Vai diễn "bà Cố vấn" làm thay đổi cuộc đời nữ nghệ sĩ

Thứ Tư, 22/04/2015, 14:30
Nữ nghệ sĩ solist của Nhà hát kịch Hà Nội, minh tinh màn bạc, mỹ nhân chốn Hà thành, hay Trần Lệ Xuân là những cái tên người ta gọi và đặt cho NSND Minh Hòa. Đã 20 năm qua khi bộ phim “Ông cố vấn” chiếu trên truyền hình, khán giả cả nước vẫn gọi nữ nghệ sĩ bằng tên Trần Lệ Xuân, người đàn bà có ảnh hưởng lớn trong chính quyền Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng hòa (VNCH).

Da vẫn trắng nõn nà, mũi dọc dừa cao thẳng tắp, đôi môi như cánh hoa nở e ấp và sức hút của đôi mắt còn phi thường hơn thế, biến hóa khôn lường. Lúc dữ dội, khi dịu êm. Lúc mượt mà như làn nước, lúc lại cháy bỏng ầm ào như bão. Một thân hình vẫn đủ sức nóng tràn đầy thanh tân dù rằng chị đã bước vào tuổi 50.

Khi tôi cùng chị bước vào quán cà phê, cô chủ quán đã vội nhìn chị reo mừng: "Ôi, Trần Lệ Xuân vẫn trẻ và đẹp như ngày nào…". Rồi cô chủ quán tíu tít như trẻ con bắt được quà, xin chụp ảnh kỷ niệm. Khi chỉ còn tôi với chị, chị gọi một cốc chanh tươi cho vài viên kem. Chị múc kem sang ly nước hoa quả của tôi và bảo tôi thử xem mùi vị của nó tuyệt như thế nào. Hai chúng tôi thưởng thức kem bên cạnh ô cửa sổ và ngoài kia là một bầu trời Hà Nội đầy nắng.

NSND Minh Hòa.

Chị sinh ra và lớn lên ở đất này, nơi trái tim của cả nước. Mặc dù, vừa qua bao nhiêu chuyện khiến người con Hà Nội nặng lòng, từng hàng cây góc phố quen thuộc, người ta xẻ thịt, lột da cây, còn chị, chị yêu cái màu xanh cây cỏ đến vô cùng. Từng con đường hàng cây góc phố quen thuộc, như chứng tích của thời gian, của tuổi thơ và chứng kiến những bước đi trưởng thành của chính mình. Chị yêu màu xanh cây cỏ nên ở nhà  chị treo những giỏ hoa xanh mướt mát, và ngay cả ngồi trò chuyện với tôi, dưới nước da trắng ngần là một tấm khăn lụa xanh dịu mát khẽ bay bay trong làn gió nhẹ. Chị bảo chị thích quàng khăn. Khăn với chị như một người bạn đồng hành. Chị có khăn cho cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Lúc này, cận kề bên cạnh, tôi lại kịp ngắm kỹ nhan sắc lồng lộng một thời của người từng thủ vai "Trần Lệ Xuân", mỹ nhân đài các kiêu sa của VNCH, bà phu nhân đầy quyền lực của cố vấn Ngô Đình Nhu, em dâu của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Mới đó mà đã 20 năm, năm 1994, Minh Hòa lúc đó mới 30 tuổi, một duyên may đến với chị khi  vượt qua bao ứng cử viên để rồi vào vai Trần Lệ Xuân một cách nhuần nhị nhất. Khi bộ phim "Ông cố vấn" bắt đầu chiếu trên màn ảnh truyền hình thì nữ nghệ sĩ đi ra đường người ta trầm trồ gọi chị là "Lệ Xuân". Chị thấy vui.

Chị hồi sinh từ vai diễn, hoặc vai diễn làm hồi sinh chị. Hay cả hai hòa chung là một. Chị sinh ra để chọn nghiệp này, kiếp này làm nghề diễn. Với một người nghệ sĩ có khi cả đời chỉ cần đóng đinh mình với một vai diễn là đã thấy may mắn, hạnh phúc lắm rồi. Nhưng với chị, may mắn ấy nhiều hơn, chị đi qua các vai diễn như người ta vào một vườn hoa rực rỡ sắc hương và an tâm thưởng thức vị thơm mát của các loài hoa lạ. Mỗi một nhân vật đều có dấu ấn riêng, nhưng vai Trần Lệ Xuân gắn với tên tuổi của nữ nghệ sĩ hơn cả, vượt quá sức tưởng tượng của chị về vai diễn.

Như đã nói, Minh Hòa có tố chất để đóng một vai diễn phải hội đủ cả ba yếu tố: nhan sắc, tính cách, tố chất để vào vai Trần Lệ Xuân. Cả Trần Lệ Xuân và Minh Hòa đều sinh ra ở Hà Nội, "bà cố vấn thời VNCH có vẻ đẹp sắc sảo, gợi cảm, cũng khá chuyên quyền và đầy nữ tính. Minh Hòa thì biến hóa khôn lường khi khuôn mặt ánh lên nét thơ ngây vô tội, khi ánh mắt ấy lại sắc lẹm như dao cau, có vẻ như âm mưu nghĩ gì thì có trời mới biết được. Trước một nhân vật nữ đầy quyền lực trong một giai đoạn khó quên của lịch sử, một nhân vật mà khi nhắc đến tên, gần như không ai là không biết, nhất là với người dân sống trong chế độ cũ ở miền Nam, Minh Hòa ngày đêm thao thức cùng nhân vật.

Trước khi bấm máy quay, nhà văn Hữu Mai đã đưa cho chị rất nhiều tư liệu về Trần Lệ Xuân để tham khảo, từ tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, truyện lịch sử, và cả những tình tiết lịch sử có thật. Minh Hòa ngốn ngấu đọc, trong trí tưởng tượng phong phú của chị, người đàn bà quyền lực hiện lên ngày một rõ rệt, đầy đủ với những nét tính cách phức tạp, đa chiều.

Đến ngày bấm máy quay, hôm nào chị cũng dậy từ 5 giờ sáng. Cách đây 20 năm, dụng cụ làm đẹp cũng chưa tân tiến như bây giờ, ngày nào cũng hết đến hơn nửa chai gôm lên tóc rồi đêm về gội đầu, tóc rụng từng nắm. Trần Lệ Xuân ngoài đời hòm vàng khóa bạc, hột xoàn, kim cương, váy áo nhiều vô kể. Còn nữ diễn viên theo đoàn làm phim tùng tiệm, đến đồ ăn cũng chỉ toàn đạo cụ, trưng ra để làm cảnh. Để rồi đến lúc diễn xong cũng chỉ ăn suất cơm như mọi người khác trong đoàn.

NSND Minh Hòa và NSND Hoàng Dũng.

Cách đây 20 năm, ngành thời trang của ta cũng chưa phát triển rực rỡ như bây giờ, chứ nếu không khi vào vai này, chị sẽ tha hồ mà lựa chọn váy áo do các nhà thiết kế thời trang cấp tập chuẩn bị may đo miễn phí. Nhưng rồi, với vóc dáng thanh tú và khuôn mặt khả ái, khả năng diễn xuất biến hóa linh hoạt Minh Hòa vẫn đài các, kiêu sa, sắc sảo với vai người đàn bà quyền lực Trần Lệ Xuân.

Sau thành công vang dội vai diễn Trần Lệ Xuân, Minh Hòa có cả một bộ sưu tập các vai từ phản diện đến chính diện. Khi hiền thì hiền đến độ đáng thương, khi ghê thì cũng ghê đến độ đáng sợ. Cậu con trai duy nhất của chị nói với mẹ: "Bạn con không dám đến nhà vì kêu thấy mẹ trên truyền hình ác lắm". Rồi con chị bảo: "Từ giờ có vai nào hiền thì mẹ nhận, chứ mẹ đừng đóng vai ác nữa".

Cách đây mấy năm hay tin Trần Lệ Xuân qua đời, mặc dù chưa một lần tiếp xúc với bà ngoài đời thực, nhưng số phận quá đặc biệt cũng như cuộc đời chìm nổi lênh đênh của bà gắn liền với lịch sử và chị đã từng hóa vai vào bà khiến cho nữ nghệ sĩ lòng rưng rưng thương cảm. Minh Hòa là nghệ sĩ đa tài, đa cảm, chị không thể không man mác buồn khi đứng trước một kiếp người, mà kiếp người đó đã dính đến nghiệp diễn của chị, và vai diễn đó đã làm thay đổi cuộc đời chị. Như hôm nay, đã 20 năm qua đi, mà người ta vẫn gọi chị là Trần Lệ Xuân như ngày nào.

Minh Hòa lại nhìn ra ngoài ô cửa nhỏ, nắng xôn xao và dòng người tấp nập. Đâu đó thi thoảng trên con phố bắt gặp người ta chở những bó hoa loa kèn. Tháng 4 là mùa hoa loa kèn, Trần Lệ Xuân cũng mất vào tháng hoa loa kèn nở năm 2011. Chị bảo: "Âu cũng qua một kiếp người".  Giờ đây, chị với cương vị Phó giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội tất bật lo chọn kịch bản, hào hứng bồi da đắp thịt  cho vở diễn để đưa lên sân khấu.

Một vở diễn quy tụ 100 diễn viên trên sân khấu mà chị đặt tác giả Phạm Văn Quý để khắc họa một trang sử hào hùng của những người con Hà Nội vào mùa đông năm 1946. Vở kịch mang tên "Những người con Hà Nội". Nói về vở diễn này Minh Hòa lại dâng trào cảm xúc, từng được xem chị đóng vai một trong những người con Hà Nội trong ngày Toàn quốc kháng chiến của vở kịch này cùng dàn diễn viên của Nhà hát kịch Hà Nội, rừng rực một ngọn lửa đam mê đầy nhiệt huyết.

Vở kịch tái hiện không khí của thủ đô năm 1946. Tinh thần đó đã đi vào sử sách  như một bản anh hùng ca tráng lệ về một cuộc chiến không cân sức, quân và dân ta với vũ khí thô sơ và ít ỏi chống lại quân thiện chiến của Pháp với vũ khí hiện đại, tối tân. Cuộc chiến dữ dội, khốc liệt ấy đã diễn ra trong 60 ngày đêm đầy khói lửa. Tình yêu say đắm, nặng lòng của người Hà Nội với thành phố, với thủ đô, với trái tim cả nước, như được nhân lên, những mảnh đời, những cảnh ngộ của số phận, những mái ấm của gia đình, tình bạn, tình yêu, tất cả đều hòa chung một nhịp đập thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Minh Hòa và dàn diễn viên của nhà hát diễn xong ở buổi tổng duyệt đến khi ra chào mọi người tiếng vỗ tay không ngớt.

Đạo diễn truyền hình Đỗ Thanh Hải lặng đi vì xúc động, anh chạy đến nói với đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang rằng đã lâu lắm anh mới được xem một vở diễn hay và ý nghĩa đến thế. Lúc này, Minh Hòa như được bay bổng đến chín tầng mây. Vở diễn được yêu mến. Các nhân vật được yêu mến.

Do công việc tất bật ở nhà hát, thi thoảng chị mới đóng phim, tất nhiên là những vai nào chị thấy hợp. Còn thời gian rảnh chị đi lồng tiếng. Bao nhiêu năm nay vẫn dáng kiêu sa ngày nào, nước da trắng mịn, chị là gương mặt khó thay thế ở lĩnh vực sân khấu hay truyền hình.

Hơn 30 năm làm nghệ thuật, đóng đinh vào vô số vai diễn để đời, chị cười bảo nếu người nghệ sĩ khác không đóng phim họ còn có nhiều việc để làm, còn chị nếu không đóng phim, diễn kịch nữa, bỏ cái nghiệp diễn chị sẽ không biết làm gì. Chị sinh ra đã thuộc về nơi này, chốn này. Cũng vì quá đam mê nghiệp diễn mà chị chỉ sinh một cậu con trai, đến khi muốn sinh thêm thì đã quá tuổi sinh nở. Nhưng, giờ đây, tất cả đã viên mãn, tổ ấm nhỏ đó với những  giàn cây xanh mướt mát, nữ nghệ sĩ vẫn không ngừng mơ mộng… Nghệ sĩ mà, không lãng mạn bồng bềnh đâu còn là nghệ sĩ nữa, đúng không.

Chúng tôi chia tay nhau, chị lại lên xe ôtô bon bon trên con đường ngập nắng. Hoa loa kèn nở trắng gọi hè về.

Trần Mỹ Hiền
.
.