Tự hào sắc áo thể thao Công an nhân dân

Thứ Sáu, 20/12/2019, 09:36
SEA Games 30 đã khép lại với những thành tích rất đáng tự hào của thể thao Việt Nam nói chung, thể thao Công an nhân dân (CAND) nói riêng.

15h ngày 16-12, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) thể thao CAND đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 30 vừa qua. 

Tại buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các HLV, VĐV CAND và trao tặng bằng khen của Bộ Công an cho tập thể và các cá nhân đạt thành tích. Để có được những giây phút thăng hoa trong thể thao, các VĐV đã trải qua quá trình tập luyện và thi đấu không mệt mỏi để đem lại vinh quang cho Tổ quốc, rạng danh lực lượng CAND.

Nguyễn Văn Quyết: Trưởng thành từ chiếc nôi thể thao CAND

Với chiều cao nổi trội, thể lực tốt, cậu bé Nguyễn Văn Quyết từ những năm học tiểu học, trung học cơ sở đã có duyên với các giải thưởng thể thao khi liên tục đạt thành tích trong các hội khỏe Phù Đổng tổ chức ở địa phương. Khi đang là cậu học sinh lớp 9 Trường THCS Kim Chung, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội, Quyết được tuyển chọn để luyện tập và thi đấu thể thao. 

Chàng trai sinh năm 1997 này đã làm quen và gắn bó với bộ môn đấu kiếm từ đó cho đến nay và đạt được nhiều thành tích: Vô địch Đông Nam Á 2018; Huy chương Vàng U23 toàn quốc 2018; 2 Huy chương Đồng trong Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc. Và tại SEA Games 30 vừa qua, Quyết và đồng đội đã xuất sắc giành huy chương vàng bộ môn kiếm chém.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khen thưởng các huấn luyện viên, vận động viên CAND tham dự Sea Games 30.

Để chơi tốt được môn đấu kiếm, Quyết phải nắm vững bộ pháp, di chuyển nhanh, phản xạ tay, chân, mắt thật nhanh để tấn công và tránh được đường kiếm của đối phương. Sau một ngày luyện tập căng thẳng, dù có quần áo thi đấu bảo vệ nhưng cơ thể vẫn đầy những vết kiếm chém tím bầm. Tập ban ngày chưa đủ, nhiều hôm Quyết và đồng đội phải tự luyện tập vào buổi tối.

Trong thời gian tham gia SEA Games 30, sự thay đổi thời tiết đột ngột khi Hà Nội đang rất lạnh nhưng sang Philippines, tiết trời khá nóng khiến Quyết và đồng đội gặp khó khăn để thích nghi môi trường. Giao thông ở nước bạn khá đông đúc nên thời gian chờ xe, di chuyển từ khách sạn đến nhà thi đấu, làm thủ tục an ninh mất nhiều thời gian. 

Những VĐV như Quyết phải dậy thật sớm và trở về lúc tối muộn. Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Quyết luôn nhận được sự động viên kịp thời của người thân, bạn bè, của ban huấn luyện thể thao CAND. Nhờ thế, Quyết càng vững tâm thể hiện tài năng.

Ngày 6-12, chàng trai đến từ Thủ đô Hà Nội đã có những giây phút thi đấu căng thẳng khi phải trải qua 6 trận đấu. 

Cuối giờ chiều cùng ngày, sau trận chung kết giành chiến thắng trước đội Thái Lan, chiếc huy chương vàng đã về tay những chàng trai chơi ở thể thức thi đấu đồng đội nam kiếm chém. Và cả đội có 3 ngày ở lại Philippines cổ vũ cho các đội thi đấu trước khi lên máy bay về nước. 3 ngày đó với Quyết cũng hồi hộp không kém lúc lên sàn đấu. 

Nguyễn Văn Quyết thi đấu nội dung kiếm chém.

Trong trận chung kết, Quyết thi đấu trận thứ ba trong tình thế hai trận đầu đội nhà bị Thái Lan dẫn trước nên tâm lý khá căng thẳng. Quyết đã nhanh chóng giữ bình tĩnh để thi đấu và ghi điểm, vực dậy tỉ số cho toàn đội. Niềm vui vỡ òa khi Quyết đã sát cánh cùng đồng đội và giành chiến thắng, góp công lớn cho thành công của tuyển đấu kiếm Việt Nam.

Trong phút giây chiến thắng, Quyết nghĩ tới mẹ, muốn gọi điện ngay về báo tin cho mẹ - người đã luôn ở cạnh cậu con trai ngay cả khi con chưa đạt được thành tích, cũng như luôn dõi theo những giây phút vinh quang đứng trên bục cao nhất tại các giải đấu trong nước và quốc tế. Được ăn bữa cơm mẹ nấu khi về nước sau những ngày thi đấu vất vả là món quà quý giá đối với Quyết, khi anh phải thường xuyên tập luyện xa nhà.

Tại lễ tuyên dương, khen thưởng của Bộ Công an đối với HLV, VĐV thể thao CAND đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 30, Nguyễn Văn Quyết vinh dự thay mặt cho các VĐV, HLV CAND lên lan tỏa niềm vui, niềm vinh dự tự hào khi đã mang về cho thể thao nước nhà nói chung, thể thao CAND nói riêng những tấm huy chương quý giá. 

Trước mắt là những chặng đường dài vì màu cờ sắc áo truyền thống của thể thao CAND, Quyết và đồng đội đang quyết tâm bước vào những giai đoạn tập luyện mới, thi đấu giành thành tích cao nhất tại các giải quốc gia 2020, thi đấu tốt để giành quyền tham dự Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản, SEA Games 21 tại Việt Nam năm 2021 và tiến tới Đại hội Thể thao Toàn quốc lần thứ 9 năm 2022, góp phần giữ vững thành tích của một trong 10 đơn vị dẫn đầu đại hội của Thể thao CAND.

Hà Thị Nga: Ngã rẽ ngọt ngào với Judo

Trước khi là một VĐV Judo, Hà Thị Nga - cô gái sinh năm 1994, quê Bắc Giang đã gắn bó với bộ môn vật từ năm 2007. Từng là tuyển thủ quốc gia môn vật, đã có lúc Nga nghĩ rằng sẽ mãi gắn bó với bộ môn vật nếu như không gặp vấn đề cân nặng. Trọng lượng của cô liên tục tăng, mặc dù Nga đã thực hiện chế độ ăn uống, tập luyện rất nghiêm khắc để ép cân nhưng không thành công. Do cơ địa cùng sức phát triển của cơ thể quá đặc biệt nên mọi cố gắng đều không có kết quả. 

Vận động viên Hà Thị Nga (bên phải) trong một trận đấu Judo.

Với cân nặng trên 100kg lúc đó, Nga đã không thể đáp ứng đúng tiêu chuẩn khi hạng cân “khủng” nhất dành cho vật nữ là dưới 72kg. Phải rời thảm đấu vì lí do cân nặng, Nga đã rớt nước mắt vì tiếc nuối. Nhưng cuộc sống luôn có những ngã rẽ bất ngờ khi Nga vẫn giữ nguyên tình yêu và nhiệt huyết cho thi đấu thể thao. 

Cô bất ngờ bén duyên và thành công với Judo của Thể thao CAND từ tháng 3-2014. Khi đó, vì nhớ sàn đấu nên Nga thường đến hội vật ở các làng quê miền Bắc xem thi đấu rồi đăng ký dự tranh ở một số nơi có tổ chức nội dung cho nữ. Vẫn giữ phong độ của một tuyển thủ quốc gia, Nga đã trở nên nổi tiếng ở các hội vật khi liên tiếp giành chiến thắng. 

Cũng chính trong một lần tham gia đấu vật tại hội làng, các HLV của đội Judo CAND đang đi tuyển chọn lực lượng đã thấy khả năng của Nga phù hợp với Judo vì nếu môn vật khống chế cân nặng thì môn Judo không quy định mức cân nặng tối đa.

Các thầy thấy được ở Nga niềm khát khao được luyện tập và thi đấu nên đã đặc cách đưa Nga vào đội Judo CAND. Những ngày đầu tập luyện và thi đấu môn Judo, Nga gặp không ít khó khăn. Nhưng với quyết tâm cao độ cùng kiến thức và kĩ năng cơ bản tích lũy trong thời gian thi đấu môn vật đã giúp Nga làm quen và bắt nhịp được với các trận đấu Judo, bởi có nhiều kĩ thuật của môn Judo tương tự như môn vật nhưng khác về cách tính điểm, cách đánh. 

Suốt những năm qua, Nga đã miệt mài luyện tập và thi đấu và sở hữu bộ sưu tập huy chương đáng nể. Từ năm 2015 đến nay, Nga liên tiếp giành huy chương vàng, bạc tại các kì đại hội thể dục thể thao toàn quốc, cúp các câu lạc bộ toàn quốc, cúp quốc tế mở rộng cũng như các giải đấu khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Những thành tích mà Nga gặt hái được khi tham gia thi đấu Judo khiến cô tự tin hơn, luôn lạc quan nghĩ rằng phải luôn nỗ lực hết mình vì khi một cánh cửa đóng lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra.

Ở vòng loại Judo nội dung đối kháng đồng đội nữ tại SEA Games vừa qua, Nga thi đấu trận cuối nên chịu áp lực tâm lý rất lớn khi kết quả phần thi của cô sẽ quyết định việc được vào vòng chung kết của cả đội. Nga đã nỗ lực hết mình và giành thắng lợi. Chiến thắng này đã tạo đà cho cả đội giành huy chương vàng trong trận chung kết gặp tuyển Indonesia. Đó là sự đền đáp xứng đáng cho tinh thần vượt khó của cô gái vàng Judo này. 

Vì thời điểm đầu năm 2019, Nga bị chấn thương đầu gối trái. Nhưng với quyết tâm thi đấu tại SEA Games, không muốn huấn luyện viên lo lắng và làm ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu của toàn đội, Nga vẫn cố chịu đau, vừa điều trị, vừa kiên trì luyện tập. 

Trong suốt một thời gian dài, nữ VĐV này thường xuyên phải cần đến bó gối và băng keo hỗ trợ. Để có được thành công, không ít lần những giọt nước đã rơi trong buổi tập vì đau và quá mệt, những lúc nhớ bố mẹ mà không thể về thăm. 

Ngay cả khi sang Philippines, Nga bị say xe nên khoảng thời gian một giờ đồng hồ di chuyển trên xe từ làng VĐV đến nơi tập với Nga như một cực hình. Ngay sau đó phải tập luyện căng thẳng nên Nga đã bật khóc ngày trên sàn tập.

Thực đơn hằng ngày dành cho VĐV ở Philippines dường như cũng là một trở ngại đối với Nga và đồng đội. Do không hợp đồ ăn, lại mắc bệnh dạ dày - căn bệnh phổ biến của những VĐV nên Nga mang theo cả mỳ tôm, ruốc và đồ hộp chuẩn bị từ Việt Nam. 

Đêm trước ngày thi đấu, Nga hồi hộp đến mất ngủ, chỉ mong trời sáng để được lên sàn đấu. Cả khi ngồi trên khán đài cổ vũ cho đồng đội, những VĐV như Nga vẫn thấy hồi hộp và căng thẳng. Bởi họ luôn nghĩ sẽ thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của thể thao Việt Nam cũng như thể thao CAND. 

Với Nga và các VĐV Thể thao CAND, niềm tự hào và vui sướng dâng đầy khi họ đã nỗ lực và góp phần lập nên thành tích đáng tự hào. Nga và đồng đội sẽ tiếp tục tập luyện để thi đấu tại các kỳ thể thao sắp tới, hứa hẹn sẽ tiếp tục chạm tay tới những chiếc huy chương quý giá.

Trong kỳ SEA Games 30 tổ chức tại Philippines vừa qua, Đoàn Thể thao CAND đóng góp 1 huấn luyện viên và 7 VĐV tham gia tranh tài các nội dung thuộc 3 môn: Karate, Đấu kiếm và Judo. Đây đều là những HLV, VĐV tiêu biểu, xuất sắc của thể thao CAND.

Tất cả các VĐV của Đoàn Thể thao CAND thi đấu đều đạt huy chương: Nguyễn Văn Quyết (HCV môn Đấu kiếm); Hà Thị Nga (HCV môn Judo); Lưu Thị Thanh Nhàn (HCB môn Đấu kiếm); Phan Vũ Nam (HCB môn Judo); Đặng Hồng Sơn (HCĐ môn Karate); Sái Công Nguyên (HCĐ môn Karate).

Huyền Châm
.
.