Uẩn khúc vụ bạo hành học sinh gây xôn xao

Thứ Sáu, 11/10/2019, 10:16
Mấy ngày qua dư luận xã hội khá bức xúc về việc một cô giáo Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đánh nhiều học sinh lớp 2/11. Trước đó, do nghi ngờ cô giáo có hành vi bạo lực đối với con em mình, phụ huynh lớp này đã bí mật đặt camera trên tường phòng học và để liên tiếp trong 4 ngày từ 27 đến 30-8.

Những hình ảnh phản giáo dục

Clip ghi lại cảnh mỗi khi học sinh được gọi lên hỏi bài nếu nói sai hoặc không hiểu bài đều bị cô giáo véo tai, tát và chỉ tay vào mặt mắng chửi thậm tệ. Nghiêm trọng nhất  là trong ngày 30-8 có em trả lời sai bị cô dùng tay đánh vào người, véo tai ghì xuống rồi giật liên hồi.

Khi giảng bài, cô giáo cũng lớn tiếng quát nạt học sinh, tạo áp lực rất nặng nề trong lớp học. Có phụ huynh cho biết là khi con đi học về thấy quần ướt, hỏi mãi con mới nói bị cô giáo đánh sợ đến nỗi... tè ra quần. Xem clip có lẽ ai cũng xót. Những đứa trẻ mới 7 tuổi đã liên tục bị cô giáo bạo hành, mỗi ngày đến trường là một cực hình đối với các bé.

Chị Phạm Thị Thu Hường ở quận Tân Bình bức xúc nói: “Không thể chấp nhận được hành động đánh đập của cô giáo này. Không thể có học sinh nào giỏi đến mức làm bài đúng hết, đủ hết. Sao lại đánh các cháu?”.

Giáo viên véo tai học sinh (hình ảnh qua camera).

Vị phụ huynh này cũng tỏ ý lo ngại, liệu có bao nhiêu học sinh bị bạo hành hằng ngày mà chưa được phát hiện? Bạo hành học sinh có thể là nguyên nhân cho việc sau này các em sẽ có những hành động bạo lực trong cuộc sống. Tạo cảm giác đến trường dưới một áp lực nặng nề khiến học sinh sẽ khó mà tiếp thu kiến thức, từ đó sinh ra nhút nhát, sợ hãi, phụ huynh cũng hoang mang.

Anh Trần Thanh Tùng, một phụ huynh khác cho rằng: “Theo tôi cần thiết phải gắn camera trong phòng học tất cả các trường học, nhất là trường tiểu học và trung học. Ngoài việc nhà trường dễ dàng quản lý học sinh thì cũng là để phòng ngừa việc xấu xảy ra trong lớp học. Nếu có học sinh đánh nhau trong lớp cũng biết để kịp thời ngăn chặn. Chúng ta không thể để hậu quả đáng tiếc xảy ra rồi mới rút kinh nghiệm”.

“Đã không thương yêu trẻ, không có tấm lòng nhân hậu thì đừng làm giáo viên dạy các em, nhất là trẻ em. Học sinh làm bài sai hay không thuộc bài thì cô ta phải tìm cách hướng dẫn, chỉ bảo các cháu chứ không thể dùng bạo lực như vậy được. Cách giáo dục quá tiêu cực và chì chiết, dùng áp lực, mắng mỏ, quát nạt và đánh liên hồi để nhét chữ vào đầu học sinh được cho là phản giáo dục. Thầy cô giáo và nhà trường cần tạo môi trường giáo dục tích cực và khuyến khích để học sinh học tốt chứ không thể tạo sự nơm nớp lo sợ hằng ngày tới trường”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói.

Bà Đỗ Thị Sửu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết sự việc trên xảy ra vào đầu năm học. Khi phụ huynh tố cáo, nhà trường tiếp nhận sự việc và trình lên UBND quận. Hiện UBND quận đang thanh tra để xác minh sự việc, khi nào có kết luận chính thức, nhà trường sẽ thông báo. Cũng theo bà Sửu, ngay khi phát hiện sự việc, nhà trường đã tạm đình chỉ công tác giáo viên và phân công việc khác trong thời gian chờ kết quả kết luận thanh tra.

Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh cho biết theo báo cáo của UBND quận Tân Phú,  hiện vụ việc cũng đang được Sở xác minh. UBND quận Tân Phú đánh giá vụ việc mang tính “nhạy cảm” nên UBND quận phải kiểm chứng, xác minh kỹ đồng thời đã có chỉ đạo Phòng GD&ĐT quận báo cáo vụ việc trên.

Giáo viên có hành vi bạo lực với học sinh (hình ảnh qua camera).

Cô giáo thừa nhận hành vi đánh học sinh

Ngày 7-10, trong lời trần tình với một số báo chí tại thành phố Hồ Chí Minh, cô N.H.H. (người đánh học sinh trong clip - giáo viên chủ nhiệm lớp 2/11 của trường Tiểu học Phan Chu Trinh ở quận Tân Phú) đã thừa nhận hành vi đánh, véo tai học trò của mình là sai và cho biết đã gửi lời xin lỗi tới các phụ huynh trong lớp. Cô H. cho biết ngành giáo dục quy định giáo viên không được phép đánh học sinh, thậm chí việc dùng thước gỗ gõ lên bàn học sinh cũng không được phép vì âm thanh từ thước phát ra sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các em.

Tuy nhiên, cô H. cũng phân trần, cô gặp nhiều áp lực rất lớn từ đầu năm học tới nay. Học sinh trong lớp cô học tập không tập trung, hay ngồi nói chuyện. Do quá nóng vội cũng như lo lắng cho các em nên cô đã có những hành động phản giáo dục như thế (!?).

Phóng viên Chuyên đề ANTG làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh về việc cô giáo đánh học sinh.

Ngoài ra, cô H. cũng đặt vấn đề nghi ngờ việc gắn camera trong lớp học của cô là không phải do phụ huynh làm. Phụ huynh rất khó có thể vào lớp thực hiện được việc này. Trường có bảo vệ nghiêm ngặt, người ngoài không thể ngang nhiên vào lớp cô để lắp đặt camera được. Vậy ai lắp, tại sao lắp?

Cũng có nguồn tin cho biết, cô H. là người từng đứng ra tố cáo một số sai phạm trong công tác quản lý, điều hành nhà trường của bà Đỗ Thị Sửu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú. Cô H. cho biết từ năm 2017 đến nay, cô nhiều lần đấu tranh chống tiêu cực trong nhà trường, có làm đơn tố cáo một số sai phạm trong công tác quản lý, điều hành nhà trường của hiệu trưởng.

UBND quận Tân Phú có kết luận về một số vấn đề hiệu trưởng làm sai về tài chính. Tuy nhiên, việc xử lý mới ở mức độ thu hồi chứ chưa có hình thức khác. Vì thế, cô H. đang làm đơn tố cáo lên UBND thành phố. Trong lúc đó, đoạn video cô đánh học sinh được tung lên mạng. Cô H. nghi ngờ không phải phụ huynh gắn camera trong lớp học. Phụ huynh không thể dễ dàng vào trường lắp camera nếu như không có sự đồng tình của lãnh đạo nhà trường.

Cơ quan quản lý nói gì?

Thông báo 188/TB-UBND do bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND quận Tân Phú ký ngày 22-8-2019, có xác nhận việc cô H. tố cáo hiệu trưởng kê khai chứng từ, bảng kê phụ trội thêm giờ để trả lương cho giáo viên dạy hợp đồng các môn tin học, mỹ thuật là “đúng một phần”. Bên cạnh đó, cô H. cũng tố cáo hiệu trưởng vừa chi lương cho các trường hợp giáo viên của trường khi bị ốm đau, vừa lập hồ sơ lĩnh tiền bảo hiểm xã hội...

Đại diện cho Ban Giám hiệu nhà trường, bà Trần Thị Ánh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú cũng cho biết: “Sự việc đã được UBND quận Tân Phú giao thanh tra quận và thanh tra Phòng GD&ĐT xác minh. Hiện, nhà trường đã tạm thời đình chỉ công tác giảng dạy và phân công cô H. làm bộ phận học vụ của trường, phân công một giáo viên khác làm công tác chủ nhiệm lớp 2/11”.

Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, nơi xảy ra việc cô giáo đánh học sinh.

Trao đổi với PV Chuyên đề ANTG ngày 7-10, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó GĐ Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được thông tin vụ việc tại Tiểu học Phan Chu Trinh, đồng thời đã có công văn chỉ đạo nhà trường phối hợp thanh tra quận xác minh.

Bà Thu cũng cho rằng, Sở GD&ĐT thành phố không hề nhận được báo cáo từ cơ sở về việc cô giáo H. tố cáo những sai phạm của hiệu trưởng trường này trước đó mà chỉ nhận tin qua phản ánh trên báo chí. “Nếu chúng tôi nhận được báo cáo về những sai phạm của hiệu trưởng nhà trường thì đã không để vụ việc kéo dài.

Tuy nhiên, ở đây ta nên tách bạch 2 vấn đề: nếu cô giáo đánh học trò, vi phạm đạo đức nhà giáo thì sẽ xử lý theo quy định. Còn đơn thư phản ánh liên quan hiệu trưởng thì giải quyết xử lý theo quy trình. Riêng đoạn clip đưa lên mạng cho thấy cách hành xử của giáo viên H. như “trút giận lên học sinh” thì khó có thể chấp nhận”.

Vấn đề chống bạo hành học đường, ngành giáo dục thành phố đã có rất nhiều văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn, thậm chí ngay đầu năm học, trước lễ khai giảng, Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh đã có chỉ thị rất rõ ràng gửi tới các cơ sở giáo dục phổ thông nhắc nhở các giáo viên trong cách hành xử với học trò nhưng qua đoạn clip đăng tải trên mạng, ở góc độ quản lý của ngành, Sở GD&ĐT cũng không thể hiểu được lý do gì mà cô giáo H. lại có hành vi hành xử thô bạo như vậy với học trò. Sở GD&ĐT thành phố đã đề nghị thanh tra quận kiểm tra kỹ, đối chiếu các chứng cứ và có căn cứ sẽ xử sớm, xử lý nghiêm.

Nhiều học sinh lo sợ mỗi khi bị cô giáo này gọi lên (hình ảnh qua camera).

“Vì lý do gì đi chăng nữa, cô giáo đánh học sinh như vậy là không chấp nhận được. Thầy cô giáo phải coi học sinh như con cháu mình, phải có phương pháp giáo dục hiệu quả chứ không thể sử dụng bạo lực để dạy học sinh. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo rà soát tăng cường công tác chấn chỉnh công tác thực hiện quy định của thầy cô giáo cũng như nhà trường, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”, bà Thu nói.

Ngày 7-10, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Hội vừa có văn bản gửi Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh và Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phan Chu Trinh đề nghị xem xét xử lý vụ việc. Theo đó, hành động của cô giáo đánh học sinh như trong clip được cho là hành vi bạo lực trẻ em.

Luật Trẻ em 2016 có quy định: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”. Hội Bảo vệ quyền trẻ thành phố yêu cầu Sở GD&ĐT thành phố và Ban Giám hiệu nhà trường có hình thức xử lý thật nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Tại buổi làm việc với các cơ quan báo chí ngày 7-10, nhiều phóng viên đặt câu hỏi tại sao phụ huynh lại có thể dễ dàng vào trường lắp camera trong lớp học? Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phan Chu Trinh xin phép không trả lời và cho biết theo nội quy của trường, khi học sinh đã nhập học thì trường chỉ cho phụ huynh vào lớp ngày đầu tiên trong năm học để đưa đón các em tại lớp. Còn sau đó, phụ huynh không được lên lớp học mà sẽ đưa đón các em tại sân trường, mọi trao đổi với giáo viên đều diễn ra ở các phòng làm việc của ban giám hiệu và phòng tiếp dân.

"Quy định là như thế nhưng trong tuần đầu của năm học, nhà trường có tổ chức trang trí lớp vì phụ huynh có ủng hộ cho các lớp quạt, rèm cửa, ti vi. Do đó, tuần đầu chúng tôi tạo điều kiện cho phụ huynh vào lớp để lắp các vật dụng trên", bà Trần Thị Ánh Tuyết cho biết.

Huyền Nga - Nguyễn Cảnh
.
.