiều chương trình, chuỗi chương trình mới bên cạnh hàng loạt MV được trình làng trên YouTube. Hai giải thưởng lớn được chờ đợi: Giải “Âm nhạc cống hiến” 2020 và “Zing Music Awards” đã tìm thấy chủ nhân.

Có thể nói, nhìn vào hai giải thưởng này cho thấy đời sống âm nhạc Việt trong năm 2020, thị trường giải trí chiếm sóng nhưng vẫn có những mạch nước ngầm lặng lẽ chảy và làm nên sự đa sắc màu của âm nhạc đại chúng Việt Nam.

1. Nếu “Zing Music Awards” (ZMA) là giải thưởng âm nhạc trực tuyến thường niên do Zing MP3 tổ chức, phản ánh bức tranh toàn cảnh của thị trường nhạc số cũng như thị hiếu của khán giả trong năm 2020 thì giải “Âm nhạc cống hiến” do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức lại chú trọng hơn đến thị trường âm nhạc truyền thống, những album, những chương trình có giá trị đóng góp cho đời sống âm nhạc.

Jack thắng giải “Nam ca sĩ được yêu thích” và “ca khúc được yêu thích” trong giải ZMA.

“ZMA” thiên về âm nhạc giải trí, dành cho giới trẻ. Nhìn vào giải thưởng của ZMA sẽ thấy những gương mặt trẻ, những tiếng nói mới trong đời sống âm nhạc. Với chủ đề “Âm nhạc không cách ly”, ZMA 2020 đã vinh danh giải thưởng quan trọng nhất, nghệ sĩ của năm cho ca sĩ trẻ Erick, đây cũng là năm thứ hai liên tiếp, giọng ca này trở thành chủ nhân của giải thưởng danh giá. 2020 đánh dấu một năm bùng nổ của Erick với chuỗi thành tích trong nước và tiếng vang trên thị trường quốc tế.

Siêu hit “Em không sai chúng ta sai” đã lọt vào top 1 zingchart chỉ sau 3 tiếng phát hành và chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng suốt 6 tuần với hơn 200 triệu lượt nghe trên Zing MP3. Ngoài ra, bài hát “Ghen Cô Vy” của anh và Min được khen ngợi như một cột mốc về cách truyền thông sức khỏe cộng đồng hiệu quả trong dịch COVID-19. Bài hát không chỉ nổi tiếng trong nước mà lan tỏa ra cộng đồng quốc tế.

Ngoài Erick, Jack cũng chiến thắng hai giải thưởng “Nam ca sĩ được yêu thích” và “Ca khúc được yêu thích”. Bản hít “Hoa hải đường” chiếm giữ vị trí top 1 zingchart trong 4 tuần, với 130 triệu lượt nghe trên Zing MP3. Pháo được bình chọn là ca sĩ mới của năm.

Tất nhiên, nếu nhìn vào những đề cử và giải thưởng của ZMA, chúng ta mới chỉ thấy một phần của đời sống âm nhạc Việt, đó là thị trường nhạc số và thị hiếu của công chúng trẻ. Rõ ràng, đó cũng chỉ là phần nổi của đời sống âm nhạc, nếu không nói là âm nhạc thị trường. Và đời sống âm nhạc sẽ mất cân bằng nếu chỉ có nhạc số và những bản hit.

2. Khác với ZMA, giải “Âm nhạc cống hiến” tôn vinh những nghệ sĩ có đóng góp cống hiến cho đời sống âm nhạc trong năm qua, tiệm cận các giá trị mang tính học thuật. Đặc biệt lĩnh vực album năm nay được xem như “bội thu”, có khoảng 20 album đáng chú ý của các nghệ sĩ lọt vào “tầm ngắm” của giải “Âm nhạc cống hiến” và 6 album trong đề cử năm nay được xem là tiêu biểu cho album năm 2020. Điều đáng nói là trong đó có album của ca sĩ, singer-songwriter còn rất trẻ như Amee, Phùng Khánh Linh.

Ở các hạng mục chương trình của năm, có rất nhiều chương trình ấn tượng, như “Rap Việt”, “Bandland” của nhạc sĩ Dương Cầm, chuỗi âm nhạc trực tuyến “Music Home” của nhạc sĩ Huy Tuấn...

Tùng Dương lập cú hattrick tại giải “Âm nhạc Cống hiến”.

Chiến thắng thuyết phục và đáng ghi nhận nhất tại mùa giải “Cống hiến” năm nay là ca sĩ Tùng Dương. Anh giành 3 giải thưởng quan trọng: Giải “Album của năm”, “Chương trình của năm” và “Ca sĩ của năm”. Với sức sáng tạo và tinh thần cống hiến hết mình cho âm nhạc, Tùng Dương và ê-kíp đã thực hiện dự án “Human - Con người”, một dự án có giá trị về mặt âm nhạc và sáng tạo được giới làm nghề và công chúng đón nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh Tùng Dương cũng có những ứng cử viên nặng ký và các sản phẩm thú vị nhưng hiệu ứng chưa và khó có thể bằng giọng ca divo hàng đầu hiện nay, như album “Khánh Linh Joudney”, concert “Vy” của NSƯT Hồng Vy.

Tuy nhiên, giải “Âm nhạc cống hiến” năm nay cũng để lại những tiếc nuối khi có nhiều hạng mục đang ngả theo thị trường. Ở mảng tổ chức trực tiếp, dự án Bandland do nhạc sĩ Dương Cầm tổ chức nhằm khơi dậy tự do sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ, độc lập. Đây là dự án có ý nghĩa trong đời sống âm nhạc ở một lĩnh vực ít được chú ý là ban nhạc. Bandland đã phát hiện nhiều nghệ sĩ đầy tiềm năng sáng tạo. Nếu Rap Việt có khả năng đón đầu xu thế của nhà sản xuất và bắt kịp thị hiếu của công chúng vì được tổ chức trực tiếp trên sóng truyền hình thì nhìn một cách dài hơi hơn, Bandland có thể góp phần hình thành xu thế tương lai.

Dế Choắt giành giải nghệ sĩ mới của giải “Âm nhạc cống hiến”.

Rõ ràng, đường dài mới thấy ngựa hay và trước mắt, trong thời đại rap lên ngôi thì việc một show truyền hình đạt giải “Cống hiến” cũng là chuyện dễ hiểu vì nó là tiếng nói của số đông. Nhưng, vẫn có những tiếc nuối cho những nghệ sĩ đã ngày đêm miệt mài làm việc và cống hiến nhưng sự ghi nhận có vẻ như chưa tương xứng với giá trị của họ mang lại cho đời sống âm nhạc.

Năm nay báo hiệu sự trỗi dậy của rap với 2 chương trình truyền hình đồng thời chiếm sóng quốc gia và truyền trực tiếp qua mạng. Các đề cử “Chuỗi chương trình của năm”, “Nhà sản xuất của năm”, “MV của năm”, “Nghệ sĩ mới của năm” đều có dấu ấn của rap. Hạng mục “Nhà sản xuất của năm” gọi tên Hoàng Touliver - Giám đốc âm nhạc Rap Việt - chương trình truyền hình đình đám nhất năm. Rap Việt cũng thắng luôn “Chuỗi chương trình của năm”, trong khi quán quân Dế Choắt rinh cúp “Nghệ sĩ mới của năm”.

Ở hạng mục bài hát của năm, ca khúc “Hoa nở không màu”, sáng tác Nguyễn Minh Cường, Hoài Lâm trình bày chiếm ưu thế. Tuy nhiên, liệu bài hát có sức sống lâu bền hay không còn phải chờ thời gian. Cũng nhờ độ phủ sóng của bài hát này mà nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường giành luôn giải “Nhạc sĩ của năm”. Đặc biệt, hạng mục “Video của năm” khá bất ngờ khi được trao cho Đen với “Về nhà đi” - một MV nổi tiếng của Đen nhưng được cho là mang nặng tính quảng cáo không nên vinh danh trong khuôn khổ của một giải thưởng âm nhạc.

Năm 2020, nhiều ca sĩ trẻ đầu tư vào mảng MV, trình độ ngày càng tinh xảo hơn, tiệm cận với các trào lưu của thế giới. Tuy nhiên, các MV vẫn lạm dụng phần nhìn, với hiệu ứng thị giác màu mè để khỏa lấp sự hạn chế về thanh nhạc.

3.Đời sống âm nhạc Việt khép lại một năm 2020 đầy biến động nhưng nhiều nỗ lực và sáng tạo. Chúng ta được đón nhận một luồng gió mới mẻ từ các bạn trẻ. Dù biết, các bạn cần thời gian và đủ niềm tin để đi tiếp con đường đầy chông gai và khắc nghiệt này.

Ca sĩ Khánh Linh và dự án ấn tượng của năm 2020.

Bên cạnh những giải thưởng được vinh danh thì công chúng vẫn đón nhận những nỗ lực của các nghệ sĩ với những dự án mới, đóng góp tiếng nói cho đời sống âm nhạc. Dòng chảy đó khá lặng lẽ nhưng vô cùng cần thiết để cân bằng thị trường âm nhạc Việt Nam. Thực tế, giải thưởng không phải là đích đến của người nghệ sĩ.

Tôi nhớ, trong một lần phỏng vấn nhạc sĩ Anh Quân, anh trò chuyện với tôi rất nhiều về câu chuyện những giải thưởng hay những bảng xếp hạng. Đời sống âm nhạc Việt nhiều năm qua mất cân bằng giữa thị trường giải trí và âm nhạc đích thực. Tùng Dương là một trong số ít ca sĩ biết khéo léo đi giữa hai lằn ranh ấy, để vừa có thể chơi nghề mà vẫn được đại chúng đón nhận. Còn phần lớn các nghệ sĩ đang âm thầm cống hiến cho âm nhạc, họ lặng lẽ đi theo cách của mình. Dương Cầm, Khánh Linh, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, nhạc sĩ Đỗ Bảo, Sa Huỳnh và trong những ngày cuối tháng 1 này, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang sẽ trình làng một album mang tên “Tình đàn”...

Các dự án của họ đều tạo nên những cột mốc quan trọng trong đời sống âm nhạc. Còn những giải thưởng hay những con số triệu view chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Báo chí, truyền thông cũng góp phần không nhỏ vào việc tôn vinh những bảng xếp hạng, những bài hát triệu view, vô tình hay hữu ý, họ khiến cho bạn đọc bị rơi vào ma trận thông tin. Nhìn bề nổi, ta tưởng rằng, chúng ta đang tiệm cận thế giới nhưng thực chất là thứ âm nhạc vay mượn, lắp ghép. Âm nhạc thực sự, đôi khi không ở trong bảng xếp hạng nào hay cũng không có triệu view, giải thưởng.

Âm nhạc thực sự sẽ còn lại với thời gian và chạm đến trái tim của nhiều người. Chúng ta vẫn phải chờ đợi trong tương lai những dự án đột phá hơn, khai phá những điều mới mẻ hơn để âm nhạc Việt Nam không còn là “vùng trũng” của khu vực như nhạc sĩ Quốc Trung đã từng bi quan đánh giá.

Lan Tường
.
.