Từ câu chuyện Mã Pì Lèng nghĩ về du lịch bền vững

Thứ Ba, 15/10/2019, 10:46
Câu chuyện từ Mã Pì Lèng, không phải lần đầu tiên ở nước ta xảy ra việc doanh nghiệp, cá nhân tự ý xây dựng tại các khu vực di sản, khu vực phụ cận… phá vỡ không gian di sản. Vấn đề phát triển du lịch cân bằng với bảo tồn di sản chưa bao giờ là bài toán dễ tìm lời giải.

“Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, không để việc sở hữu di sản nổi tiếng thế giới mà vẫn nghèo nhưng cũng không nên bất chấp phát triển mà làm mất di sản” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững được tổ chức tháng 7-2018 tại Hà Nội. 

Câu chuyện từ Mã Pì Lèng, không phải lần đầu tiên ở nước ta xảy ra việc doanh nghiệp, cá nhân tự ý xây dựng tại các khu vực di sản, khu vực phụ cận… phá vỡ không gian di sản. Vấn đề phát triển du lịch cân bằng với bảo tồn di sản chưa bao giờ là bài toán dễ tìm lời giải. 

Vì sao ngồi trên kho vàng di sản, cảnh quan nhưng người dân vẫn nghèo? Nếu phát triển ồ ạt và tự phát, di sản có còn được bảo vệ? Sự lựa chọn chưa bao giờ là dễ dàng.

Tranh cãi từ công trình trên đệ nhất hùng quan

Thời gian qua, việc khai thác di sản tại Tràng An (Ninh Bình), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hạ Long (Quảng Ninh), núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Sam (An Giang)... đã cho thấy di sản đem lại những tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. 

Nhưng lợi ích đó cũng dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân đã tự ý xây dựng các công trình dịch vụ, du lịch... để đón khách khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép như: việc xây dựng công trình đường lên núi Cái Hạ trong khu vực di sản thế giới quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình); xây dựng tượng Bà Chúa Xứ tại Núi Sam (An Giang)...

Câu chuyện về công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận không nằm ngoài xu hướng đó. Thu hút bởi lẽ, đây là địa điểm đẹp nhất để ngắm toàn cảnh một trong “tứ đại hùng quan” của Việt Nam. Tổ hợp khách sạn, quán cà phê 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng có tên Mã Pì Lèng Panorama được ví von như cái "gai" bê tông lổn nhổn dọc bờ dốc hùng vĩ đã làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của danh thắng quốc gia.

Căn nhà trên Mã Pì Lèng gây xôn xao dư luận.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, công trình này được xây dựng trên đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng và gây ảnh hưởng đến cảnh quan của danh thắng Mã Pì Lèng. 

Công trình được xây từ đầu năm 2018 khi huyện Mèo Vạc kêu gọi nhà đầu tư xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách. Chính quyền cũng "khuyến nghị" chủ đầu tư dùng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường.

Theo chia sẻ của bà chủ công trình, tâm nguyện của bà chỉ là muốn thu hút thêm nhiều khách du lịch đến đây, cho "người dân địa phương đỡ khổ". Trước đó, hầu như du khách qua đèo đều dừng lại vào nghỉ ngơi, thưởng thức một vài món ăn, đồ uống và ngắm cảnh, chụp cho nhau những bức ảnh bên sông. Khi biết công trình xây dựng chưa có giấy phép, nhiều người tỏ ra tiếc nuối.

Giữa những lùm xùm chưa có hồi kết, những chuyện bên lề về một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam liên tục được cư dân mạng sục sôi chia sẻ. Người muốn bảo tồn di sản thì lên án mạnh mẽ, cho rằng công trình đã vi phạm nghiêm trọng đến cảnh quan di sản. Những bài viết kêu gọi tẩy chay tòa nhà bê tông xấu xí trên đèo Mã Pì Lèng nhận được số lượng lớn lượt like và chia sẻ. Cư dân mạng truyền tải mạnh mẽ thông điệp “Nếu thực sự yêu Mã Pì Lèng, đừng cho những kẻ phá hoại Mã Pì Lèng cơ hội kiếm tiền”.

Nhưng người có quan điểm phát triển du lịch thì ngược lại. “Thiên nhiên chẳng phải là của riêng ai. Bạn có nhu cầu du lịch ngắm cảnh thiên nhiên thì người dân địa phương cũng có nhu cầu kiếm tiền từ chính mảnh đất quê hương của họ. Miễn là không xâm phạm vùng bảo vệ danh thắng đã được Nhà nước quy định... Thiên nhiên là phải dành cho tất cả mọi người chứ không phải của riêng một nhóm người nào đó” - Đinh Hải Minh, một Facebooker chia sẻ quan điểm.

Bài học từ câu chuyện khai thác di sản

Hòn đảo Mont Saint Michel (Pháp) -  gồm nhiều công trình tôn giáo cổ, rất nổi tiếng với con đường độc đạo nối vào đất liền được xem là di sản quý giá hàng đầu của Pháp và đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Ngay từ đầu, nhà chức trách Pháp đã quy hoạch và cấm xây dựng các công trình du lịch, bãi đậu xe ở khu vực ven biển - chỗ đối diện hòn đảo - để giữ gìn khung cảnh thiên nhiên sinh thái bao quanh.

Đến đây, khách chỉ được đậu xe tại bãi xe chính cách đảo khoảng 3 km, trong vùng đệm của di sản, từ đó có thể đi bộ hoặc đi xe bus hay xe ngựa vào hòn đảo cổ xưa này. Đổi lại, họ được sống lại cảm xúc của người xưa giữa không gian xanh sinh thái trên đảo và lân cận hoàn toàn được bảo vệ. Tất cả tập hợp các công trình tôn giáo được gìn giữ tôn tạo như hiện trạng nhiều thế kỷ trước.

Người Pháp đã xác định một không gian vùng ảnh hưởng trực tiếp đến di sản rất rộng lớn và nó cũng được bảo tồn nghiêm ngặt. Không gian di sản của công trình không chỉ dừng lại trong phạm vi 6,56 ha của đảo. Tới 57,51 ha không gian liền kề của khu vực ven biển nơi tiếp giáp hòn đảo cũng được bảo tồn. Toàn bộ vùng rộng lớn này bị cấm xây dựng. Nhờ đó, từ khoảng cách vài km cho đến ngay phía trước hòn đảo và từ mọi góc nhìn, người ta đều cảm nhận được trọn vẹn bức tranh lịch sử nghìn năm của các lâu đài tôn giáo nơi đây.

Dòng Nho Quế đẹp tựa tiên cảnh. Ảnh: Dulichvietnam.

Thêm một ví dụ về cách bảo tồn khác, tháng 4-2018, Philippines thông báo đảo nghỉ dưỡng Boracay - điểm đến nổi tiếng của quốc gia này sẽ ngừng đón khách du lịch trong vòng 6 tháng để khắc phục các vấn đề liên quan đến nước thải và môi trường. Boracay từng được tạp chí Conde Nast bình chọn là hòn đảo nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất. 

Ngoài ra, nó còn đứng thứ hai trong số 25 bãi biển của châu Á và xếp hạng 24 trên thế giới theo đánh giá của giải thưởng Travellers' Choice năm 2018 của TripAdvisor. Vào năm 2017, có khoảng 2 triệu du khách đến Boracay. Báo chí lúc đó thông tin, việc đóng cửa trong nửa năm sẽ khiến ngành du lịch của hòn đảo thiệt hại khoảng 1 tỉ USD. Việc đóng cửa để bảo vệ môi trường là câu chuyện hy hữu nhưng là bài học không dành riêng cho ngành du lịch của bất kỳ quốc gia nào.

Nhắc lại những câu chuyện trên để chúng ta có thể cân nhắc việc nên hay không nên xây dựng các khách sạn, nhà hàng trên Mã Pì Lèng. 

Trong khi đó, Sở Xây dựng Hà Giang đã đề xuất lãnh đạo tỉnh yêu cầu huyện Mèo Vạc chỉnh trang, cải tạo một phần công trình (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch. Toàn bộ 7 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15-11.

Cần sự phát triển bền vững

Với nhiều năm giữ vai trò quản lý ngành văn hóa, thể thao và du lịch ở miền núi, nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai phản đối việc xây dựng thiếu quy hoạch tại Mã Pì Lèng. Ông cho rằng, đó sẽ là tiền lệ xấu để xảy ra “những Mã Pì Lèng khác” trên toàn quốc. 

“Tòa nhà xây trên Mã Pì Lèng đã phá nát toàn bộ không gian. Đây là không gian để ngắm toàn cảnh thung lũng, nơi ngắm được cảnh đẹp nhất. Và cá nhân, doanh nghiệp đã tận dụng ngay để làm. Ý đồ của họ là tăng doanh thu, nhưng lại vi phạm không gian công cộng, phá không gian đó thì coi như phá cảnh quan đó” - ông Trần Hữu Sơn chia sẻ.

Ông Trần Hữu Sơn cũng cho rằng, định hướng phát triển du lịch dù ở miền núi hay đồng bằng, miền biển, phải theo hướng phát triển bền vững. Những nguyên tắc của phát triển du lịch bền vững gồm: phải bảo vệ được cảnh quan môi trường, bảo vệ được di sản văn hóa dân tộc và làm cho cộng đồng người dân được hưởng lợi từ du lịch.

Cũng theo ông Sơn, trong bối cảnh phát triển nóng như hiện nay, thường thì các doanh nghiệp, cá nhân bao giờ cũng nhìn vào lợi ích trước mắt. Cho nên, họ phát triển mà không biết là đang phá hoại không gian, phá hoại môi trường và di sản. 

“Ở đây không cần nhắc lại, từ Đà Nẵng, Sa Pa, cho đến Tam Đảo... các doanh nghiệp đang tàn phá không gian rất nhiều. Một điểm không phát triển bền vững nữa là định hướng tăng lượng khách. Tăng khách mà không đáp ứng được các yếu tố đảm bảo bảo vệ môi trường. Đáng tiếc Luật Du lịch có kẽ hở là không cấm, không có chế tài để bảo vệ tài nguyên du lịch. Luật Di sản cũng vẫn còn khoảng trống, chỉ quy định với khu vực I và II của di tích, di sản và một khoảng mở về cảnh quan, Điều 36, thực ra không có chế tài” - ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo ông Sơn, cần xem xét lại Luật Du lịch, Luật Di sản để bổ sung những khoảng trống đó, để có quy định phù hợp với tốc độ phát triển, có chế tài xử lý, để làm sao các doanh nghiệp không chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân mà phải nghĩ đến quyền lợi chung. Cái chung nó sẽ đem lại cái lợi riêng. 

“Để xử lý vấn đề này, phải xử lý tổng thể toàn bộ. Trước hết là trong luật. Những gì trong luật còn hổng thì phải bổ sung, sửa đổi. Thứ hai là phải kiên trì đấu tranh, vận động với doanh nghiệp để cùng vì lợi ích lâu dài. Nhà quản lý cũng cần có những chính sách và tầm nhìn lâu dài” - ông Trần Hữu Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng, tư duy đánh thức di sản để làm du lịch là quan điểm lỗi thời của thế kỷ trước, khi ta mới phát triển du lịch. Bây giờ làm du lịch phải tuân theo phát triển bền vững, không thể ồ ạt như vậy. Phải tôn trọng giá trị của di tích, di sản. Từ đó sẽ hưởng lợi từ những cái khác, chứ không phải ta cứ dần chiếm hết những cái đẹp.

“Cũng là cảnh quan đó, nếu là người có tầm nhìn, biết về kiến trúc và có tầm nhìn lâu dài, phát triển bền vững sẽ thuê những kiến trúc sư đã được giải về kiến trúc sinh thái đến nghiên cứu, xây dựng. Công trình có quy mô nhỏ thôi nhưng thân thiện với môi trường, sử dụng chất liệu bảo vệ môi trường. Mà như thế nó sẽ hút khách hơn biết bao lần. Bài học ở Sa Pa, có doanh nghiệp sử dụng chất liệu từ môi trường, họ thu được lượng khách rất lớn. Họ tổ chức được giải Marathon quốc tế để ủng hộ người nghèo, thu hút 3-5 nghìn khách đến. Thế thì họ thu được những điều lớn hơn chứ không phải chỉ là cái lợi trước mắt” - ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, chính sách của UNESCO về Di sản thế giới và Phát triển bền vững năm 2015 có một nguyên tắc cơ bản không đổi là: “Các mục tiêu và hoạt động phát triển không được làm mai một hay suy giảm các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản”. 

Với quan điểm này, các mục tiêu phát triển trong chiến lược, quy hoạch và kế hoạch tại các khu Di sản thế giới cần được xây dựng với các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể đo lường được về phương diện chất lượng và tính bền vững chứ không chỉ đơn thuần gói gọn trong các mục tiêu và chỉ tiêu về số lượng khách du lịch và doanh thu.

Nếu tiếp tục đơn thuần dựa trên các mục tiêu và chỉ tiêu về doanh số và doanh thu, nguy cơ ở đây là việc phát triển một loạt các cơ sở hạ tầng để tăng lượt khách mà coi nhẹ việc đánh giá tác động với khu di sản và tác động tới văn hóa địa phương hay sức chịu tải của khu di sản. Bởi mục đích sau cùng là đảm bảo không mất đi tính nguyên vẹn. 

Nếu các hoạt động phát triển tiếp tục được thúc đẩy trong khung kế hoạch ngắn hạn thiếu hợp lý thì trong dài hạn sẽ dẫn tới việc suy giảm nguồn khách có chất lượng và việc đảm bảo thực thi các quy định hành pháp sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi đã có tiền lệ, đôi khi sẽ dẫn đến những trường hợp chệch hướng khó sửa chữa để có thể trở về hiện trạng ban đầu.

Hoàng Nguyên
.
.