Tọa đàm “Vấn nạn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông - Hậu quả và xử lý”:

Vạch mặt sát thủ sau tay lái

Thứ Hai, 03/06/2019, 14:26
Phía sau những cái chết thảm thương và đột ngột vì tai nạn giao thông (TNGT) là nỗi đau xé lòng của người thân cùng tâm lý bàng hoàng, bất an của cộng đồng. Trong số những vụ TNGT thương tâm đã xảy ra, rượu bia và các chất kích thích mạnh khác được coi là sát thủ giấu mặt phía sau tay lái, bởi chúng luôn là tác nhân dẫn đến sự hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển phương tiện của tài xế.

Cuộc tọa đàm “Vấn nạn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông - Hậu quả và xử lý” do Báo Công an nhân dân (CAND) tổ chức sáng ngày 31-5-2019, với khách mời là các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông và các đại biểu công an, y tế... đã đưa ra những đánh giá đa chiều về hậu quả tác hại của rượu bia và các chất kích thích đối với trật tự an toàn giao thông cùng các giải pháp nhằm giải quyết vấn nạn này.

Các đại biểu, khách mời cùng các phóng viên tại buổi tọa đàm trực tuyến.

1. TNGT là vấn đề nhức nhối của xã hội. Theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2018 toàn quốc xảy ra hơn 18.700 vụ (giảm trên 1.300 vụ so với năm 2017) làm hơn 8.200 người chết (giảm 35 người) và khoảng 14.800 người bị thương (giảm hơn 2.200 người). Trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra 52 vụ TNGT và khiến 23 người tử vong. 80% số vụ TNGT xảy ra trên đường bộ, còn lại là đường sắt và đường thủy. Quý I/2019 (tính từ ngày 16-12-2018 đến 15-3-2019), cả nước xảy ra 4.030 vụ TNGT, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người; riêng tháng 3/2019, xảy ra 1.208 vụ, làm chết 549 người, bị thương 972 người.

Đó là lý do khiến cuộc tọa đàm “Vấn nạn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông - Hậu quả và xử lý” do Báo CAND tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài lực lượng công an, cùng lượng độc giả theo dõi trên fanpage của Báo CAND.

Tham dự buổi tọa đàm có ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; TS Đỗ Mạnh Hùng, Khoa Phẫu thuật cột sống Bệnh viện Việt - Đức; Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an.

Về phía Cục Truyền thông CAND và Báo CAND có: Đại tá Phạm Quang Khải, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Phó Tổng Biên tập Báo CAND; Đại tá Trần Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Phó Tổng Biên tập Báo CAND. Cùng tham gia buổi giao lưu trực tuyến còn có các đồng chí lãnh đạo và cán bộ phóng viên Báo CAND, phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài lực lượng CAND.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban an toàn giao thông quốc gia.

Thay mặt đơn vị tổ chức, Đại tá Phạm Quang Khải cho biết buổi tọa đàm có mục tiêu nhằm góp phần nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc chấp hành pháp luật về giao thông; làm rõ những vấn đề bất cập trong quá trình xử lý vi phạm để hạn chế thấp nhất các vụ TNGT liên quan đến tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích. 

Mở đầu cuộc tọa đàm, những vụ TNGT thảm khốc có nguyên nhân từ việc tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích mạnh đã được viện dẫn để minh chứng cho sự nguy hại của tình trạng này. Điển hình như vụ xe container đâm hàng loạt người và xe máy đang dừng chờ đèn xanh tại ngã tư Bình Nhật (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) ngày 2-1-2019. Kết quả xét nghiệm cho thấy tài xế dương tính với ma túy và có nồng độ cồn cao trong máu.

Vào ngày 21-1-2019, trên Quốc lộ 5 (thuộc địa bàn xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương), xe tải BKS 29C-719.53 đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang làm 8 người tử vong, nhiều người bị thương. Tài xế sau đó được xác định dương tính với ma túy đá Methaphetamin... Tại Hà Nội cũng đã xảy ra một số vụ tai nạn thương tâm. Mới nhất là rạng sáng 1-5-2019, tại khu vực hầm đường bộ Kim Liên, tài xế ô tô Mercedes đã đâm từ phía sau vào xe máy của hai phụ nữ, khiến cả hai tử vong.

Người điều khiển ô tô Mercedes là Lê Trung Hiếu (39 tuổi, trú tại phố Văn Cao, quận Ba Đình, Hà Nội) sau đó khai nhận tại Cơ quan công an: Tối 30-4, anh ta đã uống bia rượu với bạn bè tại một quán trên phố Thợ Nhuộm. Sau khi đưa một người bạn về nhà, Hiếu đi tới hầm Kim Liên thì gây tai nạn...

Những vụ TNGT kinh hoàng nói trên là con số nối dài thêm danh sách những vụ tai nạn dưới tác động của rượu bia, chất kích thích mạnh khác, đã và đang xảy ra ở nước ta. Ước tính, mỗi năm người dân Việt Nam đã tiêu tốn khoảng 3 tỷ đô la vào bia, rượu. Theo kết quả điều tra diện rộng của Bộ Y tế vào tháng 1/2016, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỉ lít (năm 2010 là 2,4 tỉ lít) và 70 triệu lít rượu có nhãn mác, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu trong dân. Chưa phải là quốc gia giàu có nhưng thuộc hàng “top ten” về thành tích sử dụng bia rượu thì đó quả là một loại thứ hạng đáng để mỗi người phải suy nghĩ.

Trong văn hóa ẩm thực của người Việt từ bao đời nay, rượu là thức uống không thể thiếu trong các lễ nghi thờ phụng tổ tiên, thần thánh, lễ hội, trong các kỳ cuộc gặp gỡ, cưới xin, ma chay. Ngày nay, trong một xã hội công nghiệp nhưng thói quen sử dụng rượu bia của người Việt vẫn không có sự thay đổi so với “thời các cụ” mà còn có xu hướng ngày một gia tăng. Người ta lý giải sự cần thiết phải nạp vào cơ thế những chất kích thích này, bởi công việc, bởi thù tạc tiếp đãi bầu bạn, bởi chia sẻ buồn vui...

TS Đỗ Mạnh Hùng, Bệnh viện Việt - Đức Hà Nội.

Theo thống kê của Cục CSGT Bộ Công an về số vụ TNGT có liên quan đến người có nồng độ cồn cao qua từng năm như sau: năm 2014 - 3,74%, 2015 - 4,44%; 2016 - 3,5%; 2017 - 2,16%; 2018 - 3,36%. Như vậy, bia rượu, chất kích thích đã trở thành “kẻ sát nhân” giấu mặt. Chưa bao giờ, tác hại của việc lạm dụng rượu bia lại trở thành vấn đề “nóng” về sức khỏe, kinh tế-xã hội, an ninh trật tự xã hội đáng báo động như hiện nay.

2. Tại cuộc tọa đàm, đánh giá về tình trạng tài xế sử dụng rượu bia, ma túy khi tham gia giao thông, gây TNGT, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết: “Tính từ đầu năm 2019 đến nay, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT lập nhiều chuyên đề có liên quan, trong đó có chuyên đề liên quan đến xử lý lái xe sử dụng rượu bia trái phép được đặc biệt quan tâm và thường xuyên. Đến nay đã xử lý 55 nghìn lái xe vi phạm quy định về rượu bia.

Qua phân tích, người điều khiển mô tô xe máy là nhiều nhất, tiếp đến là ô tô cá nhân. Khung giờ vi phạm “sau giờ trưa” có diễn biến phức tạp. Biểu hiện rõ nhất, nhìn vào bãi xe của các nhà hàng hiện nay, xe cá nhân đến các quán rất nhiều, các đám hiếu hỷ, các cuộc liên hoan có sử dụng lượng rượu bia tương đối cao...

Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT.

Lực lượng CSGT làm căng mình. 55 nghìn trường hợp trong 6 tháng đầu năm tương đương với 70% tổng số vụ năm 2018. CSGT chỉ là khúc cuối trong vấn đề kiểm soát rượu bia, đồng thời nhấn mạnh đến việc tăng cường nhận thức của người tham gia giao thông, nhận thức của xã hội, các chế tài có liên quan. Mong rằng trong thời gian tới sẽ giải quyết mang tính hệ thống”.

Trước những vụ TNGT thảm khốc xảy ra mới đây do lái xe sử dụng chất kích thích, nhiều độc giả đặt câu hỏi liệu có nên bổ sung hình thức phạt tước giấy phép lái xe (GPLX) vĩnh viễn đối với những lái xe vi phạm hay không.

Về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng nêu quan điểm: “Đề xuất tước GPLX vĩnh viễn, tôi nghĩ chỉ đồng tình với một số trường hợp. Ví dụ như đối tượng kinh doanh vận tải tái phạm nhiều lần, gây tai nạn, gây chết người thì tước quyền lái xe kinh doanh vận tải vĩnh viễn. Còn tước quyền lái xe cá nhân thì xem xét. Có ý kiến cho rằng, phạt lao động công ích với vi phạm nồng độ cồn cũng là một chế tài nên xem xét.

Nếu nâng mức xử phạt liên quan tài chính có thể phát sinh phức tạp. Nên có thể đổi chế tài thành lao động công ích, chẳng hạn như buộc người vi phạm vào Bệnh viện Việt - Đức phục vụ người bị TNGT do người khác vi phạm nồng độ cồn gây ra. Tôi nghĩ, có người sẵn sàng nộp phạt nhiều tiền nhưng nếu phải vào bệnh viện để làm những việc như thế họ sẽ rất ngại và sẽ không tái phạm. Ở một số nước, người vi phạm nồng độ cồn bị phạt và cả người cung cấp cồn, người ngồi cạnh cũng bị phạt. Chúng ta nên xem xét vấn đề này”.

Chia sẻ với nỗi đau của nạn nhân các vụ TNGT có liên quan đến rượu bia, chất kích thích, TS Đỗ Mạnh Hùng nói: “Những bệnh nhân TNGT đến bệnh viện với nhiều tổn thương khác nhau, trong đó nhiều nhất là chấn thương sọ não, chảy máu, tụ máu ngoài màng cứng, hôn mê. Tiếp đến là những tổn thương vỡ tạng trong cơ thể, như chấn thương gan, chấn thương lá lách, gãy chi. Bên cạnh đấy là số lượng bệnh nhân chấn thương cột sống cổ, thắt lưng...

Khi tiếp nhận, thực sự nó như một nỗi đau của người bệnh, mỗi khi đến bệnh viện thấy người nhà bệnh nhân vật vã, đau đớn khóc, đôi lúc chúng tôi không dám nhìn mà chỉ cần nghe thoáng qua tiếng khóc của gia đình bệnh nhân thì cũng đã cảm nhận đây là hoàn cảnh thương tâm. Nỗi đau đấy vượt qua cả những kiểm soát về cảm xúc thông thường. Cái làm chúng tôi day dứt, ám ảnh nhất là tiếng khóc, không nhìn cũng cảm nhận được vô cùng thương tâm”.

Về tác hại của rượu bia đối với sức khỏe của tài xế, TS Đỗ Mạnh Hùng phân tích: “Như chúng ta biết, rượu bia là chất có hại, đặc biệt là với tinh thần ảnh hưởng đến thể chất thể dịch, trong ngành y là “nhiễm độc”. Đầu tiên là giảm phản xạ của người uống rượu bia. Tiếp đến là giảm sự phối hợp giữa các cơ quan, chức năng trong cơ thể. Sự tập trung chú ý quan sát cũng bị giảm sút. Tầm nhìn của lái xe cũng sẽ bị giảm do mắt bị mờ hay cử động của mắt cũng hạn chế, sự bao quát tầm nhìn giảm sút. Giảm sự phán đoán của người tham gia giao thông. Cảm giác “hưng phấn” hay “kích thích” như độc giả vừa nói đều là do tác động lên thần kinh, dẫn đến sự manh động và nguy cơ gây TNGT”.

3. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia có những kiến nghị về việc tuyên truyền tác hại của sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. TS Đỗ Mạnh Hùng nói: “Thứ nhất, nên chăng xem xét việc quảng cáo rượu bia trên các phương tiện thông tin đại chúng hay trên các sản phẩm rượu bia. Thứ hai, có thể xem xét việc tăng thuế các sản phẩm về rượu bia, góp phần giảm thiểu việc sử dụng chất có cồn, giảm thiểu nguy cơ gây TNGT. Thứ ba, cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất bia rượu, đặc biệt là các sản phẩm rượu bia thủ công, tránh nồng độ cồn quá cao, gây ngộ độc.

Cuối cùng, Bộ Giao thông - Vận tải cần có những phương án đề xuất khuyến khích người dân sử dung các phương tiện giao thông công cộng, giảm thiểu nguy cơ tai nạn”.

Còn theo ông Khuất Việt Hùng thì các cơ quan truyền thông nên từ chối toàn bộ quảng cáo liên quan đến rượu bia, kể cả rượu bổ. Thứ hai là tuyên truyền về tác hại của rượu bia đối với sức khỏe và dành sự ưu tiên xứng đáng cho việc này. Đề nghị cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền tác hại của rượu bia và nỗi đau do lạm dụng rượu bia. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền, nhấn mạnh tính nhân văn trong việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ pháp luật, đặc biệt là lực lượng CSGT.

Đại tá Đỗ Thanh Bình kiến nghị: “Theo tôi, thời gian tới, cơ quan truyền thông cần khách quan, nhanh chóng, kịp thời, liên tục có những chuyên đề chuyên sâu phản ảnh từ việc chấp hành đến khả năng thực thi các quy định pháp luật và đa dạng các chỉ dẫn để mọi người có cái nhìn khách quan về vấn đề này, đặc biệt là tác hại của việc sử dụng rượu bia đối với xã hội”.

Đào Trung Hiếu
.
.