Văn hóa Sa Huỳnh - Những bí ẩn dần sáng tỏ

Thứ Hai, 17/08/2009, 20:35
Tháng 7 vừa qua, dồn dập có những hoạt động kỷ niệm tròn 100 năm phát hiện văn hóa Sa Huỳnh. Một cuộc trưng bày hiện vật Sa Huỳnh ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, một hội nghị quốc tế diễn ra tại nơi được mệnh danh là quê hương của nền văn hóa này, tỉnh Quảng Ngãi. Bức tranh toàn cảnh về nền văn hóa này được vẽ nên các nét cơ bản, nhưng cũng còn đọng lại nhiều bí ẩn.

Bí ẩn từ những ngôi mộ chum

Người ta biết đến nền văn hóa này là những ngôi mộ chum, la liệt được phát hiện lần đầu ở cồn cát vịnh biển Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi vào năm 1909. Đến nỗi học giả người Pháp M. Vinet viết báo cáo về sự kiện này phải dùng từ "kho" chum, để nói đến khoảng 200 chiếc xuất lộ một lúc.

Ngay từ đầu, mọi người đã nghĩ đến những chiếc chum này là một dạng "quan tài gốm" chôn người chết. Chôn trong mộ chum cũng là nét đặc thù dễ phân biệt với các văn hóa khác của văn hóa Sa Huỳnh.Tuy nhiên, người chết được chôn trong chum như thế nào, lại là vấn đề còn nhiều bí ẩn.

Có ý kiến cho rằng, trong các mộ táng Sa Huỳnh không tìm thấy mộ nào có nguyên xương cốt người lớn hoặc xương cốt bị đốt cháy, vì thế khó có khả năng đây là những vò đựng tro xương người chết.

Có ý kiến lại cho rằng, người Sa Huỳnh có tập tục trả tử thi về với biển căn cứ vào tài liệu dân tộc học của một số cư dân ven biển như một số dân tộc ở Philippines mà ngày nay vẫn còn thấy. Đưa thi thể người chết về với biển có nghĩa là quan niệm con người từ biển sinh ra lại quay trở về với biển trong kiếp luân hồi. Xem ra, nhiều mộ chum không có dấu vết của tục hỏa táng. Xương cốt bị cháy không tồn tại, vì thế, khả năng chum gốm gắn với tục hỏa táng khó xảy ra.

Về khả năng đây là những ngôi mộ tượng trưng còn thi thể đã được trả về biển cũng khó giải thích được một điều là nhiều khu mộ thuộc văn hóa Sa Huỳnh nằm cách xa biển, thậm chí ở vùng núi như khu mộ Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thì người xưa trả thi thể người chết về biển bằng cách nào?

Chỉ đến khi cuộc khai quật Động Cườm, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định năm 2003 thì vấn đề mới được giải đáp. Trong số 46 chum gốm tìm được ở đây có thân hình trụ, đáy tròn, có nắp đậy được chúng tôi chọn ra 20 chiếc còn đo được kích thước và làm một cuộc thực nghiệm khoa học bằng cách chọn một nam giới có kích thước cơ thể trên trung bình của người Việt một chút:  chiều cao khoảng 1,7m và cân nặng khoảng 70kg để ngồi thu nhỏ cơ thể hết cỡ xem có bỏ lọt vào trong chum gốm không?

Bản đồ giả định con đường giao lưu văn hóa giữa cư dân Sa Huỳnh với cư dân Đông Sơn và một số cư dân thời cổ ở Cần Giờ (nam Việt Nam), Philippines, Đài Loan, Thái Lan...

Kết quả thực nghiệm cho thấy nếu trong tư thế ngồi bó gối, tay để trước ngực như cách chôn bó gối của người xưa, thì có số đo tối thiểu như sau: chiều cao 68cm, chu vi thân người (đoạn rộng nhất - đo qua đầu gối) là 136 cm, tương ứng với số đo đường kính là khoảng 43cm. Điều đó có nghĩa là nếu chum gốm có khả năng bỏ lọt người chết phải có kích thước lớn hơn các số đo này.

Thực tế cho thấy nhiều chum có số đo lớn hơn vậy, đã chứng minh rằng nhiều chum gốm Động Cườm là quan tài để chôn nguyên xác. Bằng chứng này lại được củng cố khi một mộ ở đây còn có dấu vết của mảnh xương sọ và xương răng không bị cháy đen, có thể loại ra khả năng qua thiêu đốt hỏa táng.

Vậy là qua cuộc khai quật này, chúng ta có đủ bằng chứng để nói rằng, phần lớn chum gốm có kích thước lớn của văn hóa Sa Huỳnh là để chôn theo nguyên xác người chết được bó gối. Trong cuộc khai quật Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, cũng tìm được một chum gốm có bộ xương trong tư thế nằm co như vậy.

Tuy vậy, cũng có một vấn đề chưa được giải mã: phải chăng một số ít (không phải tất cả) mộ chum được chôn cất một cách tượng trưng, chỉ để tưởng niệm người chết ngoài biển khơi, khi mà có tài liệu dân tộc học ở ngay đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, một nơi có văn hóa Sa Huỳnh, cho biết cách đây không lâu, khi có người đi biển mất tích thì bà con vẫn dựng mồ, có bia, nhưng không có xác người, gọi là "mộ gió"?

Cuộc sống thường nhật

Bề dày 100 năm nghiên cứu đã có thể dựng lại cuộc sống vật chất và tinh thần của người Sa Huỳnh. Đây là tộc người sử dụng nhiều đồ sắt hơn người Đông Sơn ngoài Bắc Bộ.

Trước đây, nhiều học giả cho rằng họ có biết đến đồ đồng, nhưng chưa có bằng chứng về việc đúc đồng tại chỗ. Thì với những phát hiện khuôn đúc có dính vết gỉ đồng, có thể thấy được họ cũng đúc được vật phẩm bằng đồng, mặc dù không thành thạo như người Đông Sơn và cũng có lẽ học được đúc đồng từ người Đông Sơn chăng?

Người Sa Huỳnh là một cư dân đi biển giỏi, một loạt các làng cổ ven biển, trên đảo, đã tìm thấy các vết tích của quá trình khai thác biển trong tầng văn hóa: những lưỡi câu, mũi lao bằng xương cá, vết tích những vỏ sò biển, xương cá, vỏ ốc biển vốn là thức ăn quen thuộc, các đồ gốm trang trí hoa văn mép vỏ sò.

Nhưng họ cũng là một cư dân biết trồng lúa, khi mà trong một cuộc khai quật gần đây, người ta đã tìm thấy bằng chứng của các hạt thóc bị cháy đen. Họ cũng biết làm đồ gốm, biết đan lát (tìm được dấu nan lóng mốt được in dấu trên một đồ vật bằng sắt), chế tác đá và thủy tinh.

Người Sa Huỳnh cũng không còn ở giai đoạn dùng chày đập vỏ cây để làm quần áo, mà họ đã biết dệt vải. Trong hai cuộc khai quật mới đây ở Động Cườm (Bình Định) và Gò Quê (Quảng Ngãi), các nhà khoa học đã tìm được một số mẫu vải còn bám lên đồ đồng, đồ sắt. Vải có sợi thô, dệt một sợi dọc xen với một sợi ngang, đếm được 12 x 14 sợi trong 1cm2.

Chất liệu vải và cách dệt khá giống mẫu sợi vải tìm được trong một mộ táng ở Làng Vạc thuộc văn hóa Đông Sơn, đã được phân tích là loại vải gai có tên khoa học là Boehmeria utilis hoặc B. Viridis. Bên cạnh dấu tích vải, các bằng chứng khác như tìm được nhiều dọi xe sợi, 10 chiếc khuy đồng có 4 lỗ để khâu đính vào áo đã là những bằng chứng hết sức thuyết phục rằng họ đã dệt vải thành thạo, biết may vá trang phục đẹp, có hệ thống áo cài khuy khá văn minh.

Mặt khác, việc tìm được vết vải lại cũng là bằng chứng cho thấy người xưa chôn nguyên xác chứ không phải hỏa táng vì quần áo không có vết cháy do hỏa táng.

Càng ngày với những cuộc thực nghiệm, phân tích khoa học trên những dấu vết mà người Sa Huỳnh để lại, càng thấy ngạc nhiên về cuộc sống văn minh của họ không kém bất cứ một tộc người nào ở khắp vùng Đông Nam Á thời đó.--PageBreak--

Bí ẩn từ những chiếc khuyên tai

Người Sa Huỳnh ưa đeo đồ trang sức, mà model trang sức của họ cũng khá độc đáo, thậm chí có những món nữ trang mà họ có... bản quyền. Nghĩa là chỉ họ sáng tạo ra và được mang đi trao đổi đây đó, các nhà khoa học nước ngoài cũng phải thừa nhận và coi đó là một dấu hiệu chắc chắn của nền văn hóa Sa Huỳnh.

Đó là những chiếc khuyên tai ba mấu nhọn làm bằng đá hay làm bằng thủy tinh. Bên cạnh đó còn có loại khuyên tai có hình hai đầu thú. Nhưng thú gì thì các nhà khoa học suốt gần... một thế kỷ qua, cứ bàn cãi dài dài mà chẳng đi đến kết luận được. Thế mới biết người Sa Huỳnh cũng có óc thẩm mỹ và nghệ thuật cách điệu ghê gớm.

Loại hình khuyên tai này cũng làm bằng đá quý hay thủy tinh, có móc hình vành khuyên để đeo vào tai, hai bên thân mô tả đầu một con vật có hai sừng, mắt dẹt và nổi rõ, miệng mở rộng. Có người cho là hình tượng của con dê hay là con sao la thuộc loại động vật quý hiếm trong Sách đỏ. Là con gì? Đó cũng là câu hỏi mà người Sa Huỳnh dành cho hậu thế hơn 2.000 năm mà chưa giải đáp được ngọn ngành.

Đôi khuyên tai ba mấu bằng thủy tinh tìm được mới đây trong một mộ còn xương răng người Sa Huỳnh ở Gò Quê, Quảng Ngãi.

Gần đây, một nhà khoa học nước ngoài cho rằng những chiếc khuyên tai độc đáo này được mang từ vùng đảo lân cận vào văn hóa Sa Huỳnh? Thực tế lại cho thấy các bằng chứng ngược lại: trong các địa điểm như Đại Lãnh (Quảng Nam), Cồn Ràng (Thừa Thiên - Huế) tìm được nhiều khuyên tai hai đầu thú, nhất là tìm được cả phế vật, phác vật nghĩa là chứng tích của một công xưởng sản xuất tại chỗ. Trong lúc nhiều vùng ngoài văn hóa Sa Huỳnh tìm được không nhiều lắm.

Người Sa Huỳnh còn ưa đeo các hạt chuỗi bằng đá mã não, óng ánh sắc đỏ hay các chuỗi hạt cườm đủ màu sắc, có hạt nhỏ li ti đường kính chỉ khoảng 1mm và được khoan lỗ đeo dây.

Những đồ trang sức này được ưa chuộng đến nỗi mà cách đây vài chục năm, chỉ cần một hạt chuỗi đá mã não cũng có thể đổi được một con trâu cho đồng bào 2 huyện Hiên và Giằng ở Quảng Nam.

Ngày nay, ai dạo bước đến vùng đồng bào dân tộc H'Rê, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi cũng còn thấy nhiều thiếu nữ đeo các vòng hạt chuỗi, hạt cườm hệt như người Sa Huỳnh. Và, đấy cũng là thêm một bằng chứng về sức sống Sa Huỳnh kéo dài vài ngàn năm, đọng lại ở một số dân tộc miền núi 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vốn cũng là địa bàn phân bố của nền văn hóa này.

Làm chủ Biển Đông

Người Sa Huỳnh thạo đi biển, không chỉ ở chỗ họ cư trú chủ yếu ở vùng duyên hải Trung Bộ mà họ còn lập làng lập xóm khá sầm uất trên đảo Lý Sơn (làng cổ Xóm Ốc, Suối Chình) nơi cách bờ khoảng 25 km.

Dân trên đảo xưa nay cũng khai thác vùng biển quanh vùng và quanh quần đảo Hoàng Sa của nước ta. Dân cư Lý Sơn cũng được triều Nguyễn thường xuyên cử đi khai thác và trấn giữ Hoàng Sa. Nhưng trước thời Nguyễn gần 2.000 năm, đã có những lớp ngư dân Lý Sơn khai thác vùng biển Đông quanh khu vực.

Một loạt sản vật biển còn để lại trong các tầng văn hóa của các làng chài quanh các vùng cửa sông Trà Bồng, Trà Khúc, vịnh biển Cam Ranh, Sa Huỳnh... đã cho thấy người Sa Huỳnh có một bộ phận lớn "bám biển" mà sinh sống. Họ không chỉ khai thác ven bờ mà có nhiều khả năng đã có những chuyến đi biển rất xa.

Bằng chứng để lại là có nhiều sản phẩm đặc trưng của Sa Huỳnh lại được mang đi các vùng biển rất xa. Đó là những chiếc khuyên tai hai đầu thú, ba mấu nhọn được tìm thấy ở địa điểm Uthong, tỉnh Suphanburi, ven bờ vịnh Thái Lan theo báo cáo của học giả Chin You-di năm 1978.

Khuyên tai Sa Huỳnh còn tìm được ở Campuchia trong vùng Samrongsen, ở Philippines, trong vùng Palawan, nam đảo Luzon trong hang Niah. Khuyên tai loại hai đầu thú còn thấy ở hang Duyon, cũng ở Palawan và ở đảo Botel thuộc vùng lãnh thổ Đài Loan. Có khả năng bằng con đường giao lưu trên biển mà khuyên tai Sa Huỳnh có mặt trên các vùng biển xa như vậy.

Cách đây gần 50 năm, học giả W.G. Solheim, người Mỹ đã tìm thấy khá nhiều đồ gốm Sa Huỳnh tại vùng Kalanay, Philippines, và ông cho rằng có thể người Sa Huỳnh đã mang đồ gốm đến đây. Nhiều học giả Philippines cũng đồng ý về nét tương đồng giữa đồ gốm hai khu vực như vậy thể hiện ở dáng gốm, hoa văn tô màu, hoa văn trổ lỗ thủng dưới chân đế...

Dựa trên loại hình khuyên tai ba mấu nhọn, hai đầu thú và đồ gốm, nhiều nhà khảo cổ đã giả định người Sa Huỳnh đã đến giao lưu văn hóa với đảo Palawan cực tây của Philippines có thể qua con đường ven biển qua Malaysia, Indonesia.

Hoặc cũng có thể họ băng ngang qua biển Đông để đến hòn đảo này. Nhưng đường biển nào cũng qua quần đảo Trường Sa của nước ta. Về một góc độ nào đó, người Sa Huỳnh đã khai thác và làm chủ biển Đông khá giỏi vào thời điểm cách đây hơn 2.000 năm.

Ba trung tâm Sa Huỳnh - Đông Sơn - Óc Eo cùng thời?

Vào dịp này, trên một vài tờ báo in và báo mạng nói đến có ba trung tâm văn hóa cùng thời là Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Óc Eo ở miền Nam. Không rõ một số phóng viên tự "sáng tác" ra hay là một sự bất cẩn? Nhiều khi sự bất cẩn này sẽ làm cho các học giả ngoài nước và trong nước rất ngạc nhiên.

Thực ra với văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn là đồng đại thì đúng rồi, còn văn hóa Óc Eo (đặt tên theo địa điểm Óc Eo ở xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) không thể đồng đại được vì nền văn hóa này mang một bản sắc khác và thuộc về một thời đại khác, muộn hơn văn hóa Sa Huỳnh.

Có chăng, đồng đại và điển hình cho văn hóa thời đại Kim Khí ở vùng Nam Bộ bấy giờ phải là văn hóa Dốc Chùa, hay còn gọi là văn hóa Đồng Nai phân bố ở miền Đông Nam Bộ

PGS.TS Trịnh Sinh
.
.