Văn hóa giao thông - không chỉ trông chờ sự tự giác!

Thứ Tư, 23/09/2009, 22:45
Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên nhiều khía cạnh. Ở các quốc gia đã phát triển tới trình độ cao, văn hóa trong tham gia giao thông trở thành một thói quen, trở thành sự đương nhiên. Ai làm trái với cái đương nhiên ấy, sẽ trở nên lạc lõng giữa cộng đồng. Còn ở các đô thị của ta, thói quen ấy thực sự còn chưa bắt đầu.

Chưa bao giờ an toàn giao thông lại được quan tâm chú ý nhiều như những ngày đầu tháng 9/2009 này. Đến đâu người ta cũng bắt gặp nhan nhản thông tin liên quan đến sự kiện Tháng An toàn giao thông với chủ đề “Văn hóa ứng xử trong tham gia giao thông”. Vẫn biết vấn đề lớn của xã hội khó có thể được giải quyết trong thời gian ngắn như vậy, nhưng một khi nhận được sự đồng thuận của xã hội, nhà nhà văn hóa giao thông, người người ý thức khi tham gia giao thông thì một kết quả khả quan hơn là điều hoàn toàn có thể nghĩ đến.

1. Một cách sòng phẳng mà nói, những nội dung bao hàm trong văn hóa giao thông, tuy bây giờ, cùng với sự phát triển của xã hội, đã mang nhiều màu sắc hơn, đa khía cạnh hơn nhưng trong tiềm thức của mọi người không phải là chưa từng có. Người Hà Nội xưa, đang đi trên đường bắt gặp xe đưa tang đều dừng xe, xuống xe ngả mũ thể hiện sự chia sẻ với gia quyến cũng như thái độ tôn trọng, kính cẩn đối với người đã khuất. Hà Nội xưa, lên xe điện hay các phương tiện giao thông công cộng khác thì người già, phụ nữ và trẻ em, cứ theo thứ tự đó mà ưu tiên, khỏi phải thắc mắc. Ngay cả cái việc đơn giản nhất như xếp hàng thì người ta vẫn tôn trọng nhau như là một cách thể hiện trình độ văn hóa rất cao, dù nhiều khi chỉ là một... viên gạch.

Nói như thế để thấy, rõ ràng sự xuất hiện và tồn tại của văn hóa trong giao thông hay như trong nhiều lĩnh vực khác phải xuất phát từ sự tồn tại trong ý thức con người trước đã, chứ khó mà cứ đổ lỗi mãi cho cái gọi là kinh tế thị trường như bấy lâu nay người ta vẫn "hào phóng" ban cho nó. Bởi thế nên phải khẳng định ngay rằng, việc phát động và cơ bản đã giành được sự quan tâm nhất định để tái xây dựng văn hóa ứng xử trong tham gia giao thông tại các đô thị lớn đến thời điểm này, vào lúc này là vô cùng cần thiết.

Một cách cụ thể hơn, thử nhìn vào những nội dung chính cho Tháng An toàn giao thông lần này và làm một phép so sánh. Đối với người trực tiếp tham gia giao thông trên đường, sẽ có 3 tiêu chí cần phải được xây dựng lại. Thứ nhất, người tham gia giao thông phải hiểu biết đầy đủ, đúng các quy định pháp luật về giao thông, về đảm bảo an toàn trong giao thông, và phải tự giác chấp hành các quy định đó. Thiệt hại khi tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Có thái độ tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ người khác. Và cuối cùng, người tham gia giao thông phải có ứng xử văn minh, lịch sự, có văn hóa khi xảy ra va chạm và phải tự giác chấp hành xử phạt của các lực lượng chức năng nếu bị xử lý.

Làm gì có sự nhường nhịn ở đây? (Ngã 4 đầu cầu Khương Hạ gần như sáng và chiều nào vào giờ cao điểm cũng tắc. Đường đẹp, cầu đẹp, chỉ một chỗ giao nhau "lởm khởm" là người tham gia giao thông phải hứng chịu).

Viễn cảnh là vậy, nhưng thực tế tham gia giao thông hiện nay, người ta bắt gặp vô số những "nghịch cảnh". Đường hơi ùn lại một chút là người sau tranh nhau nhao lên phía trước, bất chấp phần đường để rồi chính cái sự nhốn nháo ấy lại càng làm cho đường thêm tắc chỉ trong phút chốc. Ôtô lấn vào làn của xe máy. Xe máy tạt ngang "cướp đường" ngay trước đầu ôtô. Khái niệm làn đường gần như không có trong "tự điển" giao thông đô thị. Vỉa hè trở thành lối thoát hiểm duy nhất nhưng rồi cũng chẳng được lâu. Đường đã hẹp thì chớ, tự người tham gia giao thông bít đường của nhau thì đi thế nào? Rõ ràng đây phải là ý thức của người tham gia giao thông, chứ đường thế mà mở rộng nữa nhưng tự người tham gia giao thông bít đường của nhau thì cũng chẳng có kết quả khác được.

Lấy ví dụ trên địa bàn Hà Nội, nơi mà cơ sở hạ tầng giao thông đang lâm vào tình trạng quá tải trầm trọng, PGS-TS Phạm Duy Đức, Học viện Hành chính Quốc gia, trong diễn đàn xây dựng "Văn hóa giao thông Hà Nội" mới đây do UBND thành phố tổ chức, đã cho rằng xây dựng và phát triển văn hóa giao thông ở Hà Nội là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có tầm nhìn bao quát và tổng thể. Ông Đức nhấn mạnh cần chú ý tới đặc điểm và truyền thống văn hóa, lịch sử, tâm lý, tập quán được hình thành lâu dài với cả mặt mạnh và yếu để tìm ra giải pháp thích hợp.

2. Chủ đề Tháng Văn hóa giao thông lần này được đưa ra với những tiêu chí đã được cụ thể hóa khá rõ ràng, dễ hiểu. Nếu đi bộ, người tham gia giao thông hãy đi trên vỉa hè hoặc đi sát lề đường bên phải nơi không có vỉa hè, sang đường đúng nơi quy định.

Nếu đi trên xe môtô, phải điều khiển xe đi bên phải theo đúng chiều quy định, đi đúng phần đường, làn đường quy định. Bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm đối với người lớn. Trẻ em dưới 6 tuổi không bắt buộc, nhưng khuyến khích trong các trường hợp đi xa, hoặc qua các cung đường ngoại ô.

Đối với người điều khiển xe ôtô, phải thắt dây an toàn đối với các vị trí có dây an toàn. Tuân thủ quy định về tốc độ, và dừng, đỗ xe đúng nơi quy định. Không lái xe khi nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép.

Người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp. Bản thân phương tiện giao thông được sử dụng lưu thông trên đường phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường và nhường đường cho người đi bộ.

Cầu Khương Hạ, cầu tắc thì người đi bộ cũng... tránh ra.

Nói một cách ngắn gọn, văn hóa giao thông là tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên nhiều khía cạnh. Ở các quốc gia đã phát triển tới trình độ cao, văn hóa trong tham gia giao thông trở thành một thói quen, trở thành sự đương nhiên. Ai làm trái với cái đương nhiên ấy, sẽ trở nên lạc lõng giữa cộng đồng. Còn ở các đô thị của ta, thói quen ấy thực sự còn chưa bắt đầu.--PageBreak--

Một trong những thói quen ấy là người tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, biết tôn trọng, nhường nhịn người khác. Hưởng ứng chủ đề này, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho rằng Văn hóa giao thông là tấm gương phản ánh trình độ văn hóa của một đô thị, là một trong những yếu tố của phát triển. Ông Tân đưa ra 5 tiêu chí cho người tham gia giao thông hiện nay. Tuy nhiên, ông Tân còn nhấn mạnh thực tế cho thấy từ việc va quệt giữa những người tham gia giao thông dẫn tới xô xát lớn, thậm chí xảy ra án mạng trên địa bàn thành phố trong thời gian qua là một dấu hiệu đáng báo động.

Một cách khác để thể hiện nét văn hóa trong giao thông, đó là phải biết tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông gặp hoạn nạn. Biết giúp đỡ người tàn tật, trẻ em, người cao tuổi để hướng tới một xã  hội giao thông an toàn, thân thiện. Đối với cư dân sinh sống ven các trục, lộ giao thông qua lại không được lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt cũng như đường thủy. Không sử dụng vỉa hè, lòng đường để buôn bán hàng hóa. Ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như rải đinh trên đường, ném đất đá lên tàu hỏa, xả rác, nước thải ra đường... Tuy nhiên, chế tài cụ thể để xử lý những vi phạm này cũng như đơn vị nào sẽ đứng ra làm việc này thì lại chưa được tuyên truyền rộng.

Xin nêu một ví dụ: Ngay sáng 10/9 vừa qua, vào đúng cái hôm mà cuộc phát động Tháng Văn hóa giao thông của Hà Nội đi được một phần ba chặng đường, ngay đầu phố Trần Hưng Đạo nối trước cửa Ga Hà Nội, một con chuột mới chết bị người ta vứt ra giữa đường, xe cán phải phòi cả ruột gan phèo phổi, tanh um cả ngã ba. Nhưng cũng chẳng ai quan tâm, và cũng không biết cái xác chuột chết ấy còn nằm đấy đến bao giờ, hay là lại phải chờ một trận lụt mới để gột sạch? Đấy là giữa trung tâm thủ đô, chứ nếu đi ra các vùng ven hoặc các khu đường nhỏ hơn, thì cái cảnh xác con chuột lông da xơ xác, bị xe cán phẳng lỳ trên mặt đường chẳng phải hiếm.

Ở nước ngoài, vứt cái đót thuốc lá ra đường mà bị bắt gặp thì bị phạt mất gần cả tháng lương, chưa chừng còn bị đưa về đồn giam mấy tiếng đồng hồ. Thế mà giữa đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, chuột chết, rác thải người ta còn quẳng ra đường, thì cái đót thuốc lá chắc chẳng có nghĩa lý gì!?

3. Theo thông tin từ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, toàn thành phố có tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 6.653km, 2.164 điểm giao cắt, hơn 1.400 ngã ba, 756 ngã tư và 23 ngã năm trở lên. Hà Nội có 6 tuyến đường sắt đi qua và đi về các tỉnh với tổng chiều dài gần 150km, 706 điểm đường ngang đường sắt, 160 chợ, 118 trường đại học, cao đẳng và 787 trường phổ thông các cấp.

Bên cạnh một khối lượng lớn yếu tố gây xung đột giao thông nói trên thì tổng số lượng phương tiện tham gia của Hà Nội cũng rất lớn. Thành phố hiện có khoảng hơn 300 nghìn xe ôtô, 3,5 triệu môtô, xe gắn máy trên điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hề tương xứng. Một trong những yếu tố gây ùn tắc giao thông thường xuyên là bởi đa số hệ thống trường học, bệnh viện, nhà máy, khu hành chính đều tập trung ở vài quận nội thành nên mật độ dân số cục bộ và lưu lượng giao thông thường xuyên trên một số tuyến đường đã gần như không thể kiểm soát.

Người đàn ông này vừa bị chiếc taxi phía sau húc phải, đang quay lại mắng mỏ người lái taxi. Cô bé gái ngồi sau sợ hãi, ôm lấy bố khóc ré lên (ảnh chụp trên cầu Khương Hạ).

Trong 6 tháng đầu năm 2009, lực lượng Cảnh sát giao thông thủ đô đã kiểm tra xử lý 171.807 trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 23 tỉ đồng, tạm giữ 3.669 các loại phương tiện và khoảng 37.000 giấy tờ, tước 1.285 giấy phép lái xe. Cũng trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố xảy ra 459 vụ tai nạn giao thông, làm chết 396 người, bị thương 146 người. Như vậy bình quân 1 ngày, TP Hà Nội xảy ra 2,51 vụ tai nạn giao thông, làm 2,18 người chết trong khi cả nước xảy ra 33.16 vụ tai nạn giao thông làm 31,43 người chết.

Còn riêng trong những ngày đầu của Tháng Văn hóa giao thông, Phòng CSGT Công an Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 8.722 trường hợp, phạt thành tiền 1.249.667.000 đồng. Tạm giữ 491 phương tiện 1.637 bộ giấy tờ. So với tuần cùng thời gian trước liền kề tăng 1.171 trường hợp. Như vậy là các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng CSGT đã có rất nhiều cố gắng.

Trong một loạt các thông tin được đưa ra từ Phòng CSGT Công an Hà Nội, có một thông tin đáng lưu ý: Lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 173 trường hợp học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi điều khiển xe môtô; đã gửi 145 thông báo đến các trường học có học sinh vi phạm, tuy nhiên cho đến nay, Phòng PC26 vẫn chưa nhận được công văn phản hồi nào. Vậy là nhà trường không quan tâm hay học sinh không biết sợ?

Nhưng dù là gì, thì cũng phải thừa nhận một thực tế rằng kỷ cương trong tham gia giao thông chỉ xuất hiện một cách hãn hữu. Đã trở nên không hiếm những cảnh, thanh niên trên xe môtô chở 2, chở 3, mắt trước mắt sau không thấy công an là vọt. Đường ùn tắc, mạnh ai người nấy len, vì có đi đúng phần đường thì chẳng biết đến bao giờ. Hạ tầng cơ sở giao thông quá tải thêm tâm lý a dua, một người làm được thì... tất cả cùng "xông lên" đã trở thành phổ biến trong tham gia giao thông hiện nay. CSGT được giao nhiệm vụ xử lý các lỗi vi phạm nhưng không phải không có những lúc chính họ lại ngại va chạm với những phần tử lơ láo bắt gặp. Bức tranh lộn xộn ấy, liệu có vẽ lại được không?

Việt Anh
.
.