Vấn đề bản quyền trong vụ kiện giữa Google và Oracle

Thứ Ba, 13/04/2021, 11:36
Tòa án Tối cao Mỹ đã đứng về phía Google trong một quyết định quan trọng mà một số chuyên gia pháp lý ca ngợi là một chiến thắng cho các lập trình viên và người tiêu dùng. Tòa án đã phán quyết rằng Google không vi phạm luật bản quyền khi đưa các phần của mã lập trình Java của Oracle vào hệ điều hành Android của mình - chấm dứt cuộc chiến pháp lý trị giá hàng tỷ USD kéo dài một thập niên qua.


Cuộc chiến pháp lý kéo dài

Vụ việc bắt đầu từ năm 2005, khi Google đưa khoảng 11.500 dòng lệnh từ giao diện lập trình ứng dụng (API) vào hệ điều hành Android dành cho thiết bị di động của họ. API là một công cụ mà một hệ thống máy tính hay ứng dụng cung cấp để cho phép các yêu cầu dịch vụ có thể được tạo ra từ các chương trình máy tính khác và/hoặc cho phép dữ liệu có thể được trao đổi qua lại giữa chúng. Java API đã được phát triển bởi Sun Microsystems, được Oracle mua vào năm 2010.

Oracle đã đệ đơn kiện Google vào cuối năm đó, yêu cầu bồi thường thiệt hại lên tới 9 tỉ USD. Google cho rằng, việc họ sử dụng mã lệnh đó tuân theo học thuyết về “Sử dụng hợp lý” - học thuyết pháp lý cho phép bạn có thể tái sử dụng tài liệu được bảo vệ bản quyền trong một số trường hợp nhất định. Một tòa án liên bang đã ra phán quyết có lợi cho Oracle vào năm 2018, quyết định rằng việc sử dụng công nghệ của Google là bất hợp pháp.

Tòa án Tối cao Mỹ đã lật lại quyết định đó hôm 5-4 với tỷ lệ bỏ phiếu 6-2, với thẩm phán Clarence Thomas và Samuel Alito không đồng ý. Thẩm phán Amy Coney Barrett đã không tham gia vì bà vẫn chưa có mặt tại tòa khi vụ án được tranh luận hồi tháng 10-2020.

Jeanne Fromer, giáo sư luật bản quyền tại Trường Luật Đại học New York, lập luận rằng phán quyết này có nghĩa là chủ sở hữu bản quyền đối với phần mềm “không thể duy trì độc quyền đối với các khía cạnh giao diện quan trọng” và những khía cạnh đó có thể được sử dụng bởi cả người dùng và lập trình viên để dễ dàng chuyển đổi giữa các sản phẩm. Fromer nói: “Điều này là rất có ý nghĩa đối với một ngành công nghệ sôi động luôn tiếp tục đổi mới. Trên thực tế, đó là nền tảng giúp ngành công nghệ được xây dựng từ lâu... nếu [thông lệ] này bị cấm thì chúng ta ngày nay sẽ không thể có nhiều phát minh dựa trên các khía cạnh cơ bản của phần mềm”.

Câu hỏi về bản quyền

Tòa án đã không đưa ra phán quyết về vấn đề lớn hơn là liệu bộ mã được đề cập có thể được đăng ký bản quyền hay không. Thay vào đó, thẩm phán StephenBreyer đã viết: “Tòa án cho rằng những dòng lệnh được sao chép có thể được đăng ký bản quyền”, vì vậy tòa án có thể tập trung vào việc liệu Google có hành động bất hợp pháp hay không. Peter Menell, giáo sư luật bản quyền tại Đại học California tại Trường Luật Berkeley cho rằng, phán quyết về tình trạng bản quyền này "sẽ cung cấp một cơ sở rõ ràng hơn cho các nhà phát triển phần mềm”, đồng thời nó cũng "cung cấp một số đảm bảo" cho những người muốn sử dụng cách tiếp cận tương tự để phát triển các sản phẩm”.

Thẩm phán Breyer cho rằng việc Google sử dụng Java API, “chỉ bao gồm những dòng lệnh cần thiết để cho phép các lập trình viên sử dụng trong một chương trình mới và mang tính chuyển đổi”, được bảo vệ theo học thuyết “sử dụng hợp lý”. Java là một trong những ngôn ngữ lập trình được sử dụng rộng rãi nhất vào thời điểm đó và Google đã sao chép các dòng lệnh để “cho phép hàng triệu lập trình viên quen thuộc với ngôn ngữ lập trình Java làm việc với nền tảng Android mới của họ”.

11.500 dòng lệnh này chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng số mã Java - với tổng cộng khoảng 2,86 triệu dòng lệnh. Và trong khi Java ban đầu được sử dụng nhiều nhất trên máy tính để bàn và máy tính xách tay, Google đã sử dụng API để tạo ra một hệ điều hành di động hoàn toàn mới - và cuối cùng phổ biến rộng rãi - mà thẩm phán Breyer cho là “có thể biến đổi”.

Tuy nhiên, thẩm phán Thomas đã chỉ trích tòa án vì đã né tránh điều mà ông cho là câu hỏi lớn hơn. Ông viết: “Tòa án đã bỏ qua câu hỏi chính mà chúng tôi được yêu cầu trả lời: Bộ mã đó có được bảo hộ quyền tác giả không? Bằng cách sao chép công việc của Oracle, Google đã phá hủy thị trường của Oracle và tạo ra một hệ điều hành di động hiện có trên 2,5 tỷ thiết bị đang hoạt động. Lẽ ra những tác động này có thể có đối với thị trường tiềm năng của Oracle”.

Đáp lại phán quyết hôm 5-4, Dorian Daley, Phó Chủ tịch điều hành kiêm luật sư trưởng của Oracle, cho biết trong một tuyên bố rằng "Nền tảng Google ngày càng lớn hơn, sức mạnh thị trường lớn hơn và khả năng cạnh tranh thấp hơn. Họ đã đánh cắp mã lệnh của Java và dành cả thập niên để kiện tụng. Hành vi này chính là lý do tại sao các cơ quan quản lý trên toàn thế giới và ở Mỹ đang kiểm tra các phương thức kinh doanh của Google”.

Trong khi đó, Google gọi phán quyết này là “một chiến thắng cho người tiêu dùng, khả năng tương tác và khoa học máy tính”. Google khẳng định: “Quyết định này mang lại sự đảm bảo về mặt pháp lý cho thế hệ nhà phát triển tiếp theo, những người có sản phẩm và dịch vụ mới sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng”.

Lori Andrews, giáo sư luật tại Đại học Luật Chicago-Kent, cho rằng mặc dù là tin tốt cho các nhà phát triển đang tìm kiếm khả năng tương tác hơn nữa của các chương trình, nhưng phán quyết cũng có thể giúp ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, phán quyết này không nhất thiết có nghĩa là phần mềm được phát triển theo cách tương tự sẽ luôn được bảo vệ trong điều kiện sử dụng hợp pháp.

Giáo sư Menell cảnh báo: “Với bản chất cụ thể của thực tế áp dụng học thuyết sử dụng hợp lý, hiện vẫn có một số rủi ro rằng các nỗ lực xây dựng sản phẩm mới có thể bị coi là không có khả năng chuyển đổi”.

Giáo sư Fromer cho rằng việc sử dụng lại một số khía cạnh của API cũng là một thực tiễn “lâu đời” trong ngành công nghiệp phần mềm và nó giải thích cho “một số thành công lớn” của ngành vì nó “làm cho phần mềm trở nên khả dụng hơn và giúp mọi người chuyển đổi dễ dàng hơn để có những sản phẩm tốt hơn”.

Tòa án Tối cao hiện đã khẳng định Google sử dụng thông lệ đó. Phán quyết này có thể giúp ngành công nghiệp phần mềm tiếp tục phát triển và không bị mắc kẹt trong các chương trình hoặc tiêu chuẩn lỗi thời. Dù thế nào đi chăng nữa, phán quyết đó cũng được coi là một thắng lợi to lớn cho các lập trình viên máy tính và người dùng, vốn là tất cả mọi người ngày nay.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.